Đây là hậu quả của việc phân cấp quyền hành cho địa phương tha hồ tung tự tác. Đây cũng là hậu quả của một đất nước không may lọt vào tay những trọc phú hám lợi và ít học. Cái giá phải trả, đúng hơn không thể nào trả nổi, là như thế đấy.
(Tamnhin.net) – Những khu đô thị bắt đầu mọc lên, những công viên, nhà hàng, quán cà phê… cũng hình thành dần trong những tán rừng. Cứ thế những tán rừng thông xanh Đà Lạt đang dần dần biến mất trong nội ô phố núi.
Kỳ 1: Thông xanh “xa dần” thành phố
Thông Đà Lạt là hệ sinh thái nuôi dưỡng cho Đà Lạt trở thành một trong những thành phố có khí hậu mát mẻ nhất Việt Nam. Một loại cây đặc hữu của xứ sở cao nguyên đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Thông đã đem đến cho Đà Lạt những gì đẹp và thơ mộng nhất. Nhưng giờ đây những cánh rừng thông nội ô đang mất dần, những bóng thông ngút ngàn một màu xanh giờ cũng chỉ là hoài niệm. Đà Lạt đang đổi thay.
Những khu đô thị bắt đầu mọc lên, những công viên, nhà hàng, quán cà phê… cũng hình thành dần trong những tán rừng. Cứ thế những tán rừng thông xanh Đà Lạt đang dần dần biến mất trong nội ô phố núi.
Rừng thông đâu?
Nỗi lòng đó là câu hỏi của biết bao nhiêu người đã đặt ra khi trở lại với Đà Lạt bất giác thấy khí hậu đã đổi thay, thấy quang cảnh đã không còn như cũ. Người Đà Lạt từng tự hào “Đà Lạt là thành phố trong rừng, là thành phố của thông reo”, thế nhưng nay du khách luôn tìm những cánh rừng thông thì đã không còn. Nó đã mất và nó đã bị đẩy ra xa thành phố ồn ào, náo nhiệt đang hình thành bên bờ hồ Xuân Hương. Nhiều người buột miệng “thành phố đây! Nhưng rừng thông đâu?”.
Những bóng thông dần dần thay thế là nhà cao tầng, là khu đô thị, là nhà hàng, cà phê, phân lô bán nền… Người ta có thể chặt hạ bất cứ những gốc thông cổ thụ nào để giải tỏa, để xây dựng theo nhịp đập “đô thị hóa” trong quy hoạch chung của thành phố. Thế nhưng, nó đã vô tình đánh mất cái “quý nhất” của Đà Lạt là hệ thống nuôi dưỡng nó bấy lâu nay: thông.
Trở lại Đà Lạt sau 5 năm, một người bạn tôi ở Hà Nội sững sờ khi Đà Lạt đã thay đổi quá nhanh. Anh bảo: “Lần đầu tiên tôi vào với thành phố này, thông ở đây (chỉ khu vực trung tâm) vẫn còn nhiều lắm, tôi hay đi giữa bóng thông nhưng giờ thì trung tâm TP, thông chẳng còn bao nhiêu”.
Ông Trần Văn Bảy, một người dân sống lâu năm ở đường Bùi Thị Xuân xót xa: Đà Lạt hết thông rồi, giờ muốn tìm một cánh rừng thông thật đẹp để ngồi chơi hay chụp hình thì chạy dọc về phía ngoại ô sẽ thấy chứ tìm trong thành phố thì “mỏi mắt mới thấy”, ông cho biết thêm người dân Đà Lạt tự hào về thông lắm, yêu quý nó lắm nhưng đôi lúc cũng vì quyền lợi trước mắt mà giết nó, xâm hại nó, nhìn mà xót.
Đứng trên khu đường Đống Đa, cạnh quán cà phê Đà Lạt Night, một trong những điểm cao nhất Đà Lạt nhìn xuống là nhà hộp bê tông, nhà cao tầng, khu chung cư… chen chúc nhau một cách ngột ngạt, thỉnh thoảng thấp thoáng một bóng thông nào đó nằm lẻ loi giữa trời. Anh bạn đồng nghiệp làm cùng một tờ báo tôi bảo, “thông ở đâu đổ là bình thường, chứ thông ở Đà Lạt đổ là chuyện lớn đấy, bạn đọc cả nước đều quan tâm chứ không riêng gì người dân Đà Lạt đâu”. Nói thế mới thấy thông Đà Lạt nó quan trọng thế nào.
Hấp hối
Cách đây một năm, nhìn những gốc thông cổ thụ vừa bị đốn hạ bên công viên Xuân Hương mà nhiều người thấy xót xa, hụng hẫng. “Thông to vậy sao chặt uổng anh ơi ?” .”Đốn đi chứ nó già quá rồi”, anh công nhân đáp. Thế nhưng, gốc thông vẫn còn tươi rói, xanh tươi rắn chắc… và chỉ sau đó vài tháng khu vực đó đã mọc lên một “xế hộp bê bông” sừng sững.
Mùa mưa bão vừa qua, không có năm nào mà hàng trăm gốc thông cổ thụ cũng như thông mới trồng đã bị “bão đánh tan tành, gãy đổ và gây chết nhiều người” đến thế. Chính vì lí do đó mà những gốc thông nằm trong “diện nguy hiểm” đều được huy động đốn hạ. Và sau đó hàng trăm lá đơn của người dân xin chặt hạ thông để tránh gây nguy hại đã được trình lên các ban ngành chức năng.
Không chỉ mùa mưa bão, những căn nhà đã mọc lên len lỏi trong những rừng thông, cùng với nó là những “gốc thông chết khô” bỗng dưng nhiều hơn. “Thông chết rồi thì dễ gây nguy hiểm, vả lại nên chặt để trồng cây mới, cứ thế những cây thông chết khô sẽ dễ dàng được chặt hạ một cách hợp pháp” một người dân cho biết. Họ tìm mọi cách để cho thông chết như chặt gốc để cây ứa nhựa, đốt gốc….
Trên con đường Trần Quang Diệu, một khu vực rừng cảnh quanh cấm chặt hạ, tuy nhiên, nhiều cây thông bật rễ, những gốc thông cổ thụ đã bị đốt gốc đen xạm, quanh đó là những cây thông chết khô. Đi vào sâu sau Dinh 1, thấp thoáng dưới bóng thông là những ngôi nhà, bên cạnh những cây thông khô, những cây thông trơ lá. Men theo con đường được mở xuyên qua cánh rừng thông vào sâu bên trong, hàng trăm gốc thông bị đốn hạ để lấn chiếm đất, trong đó nhiều gốc thông còn rất trẻ vẫn còn dấu tích nhựa ứa tươi rói.
Trên những tuyến đường khác như 3-4, Trần Phú, Hồ Tùng Mậu…cũng dễ dàng bắt gặp những cây thông chết khô chờ xin phép đốn. Đó là chưa nói đến khi những dự án mới được phê duyệt trong những cánh rừng thông thì họ “vô tư” tận diệt để mọc lên những khu biệt thự, khu du lịch sinh thái, sân golf… khi đó những bóng thông cũng sẽ được thay thế dần.
MK
Nguồn: http://tamnhin.net/Viet-Nam-Xanh/1639/Tuyet-pham-rung-thong-Da-Lat-dang-keu-thet.html