TS Đinh Hoàng Thắng
Một nhà ngoại giao xuất sắc có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc, một lão thành cách mạng từng khuyên Đảng và Nhà nước nên từ bỏ Cương lĩnh, từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê nin, vậy mà việc tiễn đưa Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh về trời sáng 2/1/2020 vẫn diễn ra khá suôn sẻ. Chính quyền đã dành cho Cụ nghi thức “lễ tang cấp cao”. Hàng trăm các tổ chức, cá nhân, từ đại diện cơ quan đoàn thể đến các tổ chức dân sự, từ NO-U đến bà con Dương Nội, không chỉ có mặt ở Nhà tang lễ mà còn đưa Cụ về tận Đài hoá thân hoàn vũ.
Một đảng viên 80 năm tuổi đảng, sinh thời Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh từng có hàng trăm bài phân tích và cảnh báo về các âm mưu và thủ đoạn trước mắt cũng như lâu dài của Trung Quốc làm suy yếu Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, trên mọi khía cạnh và ở mọi cấp độ… Đó là lược qua một số điểm nhấn từ Hồi ký “Kể lại cuộc đời” của Cụ; còn để thấu hiểu tấm lòng của một lão tướng bình dân cho đến cuối đời vẫn đau đáu đối với vận nước, hãy đọc cuốn Hồi kỳ ấy! Từng làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc 13 năm có lẻ, Cụ Vĩnh đã xuống đường cùng với người dân thủ đô biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam, thể hiện bản lĩnh của một chính khách, một nhà hoạt động xã hội siêu đặc biệt. Đáng kính nể và đáng khâm phục! Sự về cõi của Cụ giống như một ngôi sao băng vừa vụt qua trên bầu trời ảm đạm. Đúng như suy tưởng của GS. Tương Lai: Ngôi sao băng ấy tuy đã tắt nhưng ánh sáng của nó sẽ còn soi rọi mãi tới nhiều thế hệ mai sau!
Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh dường như là Uỷ viên Trung ương cuối cùng từ đại hội ĐCSVN lần thứ 3, từ năm 1960 còn sót lại. Chỉ còn mấy ngày nữa là Cụ bước vào năm thứ 105 trên dương thế – nghĩa là sống và hoạt động vắt ngang hai thế kỷ. Đám tang của Cụ phải chăng là hình ảnh hoà đồng hiếm thấy giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức dân sự trong việc đưa tiễn một nhà ngoài giao, một lão tướng đầy bản lĩnh về trời? Đám tang Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh dường như đã hội đủ một số điều thần tình để chúng ta cùng suy nghiệm…? Suy nghiệm với tư cách là cá nhân hoặc cả cộng đồng? Từ rất lâu Cụ đã kiến nghị với ĐCSVN, hãy tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. Xem thế để thấy thật là một sự lạ lẫm, khi vòng hoa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được đưa vào Nhà tang lễ (hẳn nhiên không cùng một lúc) cùng với vòng hoa của Câu lạc bộ Hiếu Đằng, của NO-U, của bà con Dương Nội… và của nhiều tổ chức xã hội dân sự khác. Nhóm CHTV cũng được phép livestream từ đầu đến cuối đám tang. Nếu không có một vài vòng hoa bị “quên” trên sân thì những câu hỏi nêu trên có thể trở thành điều khẳng định!
Trong điếu văn của Bộ Ngoại giao, chỉ nhớ một đoạn: “Đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh là một nhà ngoại giao tài giỏi, bản lĩnh, sâu sắc, người đồng chí, đồng đội gần gũi, chân thành, công tâm, bao dung và độ lượng”. Điếu văn của Bộ Ngoại giao cũng đánh giá cao đóng góp của Cụ vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là một người lính mặc áo ngoại giao và cũng là một nhà ngoại giao khoác áo lính, Cụ Vĩnh chắc chắn là vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền duy nhất của Việt Nam cho đến nay có nhiệm kỳ dài nhất ở sở tại. Và có lẽ cụ cũng là vị đại sứ duy nhất dám có thái độ cứng cỏi đối với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi vị thứ trưởng ấy đại diện cho chính sách bành trướng đã có những phát ngôn “không được chấp nhận” (not acceptable) trong thời điểm hai nước có chiến tranh. Theo lệ thường, những lúc gay cấn như thế Bộ Ngoại giao sở tại đã áp dụng quy tắc “persona non grata” (nhân vật không được hoan nghênh) với một đại sứ cứng rắn như Cụ. Nhưng dạo ấy, do quan hệ Trung – Việt có nhiều thông điệp không thể chuyển qua bên thứ ba nên Trung Quốc đã “cắt cầu” mà vẫn phải giữ quy chế ngoại giao của Cụ Vĩnh.
Sinh thời, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng là một nhà lãnh đạo xuất sắc về ngoại giao và là cấp trên của cụ Vĩnh, nhưng chỉ vì một phát biểu có vẻ hơi nghịch nhĩ một chút với thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Từ Đôn Tín, ngay lập tức đã lãnh những hệ quả đáng tiếc. Bắc Kinh sau đó đã gạt ông Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi tiến trình bình thường hoá quan hệ Trung – Việt. Đấy là chưa kể đến đến những bài học bi tráng khác trong lịch sử, khi vị sứ thần Giang Văn Minh chỉ vì “bất nhục quân mệnh” (không để nhục mệnh vua), do đối đáp một cách cương trực trước triều đình Trung Quốc đã bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, lúc 65 tuổi. Tuy nhiên, đối với Cụ Vĩnh, Cụ đã phải vận hết “nội công” kiềm chế để không bị cuốn vào các trò phi ngoại giao vô lối, luôn dùng lời lẽ, ngôn từ thích hợp và đích đáng để đập lại đối phương, buộc họ phải “rút dù”. Và cũng khác với trường hợp ông Nguyễn Cơ Thạch, nhà ngoại giao Nguyễn Trọng Vĩnh đã tồn tại được qua 3 đời Tổng Bí thư: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh; Đảng và Nhà nước Việt Nam những năm tháng ấy không chỉ đứng về phía Cụ, mà còn vinh danh vị đại sứ vô tiền khoáng hậu ấy, bằng nhiều huân huy chương các loại.
Không chỉ là một nhà ngoại giao thâm thuý, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh còn là một lão tướng đầy bản lĩnh. Khi đi quanh linh sàng Cụ, chúng ta không thể không liên tưởng tới hình ảnh người lính già trong thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông:“Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Cụ không chống Trung Quốc với tư cách cá nhân, cụ chống chính sách bành trướng và bá quyền của Bắc Kinh trên tư cách là một nhà ngoại giao từng có 13 năm kinh nghiệm trực tiếp trên thực địa. Từ những trải nghiệm của một người lính về chiến tranh và hoà bình, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã ý thức sâu sắc về sự trường tồn của dân tộc, qua những kiến nghị gửi lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhưng thật đáng tiếc, cho đến nay, không một đề nghị xây dựng nào của Cụ được hồi âm và được lắng nghe. Cùng chung số phận với mọi kiến nghị của các cá nhân cũng như các tổ chức xã hội dân sự khác nhau gửi lên lãnh đạo các cấp, tất cả đều rơi vào yên lặng… Nói cho công bằng, một lần duy nhất đến thăm Cụ tại tư gia, đại diện của Thành uỷ Hà Nội đã thuyết phục Cụ rút khỏi Kiến nghị 61, nhưng đã bị Cụ bác bỏ, có lý có tình.
Cũng may, trong đám tang sáng nay, chúng ta không hề chứng kiến những cảnh dằng co vứt bỏ vòng hoa hay các hành vi cố ý ngăn không cho mang trướng phúng vào nhà tang lễ viếng Cụ. Mọi chuyện dường như được tất cả các bên hiểu ngầm và tôn trọng nhau. Phía Nhà nước, thấy ít có sự lượn lờ gây khó dễ của các loại công an chìm nổi, còn từ phía xã hội dân sự, cũng không thấy xướng danh các tổ chức khiến Chính quyền khó chịu. Tất cả đều trang nghiêm, trật tự, làm đúng thủ tục theo hướng dẫn của Ban Tổ chức. Nghĩa tử là nghĩa tận! Vậy là đã không có những sự cố đáng tiếc lớn xẩy ra như trong một số đám tang trước đây của các nhân sĩ trí thức. Biết đâu, qua đám tang này, Nhà nước rút ra được một số kinh nghiệm bổ ích nhất định để hoá giải bớt phàn nào những căng thẳng không cần thiết giữa chính quyền và các tổ chức dân sự, ít nhất là trong thời khắc tổ chức các đám hiếu chính thức. Nếu đạt được một đồng thuận xã hội nào đấy, như trong đám tang hôm nay, hình ảnh của đất nước và của chính quyền đối với người dân, cũng như đối với cộng đồng quốc tế sẽ tốt đẹp và dễ chấp nhận hơn!
Người xưa khuyên “Lão giả an chi” (Đã già thì ngơi nghỉ). Ở vào tuổi siêu xưa nay hiếm, Cụ vẫn không nghỉ, vẫn theo dõi tình hình đất nước, nội tình của Đảng. Những góp ý và phản biện của Cụ nóng bỏng thời sự, chứa chan lòng yêu nước, thương dân, đầy trí tuệ sắc bén. Những bài viết ấy chứa đựng một nhân cách sống giản dị và thanh cao, sống động và lan tỏa trong xã hội hôm nay, đồng thời truyền cảm hứng cho các thế hệ nối tiếp, dấn thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân (FB. Mạc Văn Trang). Hai giai đoạn nổi bật trong hoạt động ngoại giao: làm cố vấn cho Lào và làm đại sứ cho ta ở Trung Quốc, Cụ Vĩnh thật xứng đáng với câu đối của con gái yêu, Trung tá Quân đội Nguyễn Nguyên Bình đề tặng: Làm cố vấn miền Tây, ghi lời Bác không làm “lão Toàn quyền”, luôn nhớ chữ “Chủ quyền của Bạn”/ Đi Đại sứ nước Tàu, thuận lòng Dân chẳng ngại “người Đại quốc”, giữ trọn điều “Quốc thể về ta”. Hôm nay… Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội đã không đến viếng Cụ Vĩnh, chỉ cho người mang vòng hoa đến Nhà tang lễ! [Theo thông tin xác minh lại thì vòng hoa cũng không có, đó chỉ là sự nhầm lẫn ban đầu của người đưa tin (Nghệ sĩ Kim Chi) – BVN] Vậy mà chỉ còn mấy ngày nữa là kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Việt. Hôm nay… Ngày đưa Cụ Vĩnh về Trời, dặn người ở lại tiếp đời đấu tranh! Không rõ sinh thời Cụ có quan niệm “hạnh phúc là đấu tranh”, hay do hoàn cảnh đưa đẩy? Nhưng cũng có thể đấy là điều duy nhất còn sót lại từ Các Mác, sau khi Cụ đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã đến lúc nên giã từ Chủ nghĩa Mác – Lên nin!
Đ.T.T.
Tác giả gửi BVN