Xét về văn hóa, một người có bằng Tiến sĩ phải được coi là một người có văn hóa. Trong trường hợp này, Tiến sĩ Ân lại là người có quyền chức cao của một tỉnh lại càng phải là người văn hóa. Vậy nên tôi mạo muội khuyên ông Ân nên cư xử như người văn hóa, coi việc này là một sai lầm của cuộc đời, từ bỏ quan chức mà về làm việc khác. Đó mới chứng tỏ bản lĩnh và văn hóa của người Tiến sĩ thật ông ạ.
Hoàng Dương
Việc thẩm định bằng Tiến sĩ của ông Nguyễn Ngọc Ân là giả hay thật không khó, hoàn toàn làm được. Nếu bằng Tiến sĩ này là giả, trước mắt phải thu hồi và chịu kỷ luật. Đồng thời, Nhà nước nên chấm dứt hình thức đào tạo “kiểu ông Ân”.
Sài Gòn tiếp thị online đăng tải một loạt bài viết như “Làm Tiến sĩ tại Mỹ nhưng không biết tiếng Anh”, “Tôi làm Tiến sĩ tốn 17.000 USD!”, “Yêu cầu báo cáo việc làm Tiến sĩ ở Mỹ ”… nói về trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Phú Thọ. Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn chia sẻ với bạn đọc về trường hợp của ông Ân; sự hiểu nhầm hai từ “Tiến sĩ” hiện nay cũng như những bất cập trong việc đào tạo, đãi ngộ tri thức.
Thu hồi bằng, chấm dứt đào tạo
Được biết ông Ân là Cử nhân tại chức kinh tế quốc dân trước khi làm Tiến sĩ kinh tế quản trị kinh doanh. Ông có thể cho biết rõ hơn việc công nhận bằng cấp Tiến sĩ ở nước ngoài? Và với trường hợp của ông Ân, ông có nhận xét gì ?
Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn: Theo tiêu chuẩn quốc tế, một luận án Tiến sĩ đạt chuẩn, phải có ít nhất là hai công trình đăng ở tạp chí chuyên ngành được quốc tế thừa nhận. Hiện nay tiêu chuẩn này đã được thiết lập cho khoảng 55 ngành khoa học khác nhau, bao gồm các ngành tự nhiên, xã hội và kể cả lĩnh vực tôn giáo.
Xin nói thêm, ở nhiều nước, nếu anh học Cử nhân tại chức sẽ không được làm nghiên cứu sinh!
Về trường hợp ông Ân, theo điều 14 của Luật giáo dục năm 2005, ông Ân phải trình Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD &ĐT) văn bằng, luận án, danh sách công trình, quá trình đào tạo… để chứng thực bằng Tiến sĩ này là thật để sử dụng. Xin lưu ý, khoa kinh tế (ngành bán thực nghiệm) ở một số nước còn đòi hỏi phải vận dụng vào thực tiễn và có hiệu quả kinh tế mới được cấp bằng.
Một luận án mà không có công trình được đăng, thì văn bằng không đạt chuẩn. Nói một cách hình ảnh, một nhà văn mà không có tác phẩm được công nhận thì không được gọi là nhà văn.
Việc xác nhận lại văn bằng của ông Ân không quá khó, Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể trả lời được. Nếu cần có thể lập một hội đồng các nhà khoa học để kiểm chứng, tuy nhiên theo tôi cũng không cần thiết. Nếu bằng Tiến sĩ của ông Ân là bằng giả thì chúng ta thu hồi và đề nghị Nhà nước nên chấm dứt việc đào tạo kiểu như thế này (kiểu ông Ân, PV). Nếu chi 17.000 USD tiền của dân mà có tấm bằng thật thì đáng khen, còn bằng giả thì thật rất tiếc, vì dân ta còn nghèo.
Việc để có một tấm bằng “không được công nhận” treo trong nhà cho oai là điều không thể cấm. Nhưng, được biết tấm bằng giá 17.000USD của ông Ân – một quan chức cấp cao của tỉnh Phú Thọ – được chi từ tiền “hỗ trợ”, chương trình học do Viện Kinh tế của bộ Tài chính giới thiệu. Nghiêm trọng hơn, theo thông tin mà chúng tôi có được, không chỉ ông Ân mà còn có hàng chục người khác cũng học “chương trình Tiến sĩ”bnhư vậy. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Theo kinh nghiệm của tôi và qua trao đổi, học hỏi với các nhà giáo, nhà khoa học trong ngoài nước, thì như Trung Quốc chẳng hạn, người có chức vụ sử dụng bằng giả thì bằng cấp bị thu hồi và cho thôi việc!
Trong trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ân, nếu thẩm định bằng Tiến sĩ là bằng thật, được Nhà nước trọng dụng. Còn bằng Tiến sĩ là giả, trước mắt phải thu hồi và chịu kỷ luật theo pháp luật. Đơn vị nào tài trợ tiền “hỗ trợ” thì phải bồi hoàn số tiền lại cho Nhà nước.
Ngoài ra, là người làm khoa học, tôi cũng xin khẳng định những tấm bằng Tiến sĩ thật với tất cả các tiêu chí đã nói ở trên không ai có thể mua. Còn việc mua bằng giả về làm cảnh, không ai cấm, nhưng việc công nhận bằng cấp và tuyển dụng vào cơ quan lại là chuyện khác.
Ở nước ngoài, danh sách sinh viên được cấp bằng bao giờ cũng được công bố trên các website. Và tại các trường được công nhận về chất lượng, khi anh mang bằng đi xin việc bao giờ cũng được cơ quan sử dụng truy ngược lại nơi cấp bằng.
Qua sự việc này, câu chuyện không hoàn toàn là chuyện riêng của ông Ân, nếu xác nhận bằng của ông Ân là bằng giả thì những hình thức đào tạo như thế này nên chấm dứt.
Không nước nào đào tạo Tiến sĩ để làm quan
Thưa ông, Tiến sĩ thường gắn với công việc nghiên cứu sáng tạo, còn những người làm quan thường gắn với việc chỉ đạo công việc thực tiễn. Thế nhưng, dường như chúng ta lại đào tạo Tiến sĩ để làm quan, nghĩa là chúng ta đang làm ngược thế giới?
Đúng là chúng ta đang đi ngược với thế giới! Theo tôi, ngoại trừ một số ngành liên quan đến chuyên môn cao như giáo dục, khoa học – công nghệ và y tế, người quản lý có học vị cao là tốt, còn lại những vị trí quản lý khác của Nhà nước không nhất thiết đòi hỏi bằng Tiến sĩ mới bổ nhiệm.
Sự lầm lẫn trong công tác đào tạo để lại nhiều hệ lụy. Ở nước ta, theo nghiên cứu cho thấy 70% số người có bằng Tiến sĩ chuyển sang làm quản lý, do thiếu thời gian, sau là bỏ khoa học. Về hiện tượng này trong văn hóa Á Đông, nhà văn Lỗ Tấn đã ví tấm bằng như “hòn gạch gõ vào chốn quan trường, gõ xong, cửa mở rồi bằng vứt đi”.
Xin lưu ý, Tiến sĩ ở nước ta được hưởng thụ cả đời, còn ở các nước tiên tiến, tấm bằng Tiến sĩ có giá trị 2 năm. Cụ thể là với người có bằng Tiến sĩ, năm nào cũng phải công bố công trình khoa học, nếu sau 2 năm không có công trình khoa học nào được công bố, tấm bằng Tiến sĩ của anh không bị thu hồi, nhưng không còn giá trị với giới học thuật.
Ý ông muốn nói tới việc sử dụng tri thức của chúng ta còn chưa đúng chỗ, chưa hợp lý và chưa tốt?
So với thế giới, chúng ta sử dụng tri thức của mình không tốt! Ở các nước như Nga, Mỹ, Đức, Trung Quốc… các Giáo sư đầu ngành vẫn được sử dụng hầu như cả đời, còn ta thì cho về hưu.
Ví dụ, Giáo sư Võ Tòng Xuân – về hưu nhưng được 5 nước châu Phi mời về làm “thuê” cho mình. Giáo sư Phạm Duy Hiển – chuyên gia hàng đầu về hạt nhân, người được Hội đồng khoa học liên ngành Vật lý – Điện tử – Viễn thông Đại học quốc gia Hà Nội thống nhất, nếu mời được Giáo sư Hiển về trường cùng với cán bộ hiện có, việc đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân không phải là vấn đề đáng lo. Hay như Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu – nhà khoa học nổi tiếng, cũng về hưu!
Trong khi đó, chúng ta đang thiếu thầy giáo trầm trọng. Chẳng hạn, kể từ 1987 đến nay số sinh viên tăng 13 lần, nhưng số lượng thầy tăng chưa đến 3 lần. Thế nhưng những người rất cần cho đất nước thì chúng ta lại không sử dụng.
Cân nhắc kỹ đề án đào tạo 20.000 Tiến sĩ
Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Ông có bình luận gì về kế hoạch đầy tham vọng này?
Mọi chính sách đều phải xuất phát từ thực tiễn. Đề án đào tạo 20.000 Tiến sĩ, theo tôi nếu có triển khai phải cân nhắc thật kỹ.
Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn
Tại sao? Trong 65 năm qua, kể từ khi nước nhà giành được độc lập, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước bè bạn và nỗ lực của các cơ sở đào tạo trong nước, đến nay ta mới có khoảng 15.000 Tiến sĩ (trong đó có khoảng 5.000 Tiến sĩ từ nước ngoài về). Vậy trong vòng 10 năm nữa làm sao có thể đào tạo 20.000 Tiến sĩ? Nếu làm không khéo, chúng ta có thể sẽ đào tạo ra hàng ngàn tiến sĩ “kiểu ông Ân”.
Mặt khác, theo số liệu nghiên cứu hàng năm trên thế giới, có khoảng 80.000 bài báo khoa học được ghi nhận và 100.000 phát minh sáng chế được cấp bằng. Về dân số, Việt Nam xếp hàng thứ 13, nhưng số lương công bố khoa học của nước ta khoảng 700 bài (khoảng 1/1000 ) và số lượng bằng phát minh sáng chế còn đếm trên đầu ngón tay. Với số lượng sản phẩm khoa học như vậy, nếu ta có kế hoạch đào tạo khoảng 200 Tiến sĩ /năm là khả thi, còn đào tạo với số lượng nhiều hơn, e rằng sẽ có Tiến sĩ không đạt chuẩn.
Cũng cần phải lưu ý, việc sử dụng trí thức ở nhiều nước được coi trọng hơn việc đào tạo. Những Giáo sư như Võ Tòng Xuân, Phạm Duy Hiển… nếu được sử dụng tốt, theo thiển nghĩ của tôi, mỗi người có khi bằng chục ông Tiến sĩ được đào tạo không bài bản!
Xin cảm ơn ông!
Thanh Tuyền thực hiện
Nguồn: http://sgtt.com.vn/Thoi-su/124765/%E2%80%9CNeu-la-bang-gia-phai-thu-hoi-ky-luat%E2%80%9D.html