RFA 2019-10-18
Hình ảnh của bà Mai Thị Khuyên (người chấp tay), vợ của nông dân Đặng Văn Hiến cùng người dân Đăk Nông sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với ông Hiến. Courtesy: Ảnh chụp màn hình hopecom.org
Bác đơn kiến nghị Giám đốc thẩm
Luật sư Ngô Ngọc Trai, thuộc Công ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn Công Chính, là luật sư phụ trách hồ sơ chuẩn bị cho phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án nông dân tử tù Đặng Văn Hiến vào ngày 14/10/19 cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng Tòa án Tối cao vào hôm 27/09/19 đã có văn bản bác đơn đề nghị của các hộ dân ở Đắk Nông cho Giám đốc thẩm vụ án Đặng Văn Hiến.
Vào tối ngày 17 tháng 10, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói với RFA rằng vợ của tử tù Đặng Văn Hiến, bà Mai Thị Khuyên thông báo thông tin vừa nêu qua các hình ảnh chụp lại từ văn bản của Tòa án Tối cao phúc đáp cho các hộ dân ở vùng tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông về đơn đề nghị Giám đốc thẩm trường hợp nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng bắn chết 3 nhân viên của Công ty Long Sơn trong lúc cưỡng chế đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của gia đình ông một cách vô pháp hồi hạ tuần tháng 10 năm 2016.
Luật sư Ngô Ngọc Trai trình bày quan điểm của ông sau khi nhận được thông tin về việc Tòa án Tối cao bác đơn đề nghị Giám đốc thẩm vụ án tử tù Đặng Văn Hiến:
“Thực tế xét xử ở Việt Nam thì nhiều trường hợp giết 1 người thì cũng có thể bị tử hình rồi. Giết 3 người như thế, như nhiều vụ việc khác thì án tử hình cũng không còn gì để biện minh. Tuy vậy trong vụ án của ông Hiến có nhiều tính chất khác cho thấy cần áp dụng những tội danh khác như ‘giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh’ hoặc ‘giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng’ thì thỏa đáng hơn. Bởi vì rõ ràng trong hành vi của ông Đặng Văn Hiến có những tính chất tự vệ như thế. Thế còn tòa án xét xử mà không đánh gía những yếu tố đấy, chỉ cho rằng hành vi giết người có tính chất côn đồ để tử hình thì tôi cho là không thỏa đáng”.
Kể từ khi vụ việc xảy ra cho đến nay, dư luận trong và ngoài nước vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ án và trông đợi phiên tòa Giám đốc thẩm cho tử tù Đặng Văn Hiến, dựa theo cơ sở về mặt pháp lý mà giới luật sư tại Việt Nam lên tiếng kêu gọi trong suốt 3 năm qua.
Luật sư Lê Công Định từng khẳng định tòa án tuyên bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến là hoàn toàn trái pháp luật và đương nhiên (theo ông) Tòa phải giảm án cho ông Hiến:
“Trong trường hợp nông dân Đặng Văn Hiến thì rõ ràng những tình tiết trong vụ án cho thấy ông Hiến không bị đáng tuyên tử hình vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do là ông Hiến phạm tội trong tình trạng bị kích động bởi sự vi phạm pháp luật trắng trợn của đội cưỡng chế đất ở nhà của ông và trước khi ông ngăn chặn việc tấn công của nhân viên đội cưỡng chế đó thì ông đã bắn chỉ thiên, rồi sau đó ông mới bắn vào những người đến tấn công ông cùng những người dân ở khu vực đó. Như vậy, ông Hiến rơi vào vào tình trạng phòng vệ chính đáng. Và có thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa là “phạm tội trong khi tinh thần bị kích động”. Những trường hợp đó rất xứng đáng trong quá trình xét xử để cho tòa án cân nhắc, xem xét áp dụng một mức hình phạt vừa phải. Ở đây, ông Hiến gần như là không cố tình giết người cho nên mới có việc cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhận được đơn để xin ân xá và toà án cũng đã đề xuất với luật sư của ông về việc này”.
Đồng quan điểm với Luật sư Lê Công Định về mặt pháp lý, Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng:
Thực tế xét xử ở Việt Nam thì nhiều trường hợp giết 1 người thì cũng có thể bị tử hình rồi. Giết 3 người như thế, như nhiều vụ việc khác thì án tử hình cũng không còn gì để biện minh. Tuy vậy trong vụ án của ông Hiến có nhiều tính chất khác cho thấy cần áp dụng những tội danh khác như ‘giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh’ hoặc ‘giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng’ thì thỏa đáng hơn. Bởi vì rõ ràng trong hành vi của ông Đặng Văn Hiến có những tính chất tự vệ như thế. Thế còn tòa án xét xử mà không đánh gía những yếu tố đấy, chỉ cho rằng hành vi giết người có tính chất côn đồ để tử hình thì tôi cho là không thỏa đáng
Luật sư Ngô Ngọc Trai
“Tòa án Nhân dân Tối cao bóc tách hành vi và cắt xén sự việc, chỉ lấy một đoạn ngắn ngủi trong ngày xảy ra việc nổ súng để rồi kết tội thì đấy là cách giải quyết không khách quan, toàn diện và đầy đủ cũng như khiến cho bản chất của sự việc không được đúng như sự thật và thực tế. Cần phải đặt hành vi nổ súng của ông Hiến trong chuỗi dài các hành vi leo thang bạo lực từ phía Công ty Long Sơn cũng như tình hình mất an ninh ở địa phương mà toán bảo vệ của Công ty Long Sơn từng gây ra vụ án cố ý gây thương tích cho một trường hợp khác mà khiến cho người ta bị tổn hại đến 70% sức khỏe”.
Đài RFA ghi nhận vào hôm mùng 10 tháng 10 vừa qua, truyền thông quốc nội cho biết vừa có một đơn kiến nghị xin giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến được Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng gửi tới Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, theo đơn của Công ty Luật Công Chính gửi đến cho ông.
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho Đài RFA biết thêm rằng các hộ dân ở Đắk Nông và chính ông là người đại diện pháp lý cho tử tù Đặng Văn Hiến hy vọng rằng Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ quan tâm để xem xét và đánh giá sự việc của vụ án và đưa ra quyết định ân giảm mức án tử hình cho ông Hiến.
“Tôi cũng đã có văn bản gửi cho Chủ tịch nước với đề nghị đánh giá, xem xét lại bản chất vụ việc và ân giảm mức án tử hình cho tử tù Đặng Văn Hiến. Bên cạnh việc gửi trực tiếp tới văn phòng Chủ tịch nước qua hộp thư bưu điện, tôi cũng có gửi tới hai vị Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Văn Chiến. Hai Đại biểu Quốc hội đã nhận được văn bản của tôi và bằng thẩm quyền của họ thì họ cũng chuyển văn bản ý kiến đó tới cho Chủ tịch nước, là cơ quan có thẩm quyền xem xét, ân giảm mức án tử hình”.
Yếu tố “đầu thú” không được tòa xem xét
Theo ghi nhận của Đài Á Châu Tự Do, nhiều người quan tâm vụ án tử tù Đặng Văn Hiến đề cập đến yếu tố ông Hiến vì nghe theo lời khuyên nên ra đầu thú đã không được tòa án cân nhắc để giảm án.
Riêng đối với không ít người là những “dân oan” giống tình cảnh của ông Hiến chia sẻ với RFA rằng họ không hiểu tại sao người nông dân Đặng Văn Hiến bị dồn vào đường cùng để tự vệ, bảo vệ tài sản của mình trước hành động phi pháp của Công ty Long Sơn và khóc hối hận ra đầu thú lại không được khoan hồng? Ngay cả nhà báo Mai Ấn Quốc, một trong những người trực tiếp thuyết phục nông dân Đặng Văn Hiến ra đầu thú từng viết trên trang Facebook cá nhân, ngay sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với ông Hiến, rằng “sẽ không chủ động tìm và vận động bất kỳ bị can nào ra đầu thú nữa bởi những công ty cướp đất dân bằng vũ lực, dựa trên những văn bản ép dân là rất nhiều tại Việt Nam!” và “tôi nhìn thấy một tương lai gần đầy u ám, khốc liệt hơn ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung liên quan đến mâu thuẫn đất đai…”.
Ông Trần Văn Thanh ở Đắk Nông bị nhóm bảo vệ của Công ty Long Sơn gây thương tích đến 70%. Courtesy: Facebook Ngô Ngọc Trai
Luật sư Đặng Đình Mạnh vào tối ngày 17 tháng 10 đưa ra nhận định của ông với RFA liên quan yếu tố đầu thú của ông Hiến không được tòa xem xét:
“Với quyết định cuối cùng như vậy, thì hầu như nó đã vô hiệu quá một trong những việc khuyến khích người phạm tội ra đầu thú. Với yếu tố đó thì bây giờ mọi người vỡ lẽ rằng hóa ra không có giá trị gì về phương diện pháp luật cả. Thế thì đương nhiên nó sẽ hình thành một lối suy nghĩ cho những người phạm tội về sau là không cần phải đầu thú, bởi vì yếu tố đầu thú sẽ không được xem xét như là một yếu tố để giảm nhẹ hình phạt nữa rồi”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh còn nhấn mạnh rằng quy định pháp luật được đặt ra nhằm để bảo vệ sự ổn định xã hội. Tuy nhiên qua trường hợp vụ án này cho thấy rõ ràng pháp luật đã không theo kịp sự phát triển của xã hội, không đáp ứng được những diễn biến của xã hội:
“Trong chừng mực nào đó thì pháp luật trong trường hợp này đã thể hiện sự hà khắc, thái quá. Chính điều này nó triệt tiêu đi tính hiệu lực của pháp luật, khiến mọi người không còn tin tưởng vào pháp luật nữa và không còn nghĩ pháp luật là công lý nữa. Đây là sự mất mát lớn nhất và là sự mất mát nói chung cho cả chính quyền và người dân. Tại vì giao thiệp giữa người dân và chính quyền chính là pháp luật, nhưng lại mất đi ngôn ngữ để nói chung giữa hai bên cho nên bất kể điều gì cũng có thể xảy ra trong chỗ khỏang trống về mất niềm tin như vậy”.
Cũng sẽ phản kháng giống như Đặng Văn Hiến
Trong bài ghi nhận đăng trên Luật Khoa tạp chí ngày 10/10/19 với nhan đề “Những người cùng khổ ở Đắk Nông”, tác giả Trần Phương cho biết cha của tử tù Đặng Văn Hiến, ông Đặng Văn Lợi là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã rất giận con trai mình sau khi vụ việc xảy ra. Ông Lợi cho rằng con trai của ông hay ai đi nữa đều phải đền tội cho xứng đáng. Thế nhưng, sau khi vào tận Đắk Nông để kiểm chứng mọi việc thì ông tin rằng nếu là Hiến, ông cũng sẽ làm như vậy bởi vì đối với ông “người lương thiện nào cũng sẽ đấu tranh đến cùng cho những gì họ đã cần cù tạo ra”.
Một cựu sỹ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, ở Hải Phòng từng bị “nhóm lợi ích” là doanh nghiệp và chính quyền địa phương cấu kết đưa ông vào tù để lấy nhà cửa đất đai của ông, cũng lên tiếng với RFA rằng, người dân bị rơi vào tình cảnh như ông Đặng Văn Hiến cũng sẽ làm như ông Hiến mà thôi. Vị cựu sỹ quan tên Vỹ xác quyết:
“Tôi nghĩ người ta cũng chẳng sợ đâu. Nước mất thì nhà tan. Nhà đã nát rồi thì thật sự cái mạng mình và sự sống còn ý nghĩa gì nữa”.
Trong chừng mực nào đó thì pháp luật trong trường hợp này đã thể hiện sự hà khắc, thái quá. Chính điều này nó triệt tiêu đi tính hiệu lực của pháp luật, khiến mọi người không còn tin tưởng vào pháp luật nữa và không còn nghĩ pháp luật là công lý nữa. Đây là sự mất mát lớn nhất và là sự mất mát nói chung cho cả chính quyền và người dân. Tại vì giao thiệp giữa người dân và chính quyền chính là pháp luật, nhưng lại mất đi ngôn ngữ để nói chung giữa hai bên cho nên bất kể điều gì cũng có thể xảy ra trong chỗ khoảng trống về mất niềm tin như vậy.
Luật sư Đặng Đình Mạnh
Vụ án thương tâm 3 nông dân làm thiệt mạng 3 người và 13 người khác bị thương ở vùng núi rừng tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông hồi năm 2016 còn nhắc nhớ về một vụ án khác mà chưa kịp xảy ra ở Thủ Thiêm.
Trong Hồi Ký “Đất Thủ Thiêm” của Nhà văn Võ Đắc Danh, ông ghi chép những cảnh đời và số phận của cư dân trong Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị tan nhà nát cửa suốt hai thập niên qua và Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải là một nhân vật mà những ai quan tâm vụ Thủ Thiêm sẽ không bao giờ quên với câu nói “Đứa nào tới, tao bắn…!”. Ông Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải đã giữ lại được căn nhà của mình giữa cảnh hoang tàn đổ nát trên đường Lương Định Của, thuộc khu phố 1, phường Bình An như thế.
Đó có phải là suy nghĩ và quyết định của một vài cá nhân đơn lẻ hay không? Câu trả lời mà Đài RFA nhận được qua những người được tiếp xúc trong giới luật sư và dân chúng rằng “Không”. Luật sư Lê Công Định còn cho rằng Chính quyền Việt Nam lo sợ sẽ có bất ổn chính trị liên quan vấn nạn đất đai kéo dài do chính sách “sở hữu toàn dân” gây ra, và có thể thấy được qua bản án tử hình tuyên cho nông dân Đặng Văn Hiến.
“Đây không phải là một vụ án thực sự về phương diện pháp lý mà là vụ án chính trị. Bởi vì nhà quyền Việt Nam đặt nhu cầu chính trị để trừng phạt những trường hợp phản ứng lại của những người nông dân mất đất và gửi một thông điệp cho xã hội là họ sẽ không bao giờ nương tay đối với những trường hợp như vậy”.
Còn những người dân oan bày tỏ với RFA rằng họ đang trông ngóng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sớm ban hành lệnh ân xá miễn tử cho nông dân Đặng Văn Hiến. Bằng ngược lại, một khi niềm tin công lý bị đỗ vỡ thì dù không muốn nhưng họ buộc phải chọn lựa “án tử” trong sự tuyệt vọng khốn cùng, mà theo như Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình phân tích rằng người dân không còn chọn lựa nào khác hơn là phải “đánh trận” để giữ lại đất đai, nhà cửa, ruộng vườn dù họ dự liệu trước phần thua đã thuộc về mình.