Vụ ám sát GS Nguyễn Văn Bông: Cái kết được báo trước của VNCH

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

KỲ 2 – Lựa chọn hoàn hảo

Để thực hiện thành công sứ mệnh giúp Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến mà vẫn bảo đảm cho chính quyền Sài Gòn khả năng tự mình đương đầu với địch thủ Cộng sản, Đại sứ Bunker buộc phải tìm ra một nhân vật người Việt không chỉ là dân sự mà còn phải đáp ứng chí ít ba tiêu chí: có năng lực chống Cộng, có uy tín chính trị và nhất là, có chiến lược xây dựng một Việt Nam Cộng hòa có khả năng “độc lập tác chiến”. Rất nhanh chóng, ông đã tìm thấy nhân vật đó ở Giáo sư Nguyễn Văn Bông.

Nguyễn Văn Bông sinh năm 1929, trong một gia đình nghèo, cha là thợ bạc, mẹ là thợ may. Vì vậy, ông phải làm việc từ lúc mới 12 tuổi để kiếm thêm tiền đi học. Năm 1949, ông mua một vé tàu hạng ba đi Pháp để du học. Tại Paris, ông làm bồi bàn tại tiệm ăn La Table du Madarin và kết thân với một sinh viên Việt Nam khác cũng đang làm bồi bàn tại đây là Nguyễn Ngọc Huy, người sẽ sát cánh cùng ông trong các hoạt động chính trị sau này. Sau khi đạt học vị Tiến sĩ Luật và Tiến sĩ Chính trị học vào năm 1960 và Bằng Giảng dạy đại học (Agrégation) (2) về công pháp vào năm 1962, ông về nước vào tháng 1/1963 theo lời mời của chính quyền Ngô Đình Diệm để giảng dạy tại Phân Khoa Luật – Viện Ðại học Sài Gòn. Trước khi về nước, ông đã hứa hôn với một nữ sinh viên tên là Lê Thị Thu Vân, người mà ông sẽ cưới làm vợ vào năm 1964. Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, chính quyền mới bổ nhiệm ông làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh có chức năng đào tạo các công chức trung, cao cấp.

Về tiêu chí thứ nhất, Giáo sư Bông là một người chống Cộng có bài bản.

Thời điểm ông về nước, chính quyền Ngô Đình Diệm đang đàn áp dữ dội phe đối lập với việc truy cứu hình sự nhiều người trong số 18 chính khách chống Cộng thuộc Khối Tự do Tiến bộ (gọi tắt là Cấp Tiến), còn gọi là Nhóm Caravelle, Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh… do ủng hộ cuộc đảo chính ngày 11.11.1960 của nhóm sĩ quan Nguyễn Chánh Thi – Vương Văn Đông. Ngày 7/7/1963, trước khi quyên sinh để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ông ra xét xử, Nguyễn Tường Tam viết trong di chúc: “Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản”.

Đồng quan điểm chống độc tài gắn với chống Cộng nêu trên của vị cựu thủ lĩnh Tự Lực Văn Đoàn, Giáo sư Bông cho rằng sự tồn tại của đối lập chính trị mới giúp chống được Cộng sản. Trong bài thuyết giảng “Vấn đề đối lập trong chánh thể dân chủ” nhân lễ khai giảng 1/8 cùng năm tại Trường Luật, ông nhấn mạnh: “… vì thiếu đối lập mà cộng sản và những phần tử dân chủ nắm mất chánh nghĩa đối lập và lợi dụng khai thác những bất mãn, than phiền của quần chúng. Vậy để tránh mọi sự ngộ nhận giữa chánh quyền và nhân dân, để cho trạng thái tinh thần khủng hoảng của dư luận được thể hiện một cách ôn hòa, để cho những phần tử phiến loạn hết cơ hội lợi dụng tuyên truyền và khai thác, vấn đề đối lập tự do và xây dựng cần phải được đặt ra”. Sau bài thuyết giảng này, theo bà Jackie Bông, Giáo sư Bông đã phải liên tục thay đổi chỗ ngủ trong một thời gian vì sợ mật vụ của ông Ngô Đình Nhu, Cố vấn của Tổng thống Diệm, hãm hại.

Cũng bởi tầm quan trọng có tính sinh tử của đối lập chính trị trong cuộc chiến chống Cộng sản mà Giáo sư Bông đã dành hẳn một chương, Chương IV, Thiên thứ ba, cho vấn đề này trong giáo trình “Luật Hiến pháp và Chính trị học”. Tuy nhiên theo ông, để có đối lập chính trị thì phải có hệ thống đa đảng vì hệ thống độc đảng triệt tiêu nó. Ở phần “Chính đảng” của giáo trình này, ông viết: “Với một chính đảng duy nhất – dù trên Hiến pháp phân quyền được ấn định – nguyên tắc này chỉ là hư ảo vì Hành pháp và Lập pháp chỉ là thừa hành mệnh lệnh của trung ương đảng bộ. Chính phủ gồm toàn nhân viên cao cấp của đảng, còn Quốc hội là cán bộ của đảng chỉ biết hoan hô. Đại hội của đảng có một tầm quan trọng gấp trăm lần phiên họp của Quốc hội. Đối lập – lẽ dĩ nhiên – không thành vấn đề. Vì chỉ có một chính đảng được phép công khai hoạt động. Không những không có chính đảng đối lập mà cũng không có đối lập trong chính đảng duy nhất ấy”. Tóm lại, Giáo sư Bông cổ súy hệ thống đa đảng cũng là nhằm chống Cộng sản.

Đối tượng tác động của ông không chỉ là sinh viên mà còn, và nhất là, bản thân thể chế chính trị. Đầu tháng 3 năm 1967, ông đã cho xuất bản thành sách giáo trình nói trên với cùng tiêu đề nhằm ảnh hưởng trực tiếp đến việc soạn thảo Hiến pháp cho Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa. Kết quả là Hiến pháp được ban hành sau đó 1 tháng đã quy định “Chính Đảng và Đối Lập” tại Chương VII.

Vẫn theo Giáo sư Bông, để chống Cộng thành công, chính quyền phải lôi kéo được dân đi với chính quyền. Trong bài “Vai trò chánh đảng và cuộc sinh hoạt chính trị tại Việt Nam Cộng hòa”, ông viết:“Đa số quần chúng ở với ta nhưng vẫn chưa theo ta. Trong lúc đó, ở vùng Cộng sản kiểm soát sự tham gia của dân chúng vào guồng máy đấu tranh là một điều bắt buộc, dưới hình thức này hay hình thức khác, với mọi phương tiện và thủ đoạn. Cộng sản huy động mọi tầng lớp nhân dân cùng chiến đấu với họ. Đối với Cộng sản bất cứ ai cũng không thể đứng ngoài cuộc tranh chấp. Và giải pháp của vấn đề không phải chỉ có phát gạo, phát đường, mà phải còn đặt nặng vấn đề chính trị, củng cố lập trường, cùng ý thức hệ…Xây dựng nông thôn, tranh thủ nhơn tâm, trước hết là xậy dựng tư tưởng chính trị, tranh thủ quần chúng chấp nhận xã hội ta, chế độ ta”. Và để lôi kéo được dân, Giáo sư Bông chủ trương “chính trị hóa sinh hoạt” của bộ máy chính quyền, biến từng viên chức chính quyền thành “cán bộ chính trị”.

Cũng cần nói thêm rằng phương pháp “dân vận” này của Giáo sư Bông hoàn toàn khớp với mục tiêu “bình định nông thôn” (pacification) bằng phương thức tình báo của người đứng đầu CORDS. Thực vậy, Komer tổ chức các “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” được trang bị vũ khí nhẹ, còn gọi là “Đội quân áo đen” và thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân, nhất là với những nhà có người tập kết ra Bắc hoặc thoát ly theo Cộng sản, để phát hiện và tiêu diệt “Cộng sản nằm vùng”. Cũng như vậy, phương pháp này của Giáo sư Bông hoàn toàn phù hợp với “chiến tranh toàn diện” gồm cả hành quân, bình định và gia tăng năng lực của Quân lực Việt Nam Cộng hòa của Đại tướng Abrams.

Về tiêu chí thứ hai, Giáo sư Bông có một loạt lợi thế để tập hợp lực lượng và tạo đoàn kết cả trong và ngoài chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Là Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, chắc chắn ông có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các học trò của ông đang và sẽ nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Là một trí thức nổi tiếng chống độc tài và cổ súy cho đảng chính trị và hệ thống đa đảng, điều được thể hiện rõ qua các tác phẩm đã dẫn ở trên của ông, Giáo sư Bông dễ có được sự hợp tác của các đảng phái hơn bất cứ ai khác.

Sự liêm khiết của Giáo sư Bông cũng là một thế mạnh nữa của ông trong bối cảnh chính quyền Sài gòn bị ngay người Mỹ nhận định tham nhũng trầm trọng (3). Ông Hoàng Đức Nhã cũng khẳng định: “Không có gì phải nghi vấn về sự trong sạch của Giáo sư Bông”. Phẩm chất này của ông hẳn sẽ giúp xây dựng được một chính quyền “sạch” hơn để tranh thủ dân chúng một khi ông tham gia Chính phủ.

Tóm lại, uy tín của Giáo sư Bông chẳng những có thể mang lại cho Việt Nam Cộng hòa tính chính danh trong mắt của đa số người dân miền Nam mà quan trọng hơn, có thể giúp chính thể này chiến thắng trong viễn cảnh tổng tuyển cử để định ra chính quyền tương lai cho Nam Việt Nam mà Hội nghị Paris đang bàn tới.

Về tiêu chí thứ ba, Giáo sư Bông đã tìm ra phương thức khả dĩ giúp Việt Nam Cộng hòa trụ vững trong cuộc chiến một khi Mỹ rút quân. Đó chính là công tác chính trị.

Vẫn trong bài “Vai trò chánh đảng và cuộc sinh hoạt chính trị tại Việt Nam Cộng hòa”, ông viết: “Chính trị hóa sinh hoạt còn có nghĩa nung đúc tinh thần chiến đấu…Chỉ có tinh thần mới có thể giúp ta tự lực, tránh cho ta thái độ ỷ lại vào người. Nếu ngoại viện là điều cần thiết trong giai đoạn hiên tại thì chính vì ngoại viện ấy mà chúng ta càng phải mau mau phát động ý chí tự lực, tự cường hầu có thể chịu đựng khi không còn ngoại viện”.

Cũng như vậy, trong bài “Mặt trận quân sự” viết trong bối cảnh Hội nghị Paris về Việt Nam đã được tiến hành, ông chủ trương “phát triển triệt để chiến tranh chính trị trong quân đội” với giải thích: “Thực vậy, sự rút quân của đồng minh sẽ tạo một khủng hoảng tâm lý quan trọng cho quân đội Việt Nam. Ngành tâm lý chiến phải đánh tan mặc cảm bị bỏ rơi, thái độ ỷ lại, tinh thần chủ bại, tâm lý ngạo khó, ngán địch, đồng thời phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, tự túc, nâng cao tinh thần tự vệ và đoàn kết với nhơn dân để tiêu diệt địch trong nhơn dân”.

Nói cho đúng, Bunker có được Giáo sư Bông như một lựa chọn hoàn hảo cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” chính là nhờ người tiền nhiệm: Henry Cabot Lodge. Thực vậy, vị cựu Thượng nghị sĩ bang Massachusetts này đã phát hiện ở Giáo sư Bông một chính khách có bản lĩnh, và hơn thế nữa, một thủ lĩnh đối lập tiềm tàng qua bài thuyết giảng “Vấn đề đối lập trong chánh thể dân chủ” của ông. Bảo trợ và gây dựng vị thế cho vị giáo sư Trường Luật này vì vậy là chuyện không phải bàn cãi đối với Cabot Lodge, vốn được Tổng thống Kennedy cử sang Nam Việt Nam để chấm dứt chế độ Ngô Đình Diệm đang gây phương hại nghiêm trọng cho cuộc chiến chống Cộng sản của Mỹ tại đây (4). Điều này giải thích vì sao Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã bổ nhiệm Giáo sư Bông làm người đứng đầu Học viện Quốc gia Hành chánh ngay sau cuộc đảo chính sát hại ông Diệm cùng bào đệ là ông Nhu mà Cabot Lodge là người trực tiếp đứng đằng sau.

Sự bảo trợ chính trị này không hề kín đáo, ngược lại là khác. Bà Jackie Bông kể: “Đại sứ Cabot Lodge luôn mời anh Bông và tôi dự các buổi tiếp tân của Đại sứ quán, và nhất là dành cho tôi ghế danh dự, bên tay mặt ông, trong khi anh Bông tuyệt nhiên không phải là quan chức cao cấp. Ông ấy còn đến đám tang Khánh em trai tôi, chỉ là một trung úy tử trận”.

(Còn tiếp)

Chú thích

(2) “Agrégation” là bằng cần có để giảng dạy Đại học ở Pháp, người có bằng này được gọi là “agrégé”. Ngược lại, “Capes” (Certificat d’Aptitude au Professorat de l’Enseignement du Second degré) là bằng cần có để giảng dạy trung học. Trong hệ thống giáo dục miền Nam Việt Nam trước 1975, “Agrégation” được dịch là “Thạc sĩ”. Trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, “Thạc sĩ” là học vị trên Cử nhân và dưới Tiến sĩ, tương đương “Maitrise” (Pháp) hay Master (Anh, Mỹ). Để tránh nhầm lẫn, theo tác giả bài viết này, “Agrégation” cần được dịch là “Bằng Giảng dạy đại học”. Cũng như vậy, “Capes” cần được dịch là “Bằng Giảng dạy trung học”.

(3) Theo nhà báo Mỹ William J. Lederer, kẻ thù tồi tệ nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là nạn tham nhũng của Việt Nam Cộng hòa; hàng tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ bị quan chức tham ô rồi bán ra chợ đen.

(4) Tổng thống Ngô Đình Diệm không chỉ cai trị theo lối gia đình trị, đàn áp Phật giáo gây phẫn nộ lớn cả trong chính quyền và quân đội lẫn ngoài xã hội mà còn muốn độc lập với Mỹ và thỏa hiệp với Cộng sản. Khi Đại sứ Frederick Nolting đề nghị để cho Hoa Kỳ chia sẻ những quyết định về Chính trị, Quân sự và Kinh tế, ông Diệm trả lời rằng “chúng tôi không muốn trở thành một xứ bảo hộ của Hoa Kỳ”. Theo ông Cao Xuân Vỹ, phụ tá của Cố vấn Ngô Đình Nhu, vào tháng 2 năm 1963, ông Nhu mượn cớ đi săn cọp ở khu rừng Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy, để bí mật gặp Phạm Hùng, ủy viên Bộ chính trị Đảng Lao Động Việt Nam. Thông tin này là có cơ sở vì Phạm Hùng giữ chức Trưởng Ban Thống nhất thuộc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (từ 1958 đến 1966), cơ quan này có chức năng nghiên cứu và triển khai thống nhất hai miền Bắc-Nam Việt Nam bằng phương pháp hòa bình

C.H.H.V.

(Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam)

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chế độ VNCH. Bookmark the permalink.