Hà Sĩ Phu
1/ Ba thứ chữ viết mà người Việt đã sử dụng
Về quan hệ giữa chữ Hán chữ Nôm và chữ Quốc ngữ tôi đã một lần đề cập, nhưng không thể (và không dám) bàn tiếp vì biết nói chuyện ấy vào lúc ấy là không đúng lúc, có thể bị hiểu nhầm, vì liên quan đến một vấn đề chính trị rất nhạy cảm và hệ trọng là âm mưu đồng hóa của Trung Quốc và nhu cầu Thoát Trung hiện nay.
Gần đây lại có cuộc tranh luận về chữ Quốc ngữ và tôn vinh A. de Rhodes nên thoạt đầu tôi cũng hy vọng vấn đề “văn tự” có thể được đặt trở lại trên cái nền ngôn ngữ và văn hóa nói chung của Việt Nam một cách khách quan, ngờ đâu tránh được“thằng Tàu” lại vướng “thằng Tây”, vì cả Đông lẫn Tây đều đã dòm ngó, mê say “cô gái Việt” và quyết tâm chiếm đoạt, nên người Việt đề phòng cả hai kẻ thù cũng có lý thôi. Nhưng mỗi nhóm người Việt lại đề phòng một kiểu khác nên câu chuyện chữ viết của người Việt mới sinh rắc rối. Tiếng nói và chữ viết là hồn cốt của một Dân tộc (Học giả Phạm Quỳnh từ 1924 đã linh cảm thấy quan hệ “Tiếng ta còn thì nước ta còn”(1)). Bàn về chữ viết không phải chuyện riêng về học thuật mà liên quan đến việc yêu nước và giữ nước tức liên quan đến “chủ nghĩa yêu nước” Việt Nam. Vấn đề quả thực không đơn giản, nay cũng xin góp một lời bàn.
Tiếng Việt ta là một ngôn ngữ đặc thù không giống dân tộc nào, tuy theo thời gian có sự tu chỉnh và du nhập để thêm phần phong phú và chính xác, nhưng trước sau vẫn chỉ là thứ tiếng Việt đặc hiệu rất đáng tự hào ấy. Muốn ghi lại mọi điều bằng tiếng Việt có hai cách, cách kinh điển và phổ quát là ghi bằng những ký tự tức chữ viết để cảm nhận bằng thị giác. Cách thứ hai sau này mới có là ghi lại bằng âm thanh để cảm nhận bằng thính giác, nhưng cách này có những hạn chế nên chỉ thích hợp trong một vài lĩnh vực, không thể thay thế vai trò của chữ viết được.
Cách ghi bằng ký tự tức chữ viết trải qua ba thời kỳ:
– Thời kỳ đầu ta chưa có chữ viết phải mượn chữ của Tàu (chữ Hán). Nhưng chữ Tàu tuy có giúp ta “ghi ra giấy” những điều muốn nói, và tuy đã được Việt hóa bằng cách đọc theo âm Việt, nên gọi là chữ Nho (2), nhưng tác dụng cũng rất hạn chế, bởi nhiều khi vẫn chỉ là sự dịch nghĩa chứ chưa thể phiên âm được hết tiếng Việt, càng không phải chữ của một “sinh ngữ” để giao tiếp phổ thông.
(về ưu điểm và nhược điểm của chữ Nho sẽ nói thêm ở phần sau).
– Trong hoàn cảnh còn biệt lập, phải tự thân tìm ra một thứ chữ viết ghi lại đúng tiếng Việt của mình, cha ông chúng ta đã có sáng kiến lợi dụng loại chữ tượng hình của Tàu (mà các cụ đã sử dụng rất thông thạo), chế biến thành chữ Nôm (ghép nửa chữ lấy âm với nửa chữ lấy nghĩa), đọc lên trực tiếp thành tiếng Việt.
– Đến thời kỳ thứ ba, do sự phát triển văn minh không đều trên thế giới, xuất hiện một số nước đột xuất hùng mạnh, đi xâm chiếm các thuộc địa và phát sinh chế độ Thực dân. Đối với các thuộc địa như Việt Nam, nạn Thực dân tất nhiên là điều ĐẠI HỌA, nhưng về nhiều mặt, xét ra đó cũng lại là điều ĐẠI PHÚC cho một nước còn chậm tiến! Xin hãy bình tĩnh để nhìn nhận ra hai mặt rất đối lập, tương khắc nhưng tương sinh ấy để có niềm vui bên cạnh nỗi buồn. Chính vì tác dụng nâng tầm văn minh cho thuộc địa mà chủ nghĩa Thực dân lâu dần sẽ phải kết thúc.
Mẫu quốc muốn sử dụng thuộc địa một cách có hiệu quả buộc phải đem vào thuộc địa những nền tảng của sự văn minh. Trong cái mớ những nền tảng văn minh ấy có vấn đề chữ viết, thế là người Pháp phải tìm cách tạo ra chữ viết cho dân Việt, tất nhiên họ dùng các mẫu tự La tinh, nhưng tạo ra đủ 5 thanh sắc “sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng” để phiên âm đúng 5 thanh điệu của tiếng Việt, đó là một sáng tạo xuất sắc và chính xác. Đồng thời với sự bành trướng của Thực dân là sự bành trướng của tôn giáo, nhất là đạo Gia tô, hai mặt này thường được phối hợp, nên người có công trong việc hình thành và sử dụng chữ Quốc ngữ lại liên quan đến đạo Gia tô và Thực dân Pháp xâm lược..
2/ Luận về “chủ nghĩa yêu nước” (patriotisme) và liên quan đến thái độ đối xử với các loại chữ viết ở Việt Nam
Chủ nghĩa yêu nước có thể ví như một vec-tơ cường-lực cực mạnh nhưng chiều đi của nó có thể bị uốn nắn để sử dụng theo mục đích của mình. Dưới ảnh hưởng của Đông và Tây, của Kim và Cổ, của Cộng sản và chống Cộng, của miền Bắc và miền Nam đã hình thành những kiểu YÊU NƯỚC rất khác nhau, tạm kể ra như sau:
-Yêu nước kiểu Cộng sản (yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội và chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản)
-Yêu nước kiểu Cộng sản cải biên (ca ngợi dân chủ nhưng ghét Tư bản Âu Mỹ, ghét chế độ thân Mỹ ở miền Nam)
-Yêu nước kiểu thân Tàu
– Yêu nước kiểu “sùng cổ, nệ cổ” cổ hủ
-Yêu nước kiểu tân thời “vong cổ” hoặc “bài cổ”
-Yêu nước kiểu “sính” Âu Mỹ, bắt chước Âu Mỹ kiểu học đòi
-Yêu nước một cách dân chủ và tự chủ, sàng lọc và tiếp nhận
Những kiểu cách yêu nước ấy ít hay nhiều đều có màu sắc khác nhau và, lạ một điều là đều ảnh hưởng đến thái độ ứng xử đối với ngôn ngữ, đối với những gì liên quan đến chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Nôm.
Sau đây xin bàn về những thái độ ứng xử hợp lý và cần thiết đối với các loại chữ viết đã có ở Việt Nam
* Đối với chữ Quốc ngữ (chữ Việt La tinh)
Chữ Quốc ngữ vượt xa chữ Nho và chữ Nôm về sự phiên âm chính xác tiếng Việt, dễ học, dễ phổ cập đại chúng, dễ thâm nhập và giao lưu với kho sách báo và nền văn minh hiện đại, nhất là “văn minh Internet” hiện nay. Có thể nói không ngoa rằng sự hình thành chữ Quốc ngữ là một cuộc đổi đời rất quan trọng cho ngôn ngữ và cho văn minh-văn hóa Việt Nam. Tôn vinh những người đã giúp cho sự hình thành chữ Quốc ngữ, một công cụ mang tính “tầm cỡ” vô cùng lớn lao như vậy là sự biết ơn buộc phải có, càng không thể khước từ khi nhớ đến truyền thống ân nghĩa “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt chúng ta. Việc đặt tên họ cho những con đường chỉ là một sự nhớ ơn tối thiểu. Nhưng việc tôn vinh này gặp một trở ngại tâm lý về Tôn giáo và “chủ nghĩa yêu nước Việt Nam” khi người cần tôn vinh ấy lại chỉ nhằm MỤC ĐÍCH bành trướng Tôn giáo hoặc chế độ Thực dân của họ. Xem xét mọi việc theo MỤc ĐÍCH, theo “động cơ” là cách suy nghĩ đơn giản, cũ kỹ và sai lầm.
Chủ nghĩa duy cảm và “duy đạo đức” thường quan tâm trước hết đến MỤC ĐÍCH của chủ thể hành động. Nguồn gốc của kiểu tư duy Duy cảm là lối suy diễn từ trong lòng mình, trong tim mình mà ra. Nào là suy tiểu nhi tri đại (suy từ việc nhỏ mà biết việc lớn), suy kỷ dĩ cập nhân (suy từ bản thân mình mà biết người khác cũng vậy). Ai nghe như thế cũng lấy làm phải: MỤC ĐÍCH tức ý muốn chủ quan quyết định hết thảy, làm cách này không được thì ta tìm cách khác cho kỳ thành công mới thôi, và nghĩ rằng MỤC ĐÍCH cuối cùng sẽ biện minh cho phương tiện (dù phương tiện lúc đầu bị coi là xấu)!
Nhưng thực ra lối tư duy Duy cảm rất chân thành ấy rất dễ mắc sai lầm. Trong môi trường phức tạp và biến động người ta có thể công bố một mục đích khác với mục đích thật trong lòng, và nếu dùng phương tiện không thích hợp thì kết quả khách quan cuối cùng (mà triết học gọi là CỨU CÁNH) sẽ phản lại mục đích mà người ta mong muốn, ấy là trường hợp chủ nghĩa Cộng sản. Chỉ kết quả khách quan cuối cùng, tức CỨU CÁNH (chứ không phải MỤC ĐÍCH) mới đủ tư cách biện minh cho phương tiện!
Nền văn minh cổ điển Pháp mà rất nhiều trí thức Việt Nam chịu ảnh hưởng thường có xu hướng duy cảm, lý tưởng hóa, chuộng lý thuyết, đạo đức sách vở, xét việc theo “động cơ”. Trong khi nền văn minh Anh Mỹ thường theo kiểu thực dụng, xét việc theo hiệu quả cuối cùng tốt hay xấu, lợi hay hại, và nhờ thế họ phát triển nhanh và thanh thoát hơn, Việt Nam chúng ta nên học cách tư duy thực tiễn này mới thanh thoát được. Vì thế, hãy nhìn chế độ Thuộc địa theo tương quan vừa là “đại họa” vừa là “đại phúc”.
Hãy cảm ơn những khó khăn, thậm chí cảm ơn kẻ đối lập, cảm ơn kẻ thù, dù mục đích của họ muốn chống lại ta nhưng hiệu quả nếu làm cho ta trưởng thành thì ta vẫn “cảm ơn”, nhất là vì muốn lợi dụng ta mà “vô tình” đã dâng hiến cho ta một thành phẩm quý giá như chữ Quốc ngữ thì ta tạc tượng ghi nhớ, ấy là phong cách “đại nhân quân tử”, tư cách “người lớn”và tự trọng. Con người cần có kẻ đối lập mới mau trưởng thành, một đảng cánh tả cần có một đảng cánh hữu đứng song song như Phan Châu Trinh đã linh cảm thấy ích lợi của mối quan hệ tương khắc tương sinh nảy. Vả lại, trong quan hệ quốc tế đã có lời răn: Không có kẻ thù vĩnh viễn hay bạn thân vĩnh viễn!
* Đối với chữ Nho và chữ Nôm (chữ Việt tượng hình)
Tính năng làm ký tự để phiên âm tiếng Việt thì chữ Nho và chữ Nôm kém xa chữ Quốc ngữ nên ngày nay không cần dùng các thứ chữ ấy để viết nữa, nhưng đối với hai thứ chữ đó ta không được quên và không thể quên đi, vì chẳng những các chữ đó đã ghi lại trong sách vở và các di vật của cả một quá trình lịch sử của Dân tộc, mà trong quan hệ tương tác thuận nghịch giữa chữ viết và tiếng nói, các chữ Nho và chữ Nôm đã “thâm nhập” một cách cỗi rễ vào tiếng Việt, vào lời ăn tiếng nói và cả sinh hoạt của người Việt. Không thể coi sự thâm nhập ấy như sự vay mượn ngôn ngữ thông thường mà nước nào cũng có. Tiếng Việt cũng du nhập thêm tiếng Anh tiếng Pháp nhưng không thể so với quan hệ giữa tiếng Việt và chữ Nho.
Nhưng chữ như Tổ quốc, độc lập, tự do, hạnh phúc… chẳng hạn thì cứ cho là sự vay mượn của Tàu, nhưng không một dân tộc nào lại đi vay mượn những tiếng có tính “gốc rễ nguyên thủy” mà Dân tộc nào cũng phải tự có từ lúc phôi sinh, từ lúc biết nói tiếng người như “thân thể, quần áo, gia đình, tổ tiên, ông bà, học sinh, trường học…”. Những tiếng ấy đều là tiếng trong “chữ Nho chính cống” nhưng không ai coi đó là những tiếng du nhập, bởi cái “Nho” ấy cũng là “Việt đích thực” mà thôi (ví dụ các chữ 裙襖-翁婆 tuy viết ra là chữ tượng hình nhưng cũng đọc là “quần áo-ông bà” như chữ Việt La tinh, rất nhiều chữ Nho cũng là cách phiên âm tiếng Việt như chữ La tinh). Chữ Nho là con đường trung gian giữa Phiên âm và Dịch nghĩa.
Cứ tạm dùng con số bốn nghìn năm là lịch sử dân tộc Việt thì cái văn minh gắn với chữ La tinh mới trên một trăm năm thôi! Mấy nghìn năm văn hiến Việt Nam chẳng những lưu dấu trong chữ Nho, chữ Nôm, mà do tác động tương hỗ của chữ viết và tiếng nói (của văn tự và ngôn ngữ) cái hay cái đẹp, cái công sức cha ông thuở dùng chữ Nho, chữ Nôm đã ăn sâu vào tiếng nói Việt Nam, vào tâm hồn Việt Nam, vào phong cách Việt Nam, mà tự nhiên đến mức ta không hề nhận ra.
Một người Việt mù cả chữ Nho lẫn chữ Quốc ngữ cũng nhiều khi nói ra những câu “ thuần Nho”, ví dụ nói “ông bà đối xử thật tử tế, toàn gia đình nội ngoại vô cùng kính phục”, viết chữ Quốc ngữ hay chữ Nho (viết nguyên văn theo âm chứ không phải là dịch nghĩa): 翁婆對處寔仔細-全家廷内外無窮敬服, khi đọc các chữ lên cũng như nhau, đều là tiếng Việt cả thôi! Các trí thức, các nhà văn Việt Nam thì trong câu viết, câu nói càng đầy những chữ của nhà Nho. Chẳng hạn một nhà văn Việt Nam yêu nước viết “toàn thể nhân dân Việt Nam tự hào về truyền thống anh dũng bất khuất, kiên quyết đấu tranh chống ngoại bang xâm lược, kiên quyết Thoát Trung bất kỳ hoàn cảnh nào”. Nếu viết chữ Nho:
“全体人民越南自豪 về 傳統英甬不屈, 堅決鬥爭 chống 外邦侵略, 堅决脱中不期完境 nào” thì trong 33 tiếng ấy chỉ có ba tiếng “về”, “chống” và “nào” là thuần Việt (ba tiếng thuần Việt này cũng có thể dùng ký tự tượng hình nếu dùng chữ Nôm), còn 30 chữ Nho kia đọc lên chính là tiếng Việt, vậy chữ Nho đã thành chữ của tiếng Việt trực tiếp một phần lớn, chứ không chỉ dịch nghĩa như dịch ra một ngoại ngữ!
Chữ Nho và tiếng Việt lồng vào nhau đến mức như thế thì chữ Nho nếu không phải gốc Việt thì sự “vay mượn” này cũng xảy ra ngay từ thuở Dân tộc khai sinh, và đã nghiễm nhiên thành tài sản và cung cách của ta lúc nào không biết. Chữ Nôm, và có thể cả chữ Nho, phải được coi là chữ Việt cổ. Giang Văn Minh đấu tranh với vua Tàu bằng câu đối Đằng giang tự cổ, Lý Thường Kiệt viết bài thơ Nam quốc sơn hà như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên, Nguyễn Trãi giương ngọn cờ yêu nước chống Tàu bằng Bình Ngô đại cáo… đều dùng thứ chữ Việt cổ ấy cả. Nếu coi đó là của nước ngoài hoặc của kẻ địch mà bỏ quên nó, loại trừ nó ra khỏi vốn liếng của Dân tộc mình là tự mình dại dột vứt bỏ một sức mạnh của chính mình mà thôi. Xu hướng canh tân đến mức “vong cổ” hay “bài cổ” theo tôi nghĩ là mất gốc. Mất gốc thì không nền văn hóa nào có thể còn sức mạnh.
Với người Việt chữ Nho không phải một ngoại ngữ như Trung văn (Trung văn phát âm theo Bắc kinh và theo đúng văn phạm Trung Quốc). Học Trung văn phải phát âm như người Tàu (Bắc kinh) và do đó có thể nói chuyện trực tiếp với người Tàu, như học Anh văn, Pháp văn, Nga văn thì có thể nói chuyện với người của các nước ấy. Nhưng học Hán văn không phải như thế. Chữ Nho đọc theo âm Việt với đủ năm dấu Sắc-Huyền-Hỏi-Ngã-Nặng, nhiều âm khác xa với người Tàu. Học Hán văn tức học chữ Nho rồi nhưng chỉ có thể bút đàm với người Tàu, chứ đọc lên thì hai bên đều như vịt nghe sấm, chẳng hiểu nhau nói gì. Người Việt lúc chưa có chữ viết lại bị Tàu đô hộ tất nhiên chỉ biết chữ Tàu, nhưng bản năng độc lập tự chủ đã khiến người Việt biến chữ Hán thành chữ Nho như vậy.
Cha ông ta thuở còn “hàn vi” phải dùng chữ của nước ngoài đã tìm cách Việt hóa để cố gắng biến thành của mình như thế. Vậy mà ngày nay, ta đã có chữ Quốc ngữ để phiên âm tiếng Việt quá hoàn hảo, lại có kẻ muốn sửa chữ Quốc ngữ cho “na ná” như giọng của Tàu, thậm chí khiến không đọc được các sách cũ, thì thật là cách làm ngược với công lao của tiền nhân, chẳng phải là một lũ hậu sinh vong bản, bất hiếu với cha ông và bất trung với Dân tộc hay sao?
Ngày nay, nếu được trang bị một vốn cổ thích hợp sẽ khiến cho tâm hồn Việt Nam được đầy đủ, sung mãn hơn nhiều. Sự thu nạp những nét văn minh mới của thế giới cũng giống như thuật ghép cây mà Phan Châu Trinh đã hình dung. Muốn ghép cành mới thì trước hết cái gốc phải thật mạnh, thật vững chắc. Gốc đã yếu (thiếu nền tảng), đã lung lay, mà ghép cành mới vào có thể làm chết cả gốc lẫn ngọn. Biết thêm một ngoại ngữ đã là một vốn quý, huống chi cái vốn quý ấy bản chất là của chính mình thì càng thiết thân biết chừng nào?
Cái vốn ấy không phải chỉ hiện diện trong quá khứ, mà bây giờ và mãi về sau vẫn nằm sâu trong tâm hồn và ngôn ngữ Việt Nam. Nền giáo dục và Văn học Việt Nam cần có những chương trình dài ngắn thích hợp về chữ Nho, chữ Nôm, tức một loại chữ Việt cổ cho học sinh Trung học và Đại học, cho các lớp bồi dưỡng nhà văn, nhà báo, nhà chính trị… Thiếu kiến thức tối thiểu về chữ Việt cổ ấy chẳng những sẽ thiếu hiểu biết cội nguồn dân tộc mà còn không thể hiểu và sử dụng tiếng Việt một cách thành thục được.
(Viết đến đây tôi chợt nhớ một chữ gốc Nho nhưng vì không biết chữ Nho nên khá nhiều nhà báo nhà văn “tầm cỡ” cũng viết bậy, đó là hai chữ “cứu cánh” (究竟 là cái kết quả cuối cùng) cứ được dùng với nghĩa “cứu giúp, cứu thoát”. Lỗi này đã nhiều người viết bài cảnh báo nhưng hầu như vô tác dụng, như đàn gẩy tai… nhà văn xã hội chủ nghĩa vậy).
Việc Trung Quốc có âm mưu muốn lợi dụng chữ Tàu, tiếng Tàu, văn hóa Tàu, văn học Tàu, triết học Tàu cũng như đưa người Tàu, hàng hóa Tàu vào để “Tàu hóa” toàn cõi Việt Nam, đó là việc của họ mà ta cần chống lại. Nhưng không vì thế mà nhầm lẫn, mà xa rời rồi từ bỏ vốn liếng của dân tộc mình nằm trong ngôn ngữ và chữ viết cũ của mình, đó là tự làm mất sức mạnh của mình. Vốn cổ ấy không phải của Tàu, ngược lại đó còn là sức mạnh để chống Tàu xâm lược và đồng hóa. Mất gốc, không một nền văn hóa nào có thể có sức mạnh dù tất cả có được hiện đại hóa để trở thành các “cư dân mạng – Netizen” để liên kết với toàn thế giới chăng nữa.
3/ Chuyện nhỏ mới về Menras Hồ Cương Quyết, cũng hơi buồn một chút, nhưng mang đầy thông điệp hữu ích.
Cái tên kép André Menras – Hồ Cương Quyết đã đại diện cho tấm lòng và lập trường rất Quốc tế Vô sản của người đảng viên hai quốc tịch Pháp-Việt. Nhưng ông Tây họ Hồ này “cương quyết” đến mức còn mang tính Việt Nam hơn nhiều người Việt Nam chính gốc, và Cộng sản hơn rất nhiều người Cộng sản. Người nước ngoài có yêu Việt Nam thường chỉ yêu văn hóa Việt Nam, yêu con người Việt Nam, nhưng Menras yêu đến cả biên cương hải đảo Việt Nam, và khi thấy quê hương thứ hai này bị xâm lấn dã man thì ông đã “ngạc nhiên đến phẫn nộ, nhiều đêm không ngủ được” trong khi vô khối người Việt Nam vẫn ngủ ngon vì chẳng thấy đau, chẳng có chút gì ngạc nhiên và phẫn nộ.
Ông đau và phẫn nộ chẳng những ngang nhiên mặc áo NoU đi biểu tình mà còn làm phim Hoàng Sa Việt Nam – nỗi đau mất mát đem chiếu khắp nơi. Yêu đến như thế thiết tưởng người được yêu phải cảm động đến run người và nâng niu ông hết mực, ngờ đâu chủ nhà lại cho người bám sát, nói xấu và cấm đoán ông bênh vực Việt Nam, bênh vực người mình yêu, vì bênh vực như thế thì xúc phạm đến kẻ thù xâm lược mà chủ nhà đang có nhiệm vụ phải bảo vệ (!). Sự ngược đời trái khoáy đến mức trời cũng không hiểu được ấy khiến trái tim yêu của ông không còn dám “thổn thức vì yêu” nữa mà bị trật khấc lộn xèo muốn nát vụn, buộc ông phải hồi hương về cái quê hương thứ nhất của ông. Lúc mới tới nước Việt ông “cương quyết” bao nhiêu thì khi phải xa rời nơi mình trót yêu ông lại dùng dằng đau xót bấy nhiêu. Và thốt ra lời “Rời đi là chết đi một chút” (Partir, c’est mourir un peu).
Câu chuyện tình thế là sang bước ngoặt.
Lứa chúng tôi rơi rớt từ thời kỳ thuộc Pháp, được học tiếng Pháp chàng trai nào cũng nhớ câu phương ngôn Pháp Aimer, c’est mourir un peu! mà Xuân Diệu dịch thành thơ là “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Câu phương ngôn thật ý nhị, đánh trúng nỗi lòng những kẻ chớm yêu: Yêu là chết đấy, chẳng sung sướng gì đâu! Nhưng lại dỗ dành: Chết một tý để biết xuýt xoa mê đắm thôi mà, đừng sợ! Chúng tôi viết câu phương ngôn Pháp vào sổ tay carnet, để bên bàn học. Nay thấy ông Menras than thân như vậy chúng tôi đồng cảm và thấu hiểu ngay nỗi lòng. Nhưng muốn thêm vào câu than của Menras mấy chữ “encore une fois” (Partir, c’est mourir un peu, encore une fois!) , bởi khi yêu Việt Nam là đã “chết đi một chút” rồi nay phải dứt áo ra đi cũng chẳng sướng gì, có chết đi cũng là chết thêm một lần nữa. Hoặc thêm hẳn cho nhau một câu “Mourir, c’est se réveiller un peu!” (Chết, là tỉnh ngộ được một chút đấy!).
Việt-Pháp là một mối tình đậm sâu mà oan nghiệt. Pháp là căn cứ địa của Tình yêu Cộng sản lý tưởng, là an toàn khu của Trái tim Cộng sản trong công cuộc chiến đấu chống áp bức bất công của thế gian. Nhưng đội lên đầu một Trái tim lớn quá nặng quá cũng khó mà đi đến đích. Trái tim Cộng sản si tình thật đáng quý, đáng yêu, nhưng thật đáng thương vì chắc chắn nó bị phụ tình. Chính trái tim thi sĩ Xuân Diệu, người đã bị hút hồn bởi câu phương ngôn Pháp “Yêu là chết trong lòng một ít”, và bởi chủ nghĩa lãng mạn Pháp, đã “thổn thức” như sau, như một lời tâm sự gửi Menras hôm nay:
Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
– Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt,
Những người si theo dõi dấu chân yêu
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
Thưa “đồng chí” Menras Hồ Cương Quyết. Mối tình Việt Pháp thật đậm sâu và oan nghiệt, ân oán nhập nhằng. Việt Nam bị Cộng sản hóa do phút giây oan nghiệt của Nguyễn Tất Thành ở Hội nghị Tours của Pháp, nơi có Đảng Cộng sản rất danh tiếng. Nhưng Pháp cũng là một “bọn Tư bản-Thực dân” mà nhiều người Cộng sản Việt Nam đến nay vẫn còn căm ghét tất cả những gì liên quan (như vẫn còn ghét A. de Rhodes dù đã có công trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ). Hồ Chí Minh thành Cộng sản ở Pháp, nhưng người ta níu lấy “công lao” của Hồ Chí Minh cũng chỉ còn ở cuộc trường kỳ đánh Pháp của ông Hồ. Pháp cũng là nơi cư trú của Phan Châu Trinh, người kịch liệt phản đối con đường mượn sức mạnh nước ngoài để giành độc lập và cứu nước, con đường mà về sau chính Nguyễn Tất Thành chủ trương. Pháp là nơi đã làm phát sinh hai tư tưởng đối lập Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành.
Và người Cộng sản Việt Nam gốc Pháp Menras Hồ Cương Quyết cũng là hiện thân của mối tình sâu đậm và oan nghiệt đó. Những người dân chủ chúng tôi rất quý mến ông, một người Tây quá yêu nước Ta của chúng tôi, nên mới nói đùa với nhau rằng:
“Đồng chí” Hồ Cương Quyết ơi! Trong cuộc đấu tranh để sửa những lỗi lầm Cộng sản, phải đương đầu với một đội ngũ mà “trình độ Xây dựng Đảng” đều ở cấp Tiến sĩ trở lên, thà mất nước còn hơn mất đảng (chư hầu), thì ông thua là phải, thua mà vui vì biết vì sao mình thua, đồng chí ạ!
Tuy phải “Partir” nhưng “se réveiller un peu”! Vỡ mộng và vỡ lẽ ra rằng Chủ nghĩa Cộng sản chỉ có thể đập bỏ chứ không thể sửa chữa, người Cộng sản cấp cao nhất ở một nước Cộng sản mạnh nhất đã rút ra kết luận ấy trước chúng ta lâu rồi.
Chống lại chuyên chính giáo điều của Đảng Cộng sản để chủ nghĩa Cộng sản trở nên nhân ái, dân chủ tự do thì bao nhiêu đồng chí “Cộng sản nhưng mà tốt” đã không được “mourir un peu” đâu, mà đã chết toàn phần (mourir cent pour cent) và chết ngay tút-suýt (mourir tout de suite) đấy thôi. Với người đã hết tuổi yêu đương si mê bồng bột, mà chỉ Chết một chút trong tâm hồn để đổi lấy cả Chân lý thời đại là sướng quá rồi. Nào ta nâng ly, có chai rượu vang Bordeaux superieur chính hiệu đây!
H.S.P. (16/12/2019)
***
Chú thích:
(1) Bài diễn thuyết về Truyện Kiều và tiếng Việt này được Phạm Quỳnh đọc nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du vào ngày 8 tháng 12 năm 1924, tức ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý do Hội Khai trí tiến đức của ông tổ chức. Bài được đăng lại tại tạp chí Nam Phong số 86. Bài diễn thuyết này mở đầu cho một cuộc tranh cãi nổi tiếng vào đầu thế kỷ XX, được người sau mệnh danh là Vụ án truyện Kiều.
(2) Việc gọi tên chữ Nho hay chữ Hán chưa thật thống nhất. Hồi còn nhỏ tôi được học các sách Tam Tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, Sơ học vấn tân, Luận ngữ, Mạnh Tử chính văn… thì các cụ chỉ bảo đó là học chữ Nho, không ai gọi đó là chữ Hán bao giờ. Trái lại khi học Trung học đệ nhất cấp, ban Sinh ngữ, ở trường Nguyễn Trãi (Hà Nội) thì bên cạnh Pháp văn (6 giờ 1 tuần), Anh văn (4 giờ) có 4 giờ cho Hán văn. Mặc dù học Hán văn nhưng vẫn gọi chữ Nho chứ không gọi là chữ Hán.
Tác giả gửi BVN