Hồi trung tuần tháng 11-2009, trong một quyết định chưa từng có tiền lệ, một thẩm phán Tây Ban Nha đã truy tố 5 quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì vai trò của họ trong tội ác tra tấn và diệt chủng Pháp Luân Công, một môn tu dưỡng tinh thần với các bài động tác khí công và nguyên lý tinh thần Chân Thiện Nhẫn.
Sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm, thẩm phán của Tòa án quốc gia Tây Ban Nha, ông Ismael Moreno đã thông báo cho luật sư Carlos Iglesias của Quỹ Luật Nhân quyền (HRLF) rằng Tòa án đã nhận được một đơn kiện truy tố các bị can với cáo buộc tra tấn và diệt chủng. Theo bản thông báo, với việc thực hiện tội ác diệt chủng, các bị can phải đối mặt với 20 năm tù giam và có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại kinh tế cho các nạn nhân.
Các bị can có từ 4-6 tuần để trả lời và có thể phải đối mặt với sự dẫn độ nếu họ đi tới một đất nước có hiệp ước dẫn độ với Tây Ban Nha. Quyết định này được thực hiện đúng theo nguyên tắc thực thi pháp lý của thẩm quyền phổ quát – nguyên tắc cho phép tòa án bất kỳ nước nào cũng có thể thụ lý những vụ án liên quan đến các tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người, không phân biệt nơi chúng xảy ra.
“Quyết định mang tính lịch sử này của thẩm phán Tây Ban Nha có nghĩa rằng các lãnh đạo ĐCSTQ – những người phải chịu trách nhiệm cho các tội ác tàn bạo, giờ đây đang tiến gần hơn tới việc bị đưa ra công lý,” theo lời ông Iglesias. “Khi một người phạm phải tội ác diệt chủng hay tra tấn, đó là những tội ác chống lại toàn bộ cộng đồng quốc tế chứ không chỉ chống lại các công dân Trung Quốc. Tây Ban Nha đang nổi lên như là một người bảo vệ nhân quyền và công lý phổ quát.”
Trong số các bị cáo là cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân – người được thừa nhận rộng rãi là kẻ chủ mưu trong chiến dịch được phát động vào năm 1999 nhằm “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công. Cũng phải đối mặt với cáo buộc là La Cán, người đứng đầu Phòng 610 – một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm bí mật trên toàn quốc, dẫn đầu chiến dịch bạo lực. Các luật sư Trung Quốc đã so sánh Phòng 610 tương đương với Gestapo của Đức Quốc xã về mức độ tàn bạo và thẩm quyền đứng trên cả luật pháp.
Ba bị cáo khác là Bạc Hy Lai, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh và cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại; Giả Khánh Lâm, một trong bốn thành viên cao nhất trong hệ thống Đảng; và Ngô Quan Chính, Bí thư Ủy ban Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ. Các cáo buộc chống lại họ là dựa trên vai trò chủ động của họ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, khi họ còn là các quan chức hàng đầu tại tỉnh Liêu Ninh, Bắc Kinh và tỉnh Sơn Đông.
Phản ứng của thế giới trước quyết định của Tòa án Tây Ban Nha
Đối diện với thông tin này, chủ tịch của tiểu Ban nhân quyền ở Nghị viện Châu Âu, bà Hautala nói: “Đây là tin đáng tuyên dương“. Bà Hautala cho biết: “Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng một thế giới như vậy, để cho những ai mà phạm các tội chống lại nhân quyền, tội phạm chiến tranh và tội phạm vi phạm nhân quyền nghiêm trọng không có nơi để trốn thoát. Một số quốc gia sẽ không cho phép họ đi mà không bị trừng phạt thậm chí các tội phạm không phải là công dân của họ. Tây Ban Nha và Bỉ là các quốc gia đó“
Ông Charles Santiago, Nghị sĩ Malaysia, cho rằng quyết định của Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha về việc bắt giữ Giang Trạch Dân và bốn viên chức Đảng cộng sản Trung Quốc khác về tội diệt chủng và tra tấn là một quyết định quan trọng. Theo báo cáo của một kênh truyền thông, Nghị sĩ Santiago cho biết, quyết định của Tòa án Tây Ban Nha dựa trên những báo cáo nhân quyền của tổ chức Ân xá quốc tế, tổ chức Quan sát nhân quyền, tổ chức sáng lập Luật nhân quyền và Ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, tất cả các tổ chức nhân quyền quốc tế có thẩm quyền và có ảnh hưởng. Ông nói ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những gì nó đã làm và thực hiện một cách minh bạch các chính sách trong quá trình điều tra.
Ông Reed Brody là người phát ngôn của tổ chức Nhân quyền quốc tế nổi tiếng – Người theo dõi Nhân quyền. Ông đã đại diện cho tổ chức Người theo dõi Nhân quyền hỗ trợ cho vụ kiện chống lại cựu độc tài Chi-lê là Pinochet. Gần đây, khi được biết về việc Tòa án quốc gia Tây Ban Nha đã xác nhận các cáo trạng đối với 5 thủ phạm chính trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã phạm tội tra tấn và diệt chủng, ông nói: “Đây là một bước tiến rất quan trọng“.
Ông nói: “Cáo buộc này là dựa trên nguyên tắc thẩm quyền phổ quát. Đó là việc áp dụng luật quốc tế trong một tình huống mà công lý không được đảm bảo ở chính quốc gia đó. Hiển nhiên là đối với người Trung Quốc, thì nên tìm kiếm công lý ở Trung Quốc. Nhưng khi điều này là không thể, thì luật này có thể được áp dụng trong bất cứ tòa án nào. Khi tội ác đủ nghiêm trọng, thì cần phải hành động. Tây Ban Nha sẽ bị chính quyền cộng sản Trung Quốc gây áp lực. Nhưng các thẩm phán Tây Ban Nha là độc lập. Họ sẽ xử lý vụ kiện đã được chấp nhận này rất mạnh mẽ. Đây là một bước tiến rất quan trọng”
Vào ngày 27 tháng 11, luật sư nhân quyền nổi tiếng Tằng Cẩm Nguyên người Đài Loan kêu gọi Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) cùng Tòa án tội phạm quốc tế ở Hague, Hà Lan, đứng lên và ủng hộ bản cáo trạng này. Ông cũng yêu cầu chính phủ Đài Loan ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu năm bị cáo chịu phán xét trước tòa.
Thành viên Hội đồng lập pháp, thành viên Nghị viện NSW Australia bà Marie Ficarra trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã phát biểu rằng: “Điều tôi muốn nói là thế giới văn minh nên coi đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng bởi vì đối với một quốc gia như Trung Quốc mà có những chuyện được che dấu quá bí mật là không thể chấp nhận được nữa. Thật tốt khi thấy phán quyết của tòa án Tây Ban Nha và các quốc gia văn minh như Australia không thể đứng nhìn và không phải chỉ dừng lại ở việc nghiêm túc yêu cầu trả lời lý do tại sao chúng ta không được phép vào trại giam, vào bệnh viện và để xem xét một cách độc lập và công bằng.”
Thanh Thanh
(Theo Epochtimes.com, faluninfo.net, minhhue.net)