Lao động Việt liệu dễ ‘xuất khẩu chính ngạch’ vào châu Âu?

Thảo Vy

Liên quan đến vụ 39 người chết ở Anh, sáng ngày 28-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nói rằng “Đây là sự việc hết sức đáng tiếc và hiện chúng ta đang đẩy mạnh xuất khẩu lao động, có rất nhiều công ăn việc làm theo con đường chính thống nên chúng tôi mong muốn công dân nên đi xuất khẩu lao động theo đường chính thống, được Nhà nước bảo trợ, được chính quyền các nước sở tại hỗ trợ, bảo trợ”.

https://1.bp.blogspot.com/-P0eXOCVY6xg/XbcY6HUcfUI/AAAAAAAAEm0/xW39dODjfE8drggrOf0caKd_G4qXxQhUwCLcBGAsYHQ/s640/73284287_10214790221860654_2474678379777884160_n.jpg

Theo cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, hiện tại đã có 14 gia đình trình báo mất liên lạc với người thân tại Anh. Những trường hợp này tập trung tại các huyện như: Yên Thành, Diễn Châu, thành phố Vinh… Tại Hà Tĩnh cũng ghi nhận được 10 trường hợp được cho là “mất tích” khi đang trên đường sang Anh.

Lao động Việt Nam có dễ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Âu?” là câu hỏi đặt ra với luật gia Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Tư vấn pháp luật về lao động (Hội Luật gia TP.HCM).

Không có tài sản thế chấp, đừng mong được ‘xuất khẩu’

Tôi nghĩ ông Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đang nói lấy có. Thực tế nếu muốn ghi tên vào danh sách tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, các lao động Việt Nam buộc phải bỏ tiền túi ra ký quỹ. Đi Hàn Quốc, có số tiền ký quỹ là 100 triệu đồng cho một suất ứng xét. Đi Nhật Bản hay Đài Loan, ký quỹ là 120 triệu đồng. Bên cạnh đó còn là chi phí học ngoại ngữ và phải có tay nghề nhất định. Đây là những lao động thuộc danh sách xuất khẩu chính ngạch”. Bà Nguyễn Thu Trang, nói.

Để có khoản tiền ký quỹ, buộc phải đi vay mượn, nếu không có tài sản thế chấp tương ứng với số bạc vay trăm triệu đó thì ngân hàng không duyệt hồ sơ vay, và nếu vẫn muốn ‘đi lao động’, buộc lòng chọn vay từ các dịch vụ tài chính nằm ngoài hệ thống ngân hàng.

Người lao động phải tham gia học ngoại ngữ, học nghề và chờ phỏng vấn với thời gian khá dài, thậm chí có lao động phải chờ từ 8 tháng đến 1 năm mới được phỏng vấn và trúng tuyến. Sau khi trúng tuyển, việc lập hồ sơ mất từ 4-6 tháng mới được xuất cảnh.

Trong khi đó, số lao động tự đi tìm việc ở nước ngoài qua sự giới thiệu thân nhân sẽ nhanh hơn. Trong vòng từ 3-4 tháng, họ được xuất cảnh, thời gian này không tốn chi phí học ngoại ngữ. Đây là những lao động Việt Nam tạm gọi là ‘xuất khẩu không chính ngạch’.

Lao động Việt muốn vào thị trường châu Âu bằng đường ‘chính ngạch’: Vô vọng!

Tôi cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn chăm chăm đẩy trai tráng xứ mình sang nước người để làm cu li là chính. Trong các hợp đồng xuất khẩu lao động, đa phần là ở các tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam. 

Nhìn chung những lao động này ngay từ đầu đã không đáp ứng các quy định tối thiểu của thị trường lao động châu Âu, như phải có Chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu từ 5.0 còn hiệu lực; và chỉ cần nói ngọng kiểu như ngài Bộ trưởng Giáo dục nước mình, là các ứng viên lao động đã rớt từ ‘vòng gửi xe’. Song tôi biết trên thực tế thì vẫn có nhiều dịch vụ tuyển dụng tìm mọi cách để đưa người Việt sang đó. 

Cơ quan chức năng họ biết hết, nhưng họ vẫn làm lơ. Thi thoảng họ cũng ‘đánh’ vài vụ án gọi là cho có về những đường dây buôn người lao động. Tấm hộ chiếu ngày càng bệ rạc về quyền lực của Việt Nam cũng từ những duyên cớ ấy!”. Bà Nguyễn Thu Trang, nhận xét.

Giải thích cho ý kiến lao động Việt vô vọng khi tìm đường chính ngạch để xuất khẩu vào châu Âu, bà Trang nói rằng bên cạnh đòi hỏi lao động có tay nghề cao, thì những quốc gia ở châu Âu như Na Uy, Đan Mạch hay Ý đều yêu cầu số tiền ban đầu mà người lao động bỏ ra là rất lớn.

Chi phí chính thức cho một hợp đồng lao động làm việc tại Na Uy không hề nhỏ, lên tới tương đương 18.000 USD; ở Đan Mạch là 15.000 USD; ở Đức là 12.000 USD; rẻ nhất là ở Ý với 6.000 USD.

Khoản tiền môi giới từ các dịch vụ xuất khẩu lao động Việt Nam ở đây, theo bà Trang, cũng là số tiền rất lớn và những dịch vụ này còn làm luôn kiểu ‘trọn gói ứng trước – trả sau’ tựa như đường dây buôn người lao động xuyên biên giới.

Nếu vượt được những yêu cầu về tiền bạc ban đầu, thì dễ thấy sức hấp dẫn của thị trường châu Âu là tiền lương cao, môi trường an ninh, chính trị, xã hội ổn định, đặc biệt là luôn tôn trọng nhân quyền. Ở Ý, theo như tôi biết, chủ sử dụng có thể bảo lãnh để người lao động mang cả vợ, chồng hoặc con cùng sang Italia sinh sống và làm việc”. Bà Nguyễn Thu Trang nói.

Nhục hay vinh?

Với tư cách cá nhân, bà Nguyễn Thu Trang nói rằng thực trạng xuất khẩu lao động lâu nay của Việt Nam, là một trò ‘buôn sức người’ hết sức nhọc nhằn để mong kiếm ngoại tệ về cho đất nước.

Bà Trang kể hồi thời gian bà khoác áo luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, bà có tham gia vài hợp đồng tham vấn pháp luật cho doanh nghiệp nước ngoài tại tỉnh Hải Dương.

Sau khi hình thành các khu công nghiệp, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng chỉ còn lại vỏn vẹn chừng 100 mẫu đất sản xuất chia cho 1.458 hộ, 6.000 khẩu. Tôi nhớ Chủ tịch UBND xã, ông Lê Duy Hưng khi nói về kinh tế địa phương vẫn hỉ hả đại khái rằng, từ lâu rồi dân xã này toàn sống bằng ngoại tệ, kiều hối, nếu nói về kinh tế thì không mấy vùng quê thuần nông nào được như thế này đâu. Nhà lầu nhé, ô tô nhé, đường sá, đình chùa nhé… 

Toàn tiền nước ngoài góp vào xây dựng cả đấy. Cơn sốt xuất ngoại ở Cẩm Điền chưa bao giờ hạ nhiệt suốt từ hơn 20 năm nay. Thống kê cho hay 1/10 dân trong xã đang ở nước ngoài, bình quân, mỗi gia đình có ít nhất 1 người đi lao động ngoài nước…

Thoát nghèo thật, nhưng rủi ro, hệ lụy cũng nhiều vô kể. Từ tai nạn lao động, tệ nạn xã hội đến lừa đảo xuất khẩu lao động đến vấn đề bùng phát nạn ly hôn cũng từ xuất khẩu lao động mà ra cả. Nhưng không có con đường nào khác. Ruộng đất dành hết cho công nghiệp, nghề nghiệp chẳng có gì, không đi thì bảo dân lấy gì mà sống?. Ông Lê Duy Hưng từng than vãn thật lòng như vậy với nhóm luật sư đến từ Sài Gòn của chúng tôi”. Bà Nguyễn Thu Trang nhớ lại.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, các vị đại biểu Quốc hội đang ngồi dự họp ở Hà Nội cần yêu cầu về đúc kết, “vì đâu mà bốn mươi bốn năm cai trị đất nước bằng sự lãnh đạo toàn diện và quản lý tuyệt đối, theo nghĩa là không có tam quyền phân lập và không có xã hội dân sự độc lập, song chính quyền đó lại tắc trách trong xây dựng xã hội ấm no và bảo vệ môi trường sống an lành cho dân?”.

Tôi nghĩ rằng nếu Đảng tự xác định cho mình chức trách là ‘nhà lãnh đạo’ độc quyền, có nghĩa là người độc quyền xác định phương hướng và đích đến, thì Chính phủ phải là ‘nhà quản trị’, tức là người lái xe theo đúng hướng và đến đúng nơi trong thời gian ngắn nhất, với chi phí tiết kiệm nhất. 

Lâu nay hai vai trò kể trên trùng với nhau trong một con người; kiểu như đã là thủ tướng thì phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Cần nhớ là mặc dù nhà lãnh đạo được đặt ở vị trí cao nhất, nhưng chính nhà quản trị mới đem lại kết quả mong muốn. Mà quản trị là một khoa học cần phải được đào tạo chuyên nghiệp. Không thể sinh ra hễ làm đến chức Ủy viên Bộ Chính trị, hay Bí thư Tỉnh ủy là đương nhiên biết quản trị hiệu quả, mà phải được đào tạo bài bản”. Bà Nguyễn Thu Trang biện giải.

T.V.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Lao động Việt, Xuất khẩu lao động. Bookmark the permalink.