Biển Đông: Quốc hội cần kích hoạt Điều 6 Luật Trưng cầu dân ý 2015

Nguyễn Hiền

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên là Ủy viên trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương, người mới đây tiếp tục có những quan điểm thẳng thắn và cứng rắn hơn về phương hướng xử lý vấn đề Biển Đông.

https://1.bp.blogspot.com/-3DiTUpP64xA/Xa88S5cwvTI/AAAAAAAAEhA/2bTt-5C1XRUJcdyvByuTjQJNQ1O9SDkSwCLcBGAsYHQ/s640/4%2Bvan%2Bde%2Bcan%2Btrung%2Bcau%2By%2Bdan-01.png

11 quan điểm của ông Hoàng chính là 11 quan điểm thực dụng, mang tính cần thiết cho Việt Nam hiện nay. Xóa bỏ những nghi ngờ, giả thiết, rụt rè không cần thiết về mặt chính trị, để bảo toàn chủ quyền quốc gia.

Theo báo Tuổi trẻ tường thuật lại, tại phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội, từ “Biển Đông” đã xuất hiện ít nhất 6 lần trong phát biểu của các nhà lãnh đạo tại phòng họp Diên Hồng. Và lần đầu tiên, Thủ tướng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, cùng Chủ tịch Quốc Hội đồng loạt nhấn mạnh “không bao giờ nhân nhượng độc lập, chủ quyền”.

Nhưng Trung Quốc cũng không hề “kém cạnh”, khi mới đây tại diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9 khai mạc vào ngày 21/10 ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tuyên bố thẳng: Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi.

Và trên thực tế, bất kỳ ai theo dõi AIS nhóm tàu Trung Quốc và Việt Nam “vờn nhau” trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đều nhận ra, Hà Nội không chỉ lép vế cả về mặt quốc tế vận, mà cả năng lực phòng thủ hàng hải so với Trung Quốc. Trong trận chiến theo đuổi nhau trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhóm tàu khảo sát với dàn tàu hộ tống đi theo đã “làm chủ hoàn toàn” mặt trận khảo sát. Cho thấy năng lực vượt trội về kỹ nghệ quốc phòng của nước này so với Việt Nam.

Liên minh và trưng cầu dân ý

Liên minh là vấn đề cần được đặt ra nghiêm túc trong tình huống khẩn cấp và nguy hại này, ngay trong hội trường Diên Hồng (tòa nhà Quốc Hội Việt Nam). Tương tự như cách mà quân dân nhà Trần đã lên tiếng “nên hòa hay nên đánh” cách đây 734 năm về trước (1285 – 2019).

Nhưng phải chăng “hòa hay đánh”, hay “liên minh hay không liên minh” chỉ là câu chuyện của 200 vị đảng viên ĐCSVN?

Xét trên tinh thần của Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, thì “bàn việc nước” trong 200 vị thực chất là tinh thần hữu khuynh, coi nhẹ sức mạnh từ nhân dân và tinh thần yêu nước của người dân.

Bởi sử thần Ngô Sĩ Liên đã bàn rất đúng về cách mà Thái Thượng hoàng triệu tập hội nghị và ra quyết định, ấy là “Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến rồi hỏi kế sách ở các bô lão hay sao? Ấy bởi Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích rồi hăng hái lên thôi.”

Trong hoàn cảnh hiện nay, liên minh là sự cần thiết và là yếu tố sống-còn của chủ quyền quốc gia. Và 200 vị cần phải đồng lòng, thống nhất về vấn đề đó. Nhưng, để chủ quyền quốc gia là việc hệ trọng của toàn dân tộc, là giữ gìn lãnh thổ cha ông để lại, thì xác lập ý chí toàn dân thông qua “xét lòng thành ủng hộ của dân”, bằng Trưng cầu dân ý.

Luật trưng cầu dân ý 2015, mặc dù có hiệu lực từ tháng 7/2016 nhưng chưa một lần được áp dụng, và trường hợp “liên minh” hay xóa bỏ chính sách ba không là “thời cơ vàng” để cho Luật này được hiện diện.

Điều 6 của Luật quy định các vấn đề trưng cầu ý dân, tại khoản 2 ghi nhận: 2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;

Cách Trung Quốc hoành hoành tại Biển Đông trong 3 tháng vừa qua có phải là vấn đề đặc biệt không? Cách Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong 3 tháng vừa qua có phải ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia không?

Nếu 200 vị ủy viên T.Ư Đảng, 4 vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đủ tỉnh táo để nhận ra sự nguy cấp của tình hình, thì các vị phải tiến hành ngay-lập-tức cuộc trưng cầu ý dân về quyền được liên minh, xóa bỏ hoàn toàn chính sách ba không. Để cởi bỏ xiềng xích ràng buộc về quốc phòng, thực hành đường hướng thực dụng trong an ninh, quốc phòng.

Cần nhấn mạnh lại, Trung Quốc là một quốc gia cực kỳ thực dụng và đang theo đuổi chính sách thực dụng trong quốc phòng như Mỹ. Trung Quốc thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” đã xác lập các liên minh an ninh với một số nước, trong đó có Pakistan.

Do đó, xác lập rõ ràng và ngay thẳng quan điểm trong Đảng, rằng, ai gián tiếp bảo vệ chủ quyền của ta chính là bạn ta, và cần liên kết. Ai “nỗ lực” xâm hại chủ quyền ta một cách trực tiếp hay gián tiếp, chính là kẻ thù của ta. Và để bảo vệ chủ quyền quốc gia trước một Trung Quốc “bành trướng”, thì liên minh là điều tất yếu.

Chế độ này đang ở bước ngoặt, một công thần chống tham nhũng có thể trở thành một tội đồ dân tộc về mặt chủ quyền và cả cho sự sống-còn của chế độ. Bắt đầu từ nhận thức giao điều hay linh hoạt, nhận thức từ ghế hay là từ dòng máu người Việt, và hành động vì sự “ngoan cường” mà cha ông gây dựng hay vì “hữu nghị viển vông”. Tất cả sẽ có câu trả lời trong giai đoạn này, vào những ngày tháng cuối năm 2019.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa của Trung Quốc ngang ngược tuyên bố “chủ quyền Biển Đông”, bất chấp “tình hữu nghị máu thịt Việt – Trung”, thì USS Ronald Reagan của Mỹ đang quay trở lại thực hiện cuộc tập trận trên Biển Đông

N.H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.