Nhân tài Việt Nam nay ở đâu?

Nguyễn Quang Duy

Quốc hội cộng sản tuần qua bàn cãi về Dự luật quy định “thế người nào là nhân tài?” Báo Dân Trí ngày 24/10/2019, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đưa ý kiến: “Có rất nhiều thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài về đang thất nghiệp; có rất nhiều lái xe ôm, Grab là thạc sỹ. Xin hỏi những người đó được đào tạo tốt như vậy có là nhân tài hay không? Xin thưa là không!”

Tốt nghiệp Thạc sỹ, Tiến sỹ nước ngoài chứng tỏ người tốt nghiệp có khả năng làm việc và nghiên cứu độc lập, về nước lại không có việc làm chuyên môn là vấn nạn mang tầm vóc quốc gia.

Ở các nước tự do, không dân cử nào dám mở miệng kết luận những người như thế không phải nhân tài, mà cả Quốc hội phải tìm hiểu cặn kẽ lý do và tìm ra giải pháp khắc phục.

Bài viết xin dựa trên triết lý của triết gia Lý Đông A “Nuôi tâm sinh thiên tài, nuôi trí sinh nhân tài, nuôi thân sinh nô tài” để bàn luận vấn đề nhân dụng tại Việt Nam.

Triết lý này có thể giúp giải thích được hành vi và kết quả việc làm của con người và của tập thể.

Để dễ dàng thảo luận xin đảo thứ tự câu trên thành “Nuôi thân sinh nô tài, nuôi trí sinh nhân tài, nuôi tâm sinh thiên tài”.

Mục đích làm chính trị

Chính trị nuôi thân sinh nô tài, chính trị nuôi trí sinh nhân tài, chính trị nuôi tâm sinh thiên tài.

Trong thể chế cộng sản muốn tham gia chính trị bắt buộc phải gia nhập Đảng Cộng sản. Vì thế đảng viên thường gia nhập vì quyền lợi chính trị, nói cách khác muốn làm nô tài nuôi thân.

Đảng Cộng sản chủ trương hồng hơn chuyên, nên hiện tượng con ông cháu cha, quan hệ, quen biết, đút lót, dùng bằng giả, là hệ quả của chính sách nô tài nuôi thân này.

Bởi thế nhân tài trong Đảng Cộng sản trước đây đã hiếm nay lại hiếm hơn. Nhân tài nếu không được trọng dụng sẽ sớm biến thành bất tài hoặc nô tài.

Phương cách quản trị nhân sự của cộng sản là người đi trước chọn kẻ theo sau, thực hiện công việc những người đi trước giao cho.

Người đi trước đã thiếu tài, thiếu tâm, thiếu tầm thì những kẻ được chọn theo sau khó có thể khá hơn.

Rõ nhất là các đại biểu Quốc hội do Đảng Cộng sản đề cử, nên chọn toàn những đại biểu như Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Bởi thế ông Tuấn mới cho rằng nhiều tiến sỹ và thạc sỹ tốt nghiệp nước ngoài về thất nghiệp phải chạy xe ôm không phải nhân tài, ông Tuấn phủ nhận mọi trách nhiệm của ông và của Đảng Cộng sản.

Đất nước bị cai trị bởi những người bất tài, vô trách nhiệm chỉ chạy theo đồng tiền nên ngày càng khủng hoảng, tham nhũng tràn lan, chẳng qua là hệ quả của “chính trị nuôi thân sinh nô tài” mấy chục năm nay.

Mục đích việc họcThời cộng sản toàn trị, đảng và nhà nước cộng sản quyết định mọi việc: Ai được đi học? Học cái gì? Học như thế nào? Học ở đâu? Học đến đâu? Học ai? Học để làm gì?

Người mình thì vẫn chịu ảnh hưởng Nho giáo: học để làm quan, nền giáo dục chủ yếu lại chỉ đào tạo những người phục vụ guồng máy cai trị, bởi thế mới sinh ra những ông quan cộng sản chỉ biết vơ vét của công.

Triết lý “Học nuôi thân sinh nô tài, học nuôi trí sinh nhân tài, học nuôi tâm sinh thiên tài”. chỉ thích hợp trong môi trường giáo dục tự do và cho những con người có chí hướng tự do.

Một số người trẻ được may mắn du học ở các nước tự do, đáng tiếc đa số vẫn chỉ cố gắng học kiến thức chuyên môn để kiếm việc nuôi thân.

Người du học nuôi tâm và dưỡng trí ngoài việc học hỏi chuyên môn ở học đường, còn học hỏi về lịch sử, về xã hội, về chính trị, về văn hóa, học điều hay học lẽ phải của quốc gia họ theo học, rồi suy tư về vận mệnh quốc gia, về hoàn cảnh đồng bào để nuôi dưỡng lòng yêu nước thương dân.

Tiếc thay Đảng Cộng sản vẫn nắm độc quyền yêu nước, bởi thế có những sinh viên du học nuôi tâm và dưỡng trí, như luật sư Lê Công Định và kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, khi về nước bị tù đày, bị cô lập.

Nhiều người về nước không có việc làm, có người lại phải sang Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản, Mã Lai, hay Thái Lan kiếm sống. Vì thế đa số sinh viên du học đều tìm đường ở lại xứ người.

Con người là vốn quý của đất nước là tài nguyên của quốc gia, nhưng vì sao mà người Việt vẫn muốn bỏ nước ra đi?

Bỏ nước ra đi

Đang viết dở dang lại được tin cô gái Hà Tĩnh tên Phạm Thị Trà My 26 tuổi, vĩnh biệt cõi đời trên đường sang Anh, để lại di chúc: “Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi. Chuyến đi hải ngoại của con không thành… Con chết vì không thở được… Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi”.

39 tử thi trên chuyến xe định mệnh có thể đều là người Việt và đều từ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hơn 100 năm về trước, cũng từ Nghệ An “Người” đã ra đi mang theo ước mơ đổi đời.

Nhiều tài liệu để lại thì “Người” nhận tiền của Liên Sô vừa làm gián điệp, vừa truyền bá chủ nghĩa cộng sản, vừa biến Việt Nam thành một nước theo Quốc tế Cộng sản.

“Người” nuôi thân hay “Người” nuôi trí là một đề tài còn nhiều tranh cãi, nhưng điều khó có thể tranh cãi là từ ngày “Bác” trở về hầu như cả nước, ngay cả người theo cộng sản đều muốn bỏ nước ra đi.

Lý Đông A là ai?

Lý Đông A (1921-1947) tên thật Nguyễn Hữu Thanh là một triết gia, học giả và chính trị gia. Danh hiệu Lý Đông A mang ý nghĩa phục hưng dân tộc như triều Lý, triều Trần (Đông A ghép lại là Trần).

Năm 15 tuổi, Lý Đông A theo phụ giúp cụ Phan Bội Châu khi cụ bị quản thúc ở Huế.

Năm 19 tuổi, ông làm ủy viên chính trị cho Phục quốc quân, Việt Nam Quang phục Hội. Phục quốc quân khởi nghĩa thất bại ông chạy sang Trung Hoa lánh nạn.

Ông về nước, ngày 1/1/1943, thành lập Đại Việt Duy dân Cách mạng Đảng đấu tranh chống Pháp và được bầu làm Đảng trưởng.

Ông là tác giả Việt sử thông luận và chừng 30 tác phẩm, bao gồm Huyết hoa, Ðạo trường ngâm, Chu tri lục, Duy nhân cương thường, Thiết giáo phương pháp và Chìa khóa thắng nghĩa.

Các tác phẩm của ông được tái bản thời Việt Nam Cộng hòa, ở Mỹ và có thể tìm thấy trên mạng toàn cầu.

Triết gia Lý Đông A là bậc thiên tài hiếm có. Triết lý “Nuôi tâm sinh thiên tài, nuôi trí sinh nhân tài, nuôi thân sinh nô tài” được trích trong Huyết hoa ông viết năm 1944 vào tuổi 24.

Tiếc thay ông qua đời đúng tuổi 26, cùng tuổi với cô gái Hà Tĩnh Phạm Thị Trà My vừa qua đời trên đường sang Anh.

Theo Chương 3, Lịch sử Đảng bộ (Đảng Cộng sản Việt Nam) tỉnh Hòa Bình, Lý Đông A bị Việt Minh cộng sản giết khoảng giữa năm 1946 tại Bến Chương, xã Hiền Lương, tỉnh Hòa Bình.

Cộng sản là khắc tinh của nhân tài. Chủ nghĩa cộng sản đã tiêu diệt biết bao nhân tài Việt Nam.

Chính chủ nghĩa cộng sản là nguyên nhân làm Việt Nam cạn kiệt nhân tài. Con đường “Bác” đi quá bi đát cho cả dân tộc Việt Nam.

Tự do và dân chủ là con đường nhân tài khắp nơi quay về, nhân tài trong nước hồi phục, cùng đóng góp xây dựng lại Việt Nam.

N.Q.D.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2019/10/29/nhan-tai-viet-nam-nay-o-dau/

This entry was posted in Lý Đông A, Nhân tài Việt Nam. Bookmark the permalink.