Phạm Chí Dũng
Nhóm nhân sỹ mang Tuyên bố Biển Đông đến Quốc hội đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội hôm 8/8/2019. (Ảnh chụp video đăng trên Facebook A Nguyen Quang)
Vào kỳ họp tháng 10 – 11 của Quốc hội Việt Nam, một bộ phận dư luận xã hội đang lay lắt hy vọng về thái độ của cơ quan được xem là ‘dân cử tối cao’ này đối với Trung Quốc, rằng gần 500 ‘nghị gật’ sẽ được ‘hoan nghênh’ hay đáng bị dân chúng nguyền rủa nếu một lần nữa không dám mở miệng mà cũng chẳng dám hé răng về một nghị quyết Biển Đông.
Và cũng đừng lấy việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vừa rút về nước để né tránh nghĩa vụ chính trị của Quốc hội.
Trục hoành và trục tung
Khung đồ thị với trục hoành biểu thị mức hèn nhát và trục tung biểu thị độ can đảm, hoặc chính xác là đỡ hèn hơn, đã lần đầu tiên, sau rất nhiều năm trời, ghi nhận đường biểu diễn ‘can đảm’ có một chút ngóc đầu khỏi trục hoành để hướng lên trục tung. Lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, vấn đề Biển Đông được đưa vào nghị trình làm việc của Quốc hội.
Vào ngày 21/10 khi khai mạc Kỳ họp Quốc hội, cơ quan thẩm tra của Quốc hội lần đầu tiên lên tiếng công khai: “việc xảy ra vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng”.
Thế nhưng đó chỉ là cú ngóc đầu lên một chút, khỏi cái trục hoành mà đã từ quá lâu úp mặt xuống đó.
Người ta có thể nghi ngờ rằng tại sao sự lên tiếng trên lại dồn vào cơ quan thẩm tra của Quốc hội chứ không phải được phát ngôn thẳng xương sống bởi chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Cũng chẳng người dân nào quên rằng nếu trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đã xông thẳng vào Biển Đông như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Đảng Việt Nam, Quốc hội và Nguyễn Thị Kim Ngân đã không há nổi miệng và cũng chẳng hé ra được nghị quyết nào về Biển Đông, thì 2019 còn tồi tệ hơn: trong khi bà Ngân ‘mắt liếc mày cong’ với Tập Cận Bình ở Bắc Kinh về ‘làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ và cả một khái niệm cực kỳ trừu tượng và bỉ bôi là ‘đại cục’, cái bóng ma Hải Dương 981 lại hiện hình trên Biển Đông. Nhưng ngay cả thế, từ khi chia tay Tập đến nay, Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn không thốt nổi một lời về phản đối Trung Quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ lặp lại trơn tuột cụm từ “không bao giờ nhân nhượng” đối với vấn đề độc lập, chủ quyền khi ông ta cúi mặt đọc báo cáo trước nghị trường.
Vào đầu tháng 10 năm 2019, mạng xã hội từng sôi lên khi Thủ tướng Phúc, dù đã dám hé răng về ‘căng thẳng Biển Đông’, nhưng lại không đủ can đảm nêu tên Trung Quốc.
Song những con cừu Việt lại thật đồng lòng trước nỗi sợ Trung Quốc, và chẳng có con cừu nào bị rơi vào trạng thái tuyệt đối cô đơn.
Tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2019, đã có một cơ hội dành cho tân thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Việt Nam để cầu cứu cộng đồng quốc tế hỗ trợ vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính. Thế nhưng Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lại chỉ ấp úng ‘các bên liên quan’ về căng thẳng ở Biển Đông mà không một lần dám nhắc đến cái tên tàu Hải Dương 8 hay kẻ nào đứng sau hoạt động thách thức của tàu này. Và cũng rất đồng điệu với Nguyễn Xuân Phúc, không một lần Minh dám nhắc đến cái tên Trung Quốc. Thái độ cúi đầu cam chịu ấy đã khiến Minh cùng sếp của ông ta là Nguyễn Phú Trọng bị mạng xã hội chỉ trích và lên án dữ dội.
Toàn bộ chứng tự kỷ chính trị câm nín ấy diễn ra trong bối cảnh đã gần bốn tháng kể từ ngày Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, nhưng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn chưa một lần dám nổ súng cảnh cáo. Trong khi đó, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Sẽ ‘chống giặc bằng cờ’ thay cho nghị quyết Biển Đông?
Dù kéo dài trong suốt một tuần lễ, Hội nghị trung ương 11 vào tháng 10 năm 2019 đã chỉ như mê nhảm khi Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc hội nghị với sự lồng ghép câu ‘thần chú’: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế”, sau khi đã phát biểu khai mạc Hội nghị 11 bằng cách thập thò ‘phân tích dự báo tình hình Biển Đông’.
Cử động thập thò trên đã chỉ hiện ra sau một làn sóng chỉ trích Trọng xuất hiện trong nội bộ đảng và càng sôi sục hơn về ý chí ‘hèn với giặc, ác với dân’ trong dư luận xã hội.
Thế nhưng “độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ’ và “không bao giờ nhân nhượng” là tất cả sáo ngữ hiếm hoi mà Nguyễn Phú Trọng dám mở miệng, trong khi tuyệt đối khép miệng về hai cái tên Bãi Tư Chính và Trung Quốc.
Chủ nào tớ nấy. Đến giờ thì người ta có thể hiểu vì sao cả Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một lô lốc tướng quân đội – mà theo mô tả của tướng Lê Mã Lương là ‘chỉ giỏi nhiều tiền’ và ‘không biết đọc bản đồ thực địa’ – đã chỉ biết lặp tới lặp lui những cụm sáo ngữ của Trọng, hệt như học sinh lớp cơm nát mở miệng tập nói.
Và không biết vô tình hay hữu ý, đúng vào ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội 21/10, lại có “đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc” như không có chuyện gì xảy ra!
Trong lúc 6 tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam được cho là còn phải đi chống ngập ở Hà Nội và Sài Gòn, còn các tàu chiến khác, kể cả ‘tàu buồm hiện đại nhất thế giới’ mang tên Lê Quý Đôn tuyệt đối mất dạng, phần lớn lực lượng hải quân Việt Nam vẫn phủ phục trong tư thế bất lực và kiên định… bám bờ, còn viên đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến vừa bị khởi tố bởi tội ‘ăn đất’, các tàu Trung Quốc đã thả giàn tung hoành ở Biển Đông và ngay trong ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ của Việt Nam.
Vậy nếu nổ ra ‘tình huống xấu nhất’ với Trung Quốc, hải quân Việt Nam sẽ đánh chác ra sao? Sẽ tiếp tục phát cờ cho ngư dân để “thuyền ra biển lớn” và lại khiến rộ lên câu vè dân gian “Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động”?
Ngay trước mắt, động tác cho đoàn của ‘bộ trưởng không biết đọc bản đồ thực điịa’ Ngô Xuân Lịch đi Trung Quốc tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 đã gián tiếp trả lời cho câu hỏi ‘Quốc hội liệu có ra nghị quyết về Biển Đông hay không?’.
Thậm chí ngay cả trong trường hợp lòng can đảm nhích lên một chút theo trục tung để Quốc hội Việt Nam trưng ra một nghị quyết về Biển Đông trong kỳ họp tháng 10 – 11 năm 2019, cũng chẳng có gì bảo đảm là trong tờ giấy đó có được cụm từ ‘Bãi Tư Chính’, càng không hy vọng nào rằng tờ giấy ấy sẽ dám đả động cái tên Trung Quốc.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN