Hồng Kông đi về đâu sau cuộc bầu cử cấp quận gây chấn động?

Biên dịch: Phan Nguyên

Sau gần sáu tháng bất ổn ở Hồng Kông, bao gồm các cuộc biểu tình ngày càng bạo lực, phá hoại và giao thông hỗn loạn, chính phủ có lý do để hy vọng rằng dư luận có thể quay lưng lại với người biểu tình. Nhưng may mắn đó đã không xảy ra. Thay vào đó, các cử tri đã trao một chiến thắng chấn động cho các ứng cử viên ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử cấp quận vào ngày 24 tháng 11. Thông điệp rất đơn giản: bất chấp tình trạng hỗn loạn gần đây, người dân Hồng Kông rất ghét chính quyền của họ và những người ủng hộ ở Bắc Kinh. Kết quả bầu cử là một sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho chiến dịch của những người biểu tình đòi quyền tự do chính trị.

Bề ngoài thì đây là cuộc bầu cử nhằm chọn hơn 450 đại diện cho các hội đồng cấp quận, cơ quan phụ trách các chính sách liên quan đến các vấn đề địa phương buồn tẻ. Tuy nhiên, lần này, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là rất lớn, một kỷ lục đối với bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Hồng Kông liên quan đến bỏ phiếu công khai. Gần 3 triệu cử tri, tức hơn 71% số người đăng ký đã tham gia, đã tham gia bỏ phiếu, so với mức 47% bốn năm trước. Sau khi bỏ lá phiếu của mình, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã bác bỏ ý kiến cho rằng đây là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với sự lãnh đạo của bà. Có lẽ bà đã cảm nhận được kết quả bầu cử bất lợi đang đến gần. Các chính trị gia ủng hộ dân chủ đã giành được gần 90% số ghế và nắm quyền kiểm soát 17 trong số 18 hội đồng. Trước đây họ chưa từng kiểm soát một hội đồng nào.

Bà Lam hứa sẽ nghiêm túc suy ngẫm về kết quả này. Nhiều người mong đợi bà sẽ làm được nhiều hơn thế, ít nhất là bằng cách thay đổi nội các và các ban cố vấn để bổ sung tiếng nói từ bên ngoài chính quyền, và bằng cách tiến hành các cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân dẫn tới biểu tình và cách xử lý của cảnh sát. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc bầu cử, bà Lam không đưa ra gợi ý nào cho thấy bà sẽ đồng ý làm như vậy.

Điều này gây ngạc nhiên cho vài người biểu tình. Bà Lam, có lẽ vì sự chỉ đạo của các quan chức ở Bắc Kinh, đã tỏ ra sẽ không nhượng bộ thêm chút nào sau quyết định rút dự luật dẫn độ trước đây, thứ châm ngòi cho tình trạng bất ổn (luật này sẽ cho phép các nghi phạm bị xét xử bởi tòa án ở Trung Quốc đại lục). Tuy nhiên, những người ủng hộ dân chủ sẽ càng thêm quyết tâm. Họ hy vọng kết quả bầu cử sẽ giúp phe của họ giành được thêm sức mạnh tại các cơ quan khác quan trọng hơn.

Một trong số đó là Hội đồng Lập pháp (Legco), cơ quan sẽ tổ chức bầu cử lần tiếp theo vào tháng 9 năm tới. Chỉ một nửa trong số 70 thành viên của Legco được bầu trực tiếp, sử dụng một hệ thống đại diện theo tỷ lệ cho phép các ứng cử viên ủng hộ chính quyền giành được ghế dù không giành được nhiều phiếu chứ chưa nói đến thế đa số. Các ghế khác hầu hết được trao cho cái gọi là các “đơn vị bầu cử chức năng” của thành phố, trong đó các cử tri được giới hạn trong số những người làm những công việc nhất định. Các ứng cử viên thân chính quyền có kết quả tốt trong những đơn vị bầu cử này. Nhưng sáu ghế trong Legco được dành cho các ủy viên hội đồng quận. Phe dân chủ giờ đây có thể hy vọng giành được những ghế này cũng như thêm nhiều ghế khác. Họ thậm chí có thể giành được đa số ghế trong Legco.

Các chính trị gia đối lập cũng hy vọng sẽ gia tăng ảnh hưởng, vốn trước giờ rất nhỏ, trong việc lựa chọn trưởng đặc khu. Việc bầu trưởng đặc khu được thực hiện bởi một “ủy ban bầu cử” bao gồm 1.200 người được lựa chọn theo các phương pháp nhằm loại bỏ những người ủng hộ dân chủ, vốn trước đây chiếm chưa đến 30% số thành viên Legco. Nhưng gần 10% số ghế trong ủy ban này được dành cho các ủy viên hội đồng quận. Khối này bây giờ sẽ được kiểm soát bởi những người ủng hộ dân chủ. Phe dân chủ vẫn sẽ chưa đạt được đa số, và những người chỉ trích Đảng Cộng sản sẽ không thể có cơ hội trở thành ứng viên cho vị trí trưởng đặc khu. Nhưng bây giờ nhiều khả năng các nhà dân chủ có thể đóng vai trò người quyết định kết quả cuộc bầu cử nếu họ liên kết với các phe khác để ủng hộ một đối thủ nào đó.

Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh nên lo lắng. Không giống như tình trạng hỗn loạn trong vài tháng qua, cuộc bỏ phiếu trật tự và phán quyết rõ ràng mà nó đưa lại đã gây ra bất lợi cho Đảng Cộng sản. Các phương tiện truyền thông đại lục đã tránh nêu bật các kết quả. Thay vào đó, họ đã cố gắng miêu tả các cuộc bầu cử là không công bằng, với việc các ứng cử viên thân chính quyền không thể đi vận động cử tri một cách phù  hợp vì tình trạng “khủng bố đen” gây ra bởi những người biểu tình ủng hộ phương Tây, những người đã lấy màu đen làm biểu tượng. Vào ngày 27 tháng 11, việc Tổng thống Donald Trump ký ban hành một đạo luật ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã tạo thêm cớ để Trung Quốc tố cáo các âm mưu của phương Tây. Kết quả bầu cử có thể càng khẳng định niềm tin của các quan chức Trung Quốc rằng Hồng Kông cần phải được cai trị với một bàn tay cứng rắn hơn.

Bà Lam có vẻ vẫn tạm thời an toàn. Bà nói rằng chính phủ trung ương không đổ lỗi cho bà về kết quả cuộc bầu cử. Nhưng bà sẽ thấy khó mà giữ được ghế của mình trong bối cảnh phe ủng  hộ chính quyền ngày càng phàn nàn rằng các thất bại của bà, bao gồm cả việc xử lý dự luật dẫn độ, đã dẫn tới kết quả bầu cử chấn động này. Nhiệm kỳ của bà sẽ kết thúc vào năm 2022. Một số người ủng hộ chính quyền ngầm nói rằng họ muốn bà ra đi trước thời hạn đó.

Một số nhà dân chủ muốn mở lại cuộc thảo luận về một đề xuất hồi năm 2014 của chính phủ Trung Quốc cho phép công chúng bỏ phiếu bầu trưởng đặc khu tiếp theo, nhưng dựa trên một danh sách ứng cử viên được ủy ban bầu cử chấp thuận. Đề xuất này đã bị các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ bác bỏ hồi năm 2015 bởi họ cảm thấy cách làm đó sẽ cho phép Đảng Cộng sản kiểm soát kết quả. Một số người giờ đây thấy một cải cách như vậy cũng có điểm tích cực nếu xét việc Đảng Cộng sản kiên quyết không cho phép dân chủ hoàn toàn. Nhưng Benny Tai, một luật sư và nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, nói rằng ngay cả khi đề xuất này được hồi sinh thì công chúng vẫn sẽ không chấp nhận nó.

Các cuộc bầu cử đã chỉ ra rằng bất chấp sự phản đối kiên quyết của Đảng Cộng sản và những tổn thất kinh tế mà các cuộc biểu tình gây ra, người Hồng Kông vẫn rất khao khát dân chủ. Khi số tạp chí này chuẩn bị được in, một tuần đã trôi qua mà không có những cuộc biểu tình lớn trên đường phố. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng sự yên tĩnh chỉ là tạm thời. Trừ khi bà Lam thực hiện một động thái thuyết phục để đáp ứng yêu cầu của họ, họ sẽ sớm quay lại biểu tình.

P.N.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/12/02/hong-kong-di-ve-dau-sau-cuoc-bau-cu-cap-quan-gay-chan-dong/

Nguồn bản gốc: “Hong Kong’s democracy movement has gained a big electoral boost”, The Economist, 28/11/2019.

This entry was posted in Hong Kong. Bookmark the permalink.