Nguyễn Lân Thắng
Ai từng đi học tiếng Anh chắc mọi người đều nhớ, sau khi dạy nói Hello, người ta bắt đầu dạy câu hỏi Where are you from? Bạn đến từ đâu? Đó là một câu hỏi không chỉ thuần tuý mang tính xã giao, mà nó còn mang đầy chủ ý, để tìm hiểu các giá trị có thể có trong một con người. Muốn giao tiếp hiệu quả với bất kỳ ai thì chúng ta phải tìm hiểu sơ qua con người, hiểu được những phẩm chất mà họ có được.
Vậy tại sao phải hỏi một người khác về nơi chốn họ đến, điều này có ý nghĩa gì, xin hãy dành vài phút để tôi giải thích sơ qua cho bạn hiểu.
Môi trường tạo nên hành vi. Hành vi lặp đi lặp lại sẽ tạo ra năng lực. Năng lực được thể hiện trong một thời gian dài sẽ hình thành giá trị. Giá trị được phát lộ sẽ tạo nên nhân tính. Nhân tính tốt hay xấu sẽ tạo ra ảnh hưởng đến cộng đồng, đến môi trường bên ngoài một con người. Ấy là chuỗi logic trong cuộc đời, dù ít hay nhiều không một ai có thể tránh khỏi.
Có thể thấy trong ca dao từ ngàn xưa, những giá trị của con người được nêu bật và gắn liền với vùng miền địa lý như:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Chè Thái, gái Tuyên
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi đi quyền
…
Không chỉ cái hay, cái đẹp, tôi còn nhiều câu ca dao khác động chạm đến tật xấu của các vùng miền, nhưng xin được để lại, không nói ra ở đây vì muốn giữ hoà khí chung.
Nhận thức được người khác để giao tiếp tốt là điều quan trọng. Nhưng nhận thức được bản thân mình để tiến bộ còn quan trọng hơn nhiều. Tuy vậy không phải lúc nào lời nói thật cũng được hoan nghênh, vì bản tính con người ai chẳng thích được thừa nhận, được ngợi khen?
Năm 1985 ở Đài Bắc có một cuốn sách ra đời mang tựa đề là Người Trung Quốc xấu xí. Đây là những ghi chép các cuộc tranh luận của chính tác giả tên là Bá Dương về chủ đề những điểm xấu của người Trung Quốc. Cuốn sách này không phải là tuyệt tác văn chương, không phải là pho kinh sử hay triết lý gì đó ghê gớm lắm, nhưng nó đã tạo ra một cuộc tranh luận xã hội rộng rãi trong cộng đồng người Trung Quốc trên toàn thế giới. Cuốn sách cũng gây ảnh hưởng trên toàn cầu và được dịch ra nhiều thứ tiếng, bởi một điều rất giản dị. Ấy là sự dũng cảm, trung thực, tự phê bình những thói hư tật xấu của dân tộc Trung Hoa. Vì thế ngoài những tiếng la ó phản đối thì Bá Dương cũng nhận được vô số lời khen ngợi và cảm phục dành cho ông.
Dân tộc nào biết phản tỉnh, dân tộc ấy sẽ tiến bộ. Con người nào biết sửa mình, con người ấy sẽ thành công. Đó là điều tôi muốn nói khi liên hệ chuyện này đến Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay có truyền thống lịch sử rất đáng tự hào. Đã có lúc đất nước bé nhỏ này làm nên những kỳ tích mà các đế quốc lân bang hùng mạnh khác phải kinh sợ. Ấy thế nhưng đó chỉ là quá khứ được viết trong sử sách. Tình trạng yếu kém của người Việt bây giờ hiển lộ qua từng sự kiện thời sự, từng góc cạnh khác nhau của đời sống. Khốn thay, không phải ai cũng nhận ra, vì đất nước này đang chịu sự cầm quyền của những kẻ ghét sự thật.
Tuy bị tuyên truyền nhồi sọ nhiều thế hệ, lúc nào cũng tự hào đánh thắng đế quốc to, đi đâu cũng khoe con Rồng cháu Tiên, nhưng nhiều người dân đã thấy mặt trái của đất nước này. Chẳng hạn như vụ xuất khẩu “cô dâu Việt”, vụ bảng cảnh báo cấm trộm cắp viết bằng tiếng Việt ở Nhật… hay gần đây có vụ “cho đi nhờ” chuyên cơ sang Hàn Quốc, vụ 39 người tử nạn ở bên Anh… là những điều xấu hổ cho đất nước mà không ai có thể phủ nhận được.
Nói đến những chuyện xấu hổ này, tôi nhớ lại các bài viết đánh giá về giá trị của tấm hộ chiếu Việt Nam. Có lẽ người đầu tiên nhắc nhở chúng ta về chuyện này là ngài Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Trong một lần gặp gỡ UBND tp Hà Nội năm 2008 về vấn đề chiếm giữ toà Khâm sứ, ngài có phát biểu một cách rất mạnh mẽ như sau:
“Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên”.
Sau câu nói này, Đức tổng giám mục đã bị hệ thống truyền thông cộng sản cắt đi, chỉ còn mỗi câu: “tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. Và đó chính là cái cớ để một loạt cây viết khác xông vào nhục mạ, đấu tố ngài.
Sự kiện này đã qua đi hơn 10 năm rồi, và trắng đen thế nào ai muốn tìm hiểu cũng đã rõ. Một người từng viết bài nhục mạ Đức tổng như ông Hà Văn Thịnh ở Huế đã phải lên tiếng xin lỗi. Nhiều bài báo của các truyền thông quốc tế uy tín đã vạch rõ sự yếu kém của tấm hộ chiếu Việt Nam. Theo như nhà báo Mạnh Kim viết trên VOA:
<<<…Henley Passport Index công bố ngày 1-10-2019 cho thấy hộ chiếu Nhật và Singapore đang là hộ chiếu “chảnh” nhất thế giới. Cầm hộ chiếu này trong tay, bạn có thể đi đến 190 quốc gia mà không cần xin visa. Đức, Hàn Quốc và Phần Lan xếp thứ hai, với 188 quốc gia. Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ… ngang ngửa, với 184 quốc gia. Trong khi đó, công dân Việt Nam chỉ đến được 51 quốc gia mà không cần thị thực, trong đó có những nước mà người du lịch Việt Nam gần như không bao giờ nghĩ đến việc đặt chân tới, chẳng hạn Djibouti và Somalia. Với hạng 90 trong Henley Passport Index, hộ chiếu Việt Nam còn tệ hơn Sierra Leone…>>.
Tôi nhắc lại câu chuyện này, bởi quyền lực của tấm hộ chiếu chính là giá trị mang tính khái quát, đại diện cho phẩm giá, hạnh phúc và sức mạnh của mỗi một con người. Cho dù bạn giàu có và thành công bao nhiêu đi nữa, nhưng bạn không thể tự hào về nơi chốn sinh ra mình, thì bạn không thể đạt được niềm hạnh phúc trọn vẹn trong đời.
Mỗi khi có ai đó hỏi: Where are you from? xin bạn hãy nhớ những lời tâm tình trong bài viết này của tôi. Tôi hi vọng nỗi ám ảnh đó sẽ trở thành động lực, để rồi chúng ta có thể làm gì đó trong tương lai, và có ngày lại được tự hào khi trả lời rằng: Tôi đến từ Việt Nam.
Yêu thương tất cả ♥️.
N.L.T.
Nguồn: FB Nguyễn Lân Thắng