Lưu Trọng Văn
Bà Đỗ Thị Kim Liên – chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống, đã có trao đổi riêng với Tuổi Trẻ:
“Công ty chúng tôi đã phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, phải tự mang tiền đi trả cho người dân để có mặt bằng làm dự án. Vì vậy, đây là dự án chúng tôi tự hào vì còn giá trị cho nhiều đời sau mới có thể đánh giá hết được”.
Xin hỏi bà Liên người rất tài năng trong kinh doanh và trong tư vấn kinh doanh rằng, với 65 ha đất bờ bãi, đất nông nghiệp ở xã Phù Đổng và xã Trung Đẩu huyện Gia Lâm, giá thực sự là bao nhiêu?
Giá thực bao nhiêu? Chỉ cần một cuộc điều tra của phóng viên quèn tập sự hỏi bà con bán đất thu thực sự bao tiền rồi nhờ học trò lớp hai cộng lại là ra.
Xin tạm tính 1000 tỷ mua 65 ha đất, vậy 1 ha đất giá gần 15,4 tỷ. 1 ha là 10.000 m2 , suy ra giá một mét vuông đất ven sông, đất nông nghiệp ở xã Phù Đổng và xã Trung Đẩu là hơn 1,5 triệu.
Theo giá nhà nước đền bù, giải toả đất nông nghiệp cùng các trợ giá đền bù khác giúp nông dân thì một mét vuông khoảng 150.000 đồng đến 300.000 đồng, thậm chí cứ cho là đến 1 triệu đồng.
Công trình nhà máy nước là dạng dự án kinh doanh công ích luôn được áp giá ưu tiên của nhà nước.
Tuy vậy cứ cho con số đền bù, giải toả, mua đất 65 ha với giá hơn 1000 tỷ đồng mà bà Liên đưa ra là thực tế đi, thì những ai hiểu biết chuyện kinh doanh lại khó bỏ qua sự nghi ngờ về sự cả tin, ngây thơ của bà khi bà nói với Tuổi Trẻ:
“Thành phố Hà Nội ký hợp đồng với chúng tôi với mức đầu tư này, công suất này thì chúng tôi mới triển khai đầu tư làm. Nếu không ký (với giá tạm tính 10.246 đồng) thì chúng tôi đầu tư lớn rồi lấy cái gì để trả cho ngân hàng?”.
Thưa bà Liên!
Bà luôn chứng tỏ mình là một người dày dạn thương trường lại còn tổ chức và giảng dạy kinh doanh, lẽ nào khi quyết định đầu tư kinh doanh bỏ ra hàng ngàn tỷ cùng vay ngân hàng hàng ngàn tỷ nữa, lại cả tin và ngây thơ chỉ tin vào hứa hẹn, thậm chí cả hợp đồng cam kết của đại diện chính quyền theo tư duy nhiệm kỳ luôn ẩn chứa sự rủi ro?
Kinh nghiệm bao doanh nghiệp bị phá sản chỉ vì cái niềm tin này rồi.
Vì vậy, nếu bà Liên chỉ là nhà kinh doanh đơn thuần đặt lợi nhuận lên trên hết, chắc chắn khi quyết định đầu tư, bà đã nát nước cùng các chuyên gia kinh doanh lọc lõi của mình điều tra tính toán kỹ bao nhiêu Dân Hà Nội sẽ mua nước của mình và mua giá bao nhiêu là mình có lời ít và giá bao nhiêu là mình lời khẳm.
Bà đừng nên đổ vấy cho chính quyền Hà Nội cam kết hợp đồng mức giá ký hợp đồng 10.246 đ/m3 nên bà mới làm, mọi người sẽ cười cho, thưa bà!
Còn nếu là một nhà kinh doanh đứng đắn có trách nhiệm vì người Dân như bà nói, thì bà phải chủ động cam kết mức giá chính xác theo giá trị thật đầu tư và bài toán kinh doanh của mình có lợi cho cả người Dân và doanh nghiệp.
Rồi theo khung giá chấp nhận được này bà mới cùng chính quyền kí hợp đồng pháp lý (để nếu ra toà tranh tụng bà luôn thắng) chứ không phải ngồi đón lõng giá do chính quyền phóng ra rồi cùng thoả thuận được.
Xin hỏi bà, bà dư biết các nhóm lợi ích trong chính quyền xưa nay luôn sẵn sàng đi đêm phóng giá, thiệt hại Dân chịu, thì lẽ nào bà không soi kỹ giá bất lợi cho Dân mà họ phóng ra và yêu cầu họ trở về giá đúng nếu bà là nhà kinh doanh vì Dân như bà nói?
Với lý lẽ trên, nhiều người có quyền nghi ngờ rằng giá 10.246 đồng (tưởng rằng tính toán rất chi li đến cả 246 đồng) cho một mét khối nước quá cao so với giá nước người Hà Nội đang mua là giá của chính bà Liên ngầm đưa ra. Giá đó có lợi cho mình là lẽ đương nhiên, đồng thời giá đó còn có lợi cho cả ai đó trong nhóm lợi ích của chính quyền thực tế bà khó mà né được rồi “đi đêm” rằng chính chính quyền đưa ra, mà thôi.
Bởi, nếu không vậy thì khó mà tin bà Liên là nhà kinh doanh đơn thuần được.
Và, nếu sự thật như thế thì cũng khó mà tin những lời của bà Liên rằng bà kinh doanh không chút lòng tham được.
L.T.V.
Nguồn: FB Lưu Trọng Văn