Còn nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc liệu nhà nước Việt Nam có thực sự công nhận và cho phép các ‘công đoàn độc lập’ ra đời, đăng ký và hoạt động hay không. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Nhiều khái niệm liên quan đến ‘công đoàn độc lập’ thực ra đã bị ‘né tránh’ trong luật lao động sửa đổi của Việt Nam mới đây, theo khách mời của hội luận trực tuyến Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt.
Hôm 05/12/2019, từ Paris, nhà báo Tường An, trong khi bình luận về thực hư của việc công đoàn được pháp ‘độc lập’ ở Việt Nam hay không, trước hết cho rằng nhà nước và chính quyền Việt Nam có thể đã chịu một áp lực nào đó, mà không đương nhiên tự ‘công nhận các quyền’ liên quan đến thiết chế thuộc xã hội dân sự này:
“Rõ ràng là có một áp lực, Việt Nam không đương nhiên mà công nhận những quyền này, hoặc là cũng không đương nhiên sửa đổi luật lao động.
“Những câu hỏi đặt ra thực hư như thế nào, thì sau khi Luật lao động với 17 chương và 220 điều được thông qua, thì tôi thấy rất nhiều báo đài đã lên tiếng ca ngợi là Việt Nam đã có “công đoàn độc lập”.
“Ngay cả tờ Le Courrier du Vietnam, tức là một tờ báo Tin Việt Nam bằng Tiếng Pháp cũng đã trích lời của Mỹ nói rằng Mỹ đã rất vui mừng và hoan nghênh việc Việt Nam thành lập công đoàn độc lập và cho đó là một sự thay đổi lịch sử trong luật lao động của Việt Nam.
“Nhưng mà chúng ta đọc kỹ 220 điều đó và nhất là chương 13 là chương thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động, chúng ta không tìm thấy một chữ nào nói lên tính độc lập.
“Nó không có chữ độc lập và nó cũng không nói lên tính độc lập của cái gọi là tổ chức đại diện người lao động này”.
‘Biến mất và mơ hồ’
Nhà báo, nhà hoạt động công đoàn độc lập Tường An (hay Ca Dao) quan ngại về các ‘tổ chức đại diện người lao động’, mà không phải là ‘công đoàn độc lập’, được nêu trong luật Lao động sửa đổi của Việt Nam. Bản quyền hình ảnh BÀN TRÒN THỨ NĂM
Và vị khách này, người cũng được biết đến với tên gọi là nhà hoạt động Ca Dao, thành viên tổ chức Liên đoàn Lao động Việt tự do, bình luận thêm về quá trình sửa đổi luật lao động mới đây của Việt Nam:
“Trong quá trình dự thảo từ tháng 3/2019, thì họ có nhắc đến một thuật ngữ là “nghiệp đoàn”, đó là một thuật ngữ mà tôi là một thành viên của Liên đoàn Lao động Việt cũng đã dùng, để phân biệt với công đoàn của nhà nước hiện nay.
“Nhưng sau rất nhiều lần hội họp để sửa đổi bản dự thảo, thì chữ “nghiệp đoàn” này, trong bản cuối cùng được thông qua, cũng đã biến mất, mà nó được gọi là ‘tổ chức đại diện cho người lao động’.
“Và trong tám điều ở chương 13 đó, thì chữ “đại diện” cũng biến mất đi, nó chỉ còn là ‘tổ chức người lao động’ mà thôi. Và nó có rất nhiều điều mơ hồ mà luật lao động mới này không nói rõ.
“Chúng ta thấy luật lao động mới này có hai khái niệm, thứ nhất là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, là tổ chức công đoàn duy nhất hiện được hoạt động một cách hợp pháp tại Việt Nam.
“Và cái thứ nhì mà họ gọi là ‘Tổ chức người lao động’, thì Tổng Liên đoàn lao động hoạt động theo luật Công đoàn, nhưng trong luật lao động mới này không nói rõ là ‘Tổ chức đại diện người lao động’ này sẽ hoạt động theo luật nào?
“Điều này là điều rất quan trọng, bởi vì nếu tổ chức mới này bị chi phối bởi luật Công đoàn, thì nó có thực sự độc lập hay không? Bởi vì theo điều 1 của luật Công đoàn thì các tổ chức công đoàn là một bộ phận chính trị của nhà nước Việt Nam, nó có nhiệm vụ phải thực hiện những chỉ tiêu của Đảng, nó có nhiệm vụ phải bảo vệ chính quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nó phải nằm trong mặt trận Tổ quốc”.
‘Cam kết và thực hiện’
Nhà quan sát xã hội dân sự Hoàng Hưng cho rằng công đoàn độc lập sẽ khả thi hơn nếu có thiện chí từ cả hai phía là nhà nước và xã hội dân sự. Bản quyền hình ảnh BÀN TRÒN THỨ NĂM
Từ Sài Gòn, dịch giả Hoàng Hưng, một nhà quan sát xã hội dân sự và hoạt động báo chí thuộc ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập ở Việt Nam, nói:
“Tôi thì tôi thấy ý tưởng mà Quốc hội Việt Nam thông qua luật lao động trong đó có điều khoản nói rằng, tôi không nghiên cứu sâu về các vấn đề chính trị, nhưng đại khái có thể đưa ra một ý tưởng nào đó rằng đến một ngày nào đó có thể cho phép lập nghiệp đoàn, hay tổ chức công nhân mà không phải ở trong hệ thống công đoàn mà do Đảng Cộng sản chỉ huy, đại khái như thế và coi như là ‘công đoàn độc lập’.
“Tôi thấy thực chất cái này, nói thật, chủ yếu cũng là đối phó với những sức ép phải có cái đó thì mới ký được những hiệp định kinh tế vân vân với châu Âu gì đó thôi, chứ còn khi nào mà Đảng Cộng sản chấp nhận là có luật lập hội, tôn trọng quyền tự do lập hội của tất cả các xã hội dân sự, không cứ là công nhân, mà thực sự chúng tôi là nhà văn hay nhà báo, thì lúc đó mới là thực sự”.
Trước khi sửa đổi luật Lao động, thì Việt Nam phải sửa đổi lại Luật hình sự
Saskia Bricmont, Dân biểu EU
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, một blogger và nhà quan sát xã hội dân sự bình luận từ quan điểm của mình:
“Việc luật Lao động mới vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua thì có chính thức thừa nhận Việt Nam có một cái gọi là ‘công đoàn độc lập’, tất nhiên là không phải ngay lập tức mà phải chờ đợi một số năm nữa.
“Thì đấy là một tin vui mà báo chí nước ngoài đã ghi nhận, nhưng đây không phải là bản thân nội tại của một cuộc đấu tranh của những nhà tranh đấu của Việt Nam ở trong nước mà nó có được điều đó, mà đây chủ yếu do sức ép của quốc tế, trong những điều kiện mà quốc tế nêu ra khi mà Việt Nam hội nhập sâu hơn, đó là điểm thứ nhất.
“Điểm thứ hai, tôi hoàn toàn nhất trí với nhà báo Tường An là có thực sự trở thành công đoàn độc lập thực sự hay không? Thì đây chính là những điều mà cần phải có sự đấu tranh trực tiếp nữa của những người công nhân, lao động ở trong nước.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện đặt câu hỏi về việc các ‘công đoàn độc lập’ sẽ nhận kinh phí hoạt động từ đâu và có thực sự độc lập với giới chủ và nhà nước hay không? Bản quyền hình ảnh OTHER/FB NGUYỄN XUÂN DIỆN
“Bởi vì chỉ có sự đấu tranh, một cách đòi hỏi thực sự, thì chữ ‘độc lập’ hay ‘công đoàn độc lập’ ở trong Bộ luật lao động mới thành ra sự thật của lịch sử trong xã hội, chứ nếu không, nó chỉ có mãi ở trên giấy.
“Việt Nam đã từng cam kết rất nhiều với quốc tế về những điều này, điều khác, nhưng việc thực hiện nó như thế nào mới là điều quan trọng”.
‘Triển vọng và chế tài’
Từ London, ông Đoàn Xuân Kiên, một nhà quan sát khác về xã hội dân sự, nguyên Chủ nhiệm Tạp chí Thông luận, thuộc Tập hợp Dân chủ đa nguyên, nói:
“Tôi chỉ muốn góp thêm một góc nhìn là từ mặt vận động, sinh hoạt xã hội dân sự, để mà nhìn vấn đề này. Đồng ý là luật Lao động mới nó là một kết quả của sức ép quốc tế đối với nhà nước Việt Nam, để có thể sống sót trong những sinh hoạt cộng đồng thế giới, cái đó là tiến trình bắt buộc phải tới của sinh hoạt nhà nước.
“Nhưng cùng một lúc, như anh Nguyễn Xuân Diện cũng đã nói, là người Việt Nam đã phải đấu tranh rất vất vả để có được những cái mà chúng ta thấy ngày hôm nay, mà thí dụ như với anh Hoàng Hưng là cụ thể lắm rồi, (vận động) Văn đoàn Độc lập gặp bao nhiêu khó khăn, thậm chí không thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Ông Đoàn Xuân Kiên (phải), nguyên Chủ nhiệm Tạp chí Thông luận, thuộc Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, cho rằng công đoàn độc lập và xã hội dân sự có lợi cho nhà nước và xã hội và nhà nước không nên e sợ. Bản quyền hình ảnh BÀN TRÒN THỨ NĂM
“Chúng ta thấy rằng nhìn ở mặt vận động xã hội, tôi không bi quan, tôi chỉ thấy rằng phải tới một thời điểm nào đó, có một sự ý thức của cộng đồng, của xã hội, thì mọi chuyện mới có thể có những sự thay đổi, tiến triển và khi mà chúng ta không đồng lòng với sinh hoạt nằm trong một sự kiểm soát chặt chẽ, một tổ chức tình nguyện hay một tổ chức dân sự, mà lại bị chặt chẽ trong một hệ thống chính trị của nhà nước, thì nó mất tính cách tự lập, mất tính cách độc lập của nó.
“Nhưng mà vẫn phải có một vận động xã hội để sinh hoạt xã hội dân sự nó có thể tạo được những thành quả trong tương lai”.
Trước câu hỏi, liệu có cần có một biện pháp, hay thậm chí là ‘chế tài’ nào đó để các cam kết, nếu có, liên quan công nhận ‘công đoàn độc lập’ ở Việt Nam được tôn trọng, nhà báo và nhà hoạt động công đoàn độc lập Tường An từ Paris, nói với BBC:
Thương lượng tập thể với vai trò của tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn độc lập được cho là một nhu cầu và đòi hỏi chính đáng trên thực tế tại nhiều quốc gia văn minh và phát triển ở quốc tế từ lâu nay. Bản quyền hình ảnh AFP
“Một điều mà chúng ta chắc chắn sẽ xảy ra là họ (chính quyền) sẽ sử dụng những hành lang pháp lý để ngăn cản sự phát triển của các tổ chức này, tức là họ sẽ đưa ra những nghị định, những nghị quyết để giới hạn những tổ chức này.
“Cho nên bà Nghị viên của Liên minh châu Âu (EU), trong Ủy ban Đàm phán về hiệp định thương mại EVFTA, bà Saskia Bricmont, cũng nói rằng: “Trước khi sửa đổi luật Lao động, thì Việt Nam phải sửa đổi lại Luật hình sự”.
“Điều đó rất là đúng, vì nếu không họ sẽ sử dụng những luật Hình sự bên cạnh đó để mà kết tội những người muốn thành lập và một điều mà tôi nghĩ rằng rất có thể xảy ra: “Việt Nam sẽ tìm cách qua mặt thế giới, qua mặt EVFTA bằng cách là họ sẽ chuyển những công đoàn cơ sở thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trở thành những công đoàn mà chúng ta tạm gọi là giữa hai dấu ngoặc kép “độc lập”.
Việc có thành hiện thực hay không thì đòi hỏi hai phía. Một là phía quốc tế người ta sẽ luôn luôn giám sát, luôn luôn theo dõi, luôn luôn xem thực hư như thế nào, người ta sẽ có những đoàn đi vào Việt Nam để điều tra xem thực hư như thế nào
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện
“Tức là ở trong luật Lao động mới này họ gọi là những ‘Tổ chức đại diện cho người lao động’, họ sẽ chuyển từ những công đoàn cơ sở này thành những tổ chức người lao động đó, nhưng như từ trước đến nay họ vẫn kết hợp với chủ sở hữu người lao động để ngăn cản những công đoàn độc lập thực sự, những tổ chức đại diện thực sự cho người lao động phát triển”, nhà hoạt động nói.
Từ góc nhìn của mình, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện bình luận thêm:
“Việc có thành hiện thực hay không thì đòi hỏi hai phía. Một là phía quốc tế người ta sẽ luôn luôn giám sát, luôn luôn theo dõi, luôn luôn xem thực hư như thế nào, người ta sẽ có những đoàn đi vào Việt Nam để điều tra xem thực hư như thế nào, đấy là điểm thứ nhất.
“Điểm thứ hai là ở trong nước, những nhà tổ chức hoạt động xã hội phải vận hành công đoàn độc lập như thế nào. Thì tôi nghĩ rằng việc có công đoàn độc lập, người ta chỉ đòi những quyền lợi của họ và những sự đúng đắn của họ giống như lâu nay thôi, chứ không có cái gì mà phải sợ hay phức tạp cả.
“Mà hội nhập thì phải chấp nhận và tôi tin rằng là công đoàn độc lập sẽ được vận hành, sẽ được tổ chức và nhà nước sẽ thấy được những cái lợi ở trong đó và nó không có gì nguy hiểm cho nhà nước và chế độ cả,” blogger và nhà quan sát nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC từ Hà Nội.