Chính sách quốc phòng Việt Nam chuyển từ ‘3 không’ thành ‘4 không’

VOA Tiếng Việt

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh công bố Sách trắng Quốc phòng hôm 25/11/2019

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh công bố Sách trắng Quốc phòng hôm 25/11/2019

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, công bố Sách trắng Quốc phòng hôm 25/11 ở Hà Nội. Ông Vịnh cho hay điểm mới trong Sách trắng lần này là chính sách “ba không” giờ đây chuyển thành “bốn không”.

Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói tại lễ công bố Sách trắng, theo trích dẫn trên Quân đội nhân dân, VnExpress và một số cơ quan báo chí khác ở trong nước.

Các bản tin cho biết Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng “bằng biện pháp hoà bình”, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện phương châm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu thuộc viện ISEAS Yusof Ishak có trụ sở đặt ở Singapore, nhận xét với VOA rằng phần lớn nội dung Sách trắng “không có gì mới”, kể cả các nguyên tắc “bốn không”.

Nhà nghiên cứu này lập luận rằng 3 ý đầu tiên của bộ nguyên tắc có thể gộp lại thành “một không”, chỉ cần nói “không tham gia liên minh quân sự” là đủ.

Còn cái “không” số 4 mới được bổ sung thực ra không có ý nghĩa với Việt Nam, theo ông Hợp. Ông nói rõ hơn:

Không đe dọa sử dụng vũ lực thì chỉ có người khỏe hơn mới áp dụng. Bên yếu hơn mà dùng điều kiện đó thì không thích hợp. Chắc là người ta [Việt Nam] sẽ lý giải rằng ngôn ngữ đó áp dụng cho trường hợp là người ta không đánh trước. Bảo là không đe dọa sử dụng vũ lực thì nó là vô lý với một nước, một đội quân yếu hơn”.

Điều đáng chú ý của Sách trắng lần này so với bản công bố cách đây 10 năm là nó nói đến những diễn biến trên Biển Đông và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, hàm ý nói đến Mỹ và Trung Quốc, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.

Trong bối cảnh như vậy, theo quan sát của ông Hợp, bên cạnh “bốn không”, Sách trắng đề cập đến điều mà ông gọi là “một tùy”.

Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh được báo chí trong nước dẫn lời nói tại lễ công bố Sách trắng rằng “tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Tướng Vịnh nói việc Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước là để “nâng cao khả năng bảo vệ đất nước” và giải quyết các thách thức an ninh chung.

Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp phân tích thêm về ý nghĩa đằng sau khái niệm “một tùy”:

Giới quân sự hôm nay người ta nói nôm na là ‘bốn không, một tùy’. Họ nói khá là rõ rằng nếu tình hình xảy ra xấu thì họ phải tính toán như thế nào cho phù hợp. Trong hoàn cảnh đặc biệt, xảy ra chiến tranh hoặc bị xâm lược hoặc bị tấn công… thì người ta sẵn sàng xem xét lại tất cả các nguyên tắc đã trình bày ở trước. Ví dụ, người ta có thể xem xét lại ‘bốn không’”.

Các bản tin trong nước cho hay Thứ trưởng-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh rằng Sách trắng Quốc phòng được công bố “nhằm minh bạch hóa” chính sách quốc phòng và “xây dựng lòng tin” với các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thông điệp của Bộ Quốc phòng nói riêng và trên bình diện lớn hơn là chính thể Việt Nam nói chung vẫn “mập mờ”, dường như họ “sợ lộ gì đó” và có thể bị “phiền”.

Một phần khác của Sách trắng giới thiệu trang bị vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam, các bản tin cho hay. Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói với báo giới rằng vũ khí của Việt Nam “vừa đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc và không phương hại đến quốc gia nào”.

Ông Vịnh cũng được trích lời khẳng định rằng “tỷ lệ trang bị vũ khí do Việt Nam tự sản xuất hiện nay đã nhiều hơn trước, chứng tỏ sự tự lực của Việt Nam trong vũ khí những năm qua”.

Vị Thứ trưởng cho biết thêm Sách trắng còn đưa ra thông tin cho thấy nền quốc phòng Việt Nam “được đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, nhưng không chạy đua vũ trang”.

Sách trắng cho hay ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm 2,23% GDP, 2011 là 2,82%, 2012 là 2,88%… 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36%, theo các bản tin.

Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2018 đạt 242 tỷ đô la, với GDP đầu người là 2.587 đô la.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/chinh-sach-quoc-phong-vn-chuyen-tu-3-khong-thanh-4-khong/5179868.html

This entry was posted in Quốc phòng Việt Nam, Sách trắng Quốc phòng. Bookmark the permalink.