Chùm bài điều tra nóng của “Báo Phụ nữ TP HCM”– Độc quyền Sun Group làm tan nát môi trường sinh thái

1. Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận

chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo

Đọc hết bài Kỳ một, chỉ một chữ: Kinh tởm về sự súc vật và ma giáo của những kẻ trong cuộc mà phóng viên báo PN đã phải đối đầu, và khám phá những ý đồ đen tối với Tam Đảo II.

Đọc hết kỳ 2, càng thấy rõ sự câu kết rất chặt, một kiểu Mafia vừa ghê gớm về thủ đoạn, mẹo mực, vừa tinh vi. Một mối quan hệ ràng buộc đặc biệt và rất chặt chẽ giữa : nhà sư – chùa giả – doanh nghiệp và những nhân vật VIP.

Xin đăng cả hai kỳ để bạn đọc chia sẻ

Nhưng chính mình cũng rất hoài nghi: Liệu những điều tra độc quyền này có lôi ra được trước ánh sáng của Thần Công lý bọn Mafia tàn phá môi trường đất nước không, khi mà Thần Kim tiền mỉm cười ngạo nghễ, và thách thức???

Kim Dung/Kỳ Duyên

Khi được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu thông tin về dự án của Tập đoàn Sun Group tại rừng quốc gia Tam Đảo – Tam Đảo II, có giá trị 25.000 tỷ đồng, chúng tôi đã lạc vào ‘rừng thông tin’ chính thống và không chính thống.

Lời tòa soạn: Từ Vườn Quốc gia Tam Đảo đến núi Bà Nà, núi rừng tan nát, chim muông cây cỏ bị thiêu rụi bởi mặt trời, nhưng mặt trời không phải từ trên cao, mà từ Sun Group (Tập đoàn Mặt trời).

Họ phá núi, đốn rừng, mở đường để dựng bê tông, xây khu vui chơi, đặt trạm kiểm soát, thu tiền. Sun Group xứng đáng được gọi là "trời", bởi được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Và vẫn “bổn cũ soạn lại”, một mớ hư hư thực thực: trấn yểm long mạch, khởi phát tâm linh… đẻ ra từ liên kết giữa thầy chùa biến thái với doanh nghiệp hòng lùa người ta vào ma trận với đích duy nhất: kiếm tiền…

Đã từ lâu những tiếng nói phản biện, kêu cứu, uất ức về những dự án tàn phá tự nhiên của Sun Group vang lên, nhưng tất cả đều như một trò đùa. Không chặn bàn tay lông lá này lại thì long mạch đúng nghĩa sẽ bị chặt yểm, tà khí sẽ lộng hành, lòng người sẽ nát tan, non nước sẽ tả tơi.

Công bố loạt điều tra độc quyền về sự việc coi trời bằng vung của Tập đoàn Mặt trời, ngoài những con số đớn đau, những tâm sự nát lòng của giới nghiên cứu, chúng tôi cũng có lời xin lỗi bạn đọc về một số chi tiết hơi phản cảm trong bài, nhưng không còn cách nào khác, bởi sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất.

BÀI 1: Sư trụ trì gạ tình phóng viên

“Con đi theo qua đây, sau này thầy sẽ giúp con. Giờ con phải nghe lời thầy! Cho thầy quan hệ tình dục đi. Cái này không đơn thuần là quan hệ tình dục, mà là khi thầy gọi vong ra khỏi người em con, vong linh siêu thoát thông qua con đường đó” – sư Toàn nói. Dưới bức tượng Quan Âm Bồ Tát của chùa Nga Hoàng, tôi quỳ gối van xin sư Toàn để thoát ra ngoài.

Một lần khác, khi đi xem đất trong đêm, sư Toàn bất ngờ nhảy lên ô tô của tôi. Sư Toàn lao vào tôi, đòi cởi quần áo tôi để “quan hệ”. Trong lúc tôi đang ở trạng thái tột cùng của sự ghê tởm và sợ hãi, xung quanh là khu đô thị hoang vắng, tôi không còn cách nào khác ngoài sự van xin và tránh né. Tôi mong mình có thể thoát hiểm được như lần trước ở chùa. Tai tôi ù đặc trước những tiếng hổn hển của sư thầy: “Cho thầy đi, chỉ một tí là xong ấy mà”. Tôi co rúm lại, toàn thân căng ra chống đỡ, dường như không thể tấn công được nữa, sư thầy quay ra kéo quần, tự thỏa mãn mình trên ô tô của tôi. Đêm hôm ấy, khi đã trở về nhà, dù đã là lần thứ hai thoát hiểm an toàn, nhưng gương mặt ấy, hành vi ấy, sắc danh ấy đã ám ảnh tôi nặng nề đến tận khi viết những dòng này.

Cúng vong bên trong khu vực nhà chùa

Ma trận thông tin

Khi được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu thông tin về dự án của Tập đoàn Sun Group tại rừng quốc gia Tam Đảo (Tam Đảo II), có giá trị 25.000 tỷ đồng, tôi đã lạc vào “rừng thông tin” chính thống và không chính thống. Những dấu mốc của việc triển khai dự án đang dần dần hoàn thiện, qua những lễ khởi công từng hạng mục. Những thông tin phản biện đầy thuyết phục như: “Nếu làm dự án này, toàn bộ lá phổi của miền Bắc sẽ chết”. Trong mớ hỗn độn đó, bỗng nảy ra một cái tên “chùa Địa Ngục”.

Có ý kiến nói rằng, đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, được phát hiện thông qua “huyền tích” là một giấc mơ của đại đức Thích Thanh Toàn. Đốm sáng trong rừng và giấc mơ ấy đã dẫn đường để đại đức Thích Thanh Toàn vượt núi cao, rừng rậm, lên đỉnh Tam Đảo và tìm ra Địa Ngục Tự. Có ý kiến lại cho rằng, Sun Group đang có một âm mưu “thôn tính” Địa Ngục Tự vì ngôi chùa này nằm trong dự án. Thậm chí, có cả một cuộc kêu gọi trên mạng để bảo vệ chùa, trước sự “xâm lăng” của dự án.

Chùa Địa Ngục chính là hướng tiếp cận đầu tiên của nhóm phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM.

Gỗ trên đường vào chùa Địa Ngục

Chúng tôi đã tiếp cận với đại đức Thích Thanh Toàn – ở chùa Nga Hoàng, thuộc xã Hợp Châu, H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Sư Toàn được Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm làm trụ trì ngôi chùa này từ năm 2008 đến nay. Khi tiếp cận, chúng tôi rất bất ngờ bởi một ngôi chùa nhỏ, không hề nổi tiếng, nằm ở chân dãy núi Tam Đảo lại có quá nhiều “con nhang đệ tử” đứng sau sư thầy để “tiền hô hậu ủng”, đóng góp mua hàng chục héc-ta ruộng lúa xung quanh để xây dựng và mở rộng chùa.

Có rất nhiều nhân vật VIP thường xuyên tới lui nơi này trong những buổi lễ quan trọng. Tại lễ Vu lan (rằm tháng Bảy) năm nay, chúng tôi tận mắt chứng kiến một nữ Ủy viên chuyên trách của Quốc hội đã tham gia từ đầu đến cuối buổi lễ. Bà ở lại ăn cơm chay và bàn bạc với sư thầy những việc quan trọng.

Chính vì có những VIP như thế, sư thầy Thích Thanh Toàn và chùa Nga Hoàng ngày càng khuếch trương thanh thế, càng có sức hút để nó từ một ngôi chùa bé tẹo như bị bỏ quên, qua dăm năm, đã ngổn ngang các công trình xây dựng trên đất ruộng. Đằng sau nó là bao lời bàn tán về những “ông to bà lớn” đã yểm trợ cho chùa.

Với thân phận là một nữ đại gia ở nước ngoài mới về, muốn đầu tư bất động sản ở Tam Đảo và chữa bệnh cho cậu em họ, tôi được thầy Toàn tiếp đón vô cùng chu đáo. Sư Toàn trực tiếp gọi vong, trục vong và giải hạn cho cậu em tôi. Sau đó, tôi được sư Toàn kể cho những câu chuyện về đầu tư đất lãi như thế nào.

Trong một lần nói chuyện, nghe tôi bày tỏ ý muốn được đầu tư bất động sản tại Tam Đảo, cái tên Tam Đảo II đã được nhắc đến. Sư Toàn nói: “Con nên đầu tư vào dự án Tam Đảo II, chùa Địa Ngục của thầy nằm trong lòng dự án này. Đây sẽ là một dự án lớn nhất, sang nhất, đắt nhất và lãi nhất”.

Sau đó, sư Toàn nhiều lần thuyết phục tôi đầu tư vào dự án này, bởi khả năng lãi “khủng” của nó và mối quan hệ đặc biệt của sư Toàn với ông Sơn – Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group. Sư Toàn nửa kín nửa hở, căn dặn tôi không được để lộ chuyện mua dự án này vì “pháp luật không cho phép”, nhưng sẽ được hợp thức hóa bằng một cách nào đó.

Tôi hỏi: “Con đọc trên mạng, thấy có thông tin Sun Group liên danh với Sông Hồng Thủ Đô?”. Sư Toàn xua tay: “Dự án này đầu tiên do Sông Hồng Thủ Đô đứng ra xin, sau đó Sun nhảy vào. Liên danh chỉ là cái cớ thôi, của chú Sơn bên Sun Group hết. Chú ấy còn đang bảo đưa thầy 300 tỷ để xây chùa Địa Ngục”.

Sự bẩn thỉu khoác áo tu hành

Viết ra hay không viết ra? Câu hỏi này cứ đau đáu trong tôi suốt quá trình tác nghiệp đề tài này. Đã có lúc, tôi không hề muốn viết ra những chuyện này vì nó quá ghê tởm. Mặc dù cắn răng chịu trận để tác nghiệp, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác cay đắng, bẽ bàng.

Nhưng những ngày dài tiếp cận, tôi thấy xung quanh sư Toàn và chùa Nga Hoàng có bóng dáng những phụ nữ các lứa tuổi, ánh mắt của họ nhìn sư Toàn như một đấng toàn năng. Có thể lắm, sẽ có rất nhiều nạn nhân giống như tôi. Và cuối cùng, tôi đã quyết định kể ra những sự thật trần trụi.

Lần đầu tiên, sự bẩn thỉu của một nhà sư hiện ra là sau cuộc áp vong, chữa bệnh cho em tôi (một phóng viên). Sư Toàn tranh thủ lúc nghỉ lễ, vắng vẻ, cứ lấy tay vuốt vào ngực tôi, mồm thì liên tục nói: “Vừa cúng xong mệt quá! Cho thầy xin tí khí”. Sững người, tôi không thể tin là có chuyện như vậy; phải một lúc sau, tôi mới kịp nghiêng người tránh né.

Ông Toàn dẫn phóng viên vào thất định làm trò đồi bại

Nhưng không chỉ có vậy. Liên tục sau đó, sư Toàn có một loạt hành vi, lời nói, cử chỉ… biểu hiện sự bệnh hoạn mà nếu chỉ là một người đàn ông bình thường với một người phụ nữ mới quen, đã là điều không thể chấp nhận được, huống hồ là một người khoác áo tu hành với sắc danh đại đức.

Sư Toàn liên tục “gạ” tôi chat sex, đòi tôi gửi hình ảnh hở hang. Có lần, đang cúng cho khách, thầy còn gọi cho tôi, nói: “Cái ấy” của thầy cứng quá, không xuống được, con gửi ảnh hở ngực để thầy xem…”.

Trong một ngày lễ trang trọng, hàng trăm phật tử đội sớ lên đầu rước lễ Vu lan báo hiếu, sư Toàn đọc kinh dẫn đầu đoàn rước lễ, mà sau đó còn dám nói với tôi rằng: “Vừa nhìn thấy con đeo kính đen đi ngược lại là cái ấy của thầy nó lại cứng lên”. Thật không có gì kinh tởm hơn được nữa.

Tận cùng của sự khốn nạn là lần tranh thủ hẹn tôi đi xem đất vào buổi tối ở một khu đô thị hoang vắng, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sư Toàn đã nhảy vào xe của tôi. Sau một hồi vật lộn, không làm gì được trước sự chống đỡ của tôi, sư Toàn đã vạch quần ra, tự thỏa mãn.

Cổng vào chùa Địa Ngục từ Tam Đảo 1 đã bị cấm, chỉ công nhân được ra vào

Tôm hùm và chiếc túi Dior giá 75 triệu đồng

Tạm dừng chuyện chùa Địa Ngục và sư Toàn, chúng tôi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, xin cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II.

Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, kể cả bằng đường công văn chính thống của báo, xin tài liệu không thuộc diện bí mật nhà nước, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được đầy đủ văn bản theo luật định, trong khi báo cáo đánh giá tác động môi trường là văn bản cực kỳ quan trọng, có vai trò quyết định sự sống còn của dự án Tam Đảo II.

Trên đường tìm văn bản mang tính pháp lý và khoa học này, chúng tôi còn nhận được sự bất hợp tác của nhiều bên liên quan như Vườn Quốc gia Tam Đảo, Vụ Thẩm định giám sát đầu tư của Bộ kế hoạch và Đầu tư… Các cơ quan hữu quan này có rất nhiều lý do khác nhau do khách quan, chủ quan, nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn không thể có nổi văn bản đó.

Nhóm phóng viên chúng tôi đang loay hoay tìm cách liên hệ để làm việc với Sun Group, nghe thông tin chính thống về dự án Tam Đảo II thì bất ngờ, trong một cuộc đàm thoại căng thẳng với lãnh đạo Vụ Tuyên truyền, Thi đua và Khen thưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đòi quyền đương nhiên được tiếp cận văn bản đánh giá tác động môi trường của dự án nói trên, chúng tôi yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện đúng luật báo chí… và thế là, chỉ ít phút sau, tôi nhận được điện thoại từ… người đại diện truyền thông của Tập đoàn Sun Group.

Ở lần gặp đầu tiên, nữ giám đốc truyền thông Tập đoàn Sun Group tên là Ánh nói rất nhiều về công lao, nhiệt huyết và ý tưởng tốt đẹp với môi trường của Việt Nam nói chung và môi trường của các dự án do Sun Group thực hiện. Ở lần gặp này, cô Ánh nêu mong muốn không có bất cứ bài viết nào về Sun Group và các dự án của họ.

Cho đến lần gặp thứ hai, khi biết chắc chắn chúng tôi vẫn thực hiện loạt bài này, Ánh bày tỏ mong muốn chỉ nên có một bài chung chung, không ảnh hưởng đến tập đoàn, vì đây là khoảng thời gian nhạy cảm, chỉ một bài báo thôi cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn cho tập đoàn. Cuối cùng, Ánh xin tôi sắp xếp cho một cuộc hẹn với một lãnh đạo cao cấp của Sun Group.

Trưa 12/9, tôi đã đến chỗ hẹn để gặp lãnh đạo Tập đoàn Sun Group. Đón tôi là bữa trưa với thực đơn là tôm hùm và nhiều món ăn sang trọng. Ngoài giám đốc truyền thông, còn có ông Trần Minh Sơn – Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group và là người trực tiếp quản lý dự án Tam Đảo II. Trong suốt bữa ăn, ông Sơn say mê nói về vẻ đẹp vô giá của rừng Tam Đảo, nói về ước mong sẽ thực hiện được một dự án nghỉ dưỡng 5 sao chỉ dành cho người có tiền.

Tình cờ, ông Sơn nhắc đến chùa Địa Ngục và sư thầy Thích Thanh Toàn bằng sự kính trọng, nể phục đại đức. Ông Sơn cho tôi xem ảnh chụp chung với sư Toàn ở chùa Địa Ngục, trong ảnh có rất nhiều nhân vật VIP. Ông Sơn chỉ vào ảnh và nói đến từng người với những chức danh và thân phận “khủng” của họ. Tôi nhận ra một số người mình đã gặp trong quá trình tác nghiệp tại chùa Nga Hoàng.

Bất chợt, tôi nhớ đến một cán bộ đã hơn 20 năm công tác ở Vườn Quốc gia Tam Đảo. Khi bị hỏi “tại sao chùa Địa Ngục được xây dựng trái phép mà đơn vị quản lý là vườn quốc gia lại để nó tồn tại bao nhiêu năm nay như vậy”, ông đã trả lời: “Chúng tôi không làm gì được. Chúng tôi chỉ biết lập biên bản và báo cáo lên trên”. Tôi hỏi: “Có thế lực nào che đỡ cho chùa?”. Ông cười, bảo: “Công an tỉnh còn chả làm gì được nữa là”.

Quay lại bữa trưa với ông Sơn, tôi vẫn nghe giọng ông đều đều và nhiệt huyết: “Ngày xưa, tỉnh Vĩnh Phúc định trục xuất thầy Toàn, chính anh là người nói đỡ để thầy ở lại. Còn chùa Địa Ngục, chắc chắn tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng bài bản… Bọn anh làm du lịch nên rất trân trọng điểm đến, đặc biệt là điểm đến tâm linh”.

Tôi chợt nghĩ đến chuyện người dân kể, sư Toàn tổ chức đưa quả chuông nặng hàng tấn lên đỉnh núi, giống y như kéo pháo lên Điện Biên Phủ; đi đến đâu, chặt cây, mở đường đến đấy. Và kỳ lạ thay,  cái vết của “con đường chuông” ấy, nay Sun Group đang trùm lên đó một con đường cho hai xe điện tránh nhau để đi vào dự án Tam Đảo II.

Cây rừng trên Tam Đảo bị đốn là để làm dự án du lịch

Tại sao chùa Địa Ngục lại ra đời? Tại sao nó nằm trong lòng dự án Tam Đảo II? Tại sao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc luôn khẳng định rằng, ngôi chùa này không có điển tích? Ngay cả những người đã đồng hành cùng sư Toàn đi tìm đốm sáng trong rừng ấy đã khẳng định chắc chắn rằng: “Chẳng có cái gì cả. Từ mộ cổ đến giếng cổ đều do sư Toàn dựng lên hết. Tại sao những chuyện hài hước như vậy lại có đất tồn tại suốt những năm qua? Đứng sau sư Toàn là ai mà có thể huy động được rất nhiều tiền của, tâm sức để dựng cốt chùa, đúc chuông, chuyển chuông?…

Và có rất nhiều gương mặt VIP luôn đồng hành cùng sư Toàn từ những ngày đầu xây chùa Địa Ngục. Chính sư đã nói với tôi, những VIP này đều có phần đất trong dự án. Ông muốn giúp tôi bằng cách mua lại “suất ngoại giao VIP” này và cam kết lời “khủng”.

Người dân đến cúng tại chùa

Tôi đang chìm vào ma trận thông tin hỗn loạn, lúc rời rạc, khi liền mạch thì tín hiệu của buổi ăn trưa kết thúc. Cô Ánh tiếp tục đề nghị tôi không báo cáo đề tài này sâu hơn với ban biên tập, đồng thời mong muốn tôi thiết lập một cuộc gặp gỡ Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM. Cô Ánh nói: “Bên em không muốn dùng đến áp lực từ một cấp cao nào xuống Báo Phụ nữ”.

Tiếp sau đó, một gói quà được đưa đến trước tôi. Vì đã báo cáo cuộc tiếp xúc này với lãnh đạo báo, nên tôi chỉ nhắc: “Nếu trong gói quà có tiền, chị sẽ trả lại”. Tôi nhận gói quà để cuộc tiếp xúc được êm xuôi, để tạm thời không có một áp lực bất ngờ từ đâu đó giáng xuống báo mình khi bài viết này còn chưa kịp ra đời.

Về đến tòa soạn, tôi đã lập biên bản và nộp lại gói quà trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ, phóng viên của báo. Một chiếc túi Dior được bán tại cửa hiệu chính hãng với giá 2.500 euro. Sau khi kiểm tra kỹ, tôi được biết, chiếc túi được mua trước cuộc hẹn ăn trưa khoảng 2 giờ. Cửa hàng đồ hiệu chính hãng này từ chối nêu tên người mua. 2.500 euro là tròm trèm 75 triệu đồng tiền Việt…

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/dieu-tra-doc-quyen-sun-group-dia-nguc-tu-va-ma-tran-chiem-linh-rung-quoc-gia-tam-dao-165516/?fbclid=IwAR3CDSGBb6hiHs6qozx4yVjocd8uMZiSBxj8bNLDr-bBTCkutXEiR0PI1_c

BÀI 2: Dấu chấm hỏi về ‘vòng tròn khép kín’ ở Tam Đảo II

Trong ‘ma trận’ thông tin về dự án Tam Đảo II, chúng tôi nhận ra sự liên kết chặt chẽ giữa những mối quan hệ đặc biệt, ràng buộc lẫn nhau: nhà sư – chùa giả – doanh nghiệp và những nhân vật VIP.

Lời tòa soạn: Một lần nữa, vòng tròn… ma giáo do kẻ biến thái đội lốt nhà sư liên kết với Sun Group dựng lên, chọn… ngọn cờ tâm linh làm tâm điểm để ma mị người khác. Đường đến chùa Địa Ngục còn khó hơn đường về địa ngục, bởi ma quỷ núp bóng người ngăn chặn. Càng khó, càng bí hiểm, vượt được vào đó có khi phải trả giá bằng sinh mệnh.

Nhưng, qua được cánh cửa tử thì sự thật phơi bày: một ngôi chùa giả xây trái phép rồi được tung tin là chùa cổ với người trụ trì phẩm hạnh, tâm đức không trong sáng, chắc chắn không phải cho chánh pháp… Giả chồng lên giả.

Sau bài báo đầu tiên về sư thầy Thích Thanh Toàn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang vào cuộc xác minh. Chân tu hay tà sư, rồi sẽ rõ. Nhưng câu chuyện của Tam Đảo II với những nhát chém vào vùng lõi vườn quốc gia để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp lung linh như ma thuật chỉ dành cho người giàu vẫn đang tiếp diễn, mọi ngả đường cần và phải được biết về hệ lụy môi trường của nó đều bị bịt kín…

Chúng tôi quyết định, bằng mọi giá, phải leo lên Địa Ngục Tự, nơi sau này chính là tâm điểm thu hút khách du lịch của dự án Tam Đảo II của Sun Group.

Khi tôi đang mải mê chụp ảnh, quay phim những cây gỗ có đường kính hàng mét nằm ngổn ngang trên đường đi thì Giang – người địa phương được thuê dẫn đường – vội dang tay ra ngăn cản.

Mặt Giang bỗng đổi sắc, tái nhợt, miệng lắp bắp: “Chị cất ngay máy đi, không được quay phim, chụp ảnh ở đây đâu. Họ mà biết, họ bắt giữ, đập máy và đánh đấy”. Tôi hỏi họ là ai, Giang trả lời: “Em không biết đâu. Nhưng mà chị cất máy ngay đi, không được đâu. Mấy tháng trước, có một nhóm đi phượt vào đây, bị hàng chục người đánh, trói suốt nhiều giờ trong rừng, bị tra tấn, bắt khai mật khẩu điện thoại để họ xóa hết dữ liệu đi đấy. Đã báo đến công an mà có làm được gì đâu”.

Một vụ cướp lạ lùng

Ngày 6/4, nhóm bốn bạn trẻ gồm hai nam, hai nữ thuê một người địa phương tên Chín dẫn đi khám phá cung đường lên chùa Địa Ngục. Họ đã bị một nhóm gần chục người bắt lại, trói vào cây, thu giữ toàn bộ điện thoại và máy ảnh. Riêng người dẫn đường bị trói tách ra hàng trăm mét.

Theo lời kể của Hưng – trưởng nhóm phượt – mấy bạn kia chỉ bị đánh cho có lệ vì sợ quá, ngoan ngoãn đọc mật khẩu điện thoại cho nhóm “cướp”, còn Hưng kiên quyết không đọc mật khẩu nên nhóm cướp ra sức tra tấn, dọa giết, ném xác xuống vực, dọa nhét ma túy vào người rồi báo công an bắt. Khi không lấy được mật khẩu của Hưng, nhóm “cướp” thả côn trùng độc, kiến và bọ vào người.

Hưng kể: “Lúc ấy, tôi hét lên vì mệt mỏi, sợ hãi và đau đớn, đám “cướp” có vẻ cũng chùn tay. Chúng thay nhau tra lại những mật khẩu mà tôi cố tình đọc sai lúc trước, thế là chiếc iPhone X của tôi bị khóa hẳn vì nhập sai mật khẩu nhiều lần”.

Khi ngồi kể lại câu chuyện bị cướp với chúng tôi, Hưng bảo: “Bọn này không phải là người ở đây. Trông chắc chắn là người thành phố, có tên còn bảnh bao, béo tốt lắm. Tôi cứ nghĩ mãi, chẳng biết chúng định làm gì. Cướp thì không phải rồi, bởi chỉ có mỗi mình tôi bị chúng lấy hơn 1 triệu đồng trong ví cho có lệ thôi, mấy bạn kia ví còn nguyên tiền. Chúng chỉ quan tâm duy nhất đến những dữ liệu đã quay, chụp khu rừng trong máy ảnh và điện thoại của bọn tôi mà thôi. Khi biết chắc chiếc iPhone X đã bị khóa hẳn, chúng mới chán, chả thèm tra tấn tôi nữa. Chúng vơ vội mấy cái máy của bọn tôi, bắt hai bạn nữ đi theo chúng xuống chân núi. Đến nơi, chúng còn đưa một chiếc đèn pin để hai bạn nữ tự quay lên núi cởi trói, cứu bọn tôi”.

Toàn bộ câu chuyện trên đã được nhiều tờ báo đưa tin và theo dõi. Công an H.Tam Đảo cũng đã điều tra về vụ “cướp” hết sức kỳ lạ này, nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chìm trong im lặng.

Ma trận trong ma trận

Để đi vào đại dự án của Sun Group với tên gọi Tam Đảo II, chỉ có hai con đường. Con đường thứ nhất – chính là “đường chuông” mà chúng tôi đã nói ở bài trước – dài khoảng 10km, nối thị trấn Tam Đảo I (cũ) vắt qua các đỉnh núi đến trung tâm dự án. Con đường thứ hai đi từ chân núi phía sau chùa Tây Thiên, tuy ngắn hơn nhưng cực kỳ hiểm trở, bởi nó đi qua ngọn núi cao nhất trong ba ngọn núi ở Tam Đảo.

Khi tìm đường vào chùa Địa Ngục, chúng tôi đã định đi theo con đường thứ nhất, bởi nó dễ đi hơn. Nhưng nếu đi con đường này, chúng tôi chắc chắn không thể vượt qua được những “hàng rào người”, những chốt gác lớp lang của nhân viên bảo vệ Tập đoàn Sun Group. Vậy là chỉ còn con đường thứ hai. Đây chính là con đường mà nhóm phượt chuyên nghiệp đã bị “cướp”.

Trong chuyến đi này, khi đang chụp ảnh, quay phim, chúng tôi đã sững sờ trước sự hoảng hốt của người dẫn đường. Giang đã nói về những thế lực có thể bắt, đánh, tra tấn, đập phá máy ảnh, máy quay phim của chúng tôi. Tôi cảm nhận rằng, Giang đang lo lắng cho chúng tôi thực lòng. Đám “cướp” kia là ai? Mục đích thật là gì? Thế lực nào đứng sau những chuyện tày trời tưởng như chỉ có trong phim hình sự?

Chúng tôi cứ đau đáu một câu hỏi lớn: Thực chất, trong dự án Tam Đảo II có bí mật gì? Chắc chắn nó không phải là bí mật nhà nước, hay bí mật quân sự, bởi chủ đầu tư của nó là Sun Group – một tập đoàn tư nhân.

Để đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều cơ quan hữu quan, từ trung ương đến địa phương, bằng nhiều cách khác nhau nhưng tất cả đều từ chối cung cấp những văn bản chính thống về dự án mà theo luật định, phải công khai toàn bộ trước báo chí và người dân. Cho đến bây giờ, trả lời những câu hỏi đau đáu của chúng tôi vẫn là sự im lặng, như những cánh cửa vô hình đóng chặt.

Khi ngồi xem lại tư liệu của chuyến vượt rừng vào Địa Ngục Tự – tâm điểm của dự án Tam Đảo II – tôi thấy những công nhân làm việc trong công trình của Sun Group vẫn đang bẫy thú trên rừng. Những chiếc bẫy nằm rải rác trên đường đi. Những con dúi, con chồn và những con thú lớn nhỏ khác hằng ngày bị họ ăn thịt hoặc bán.

Theo lời kể của một chủ quán ăn dưới chân núi Tây Thiên, cách đây không lâu, họ mang xuống bán một con lợn rừng bẫy được trên núi, nặng cả trăm ki-lô-gam. Bà chủ quán còn trầm trồ: “Mỡ nó dày lắm, nhưng ăn thì cực thơm”.

Vì sao gỗ bị đốn hạ để làm đường không được chở đi ngay mà cứ đắp lại ở hai bên đường? Một bảo vệ ở đây chúng tôi tiếp cận được đã giải thích: “Chuyển đi làm sao được, Sun Group cẩn thận lắm. Mặc dù họ chả sợ ai, dự án đóng dấu đầy đủ rồi mà, nhưng họ vẫn giữ cây ở đây cho đỡ ồn ào. Họ sợ dân tình nói họ phá rừng lấy gỗ. Khu này “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cấm chụp ảnh, quay phim”.

Chùa giả xây trái phép thành… chùa cổ

Trong “ma trận” thông tin về dự án Tam Đảo II, chúng tôi nhận ra sự liên kết chặt chẽ giữa những mối quan hệ đặc biệt, ràng buộc lẫn nhau: nhà sư – chùa giả – doanh nghiệp và những nhân vật VIP.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, giáo sư – tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung – Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng – nói với chúng tôi: “Theo luật định, những dự án được triển khai trên đất rừng có diện tích trên 50ha đều phải thông qua Quốc hội. Nhưng với dự án Tam Đảo II, Sun Group đã lách luật cực kỳ nghệ thuật. Họ thuê 385,5ha đất rừng quốc gia Tam Đảo, nhưng họ chỉ sử dụng dưới 50ha để không phải thông qua Quốc hội”.

Còn dưới góc độ thực tiễn triển khai dự án, họ cũng có “nghệ thuật” giúp các dự án của mình vượt qua được góc nhìn phản biện của nhân dân, thậm chí còn lấy được lòng dân bằng cách “dựng lên một lá cờ tâm linh xuyên suốt”.

Chính Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Sun Group đã chia sẻ với chúng tôi: “Một trong những lý do mà Sun Group quyết tâm làm dự án cáp treo Fansipan chính là xuất phát từ mong muốn của nhà sư Huyền Diệu. Mục đích chính của dự án là để trấn yểm những long mạch quốc gia. Cáp treo cũng chính là để các phật tử có thể thuận lợi hơn cho việc hành hương. Và chính nhà sư Huyền Diệu là người giơ nhát cuốc đầu tiên động thổ dự án cáp treo Fansipan”.

Trở lại Tam Đảo II. Ông Sơn – Phó chủ tịch Sun Group – nói với chúng tôi: “Bọn anh có số may mắn mới gặp được thầy Toàn”. Ông Sơn khẳng định, sẽ đầu tư xây chùa Địa Ngục và khu tâm linh xung quanh đó một cách bài bản.

Quả đúng như lời tiết lộ của ông Toàn, rằng ông Sơn sẽ “cúng dường” 300 tỷ đồng để xây chùa Địa Ngục. Trong những bức ảnh chụp buổi lễ quan trọng ở chùa Địa Ngục mà ông Sơn khoe với chúng tôi, có rất nhiều gương mặt với thân thế “khủng”, tiếng nói của họ có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Những VIP này, tôi đã gặp nhiều lần ở chùa Nga Hoàng do sư Toàn trụ trì dưới chân núi Tam Đảo. Ông Sơn còn khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Chùa Địa Ngục có lịch sử mấy trăm năm rồi. Cái giếng cổ vừa rồi khai quật lên, có rất nhiều di tích”.

Thông tin về ngôi chùa cổ mấy trăm năm với nhiều di tích giếng cổ, mộ cổ, nền móng cổ… từ lâu đã được đăng trên trang báo chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những người dân ở chân núi Tây Thiên – Tam Đảo cũng nói say sưa về di tích cổ được nhà sư Thích Thanh Toàn tìm được trong lõi rừng qua một giấc mơ. Trên mạng xã hội, từ lâu cũng đã xuất hiện rất nhiều thông tin, hình ảnh, clip… thể hiện sự linh thiêng, huyền bí của một ngôi chùa cổ mới được phát hiện trong rừng.

Xâu chuỗi tất cả thông tin trên lại với nhau, chúng tôi đến Ban quản lý di tích, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc để xác minh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Không có bất cứ cơ sở nào để xác định chùa Địa Ngục là di tích cổ”. Điều này đã được báo cáo lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc từ khi sư Toàn bắt đầu xây dựng chùa trái phép vào năm 2009.

Còn thực tế, chính những người đồng hành với sư Toàn từ ngày đầu dựng chùa đã khẳng định, “chẳng có gì cổ hết”. Vậy tại sao một ngôi chùa giả lại được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng với tần suất dày đặc, âm thầm và bền bỉ, rằng đó là ngôi chùa cổ?

Con đường vào rừng đang được thi công mở rộng

Vòng tròn khép kín

Nhìn lại tổng thể của dự án Tam Đảo II, khi Sun Group triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, ngẫu nhiên có một sư thầy phát hiện ra ngôi chùa cổ (giả) nằm trong lòng dự án. Tác giả của ngôi chùa giả này chính là sư thầy Thích Thanh Toàn.

Nhưng việc xây dựng một ngôi chùa trong lõi rừng quốc gia, trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét, không đơn giản. Sư Toàn từng bị UBND tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Vườn Quốc gia Tam Đảo… phản đối kịch liệt và đòi trục xuất.

Lạ thay, cũng từ thời điểm đó, sư Toàn luôn được Sun Group sát cánh, đồng lòng yểm trợ. Ông Sơn nói với chúng tôi: “Hồi ấy, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ muốn trục xuất thầy Toàn. Họ ghét thầy lắm. Anh Vọng lãnh đạo tỉnh muốn anh Hải (Giám đốc vườn quốc gia) và công an đuổi thầy ra khỏi đó. Chính tôi phải gặp anh Vọng và thuyết phục tỉnh nên để thầy Toàn ở lại chùa Địa Ngục”.

Sau đó, trong quá trình xây dựng chùa, trong tất cả dấu mốc thời gian từ nhỏ đến lớn, Sun Group luôn xuất hiện. Chính ông Sơn kể với tôi về những ngày đầu chuyển nguyên vật liệu lên xây dựng chùa khó khăn như thế nào; gần đây nhất, khi tổ chức kéo điện lưới cho chùa, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thu những cuộn dây điện và chính ông Sơn phải ra tay.

Vẫn mạch kể say sưa đó, ông Sơn tiếp: “Hồi đưa quả chuông lên chùa là nan giải nhất. Chuông thì nặng hàng tấn, đường dốc đá cheo leo, anh định đưa trực thăng kéo quả chuông lên cho nhanh, nhưng làm như thế thì ầm ĩ quá. Cuối cùng, anh phải thuê sức người thủ công. Đoàn người chuyển chuông đi tới đâu, làm đường tới đó, cũng phải mất hai tháng mới xong”. Và cũng lạ thay, trong suốt quá trình phát triển của ngôi chùa giả ấy, xuất hiện rất nhiều nhân vật VIP…

Ngày 22/9, ông Niệm – chủ cơ sở đúc chuông ở Huế – kể: “Tôi đã đúc hàng chục tỷ đồng tiền tượng đồng, chuông… cho sư thầy Thích Thanh Toàn”. Còn sư Toàn thì nói với chúng tôi: “Nếu con quyết định mua đất ở Tam Đảo II, thầy sẽ giúp lấy lại suất ngoại giao của những nhân vật VIP. Nhưng con phải thật bí mật nhé”.

Trong một lần nói chuyện, tôi giật mình khi nghe sư Toàn nói: “Chùa Địa Ngục có địa thế cực đẹp. Nó là long mạch quốc gia mà thầy trấn yểm đấy”. Long mạch quốc gia? Chính giám đốc truyền thông của Sun Group cũng khẳng định đấy là một trong những lý do quan trọng nhất để Sun Group đầu tư dự án cáp treo Fansipan.

Dường như một vòng tròn khép kín đã xuất hiện ở dự án của Sun Group.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện ra Tam Đảo II là một nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng. Nhưng họ đã chọn xây dựng ở Tam Đảo I hiện tại, giữ nguyên Tam Đảo II để bảo vệ rừng nguyên sinh. Năm 2008, một doanh nghiệp của Mỹ cùng với Bitexco xin làm dự án khai thác du lịch nghỉ dưỡng tại Tam Đảo II nhưng sau đó, dự án không triển khai được do gặp phải sự phản ứng dữ dội của các nhà khoa học.

Đến nay, Sun Group đang bắt đầu triển khai dự án này, nhưng câu hỏi lớn về dự án vẫn chưa có lời giải chính thức. Bởi lẽ, chỉ riêng việc chúng tôi và nhiều cơ quan báo chí trước đó muốn tiếp cận với bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án từ các cơ quan chức năng mà không thể tiếp cận được.

Phó chủ tịch Sun Group Trần Minh Sơn nói: “Tâm điểm của Tam Đảo II có 70ha bằng phẳng và đẹp vô cùng. Không khí ở đó còn hay hơn Đà Lạt. Sun sẽ làm một dự án mà nói ra sẽ sợ bị ném đá, nhưng sự thật thì nơi ấy chỉ dành cho người giàu. Người có thật nhiều tiền sẽ lên đó nghỉ dưỡng, ở đó hàng tuần để hưởng không khí trong lành”.

Vậy còn người bình thường thì sao? Liệu có nên đánh đổi sự hưởng thụ của một nhóm rất nhỏ người giàu có để phá hơn 300ha rừng nguyên sinh – lá phổi của toàn miền Bắc – và chuốc lấy những nguy cơ rủi ro về môi trường? Nếu điều đó xảy ra, chỉ có những người bình thường là gánh chịu hậu quả.

Hàng ngàn người yêu cầu công khai, thông tin dự án vẫn “kín như bưng”

Tháng 6/2018, một nhóm bạn trẻ với niềm đam mê leo núi đã lên kế hoạch chinh phục ba đỉnh của Tam Đảo và chùa Địa Ngục. Tuy nhiên, khi đến con đường vào rừng, khu vực đặt barie ở trạm kiểm lâm thuộc thị trấn Tam Đảo, nhóm bạn trẻ này bị chặn lại và không cho vào rừng. Khi đó, chưa có lệnh cấm hay bất cứ thông tin gì về việc đóng cửa rừng.

Một tuần sau đó, nhóm này đã quyết định quay lại, vào rừng bằng đường mòn dọc theo con suối thuộc thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, H.Tam Đảo. Sau 4 giờ đi bộ trên chặng đường chừng 6km với độ cao từ 100-900m, cả nhóm đến được con đường ngang nhỏ mà dân phượt trước đó vẫn thường đi vào rừng. Sau khi chinh phục xong đỉnh thứ nhất, trời cũng quá trưa nên nhóm bạn đi xuống để có đủ thời gian vào thăm chùa Địa Ngục.

Tới đây, khi được thấy dấu hiệu của sự đo đạc, đánh dấu và các hố đã được đào lên, nhóm này đã trao đổi với những người quản chùa, mới biết rằng đang có một dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng quy mô lớn ở đây. Những hố đào sẵn được biết là hố trụ để tời nguyên vật liệu và cũng là tuyến cáp treo sau này.

Sau khi tìm hiểu, biết được khu vực này thuộc dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II”, khởi công ngày 27/12/2016, nhóm bạn nung nấu ý định bảo vệ rừng quốc gia Tam Đảo nên đã thu thập nhiều hình ảnh, thông tin về dự án.

Tháng 12/2018, nhóm bạn trẻ nói trên đã thành lập trang (fanpage) Save Tam Đảo, hoạt động trên mạng xã hội Facebook, nhằm cung cấp thông tin và hình ảnh về những gì đang diễn ra trong khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo, đồng thời muốn đưa lên tiếng nói bảo vệ vườn quốc gia này của cộng đồng yêu thiên nhiên, yêu cầu công khai hóa dự án Tam Đảo II để người dân giám sát, để các nhà khoa học có điều kiện phân tích tác hại của dự án đến môi trường rừng.

Ngày 30/5/2019, đại diện nhóm Save Tam Đảo đã đến trực tiếp Phòng Tiếp dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường để gửi đơn kèm hơn 4.200 chữ ký đã thu thập trước đó để đề nghị giải đáp các câu hỏi về dự án Tam Đảo II. Nhóm này cũng đặt câu hỏi về sự minh bạch trong thông tin của dự án, liệu báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này có vấn đề gì hay không? Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng của Sun Group có thực sự an toàn cho rừng quốc gia Tam Đảo?

Nhân viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận đơn và cho biết, sẽ có câu trả lời đơn thư sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn. Thế nhưng, cho đến nay, nhóm Save Tam Đảo không nhận được thông tin gì về nội dung đã yêu cầu.

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/sun-group-dia-nguc-tu-va-ma-tran-chiem-linh-rung-quoc-gia-tam-dao–bai-2-dau-cham-hoi-ve-vong-tron-khep-kin-o-tam-dao-ii-165662/?fbclid=IwAR3NlzSX1SdTibXE7XgR1YeB92q4XWDKHJmrvuiPWNwFAwaZ3sWOekldCCs

2. Sun Group – ‘ông trời’ không từ

trên cao

Bài 1: Bê tông chọc trời mọc lên, hàng trăm héc-ta rừng Bà Nà gục xuống

Đã từ lâu những tiếng nói phản biện, kêu cứu, uất ức về những dự án tàn phá tự nhiên của Sun Group vang lên, nhưng tất cả đều như một trò đùa.

Lời tòa soạn: Từ Vườn Quốc gia Tam Đảo đến núi Bà Nà, núi rừng tan nát, chim muông cây cỏ bị thiêu rụi bởi mặt trời, nhưng mặt trời không phải từ trên cao, mà từ Sun Group (Tập đoàn Mặt trời).

Họ phá núi, đốn rừng, mở đường để dựng bê tông, xây khu vui chơi, đặt trạm kiểm soát, thu tiền. Sun Group xứng đáng được gọi là "trời", bởi được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Và vẫn “bổn cũ soạn lại”, một mớ hư hư thực thực: trấn yểm long mạch, khởi phát tâm linh… đẻ ra từ liên kết giữa thầy chùa biến thái với doanh nghiệp hòng lùa người ta vào ma trận với đích duy nhất: kiếm tiền…

Đã từ lâu những tiếng nói phản biện, kêu cứu, uất ức về những dự án tàn phá tự nhiên của Sun Group vang lên, nhưng tất cả đều như một trò đùa. Không chặn bàn tay lông lá này lại thì long mạch đúng nghĩa sẽ bị chặt yểm, tà khí sẽ lộng hành, lòng người sẽ nát tan, non nước sẽ tả tơi.

Cát cứ Bà Nà, biến thành lãnh địa riêng là thành công vang dội của Sun Group. Có nhà nước nào, chính quyền nào quản lý kiểu vậy không? Rừng thì giao kiểm lâm quản lý, nhưng muốn lên Bà Nà, kiểm lâm phải xin phép Sun Group! Bà Nà là nơi nghỉ mát, tĩnh dưỡng, đó là câu chuyện quá khứ. Còn bây giờ là chỉ riêng khu vui chơi, trải nghiệm, quay cuồng, ăn, hát, lăn lộn thỏa thuê trong diện tích hơn 60ha rừng đã bị san phẳng.

Khi xe máy vừa lăn bánh qua khỏi tấm bảng giới thiệu còn 10km nữa tới khu Bà Nà Hills và sân gôn Bà Nà, thật kỳ lạ, khí mát ập tới. Tôi kinh ngạc, nói thiệt phục lăn trời đất, phục ông quan Pháp là đại úy Debay đầu thế kỷ XX đi phượt, để từ đó khu nghỉ mát Bà Nà xuất hiện. Thành phố nóng bức đã ở sau lưng mấy chục cây số rồi. Đường vắng, nhưng tôi vẫn là kẻ đi sau, bởi 8g, lối vào cáp treo đã kín người. Và cũng thật bất ngờ, khi lên tới nhà ga để lên cáp treo ngồi, trời lại nóng.

Sun group - 'ong troi' khong tu tren cao

Cầu Vàng như mũi dao xuyên thủng núi

Bà Nà bây giờ nóng kinh khủng

Cáp treo như bong bóng bay theo một đường thẳng. Từ ca-bin, những quả bóng tới lui liên tục. Không mây. Chang chang nắng. Tờ rơi hướng dẫn trong ca-bin toàn tiếng Anh. Dân ta có lẽ không cần thuyết minh, bởi lên Bà Nà là “lên tiên cảnh”. Tôi cũng đi tìm tiên và cảnh. Đây rồi, tới nhà ga Marseille. Cây Cầu Vàng mà từ năm ngoái đến giờ, thiên hạ có bao nhiêu mỹ từ tụng ca tung ra hết, nối từ nhà ga này sang vườn Thiên Thai. Cầu Vàng dài 150m, bệ đỡ là hai bàn tay. Người ví đó là bàn tay của Chúa, kẻ nói là bàn tay đàn bà mọc lên từ núi.

Đơn giản thế này, nếu mình không đi bộ từ nhà ga sang vườn hoa, thì ra cầu. Đây không chỉ là đi vòng cho dài thêm tí, vì nếu chỉ vậy thì sáng tạo nghệ thuật là thứ ất ơ. Giữa thung lũng, người ta làm ra cây cầu. Mình ra đứng đó, ngó núi, ngó rừng, ngó về thành phố dưới kia sáng trưng, rõ ràng, tuyệt nhiên không mây mù che khuất. Vàng là do mạ vàng, còn vàng thiệt hay không, tôi không biết. Hai bàn tay khổng lồ mới là sự mách bảo thần thánh. Rêu phong. Tôi mường tượng nó như gương mặt Phật, bàn tay Phật trong những đền tháp xa lắc lơ, màu xám xanh với thời gian, im lặng giữa thị phi, sân si.

Cây cầu đó, đỏ hay vàng không có nghĩa lý, nếu không có bàn tay. Ý nghĩ đó ập đến khi tôi đứng ở mố cầu, ngó lần nữa, làm một lát cắt từ bụng cầu. Nhìn xuống chân đế, dưới là rừng đã bị san phẳng để dựng bàn tay. Nắng phủ kín. Người cười nói lao xao đủ thứ tiếng, màu da, sắc tộc. Người ngáng đường phía trước, kẻ xô đẩy phía sau nên đành đi ngang, thẳng người khi hết kẻ “seo phì” cá nhân, tập thể, đến nhờ người khác chụp giùm. Màu vàng của cầu, tím của hoa, áo quần sặc sỡ đủ loại chen nhau. Đố ai ngắm được.

Lúc 9g, tôi quay lại, người chen cứng. Bạn tưởng tượng lễ cướp ấn đền Trần ngoài Bắc ra sao thì ở đây cũng thế, chỉ khác là không nhao nhao cướp miếng giấy vô hồn, mà chen nhau chụp ảnh tự sướng…

Tôi nghĩ đến một tiểu cảnh có cây cầu vắt ra, nhưng khô cạn, không nước, tất nhiên không có lơ thơ tơ liễu, như thể chủ nhân thật sự đã đi vắng từ lâu rồi, giang hồ thập loại chúng sinh tự do, ai cũng ngó mặt mình, ngó cái màu mà cả đời người, mấy ai không một lần nghĩ đến, ao ước, là vàng.

Tôi nhìn dòng người không ngớt đang lê gót trên cầu, đoán chắc họ sung sướng. Có ai trong họ nghĩ, để cho mình được đứng, được tung tăng thế này, có bao nhiêu cây rừng đã bị triệt hạ?

Mồ hôi ròng ròng. Không biết dòng người nhễ nhại kia có tìm thấy tiên hay không, chứ tôi thì ướt đẫm áo. Cặp vợ chồng người Anh cùng ngồi ở ca-bin lên làng Pháp với tôi luôn miệng "hot, very hot". Làm chi có chuyện nhiệt độ luôn 15 độ như cái thuở quan ba Debay tìm thấy? Và hỡi ông quan Pháp kia, giờ ông vân du chốn nào, mời ông lên đây để thấy cái ý tưởng làm khu tĩnh dưỡng kia “có gì sai sai”.

Ngay đường xuống vườn Thiên Thai, còn một căn nhà đổ nát, dấu tích một thuở. Mình tôi vào đó. Cỏ, tường xám lạnh, đá gục đầu lở lói. Lịch sử đã xếp lại một trang, sân khấu đã kéo kín vĩnh viễn một màn, diễn viên ngày cũ đi đâu hết rồi. Hẩm hiu khi đã hết vai trò, đó là trò đời cay nghiệt và đương nhiên. Bà Nà – nơi nghỉ mát, tĩnh dưỡng – là câu chuyện quá khứ. Còn bây giờ là chỉ riêng khu vui chơi, trải nghiệm, quay cuồng, ăn, hát, lăn lộn thỏa thuê trong diện tích hơn 60ha rừng đã bị san phẳng.

Sun group - 'ong troi' khong tu tren cao

Rừng do kiểm lâm quản lý, nhưng muốn lên Bà Nà, kiểm lâm phải… xin phép Sun Group

Người ta có “kim bài”, mình kêu cũng vô ích

“Nóng là đúng rồi em ơi! Bê tông ngút trời, hàng loạt như thế, nó hấp thu nhiệt, tỏa ra thì mây gió mô chịu nổi?” – lời nhà nghiên cứu H.T.T. ù ù qua điện thoại. Anh nói đang tìm đường lên núi để ngắm chim, nhưng loay hoay.

Tôi bụng bảo dạ, “thôi ông ơi, ông thừa biết đường mô mà lên, núi bây giờ cũng có barie, muốn qua thì phải xuống xe, tắt máy, xuất trình… tiền”. Ai ngờ, anh dằn giọng: “Khách không có hộ khẩu Đà Nẵng thì 800.000 đồng/lượt/người. Như mình là 450.000 đồng/lượt. Nhưng anh hỏi em, khách du lịch họ đi một lần, ví dụ cả gia đình 4 người, vé đã là 3,2 triệu đồng, hỏi có mấy ai quay lại, nếu họ không giàu? Còn dân Đà Nẵng từ thuở có Bà Nà, cuối tuần rảnh, ưng thì lên chơi, mắc mớ chi phải bỏ tiền mua vé? Của trời đất thì bá tánh muôn dân đều hưởng, giờ nó chiếm hết, rào đường, độc quyền, thử hỏi vô lý không?”.

Tôi cười chua chát. Anh, tôi, chúng ta, những người nhìn Bà Nà như món quà trời đất, bao năm qua, là cái nhìn méo xệch, chua chát, nản phiền trong trùng trùng vô lý. Câu chuyện Sun Group độc chiếm Bà Nà, biến thành tài sản riêng để làm ăn, kiếm lời, đầu năm 2000, báo chí, dư luận đã lên tiếng. Nói rã họng đứt hơi, ông cứ làm, chẳng ai làm chi được ông, bởi chính quyền đã cho ông “kim bài miễn tử”.

Dân vùng Bà Nà – núi Chúa kêu la cho đã, vô ích! Thậm chí, có người là giáo viên, thuở Sun Group giải tỏa, đền bù thảm, kiện miết, bị cho thôi dạy vì không làm đúng chủ trương của Nhà nước.

Cát cứ Bà Nà, biến thành lãnh địa riêng, đó là thành công vang dội của Sun Group. Không ai đủ sức chống lại, bởi đây là pháo đài bất khả chiến bại. Thôi được, ông xây khu vui chơi, nhưng ông chỉ được quyền rào đường, khoanh vùng chỗ ông bỏ tiền qua, chứ sao mọi ngã đường dẫn lên đó, đường từ thuở dân gian truyền nhau “Cọp Bà Nà, ma Phú Túc”, đường những sơn tràng áo cơm kiếm củi, đường của du kích, bộ đội một thuở gian lao, đường của lương dân manh lệ đôi khi chỉ lên núi  thắp nhang lạy Phật, lạy miếu Bà, cũng bị chặn tước hết, là sao? Cái này, khỏi cần Sun Group trả lời, mà chính quyền phải trả lời, bởi nếu không, hóa ra anh giao con dấu, ấn kiếm hết cho tư nhân quản lý đất đai, lãnh thổ.

Có nhà nước nào, chính quyền nào quản lý kiểu vậy không? rừng thì giao kiểm lâm quản lý, nhưng muốn lên Bà Nà, kiểm lâm phải xin phép Sun Group! Nói vậy để kể thêm, rằng cái ngữ như tôi, một thằng nhà báo quèn, làm chi có cửa, khi xe chạy tới cổng vào sân gôn Bà Nà. Câu trả lời như anh bảo vệ, là “không có thẻ, không được vào”.

Bữa lên xã Hòa Ninh, khi được hỏi về chuyện sân gôn 18 lỗ, diện tích 165ha này có gây ô nhiễm không, lãnh đạo xã nói rằng, không nghe dân kiện, còn nguồn nước thải ra sao, xã làm sao mà biết được. Email hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng, lâu lắc lâu lơ, được hồi đáp rằng, tất cả tốt, không sao hết.

Sân gôn Bà Nà đặt đầu con suối An Lợi, dùng nước đó để phục vụ cho việc tưới cỏ, sinh hoạt. Có người tính toán, mỗi ngày, nó phải xài 5.000m3. Nước từ suối này đổ về sông Túy Loan rồi nhập vào sông Cầu Đỏ, cung cấp nước sinh hoạt cho dân Đà Nẵng. Thời điểm Đà Nẵng la trời nhiễm mặn, thiếu nước, người ta đổ hết cho thủy điện Đắk Mi không cho nước qua sông Cầu Đỏ. Không sai, nhưng chẳng ai vặn vẹo thử, rằng con suối An Lợi đó, nếu không bị Sun Group chặn đã có thể góp phần giải nhiệt cho dân vùng hạ lưu.

Không ai nói cả, cứ y như nói là bị… quả báo khẩu nghiệp tức thì. Nhà nghiên cứu H.T.T. kể, giữa lúc Đà Nẵng ầm ĩ chuyện Sun Group và Quốc Cường Gia Lai lấn sông Hàn sai quy định để phân lô bán nền, anh gửi cho Facebook môi trường của TP.Đà Nẵng bức ảnh một công ty của Sun đổ đất trồng cây lấn ra sông Cổ Cò gần cầu Minh Mạng ở Q. Ngũ Hành Sơn, chưa đầy một nốt nhạc, bức ảnh bị gỡ, chẳng  phản hồi.

Sun group - 'ong troi' khong tu tren cao

Cáp treo như bong bóng bay theo một đường thẳng. Từ ca-bin, những quả bóng tới lui liên tục. Không mây. Chang chang nắng.

Một mình hưởng lợi từ tài nguyên chung

Tôi lội giữa khu nhà Pháp, vườn hoa, đu quay, qua khu ăn chơi ca hát có karaoke, băng qua hầm rượu, rồi vô chùa Linh Ứng. Một cô gái ngồi ở bàn ghi công đức nói sư thầy xuống núi rồi. Giữa sân, một nhóm khách cười nói ầm ĩ, kẻ đứng, người ngồi trước tượng Phật chụp ảnh. Nóng và nóng.

Nếu nói Bà Nà có mây, Cầu Vàng vắt vẻo trong mây như vô vàn lời vàng ý ngọc khen nó, thì chỉ có mùa đông. Còn bây giờ, cổ tôi khô khát, phừng phừng mồ hôi giữa dòng người ùn ùn. Sự yên tĩnh, mát mẻ là xa xỉ. Nhiều khi tôi không hiểu, khi đặt vé đi Bà Nà chơi, người ta có nghe lời chê về nó không, hay chỉ toàn háo hức? Và họ đi về, họ nghĩ gì ngoài những bức ảnh thấy toàn người và những khối nhà xám đanh, cao vút và nắng như bóc trần mình ra?

Ông Hồ Duy Diệm – nguyên Trưởng ban Quy hoạch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng – kể, năm 1979, ông Hồ Nghinh (Bí thư) và ông Phạm Đức Nam (Chủ tịch UBND tỉnh) nói: “Ông coi Bà Nà làm được cái chi?”. Ông Diệm cùng 5 anh em đi xe rồi đi bộ, cơm nắm, bắt đầu đi từ 5g, tới 13g thì đụng đỉnh núi, ngó qua quýt cho xong, tụt xuống liền, vì sương mù dày đặc, ai dám ở? Mấy ông lãnh đạo bàn: “Hay mình trồng hoa Đà Lạt”? Sau nữa, ông Hoàng Minh Thắng (Bí thư tỉnh ủy) mượn máy bay Quân khu 5 lên một lần, nhưng phi công không dám hạ vì sợ vướng cây.

“Pháp xây khu nghỉ mát vì hồi đó, sĩ quan đi và về Pháp mất 6 tháng, nên họ mới nghỉ lập nơi vui chơi an dưỡng, đưa các bà đầm qua, khỏi mất thời gian. Xin lưu ý là họ an dưỡng, nên kiểu kinh doanh du lịch như bây giờ là ngược hoàn toàn với đặc điểm khí hậu, hệ sinh thái thực vật của Bà Nà. Còn kiến trúc là giống Pháp, nhưng nếu người ta làm xa ra, mỗi khu nhà không nên quá cao, ẩn hiện trong cây thì hay, chứ dồn một đống gạch như hiện tại là kệch cỡm.

Hồi đó, ngồi trong biệt thự cũ, mây bay qua lạnh lắm, thú vị. Giờ thì làm chi có sương, mây? Người toàn đi trong nhà, chen lấn. Núi đẹp là nhờ có đường nhỏ, thoắt ẩn thoắt hiện, rồi lội suối, thế mới là du ngoạn” – ông Diệm nói.

“Tôi thấy Cầu Vàng không như thiên hạ khen. Ở đây, Sun giỏi là khơi sự khác lạ, đánh trúng tâm lý thiên hạ thời buổi tự sướng, chứ theo tôi là chẳng đẹp chi. À, anh nhớ chuyện xem thơ Trạng Quỳnh không? Đó, lên Bà Nà mà không tỉnh táo, bị đám đông xô đẩy cảm xúc, “chúng khẩu đồng từ” thì khác chi xem thơ Trạng Quỳnh (cứ “nghe nói, nghe đồn” rồi ùn ùn kéo nhau đi xem)?".

Tôi ngồi bệt xuống đầu mố cầu phía vườn hoa, ngó lại hai bàn tay đang ẩn hiện bởi đầu người cao thấp lô nhô như sóng. Bàn tay bí ẩn mọc lên từ núi, hay là hai bàn tay như đòn cương đao, ngũ trảo trong võ thuật vừa chém vừa thọc vào núi, xới tung lên? Sơn thần thổ địa nào mà chịu nổi với trần gian suốt ngày nện chân lên, với con số ước tính trung bình 20.000 lượt người/ngày? Cọp, beo, chim chóc nào mà chịu được tiếng người, tiếng máy khoan, bê tông ầm ĩ? Người ta đã, đang và sẽ tiếp tục bê tông hóa Bà Nà.

Nhưng, đời mà, dẫu biết là xem thơ Trạng Quỳnh nhưng mấy ai lắc đầu đâu? Họ im lặng, bởi biết nói cũng chẳng ai nghe, hỏi cũng không ai trả lời. Hai lần, từ năm 2018 đến nay, tại cuộc họp báo của UBND TP. Đà Nẵng, có nhà báo không giấu được bực mình, rằng tôi hỏi đến lần thứ hai rồi, mỗi năm Sun Group đóng cho Nhà nước bao nhiêu tiền thuế?

Từ lãnh đạo chủ chốt đến mấy ông tài chính, thuế, im re. Thuế của Sun là tiền khai thác tài nguyên thành phố, phải công khai, hà cớ gì lãnh đạo thành phố giấu nhẹm, có phải là bí mật quốc gia đâu?

Thông tin cho thấy, chỉ riêng quý II/2018, Công ty Cáp treo Bà Nà  báo cáo kết quả kinh doanh: sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 160% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 300 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu đạt 1.371 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 411 tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân mỗi tháng, Công ty Cáp treo Bà Nà lãi gần 70 tỷ đồng.

Ngày 25/3/2019, Sun Group kỷ niệm 10 năm thành lập Bà Nà Hills, thông tin: từ năm 2009-2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng trưởng 463%, du khách đến Bà Nà cũng tăng hơn 160 lần. Cũng thời gian đó, sân bay Đà Nẵng chứng kiến một lượng khách tăng trưởng vượt bậc, từ 2.079.758 khách năm 2009 lên 13.300.000 khách năm 2018.

Đặc biệt, kể từ sau “hiện tượng Cầu Vàng” (hiện tượng truyền thông chưa từng có trong lịch sử du lịch Việt Nam, xảy ra từ năm 2018, khi hàng ngàn tờ báo và trang web, kênh YouTube du lịch uy tín của thế giới đưa thông tin, hình ảnh “Golden Bridge Ba Na Hills”), số chuyến bay quốc tế tới TP.Đà Nẵng từ các thị trường mới như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ… tăng đột biến.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2016, trong số 1.000 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất, Sun Group tại TP. Đà Nẵng đứng vị trí 681. Năm 2017, họ xếp hạng 365, đứng sau một số công ty xổ số, sản xuất bao bì. Vậy, Sun Group có Bà Nà, có khu khách sạn 5 sao nguyên thủ quốc gia ở Sơn Trà, có bất động sản ở khu Hòa Xuân, chỗ nào ngon tại Đà Nẵng là họ có hết, sao thứ hạng về nộp thuế của họ lại khiêm tốn thế? Một nhà báo nói ngay: “Có thể họ sẽ trả lời là, làm lễ hội pháo hoa lỗ lắm, phải bù (!).

***

Chào Cầu Vàng, tôi xuống núi đây! Cáp vù vù, mình tôi. Mới đây, ông Đặng Minh Trường – Tổng giám đốc Sun Group – trả lời một tờ báo rằng, du lịch mở ra một thế giới mới cho mỗi người, giúp họ có những trải nghiệm, qua đó mang lại hạnh phúc. Đích cuối cùng của mỗi người là tìm kiếm hạnh phúc, và chính những trải nghiệm du lịch sẽ góp phần tạo ra nó, đó có thể là hạnh phúc ngay lúc bạn đi, cũng có thể là cảm xúc thật đẹp về những hoài niệm khi bạn nhớ lại…

Tôi nhớ ông nói thế, và tự hỏi, ai thử làm điều tra xã hội học độc lập, hỏi dân Đà Nẵng (độc lập nghe, chính quyền không can thiệp) rằng: “Bà Nà có mang lại cho ông/bà/anh/chị hạnh phúc không?”. Còn tôi, tôi đang nhớ một người nói Bà Nà là ngón tay chủ, ở giữa của bàn tay 5 ngọn núi vây quanh gồm Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà, Phước Tường, Non Nước, tạo ra thế bao bọc linh thiêng cho đất này, giờ thì bị phá tanh bành rồi, nên mười mấy năm qua, cuộc cờ thế sự lộn xộn đảo điên…

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/sun-group–ong-troi-khong-tu-tren-cao-165515/

Bài 2: Danh thắng Tây Thiên trước nguy cơ sụp đổ vì dự án Tam Đảo II

Dù ít dù nhiều, những khoảng rừng, những tán cây chắc chắn bị hạ xuống để nhường chỗ cho cả một tổ hợp nghỉ dưỡng…

Lời tòa soạn: Từ Vườn Quốc gia Tam Đảo đến núi Bà Nà, núi rừng tan nát, chim muông cây cỏ bị thiêu rụi bởi mặt trời, nhưng mặt trời không phải từ trên cao, mà từ Sun Group (Tập đoàn Mặt trời). Họ phá núi, đốn rừng, mở đường để dựng bê tông, xây khu vui chơi, đặt trạm kiểm soát, thu tiền. Sun Group xứng đáng được gọi là "trời", bởi được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Rừng Tam Đảo đột nhiên bị cấm, không người dân nào được phép bước chân qua cánh cửa mới dựng lên gần trạm kiểm lâm. Cả những người dân sống ở thị trấn Tam Đảo cũng không được phép vào rừng để sửa đường ống dẫn nước như thói quen bao năm. Dân trekking (đi bộ khám phá) không có đường vào địa điểm quen thuộc sâu trong rừng già thâm u (chùa Địa Ngục), rừng ma Ao Dứa. Đi theo hướng Tây Thiên thì có nhóm bị chặn đánh đầy bí ẩn và khó hiểu. Ở cửa rừng Tam Đảo, duy nhất một phương tiện chạy ra, chạy vào, đó là xe tải.

Mười ba năm trước, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cực lực phản đối dự án Tam Đảo II. Nằm trên địa bàn ba tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, có cấu trúc địa hình của một núi lửa cổ, nên những tác động của con người đối với Vườn Quốc gia (VQG) Tam Đảo nói chung và khu Tam Đảo II nói riêng đều có nguy cơ gây ra những thảm họa không chỉ đối với môi trường, mà còn với đời sống của bà con dưới chân núi.

Thế nhưng 3 năm nay, Tam Đảo II đã và đang được sửa soạn để biến thành khu du lịch, bất chấp những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn đã được đông đảo các nhà khoa học hàng đầu cảnh báo trước đó.

Ven đường lên Tam Đảo I cắm rất nhiều biển cấm với nội dung “Nghiêm cấm bẻ hoa, phá hoại, lấy trộm cây rừng quốc gia Tam Đảo”, trong khi ở Tam Đảo II, rừng giàu đang bị “hiến tế” cho các dự án du lịch

Rừng giàu bị “hiến tế” cho du lịch

Huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) nổi tiếng với thị trấn Tam Đảo được xây dựng từ thời Pháp thuộc làm khu nghỉ mát phục vụ các quan chức người châu Âu và gia đình của họ. Khoảng những năm 1940, người Pháp còn phát hiện một lòng chảo khác của dãy núi Tam Đảo, nằm cách khu nghỉ mát cũ khoảng 12km, cao hơn, rộng hơn. Hai thị trấn này đều nằm trên dãy núi Tam Đảo.

Nhiều năm qua, nếu Tam Đảo I “bị” đầu tư phát triển du lịch theo lối băm nát, thì Tam Đảo II vẫn được các nhà khoa học trân trọng bởi thảm rừng tại vùng đất này là đặc trưng cho kiểu rừng kín nhiệt đới ẩm gió mùa ở vùng núi cao trung bình, còn giữ được vẻ nguyên sơ, gần như chưa chịu tác động của con người. Cấu trúc rừng ở tầng cây gỗ gần như nhau, độ che phủ trên 80%. Ở tầng cây bụi và cây thảo, có sự khác biệt lớn về thành phần loài do thích nghi với các điều kiện môi trường ngập nước và không ngập nước.

Những cánh rừng ở Tam Đảo II được xếp vào loại rừng giàu theo cách phân loại lâm sinh, hoặc rừng kín ẩm thường xanh chưa bị hoặc bị tác động rất nhẹ bởi các hoạt động của con người theo quan niệm sinh thái bảo tồn. Tính nguyên sơ và sự tồn tại của các vùng rừng này là minh chứng về giá trị to lớn của vùng bảo vệ nghiêm ngặt trên các đai cao của VQG Tam Đảo. Hơn 300ha của vùng dự án cũng là vùng giàu có về đa dạng sinh học.

Các nhà sinh vật học đã nghiên cứu, thống kê: ở Tam Đảo II, có không dưới 58 loài có giá trị bảo tồn, trong đó 40 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 18 loài đặc hữu. Ở đây, các nhóm có mức độ rủi ro cao trong sự tồn vong như thú lớn, bò sát, lưỡng cư chiếm tỷ lệ rất lớn so với toàn bộ VQG Tam Đảo.

Từ năm 1975, VQG Tam Đảo nói chung và Tam Đảo II nói riêng là nơi lý tưởng cho nhiều thế hệ sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu. Thế nhưng, hiện nay cánh rừng nguyên sinh giàu có, đa dạng vào bậc nhất ấy đang bị “hiến tế” cho sự phát triển du lịch.

Dù ít dù nhiều, những khoảng rừng, những tán cây chắc chắn bị hạ xuống để nhường chỗ cho cả một tổ hợp nghỉ dưỡng. Đó là chuyện trong lõi rừng. Còn ở ngoài bìa rừng, ven đường lên Tam Đảo I hiện nay, người ta lại cắm rất nhiều biển cấm với nội dung: “Nghiêm cấm bẻ hoa, phá hoại, lấy trộm cây rừng VQG Tam Đảo”.

Chùa Địa Ngục sẽ nằm ở trung tâm đại dự án của Sun Group

Những nguy cơ, thảm họa luôn rình rập

Nhà sinh vật học, tiến sĩ Trần Đình Nghĩa – nguyên giảng viên Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội – là một trong số những người gắn bó, hiểu rõ nhất về VQG Tam Đảo. 13 năm trước, ông Nghĩa là một trong số những nhà khoa học lên tiếng phản đối quyết liệt dự án Tam Đảo II. Ông không ngờ, giờ đây, những nỗ lực, tiếng nói của các nhà khoa học năm xưa là vô ích.

Ông phân tích: vùng Tam Đảo II có vai trò đặc biệt đối với bảo vệ môi trường, bởi Tam Đảo II nằm trong vùng có lượng mưa cao nhất của dãy núi Tam Đảo. Tam Đảo II cân bằng nước dư thừa, là nguồn cung cấp nước quan trọng cho các vùng đồng bằng và trung du ở chân núi. Tỷ lệ nước thấm vào các kẽ nứt, các mạch trong lòng đất, giữa các khối đá mẹ và chuyển sang dạng nước ngầm ở Tam Đảo II là rất cao nhờ cấu trúc đặc trưng của nền địa chất. Nhờ vậy, cường độ các dòng chảy bề mặt giảm bớt, nên trong mùa mưa, nước lũ chảy mạnh nhưng chưa xảy ra lũ quét với sức tàn phá lớn bao giờ. Thảm thực vật vùng Tam Đảo II không chỉ là một bộ phận của vẻ đẹp kỳ vĩ cho mục đích du lịch sinh thái mà còn là tác nhân gia cố cho các cấu trúc địa chất, địa hình vốn đã ẩn chứa nhiều tiềm năng tai biến.

Bất kỳ một cây nào bị chặt, rễ bị phân hủy thì cấu trúc gia cố này cũng suy giảm, tạo nguy cơ mất cân bằng trong cấu trúc địa hình dẫn đến nguy cơ sụt lở tăng lên. Nguy cơ đó, sự gia cố bằng bê tông, nhựa đường không thể cứu vãn được. Mảnh đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp, giá trị đa dạng sinh học cao ở chính trung tâm vùng bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Tam Đảo đang đứng trước những thử thách tồn vong của đa dạng sinh học và những biến đổi khó lường của môi trường sống.

Tam Đảo II như một cái phễu gom góp nước từ các vùng cao hơn trên đỉnh núi, chuyển chúng sang dạng nước ngầm cung cấp cho các dòng suối vùng chân núi, nhờ vậy vào mùa đông, ít mưa, nhưng các dòng suối trong vùng vẫn không hết nước.

Khi bê tông hóa, diện tích thấm nước ở bề mặt giảm không những làm sông suối cạn kiệt, ảnh hưởng đến nhiều vùng, cả đồng bằng và trung du Bắc bộ (sông Cà Lồ bắt nguồn từ dãy Tam Đảo), mà còn khiến lượng nước chảy trên bề mặt nhiều hơn, dòng chảy mạnh hơn, gây ra lũ lụt ở cả sườn và chân núi.

Với cấu tạo địa hình của Tam Đảo – một vùng núi khối tảng nâng trồi mạnh với các hệ thống đứt gãy địa chất phức tạp, tạo ra nhiều vách dốc đứng, các đới phiến hóa, kaolin hóa, nhất là ở phần phía nam của Tam Đảo II – thì khi xảy ra thảm họa, toàn bộ danh thắng Tây Thiên vốn tựa lưng vào dãy núi sẽ là nơi phải gánh chịu đầu tiên và nặng nề nhất.

Chưa kể, Tam Đảo II là vùng có nguy cơ trượt lở cao ở các sườn núi dốc, các sườn đồi dốc thoải, các bề mặt đỉnh, vai địa hình và trung tâm lòng chảo. Và vùng có nguy cơ ngập lụt chính là trung tâm lòng chảo.

Ông Nghĩa lo – nỗi lo 13 năm trước như vẫn còn vẹn nguyên: việc xây dựng ở Tam Đảo II sẽ phá hủy mối cân bằng của địa hình do thiên nhiên tạo ra, do đó sẽ khởi phát các quá trình tai biến động lực như trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, gây ảnh hưởng khó lường đến vùng sườn và chân núi trên một diện tích chắc chắn lớn gấp nhiều lần diện tích xây dựng.

“Đánh lận” khái niệm du lịch

Có lẽ, không ở đâu làm du lịch sinh thái mà trang bị tiện nghi đến tận răng như ở ta. Dự án nào cũng nói mục tiêu hướng đến khách du lịch nước ngoài nhưng thực tế, người nước ngoài không bao giờ có khái niệm hưởng các dịch vụ hiện đại khi đi du lịch sinh thái.

Rất nhiều nhóm khách du lịch nước ngoài muốn cõng lều bạt, lội bộ xuyên qua những trảng rừng tuyệt đẹp của Việt Nam. Du lịch sinh thái đúng nghĩa cũng không phải là điều mới mẻ đối với VQG Tam Đảo. Từ năm 1914, người Pháp đã giới thiệu Trạm nghỉ mát mùa hè Tam Đảo như là một vùng thiên nhiên đẹp với các tuyến đi nguyên sơ nhưng rất thuận tiện cho việc khảo cứu động thực vật và thưởng ngoạn cảnh rừng.

Ngay trong quyết định thành lập VQG Tam Đảo, nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục phổ cập lòng yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân, tạo môi trường tốt phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, du lịch và nghỉ mát đã được xác định. Nhiệm vụ ấy đã được VQG Tam Đảo thực hiện khá thành công trong nhiều năm qua. Hằng năm, VQG đã hợp tác, tạo điều kiện cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu sinh học, lâm học. Về thực chất, đó cũng là hoạt động du lịch sinh thái.

Câu chuyện của Tam Đảo II hôm nay khiến chúng tôi nhớ đến cố Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Trương, nhà sinh thái học hàng đầu, chuyên gia rừng nhiệt đới, là người lập ra Viện Kinh tế sinh thái, viện dân lập đầu tiên ở nước ta.

13 năm trước, trong một hội thảo về việc biến Tam Đảo II thành khu du lịch, Giáo sư Trương có nói đại ý, nếu không giữ được Tam Đảo II, đó sẽ là sự xấu hổ của những người làm khoa học. Khi tôi nhắc lại lời Giáo sư Trương, đôi vai Tiến sĩ Nghĩa chùng xuống, mái tóc bạc lòa xòa che kín mặt, ông ngồi lặng im như một pho tượng.

Vĩnh Phúc quyết tâm biến rừng quốc gia thành “của riêng”?

Từ năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cho Công ty Vietnam Parners LLC. (Hoa Kỳ) lập ý tưởng quy hoạch cũng như thuê chuyên gia Hoa Kỳ phác thảo ý tưởng quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái ở 300ha rừng lùn, trên tổng diện tích từ 500-600ha của khu Tam Đảo II.

Bấy giờ, ông Nguyễn Ngọc Phi – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – đã khẳng định, Tam Đảo là “của trời cho” của Vĩnh Phúc, bất chấp việc Chính phủ có Quyết định số 41/TTg (ngày 24/1/1977) công nhận việc thành lập Khu rừng cấm Tam Đảo thuộc địa giới ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang với tổng diện tích 19.000ha.

Ngày 6/3/1996, Chính phủ có Quyết định số 136-TTg phê duyệt dự án đầu tư xây dựng VQG Tam Đảo. Theo quyết định của Chính phủ, VQG Tam Đảo có tổng diện tích lên đến 36.883ha, với ranh giới quy hoạch dài 80km, rộng từ 10-15km.

Khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định xây dựng Tam Đảo II thành một tổ hợp vui chơi, giải trí, rất nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối, vì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái cũng như cảnh quan của Tam Đảo chắc chắn sẽ bị phá vỡ nếu dự án được tiến hành. Những ý kiến, phân tích đó của các nhà khoa học khả kính, chúng tôi không nhắc lại. Bấy giờ, dự án Tam Đảo II của tỉnh Vĩnh Phúc là vấn đề nóng ở nhiều diễn đàn.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã có công văn số 241/HMTg (ngày 23/11/2006) gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng. Công văn nêu rõ: “Theo pháp luật hiện hành, mọi chủ trương khai thác khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG trong khi thực tế không có công trình quốc gia nào đòi hỏi, là không hợp pháp. Vì thế, dự án (Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Tam Đảo, tức Tam Đảo II) không nên đặt ra để xem xét”.

Bấy giờ, Tam Đảo II cũng là vấn đề nóng hổi trên các mặt báo. Đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Thanh tra – nhà báo Dương Thanh Tùng – đã làm loạt bài Vĩnh Phúc: Của “trời cho” và một dự án “trò chơi”. Ngay sau khi loạt bài được báo Thanh tra đăng tải, ngày 25/4/2007, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2213/VPCP-NN yêu cầu kiểm tra, ngăn chặn việc tác động làm thay đổi điều kiện tự nhiên của khu bảo vệ nghiêm ngặt VQG Tam Đảo.

Khi đó, dự án Tam Đảo II đã buộc phải dừng. Thế nhưng, âm mưu biến rừng quốc gia thành “của riêng” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn kéo dài mãi đến ngày hôm nay. Cuối năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Sun Group đã tổ chức lễ khởi công dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo II tại xã Đại Đình, H.Tam Đảo.

Theo đó, khu du lịch sinh thái Tam Đảo II gồm các hạng mục chính như: công viên, vườn thực vật, triển lãm nghệ thuật, khu vui chơi trẻ em, khu vui chơi gia đình, khu hoạt động ngoài trời, trung tâm vui chơi giải trí công nghệ cao…

Như vậy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã một lần nữa quyết tâm biến rừng quốc gia Tam Đảo thành “của riêng”, bất chấp việc hủy hoại môi trường, hủy diệt đa dạng sinh học trong vùng lõi của một VQG Tam Đảo nổi tiếng.

Không chỉ bất chấp việc hủy hoại môi trường, hủy diệt đa dạng sinh học trong vùng lõi của VQG nổi tiếng, Vĩnh Phúc còn băm nát Tam Đảo với nhiều dự án khác. Năm 2017, Vĩnh Phúc đã chuyển đổi 350ha rừng phòng hộ trên địa bàn hai xã Đạo Trù và Đại Đình thành rừng sản xuất, chỉ còn khoảng 150ha đất rừng thuộc xã Bồ Lý đang được giữ là rừng phòng hộ. Diện tích đất này là thuộc vùng Núi Ngang.

Khi rừng phòng hộ chuyển đổi thành rừng sản xuất, quyền quyết định số phận của cánh rừng phòng hộ bị chuyển đổi ấy sẽ hoàn toàn nằm trong sự chủ động của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/sun-group–ong-troi-khong-tu-tren-cao–bai-2-danh-thang-tay-thien-truoc-nguy-co-sup-do-vi-du-an-tam-dao-ii-165661/?fbclid=IwAR2TYSpMN2trljfVsg4bBIsn6gALMPuJW0sTWS102Msle70MDXtJ8660gvg

3. Khi Sun Group muốn biến đầm tích

nước của cả Tam Đảo thành… ao nhà

mình

Chỉ một ngôi chùa giả, một ông sư từng bị đuổi khỏi Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên mà đã khuynh đảo, vô hiệu hóa toàn bộ các cơ quan chức năng suốt hàng chục năm qua thì…

Lời tòa soạn: Một lần nữa, vòng tròn… ma giáo do kẻ biến thái đội lốt nhà sư liên kết với Sun Group dựng lên, chọn… ngọn cờ tâm linh làm tâm điểm để ma mị người khác. Đường đến chùa Địa Ngục còn khó hơn đường về địa ngục, bởi ma quỷ núp bóng người ngăn chặn. Càng khó, càng bí hiểm, vượt được vào đó có khi phải trả giá bằng sinh mệnh.

Nhưng, qua được cánh cửa tử thì sự thật phơi bày: một ngôi chùa giả xây trái phép rồi được tung tin là chùa cổ với người trụ trì phẩm hạnh, tâm đức không trong sáng, chắc chắn không phải cho chánh pháp… Giả chồng lên giả.

Sau bài báo đầu tiên về sư thầy Thích Thanh Toàn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang vào cuộc xác minh. Chân tu hay tà sư, rồi sẽ rõ. Nhưng câu chuyện của Tam Đảo II với những nhát chém vào vùng lõi vườn quốc gia để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp lung linh như ma thuật chỉ dành cho người giàu vẫn đang tiếp diễn, mọi ngả đường cần và phải được biết về hệ lụy môi trường của nó đều bị bịt kín…

Trở lại chuyện sư Toàn, chùa Địa Ngục và cái vòng luẩn quẩn về ngôi chùa cổ nằm trong một dự án du lịch nghỉ dưỡng đang triển khai.

Chỉ nói riêng về những thứ đã xây cất, cài cắm nhằm tạo nên “di tích”, một công trình tâm linh giả, ngang nhiên tồn tại hàng chục năm, trong lõi rừng quốc gia Tam Đảo, luôn phát triển, xâm lấn một cách ầm ĩ… chắc chắn đã là một công trình vi phạm pháp luật trắng trợn, không thể chối cãi. Câu hỏi là, hàng chục năm qua, các cơ quan chức năng ở đâu?

Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ thuộc Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc – người được giao quản lý địa bàn sư Toàn đóng chân – nói: “Sư Toàn luôn tỏ ra coi thường chính quyền địa phương. Chúng tôi đến làm việc để xử lý vi phạm, ông ta không bao giờ hợp tác.

Có lần chúng tôi đang làm việc với ông, yêu cầu ông không được vi phạm… ông không thèm nói gì, đứng dậy và bỏ đi luôn. Gần đây nhất, sư Toàn tự ý kéo điện lưới lên chùa Địa Ngục. Chúng tôi đã lập biên bản, thu giữ cuộn dây cáp điện và cất tại Ban quản lý di tích chùa Tây Thiên… Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, chúng tôi phải trả lại cho ông, vì có sự can thiệp từ trên xuống”.

Chỉ một ngôi chùa giả, một ông sư từng bị đuổi khỏi Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên mà đã khuynh đảo, vô hiệu hóa toàn bộ các cơ quan chức năng suốt hàng chục năm qua, thì thật dễ hiểu khi chúng tôi muốn tiếp xúc với các văn bản liên quan đến dự án Tam Đảo II, mọi cánh cửa đều đóng chặt.

Cho đến giờ, ngay cả việc tiếp cận văn bản báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Tam Đảo II, cũng đã không thể thực hiện.

Chúng tôi chỉ dám nêu một chi tiết rất nhỏ của dự án là địa danh rừng ma Ao Dứa, một hệ sinh thái, phễu nước nằm trong dự án. Theo nhà sinh vật học, Tiến sĩ Trần Đình Nghĩa – nguyên Giảng viên trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội – Ao Dứa của Tam Đảo II như cái phễu trữ nước, gom nước của nơi cao, chuyển thành nước ngầm, cung cấp nước cho các dòng suối vùng chân núi. Nhờ vậy mà vào mùa khô, các con suối dưới chân núi vẫn có nước.

Lượng nước thấm vào các kẽ nứt, các mạch trong lòng đất, giữa các khối đá mẹ, chuyển sang dạng nước ngầm ở Tam Đảo II rất cao, nhờ cấu trúc đặc trưng của nền địa chất. Nhờ vậy, cường độ các dòng chảy bề mặt giảm bớt, dù trong mùa mưa, nước lũ chảy mạnh, nhưng chưa xảy ra lũ quét với sức tàn phá cao.

Thảm thực vật vùng dự án Tam Đảo II không chỉ là một bộ phận của vẻ đẹp kỳ vĩ cho mục đích du lịch sinh thái mà còn là tác nhân gia cố cho các cấu trúc địa chất, địa hình vốn đã ẩn chứa nhiều tiềm năng tai biến.

Việc bê tông hóa bề mặt chẳng những làm sông suối cạn kiệt, ảnh hưởng đến nhiều vùng của đồng bằng và trung du bắc bộ mà còn làm cho lượng nước chảy bề mặt nhiều hơn, dòng chảy mạnh, gây ra lũ lụt cho cả vùng sườn và chân núi.

Với cấu tạo địa hình của Tam Đảo – một vùng núi khối tảng nâng trồi mạnh, với các hệ thống đứt gãy địa chất phức tạp, nhiều vách dốc đứng, các đới phiến hóa, kaolin hóa, nhất là ở phần phía nam của Tam Đảo II – thì khi xảy ra thảm họa, toàn bộ danh thắng Tây Thiên vốn tựa lưng vào dãy núi, sẽ là nơi phải gánh chịu đầu tiên.

Vậy mà, tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Minh Sơn bảo: “Ao Dứa ở Tam đảo II đẹp vô cùng. Vào mùa mưa, nước dâng lên đẹp lắm. Nước trong, đáy đầy rêu, mùa cạn nước lại rút đi mất, nên Sun Group sẽ đắp cái đập để giữ nước quanh năm. Mấy chục héc-ta hồ trên núi cao như thế là hiếm lắm”.

Thiết nghĩ, không cần phải là một nhà khoa học cũng có thể dễ dàng hiểu được, cái đập ngăn nước của ông Sơn và tập đoàn Sun Group sẽ giữ lại lượng nước khổng lồ thế nào trên cái hồ rộng hàng chục héc-ta. Cái đập ấy sẽ chắc chắn can thiệp thô bạo vào thiên nhiên. Liệu chi tiết này đã có trong dự án được duyệt?

Ngày 25/9/2019, chúng tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi vào đêm muộn của nhà báo Hoàng Phương – một đệ tử thân thiết của nhà sư Huyền Diệu tại Nepal. Chị nói: “Thầy Huyền Diệu đọc được thông tin trên báo, nói về việc liên quan đến Sun group thì buồn lắm. Thầy  không muốn mình bị lợi dụng cho mục đích của họ”.

Còn gì để nói, khi một nhà sư “rất ngại xuất hiện trên truyền thông, báo chí, sợ việc đó ảnh hưởng đến thời gian tu tập của mình”. Thế mà ông đã chủ động liên lạc với chúng tôi để chia sẻ nỗi buồn bị “mượn danh”.

Mùa hè năm 2016, Kong: Skull Island – bộ phim đình đám với đạo diễn và dàn diễn viên hàng đầu thế giới đã quyết định quay bối cảnh chính tại Việt Nam. Có lẽ khi ấy, trong không khí muốn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tỉnh Quảng Bình và các cơ quan khác đã mở rộng cửa mời đoàn phim về quay tại Sơn Đoòng.

Sau chuyến đi khảo sát, phát ngôn chính thức của đoàn phim là: “Rất cảm ơn Việt Nam đã mời chúng tôi thực hiện cảnh quay tại hang Sơn Đoòng – một kỳ quan mới của thế giới. Nếu Sơn Đoòng là bối cảnh chính của phim, chúng tôi chắc chắn phim sẽ hấp dẫn hơn, mở ra khả năng thành công lớn hơn… Nhưng chúng tôi xin được từ chối Sơn Đoòng để chọn một địa điểm khác. Nếu làm phim tại đây, dù cố gắng đến mấy, chắc chắn chúng tôi cũng không thể giữ được nguyên trạng kỳ quan này”.

Chúng tôi muốn kết bài này bằng câu chuyện của đoàn phim Kong: Skull Island để thấy rằng, dù chẳng có bất cứ lời nói đao to búa lớn nào về chuyện yêu thiên nhiên hay bảo vệ môi trường, những người bạn quốc tế đã chọn giữ nguyên hiện trạng một kỳ quan thiên nhiên. Còn ông Sơn, nếu với tình yêu thiên nhiên và hiểu biết sâu, rộng như ông thể hiện, chúng tôi tin rằng, ông và Sun Group sẽ có những quyết định đúng cho môi trường chứ không chỉ cho tập đoàn của ông.

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/khi-sun-group-muon-bien-dam-tich-nuoc-cua-ca-tam-dao-thanh-ao-nha-minh-165822/

4. Hoà thượng Thích Huyền Diệu

khẳng định không liên quan gì đến

Sun Group

Từ Nepal, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM, sư thầy Huyền Diệu khẳng định ông không hề liên quan gì đến Sun Group như lời Giám đốc truyền thông tập đoàn này tuyên bố.

Sư thầy Huyền Diệu mà Tập đoàn Sun Group nhắc đến chính là người đã xây cất ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya Ấn Độ) – ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi đất Phật.

Thầy là người ngoại quốc được nhà vua Birendra và chính phủ Vương quốc Nepal lúc đó cấp đất để xây ngôi chùa quốc tế đầu tiên ở nơi đức phật giáng trần. Sau đó, hơn 30 quốc gia đã hưởng ứng lời kêu gọi của thầy, đến vùng đất này xây chùa của nước mình và hình thành “Liên hiệp quốc Phật tự”, giúp vùng đất hoang phế, điêu tàn ở Nepal được hồi sinh.

Thầy cũng là người tiên phong vận động và đưa ra giải pháp hòa bình, kêu gọi chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu, kéo dài gần 10 năm ở Nepal làm 14.000 người chết. Thầy được nhiều người kính quý.

Từ Nepal, sư thầy Huyền Diệu đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM xung quanh việc Tập đoàn Sun Group có đề cập đến tên thầy trong các dự án của họ, đặc biệt là cáp treo Fansipan.

Nhà sư Thích Huyền Diệu khẳng định mình không liên quan gì đến Sun Group

Phóng viên: Thưa thầy, xin thầy cho biết ý kiến của mình về việc chủ dự án cáp treo Fansipan thuộc Tập đoàn Sun Group nói rằng, chính thầy là người đã đề nghị họ làm dự án này để “trấn yểm long mạch quốc gia”, cũng chính thầy là người động thổ nhát cuốc đầu tiên?

Sư thầy Huyền Diệu: Không phải vậy. Tôi chẳng liên quan gì đến họ cả. Thông tin này người ta tự đặt ra để phục vụ mục đích của họ. Còn chuyện “long mạch quốc gia” ư? Trong suy nghĩ của tôi, không chỉ một mình Fansipan mà từng tấc đất của Việt Nam đều là linh địa, là công lao của tổ tiên ông bà, của dân tộc, của đất nước, của con người Việt Nam, chứ không của riêng ai.

* Thưa thầy, thầy có mối liên hệ thế nào với những dự án của Sun Group qua các chùa chiền trong dự án đó? Nếu có thì là bao nhiêu dự án?

- Mấy chuyện nhỏ của riêng tôi, tôi còn lo chưa xong mà liên hệ việc riêng của họ làm gì?

* Xin thầy vui lòng chia sẻ những gì thầy muốn chia sẻ nhất về vấn đề môi sinh hiện nay?

- Môi sinh là vấn đề vô cùng quan trọng cho con người và nhiều sinh vật trên trái đất. Thử nghĩ, chúng ta sống hằng ngày mà môi sinh (nước, không khí, đất…) bị ô nhiễm thì chúng ta sẽ sống như thế nào? Đây là vấn đề mà tôi rất lo lắng và ưu tư từ nhiều năm nay.

Tôi không bao giờ đồng tình với việc người ta sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để phá hủy môi trường sinh thái. Tàn phá môi sinh chính là tàn phá đời sống con người…

Tôi tha thiết mong mỏi mọi người trên thế giới cùng đoàn kết tôn trọng môi sinh, cho thế hệ hiện tại và tương lai. Chính tôi, trên con đường tu tập của mình, cũng đang mỗi ngày ý thức việc trồng từng cái cây nhỏ.

Chúng tôi có một chương trình khuyến khích, tri ân bằng cách khắc tên vào bia đá nơi đất Phật và có giải thưởng cho những vị trồng 18.000 cây xanh ở Việt Nam hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Kính tri ân quý liệt vị tôn trọng môi sinh, cứu giúp chúng sinh vơi khổ.

* Xin trân trọng cảm ơn nhà sư.

Sun Group lợi dụng uy tín nhà sư Thích Huyền Diệu

Giám đốc Truyền thông của Tập đoàn Sun Group nói với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM: “Việc Sun Group làm dự án cáp treo Fansipan là xuất phát từ lời đề nghị của nhà sư Huyền Diệu. Bản thân thầy Huyền Diệu cũng xây một ngôi chùa trên đỉnh núi cao ở Nepal. Sư thầy là người tin rằng núi cao là nơi hội tụ huyệt đạo thiêng liêng.

Thầy cũng nói rằng, đỉnh Fansipan là một trong những nơi hội tụ những cái huyệt đạo thiêng liêng nhất của Việt Nam còn chưa bị Trung Quốc trấn yểm. Bây giờ, để chấn hưng đất nước, giữ vững kinh tế, biên giới thì phải làm trên đó một vài ngôi chùa và đường lên cho phật tử, nhưng không được kinh doanh khách sạn.

Điều đó rất khó, vì các nhà đầu tư làm phải có khách sạn để thu lợi nhuận, bù lại chi phí. Lạc Hồng lúc đó định làm vì họ là đơn vị chuyên kinh doanh về tâm linh rồi. Họ cũng làm cáp treo nhưng vì ở Fansipan quá khó khăn, điều kiện khắc nghiệt nên sau đấy dự án không thể triển khai.

Khi bên em khánh thành cáp treo ở Bà Nà, trong lễ khánh thành ấy, có người nói với lãnh đạo bên em là hãy quan tâm đến cáp treo Fansipan ở Sa pa. Trong đấy có các bác trên cao đều rất quan tâm đến lời sư thầy Huyền Diệu".

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/hoa-thuong-thich-huyen-dieu-khang-dinh-khong-lien-quan-gi-den-sun-group-165846/

5. Báo cáo đánh giá tác động môi

trường của dự án Tam Đảo II – có gì

bí mật?

Với mong muốn phản ánh thông tin đầy đủ, khách quan, ngày 6/8, Báo Phụ nữ TP.HCM đã gửi công văn số 160 đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Tam Đảo II.

Như đã nói, khi con đường chính nối liền thị trấn Tam Đảo (cũ) vắt qua các đỉnh đồi cheo leo dẫn thẳng đến trung tâm đại dự án bị bảo vệ ngăn lại, muốn đến lõi rừng, chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất: từ chân núi phía sau chùa Tây Thiên băng qua những con đường không phải đường mòn, dốc, cực kỳ hiểm trở, nhiều lúc muốn bỏ về giữa chừng.

Thế nhưng, quá trình đó có lẽ không vất vả bằng quá trình “xin” báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo” (gọi tắt là Tam Đảo II) từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngôi chùa giả mang tên Địa Ngục Tự vẫn đang được xây dựng ngay lõi rừng quốc gia Tam Đảo. Cây cối vẫn đang bị đốn hạ và mìn vẫn nổ mỗi ngày hai lần ở đây.

“Xin” ĐTM, lại cung cấp quyết định phê duyệt ĐTM

Với mong muốn phản ánh thông tin một cách đầy đủ, khách quan, ngày 6/8, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã gửi công văn số 160 đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đề nghị cung cấp bản ĐTM của dự án Tam Đảo II.

Ngày 16/8, chúng tôi có mặt tại trụ sở của bộ để hỏi về quá trình phúc đáp công văn. Tiếp đón chúng tôi, anh Bách – cán bộ của Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền (thuộc Bộ TN-MT) cho biết, sẽ hỗ trợ hết sức; khi có tài liệu ĐTM, sẽ chuyển ngay cho báo qua đường công văn hoặc email.

Tuy nhiên, một tuần sau đó, Báo Phụ nữ TP.HCM vẫn chưa nhận được tài liệu từ phía bộ. Khi liên lạc lại với anh Bách, chúng tôi vẫn chỉ nhận được những lời hứa chung chung: “Hiện đang trình lãnh đạo nội dung cung cấp cho báo chí, khi lãnh đạo phê duyệt, sẽ gửi ngay”. Anh này còn cho biết: “Sếp đang phê duyệt cung cấp quyết định phê duyệt ĐTM của dự án Tam Đảo II”.

Khi đặt vấn đề, văn bản mà Báo Phụ nữ TP.HCM đề nghị cung cấp là ĐTM, không phải quyết định phê duyệt ĐTM, cán bộ này nói: “Nếu muốn xin cả ĐTM thì lại phải đợi…”.

Đến ngày 25/8, tiếp tục liên lạc với cán bộ Bách, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Vấn đề này đã báo cáo lãnh đạo bộ nhưng chưa được duyệt. Khi nào có, sẽ cung cấp ngay”. Trước sự hối thúc của chúng tôi, anh này miễn cưỡng đồng ý sẽ phản hồi chính thức vào sáng hôm sau.

Ngày 27/8, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Trịnh Xuân Quảng – Phó vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền – cũng “đọc nhầm” khi mở đầu cuộc nói chuyện: “Ý em thế nào, xin quyết định chứ gì?”.

Khi chúng tôi khẳng định lại một lần nữa rằng, văn bản mà báo cần là ĐTM, không phải quyết định phê duyệt ĐTM, cuộc trao đổi lại cứ quẩn quanh không có hồi kết.

Kết quả, đến nay, sau gần hai tháng gửi công văn đi, chúng tôi vẫn chưa cầm trong tay bản ĐTM – tài liệu quan trọng của dự án Tam Đảo II. Tài liệu này có gì bí mật mà phía Bộ TN-MT “chần chừ”, không thể cung cấp cho báo chí?

Ngày 25/9, Báo Phụ nữ TP.HCM tiếp tục gửi hai công văn: công văn (lần 2) chuyển đến Bộ TN-MT và công văn chuyển đến Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường).

Cả hai công văn này đều cùng một nội dung: đề nghị cung cấp bản ĐTM hoàn chỉnh của dự án Tam Đảo II. Không biết đường đi của công văn lần này có thuận lợi hơn không, phải chờ hồi sau mới rõ.

Bao cao danh gia tac dong moi truong cua du an Tam Dao II - co gi bi mat?

Công văn Báo Phụ nữ TP.HCM đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cung cấp Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo gởi đi đã gần 2 tháng, nhưng không được phản hồi

Dấu hỏi lớn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo điều 131, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, “thông tin môi trường phải được công khai”. Là “phải”, chứ không phải là “có thể”, cũng không phải thích thì cung cấp, không thích thì giấu nhẹm đi.

Căn cứ vào Hiến pháp, luật được soạn ra, được Quốc hội thảo luận, thông qua, được Chủ tịch nước ban hành lệnh công bố; vì thế, Bộ TN-MT – cơ quan của Chính phủ thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường – không có quyền “độc quyền” ĐTM, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược hay bất cứ đánh giá nào khác liên quan.

Điều 16 Nghị định 18/2015/NĐ-CP cũng quy định cụ thể trách nhiệm của chủ dự án sau khi ĐTM được phê duyệt. Trong đó, chủ dự án lập kế hoạch quản lý môi trường của dự án trên cơ sở chương trình quản lý và giám sát môi trường đã đề xuất trong ĐTM và niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã nơi tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của bộ.

Điều ai cũng biết, Tam Đảo II là dự án do một tập đoàn tư nhân – cụ thể là Sun Group – thực hiện, không phải dự án thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Thế nhưng, việc tiếp cận ĐTM – một báo cáo mà lẽ ra phải được công khai – còn khó hơn cả việc tìm đường vào trong lõi rừng quốc gia.

Một nhà nghiên cứu cho hay, ở các nước, người ta minh bạch việc chia sẻ thông tin liên quan đến môi trường. Ở Việt Nam, dường như người ta không thích làm theo luật; không một thông tin nào được chia sẻ. Muốn có thông tin, phải cậy nhờ các mối quan hệ, hoặc bỏ tiền mua thông tin, mà chưa chắc đó là thông tin hữu dụng.

Chúng tôi không rõ, vai trò của Bộ TN-MT trong các dự án liên quan đến TN-MT, nhất là những dự án đầu tư trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia… mà cụ thể ở đây là Tam Đảo II, là gì?

Có lẽ nào, cung cấp ĐTM lại là việc khó đến thế? Và vì sao, khi công văn của Báo Phụ nữ TP.HCM gửi đến Bộ TN-MT, khi tuyến bài Sun Group – “Ông trời” không từ trên cao còn chưa được xuất bản, ngày 27/8, trong lúc chúng tôi đang nói chuyện với ông Quảng qua điện thoại, cũng là lúc chuông điện thoại của một người trong nhóm chúng tôi vang lên, đầu máy bên kia là đại diện truyền thông của Sun Group đề nghị một cuộc hẹn?

Những dấu hỏi này, chúng tôi xin chuyển tới Bộ TN-MT. Các vị đang nắm mọi đàng.

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/bao-cao-danh-gia-tac-dong-moi-truong-cua-du-an-tam-dao-ii–co-gi-bi-mat-165824/

6. Không cung cấp báo cáo tác động

môi trường, Phó Vụ trưởng Thi đua,

Khen thưởng nói: ‘Sợ làm hỏng

việc lớn của Bộ’

"Báo Phụ nữ TP.HCM thông cảm cho Bộ. Nếu các đơn vị, phóng viên nào cũng đòi “xin” thông tin ĐTM, “xin” chi tiết quá thì Bộ bị ảnh hưởng" – ông Trịnh Xuân Quảng – Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền nói.

Ngày 27/8, phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM đã có hai cuộc nói chuyện qua điện thoại với ông Trịnh Xuân Quảng – Phó vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Trịnh Xuân Quảng – Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền Bộ (TN&MT).

Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Tam Đảo II, ông Quảng cũng lòng vòng không kém cấp dưới của mình.

Chúng tôi xin trích lược cuộc nói chuyện để độc giả tiện theo dõi sự… quanh co của cái ĐTM này.

Phóng viên: Thưa ông, Báo Phụ nữ TP.HCM đã gửi công văn từ ngày 6/8, đến nay vẫn chưa nhận được ĐTM. Xin hỏi, việc cung cấp ĐTM có khó khăn gì không? Nếu tài liệu quá nhiều, quá dày, Báo Phụ nữ TP.HCM sẽ hỗ trợ chi phí photocopy…

Ông Trịnh Xuân Quảng: Không, vấn đề đặt ra không phải là phí photocopy.

* Thế vấn đề ở đây là gì, thưa ông?

- Báo muốn xin tất cả chứ gì? Báo định làm gì, muốn viết về điều gì?

* Vì nội dung bài viết liên quan đến yếu tố môi trường, báo muốn phản ánh thông tin một cách đầy đủ, khách quan nên rất cần văn bản đó, thưa ông…

- Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đúng là đầu mối, tinh thần là chúng tôi sẽ hỗ trợ và phối hợp. Cung cấp quyết định phê duyệt ĐTM thì được, nhưng báo cáo rất dày, tôi phải trao đổi với Tổng cục Môi trường một lần nữa. Tuy nhiên, Báo Phụ nữ TP.HCM cũng phải thông cảm cho bộ. Nếu các đơn vị, phóng viên nào cũng đòi “xin” thông tin ĐTM, “xin” chi tiết quá thì bộ lại bị ảnh hưởng.

(Ông Quảng gọi lại sau đó)

- Tôi đã trao đổi với Tổng cục Môi trường rồi. Bây giờ thế này, Báo Phụ nữ TP.HCM gửi ngay những nội dung mà báo cần, chúng tôi sẽ cung cấp.

* Trong nội dung công văn, Báo Phụ nữ TP.HCM đề nghị Bộ cung cấp bản ĐTM hoàn chỉnh, không phải một số phần nội dung riêng lẻ, thưa ông…

- Trong ĐTM, có rất nhiều mục, hạng mục, báo cần thế thì nhiều lắm. Chúng tôi sẽ gửi cho báo quyết định phê duyệt ĐTM, vì khi có quyết định, nghĩa là chúng tôi đã chịu trách nhiệm toàn bộ với nội dung đó rồi.

Đúng là tất cả các cơ quan báo chí có quyền được cơ quan nhà nước quản lý cung cấp thông tin, nhưng cơ quan quản lý nhà nước có quyền trả lời ở mức phù hợp. Chúng tôi sẽ hết sức tạo điều kiện. Báo cần nội dung gì thì chúng tôi sẽ cung cấp.

* Nếu dày và nhiều thì báo mong nhận bản ĐTM qua địa chỉ email cũng được… Là người công tác tại Bộ TN-MT, chắc hẳn ông cũng biết: ĐTM là văn bản phải tiếp cận hoàn chỉnh, chứ không thể từng phần được.

- Bây giờ, khi báo chí cần gì, muốn hỏi cái gì thì cơ quan quản lý sẽ cấp. Nhưng Báo Phụ nữ TP.HCM cũng đang mơ hồ, đang đi tìm hiểu thông tin, còn chưa biết cần gì, lại yêu cầu chúng tôi cung cấp một “núi” như thế thì sao được? Bây giờ thế này, báo muốn gửi câu hỏi nào, muốn nội dung gì, trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có câu trả lời.

* Xin hỏi, nếu Bộ TN-MT không chịu cung cấp thì sao cơ quan báo chí biết được trong ĐTM có những nội dung gì mà hỏi được? Báo cần ĐTM đầy đủ để từ đó nhờ sự đánh giá, phân tích của những người có chuyên môn, thưa ông?

- Bây giờ cả một tập báo cáo dài như thế, có những phần người ta “OK”, có phần chưa “OK”, nhưng xét tổng thể vẫn là được, người ta vẫn chấp nhận. Bây giờ, báo nghiên cứu kỹ từng nội dung xong, báo chỉ ra cái phần người ta chưa “OK” trọn vẹn 100%, báo móc vào đấy, báo “đánh”.

Tôi nói nhanh nhé, để ra ĐTM, để phê duyệt được, người ta cũng phải có hội đồng, hồ sơ. Hội đồng thì toàn các giáo sư, chuyên gia. Tôi ví dụ, trong hội đồng có 10 người, 8 người đồng ý, 2 người chưa đồng ý tuyệt đối. Người ta bảo nội dung này cần phải tốt hơn, nhưng khi đặt trong khuôn khổ của ĐTM thì người ta đồng ý. Bây giờ, Báo Phụ nữ TP.HCM lại nhờ những chuyên gia nào đó khác không thuộc hội đồng ấy, khai thác đúng 2 điểm yếu không được trọn vẹn 100% ấy thì sao?

Người ta chỉ ra ĐTM này chưa trọn vẹn, chỉ ra ông này, hội đồng nọ đánh giá như thế này là không được, tự nhiên hỏng cả việc lớn của bộ. Bây giờ, không thể lấy một tài liệu của chung như thế này đưa, để rồi người ta khai thác những điểm yếu của mình. Yếu thì không phải yếu nhưng mà nó chưa được trọn vẹn của cả dự án.

Không ai đồng ý giống nhau 100%, có người 7 điểm, có người 8, có người 6, nhưng mà tính tổng thể cả hội đồng vẫn trên 7 điểm thì vẫn là một báo cáo “OK”. Báo khai thác đúng cái người ta 5 điểm, bảo bị thế này bị thế kia, lại khổ thân cả hội đồng, khổ thân đúng ông đánh giá kém.

Tôi cũng phải có trách nhiệm giữ uy tín cho cả Bộ nữa. Bây giờ báo lại đi nhờ một ông chuyên gia khác nói thế này chưa được, có phải chết tôi không?

(Cuộc nói chuyện tiếp tục kéo dài, cứ trở đi trở lại: “Báo cần những nội dung gì, Bộ sẽ cung cấp”).

Bộ Tài nguyên và Môi trường vi phạm luật do chính mình soạn thảo

Điều 131. Công khai thông tin môi trường (Luật Bảo vệ môi trường năm 2014)

1. Thông tin môi trường phải được công khai gồm:

a) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải;

c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường;

d) Các báo cáo về môi trường;

đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/khong-cung-cap-bao-cao-tac-dong-moi-truong-pho-vu-truong-thi-dua-khen-thuong-noi-so-lam-hong-viec-lon-cua-bo-165890/

7. Nói phát triển du lịch không

ảnh hưởng đến môi trường

là ngụy biện

Trước đây, khi có dự án đầu tư vào Tam Đảo II, chính GS-TS Đặng Huy Huỳnh cùng nhiều nhà khoa học khác đã lên tiếng về việc phải giữ gìn, bảo tồn thiên nhiên tại nơi này.

Với hơn 60 năm hoạt động nghiên cứu sinh học và có nhiều công lao trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, khi nói về rừng quốc gia Tam Đảo, giáo sư – tiến sĩ khoa học (GS-TS) Đặng Huy Huỳnh – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) – đánh giá, đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao với những loài động vật như gấu, khỉ, cầy, cáo và nhiều loài chim khác nhau…

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh

Trước đây, khi có dự án đầu tư vào Tam Đảo II, chính GS-TS Đặng Huy Huỳnh cùng nhiều nhà khoa học khác đã lên tiếng về việc phải giữ gìn, bảo tồn thiên nhiên tại nơi này.

Lý do là, hệ sinh thái thiên nhiên của Tam Đảo gắn liền với cuộc sống của người dân, việc bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên ở trên chính là bảo vệ cuộc sống và hệ sinh thái nhân văn ở dưới. Đó cũng là nơi sinh sống của cư dân ba tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Thái Nguyên.

“Khi làm đường sá, làm khu du lịch, vui chơi, khách sạn, resort… thì chắc chắn lượng khách vào sẽ đông. Muốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, dứt khoát anh phải nổ mìn, phải phá rừng làm đường. Việc phá như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến động vật, ảnh hưởng rất lớn” – ông Huỳnh e ngại.

Khi nói về việc cho tới nay, báo chí vẫn chưa tiếp cận được bản báo cáo đánh giá tác động môi trường, GS-TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng, đó là biểu hiện của sự không minh bạch. Bởi lẽ, Luật Lâm nghiệp, Luật Phát triển – Bảo vệ rừng, Luật Đa dạng sinh học đã ghi rõ những khu bảo tồn, rừng quốc gia là khu bảo vệ hệ sinh thái chuẩn, bảo vệ sự đa dạng sinh học, môi trường, cũng là bảo vệ cuộc sống của cộng đồng, nên việc thực hiện mỗi dự án đều phải có quy trình rất khắt khe và người dân có quyền kiểm tra, giám sát.

“Việc họ không cung cấp đầy đủ có nghĩa là không minh bạch. Đảng và Chính phủ luôn có định hướng phải minh bạch. Các vị lãnh đạo đi đâu cũng nói là phải minh bạch, thế nên nếu anh làm dự án đó mà không cho dân biết những cái đó thì cần đặt dấu hỏi. Nếu anh làm rất trong sáng, đàng hoàng thì không sợ bất cứ điều gì cả” – GS-TS Đặng Huy Huỳnh bức xúc.

Nhà khoa học này cũng e ngại, nếu thực hiện dự án trong rừng quốc gia Tam Đảo, sẽ có sự ảnh hưởng lớn tới các loài động vật, hệ sinh thái ở đó. Bởi khi nổ mìn, xây dựng, sẽ phá mất môi trường sống của động vật, chúng sẽ chết đi vì không có thức ăn, không có nơi sống. Sự chết chóc đó có thể còn kéo theo nạn dịch, từ chính động vật hoang dã đến vật nuôi rồi qua cả con người.

Hệ lụy đó phải được nhắc đến bởi nó nằm trong một hệ sinh thái tổng hợp. Vì vậy, theo ông Huỳnh, Nhà nước cần thận trọng khi để phát triển ồ ạt khu du lịch, không nên chỉ nghĩ đến kinh tế mà cần phải nghĩ đến tương lai, đến thế hệ mai sau.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM, đại diện Tập đoàn Sun Group cho rằng, họ sẽ làm theo mô hình nghỉ dưỡng sinh thái gắn liền với thiên nhiên, sẽ ít gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trước ý kiến này, GS-TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng: “Đó chỉ là ngụy biện”.

Ông Huỳnh phân tích: “Khi đi thực địa trong rừng, chúng tôi cũng phải dựng một cái lán cho 2-3 người ở. Khi đó, cũng phải chặt vài cái cây nhỏ, làm cái trạm dưới tán rừng thì nó sẽ không ảnh hưởng. Nhưng đây là làm resort, làm khu nghỉ dưỡng, phải có khu vui chơi, hồ nước này nọ thì sẽ phải phá rừng, phá cây. Không thể nào mắc xi măng cốt thép vào cây để làm lên cái nhà hay xây dựng cơ sở hạ tầng được”.

GS-TS Đặng Huy Huỳnh cũng đặt dấu hỏi: nếu làm một dự án ảnh hưởng nhiều như vậy thì luật có cho phép hay không. “Tôi nghĩ luật không cho phép chuyện đó, anh làm được dự án như thế thì anh có lách luật, có phạm luật hay không? Đề nghị cơ quan có trách nhiệm về quản lý, giám sát pháp luật có ý kiến. Nếu không, người ta thấy chỗ này làm được thì chỗ khác cũng sẽ làm. Làm như thế thì cái luật của mình không nghiêm minh, ảnh hưởng đến rất nhiều thứ”.

GS-TS Đặng Huy Huỳnh ưu tư: “Với dự án ở Tam Đảo II, trước đây, các nhà khoa học cũng đã có ý kiến rồi. Nó là lá phổi không chỉ của người dân lân cận mà còn là của thủ đô; hệ sinh thái của Tam Đảo còn liên quan đến khu vực đồng bằng sông Hồng. Giá trị của sự đa dạng sinh học đó vô cùng lớn với con người, hơn cả việc thu lại 5-7 tỷ USD, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay” .

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/noi-phat-trien-du-lich-khong-anh-huong-den-moi-truong-la-nguy-bien-165823/

8. Giám đốc Trung tâm Con người

và Thiên nhiên: Du lịch sinh thái

đang bóc lột thiên nhiên

Theo ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, công thức của cái gọi là “du lịch sinh thái” của hầu hết các dự án ở nước ta hiện nay là bóc lột thiên nhiên: chặt cây, san đất, xây biệt thự…

Phóng viên: Thưa ông, thực trạng đầu tư xây dựng resort, tổ hợp du lịch trong các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn (KBT) đã diễn ra nhiều năm nay. Trong một hội thảo liên quan, ông có nói mục đích cao nhất của việc lập ra hệ thống KBT là để giữ gìn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái chứ không phải để kinh doanh. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều đó?

Ông Trịnh Lê Nguyên: Theo tôi, chính sách cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các VQG, KBT có nguy cơ chệch hướng, sai mục tiêu bảo tồn mà các khu rừng đặc dụng này được lập ra, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu minh bạch thông tin, giám sát yếu kém như hiện nay.

Hiện nay, nước ta có 176 khu rừng đặc dụng, trong đó có 92 khu là VQG và KBT. Các VQG, KBT được lập ra với mục tiêu tối thượng là để bảo tồn thiên nhiên chứ không phải để làm du lịch hay kinh doanh. Các hoạt động du lịch sinh thái trong các khu vực này chỉ là hoạt động bổ trợ và phải đảm bảo không tác động lên hệ sinh thái.

Tôi cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát và đánh giá lại việc thực hiện chính sách cho thuê rừng làm du lịch ở các khu rừng đặc dụng hiện nay.

Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên.

Theo quy định, việc xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng du lịch chỉ được thực hiện ở phân khu hành chính dịch vụ. Ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.

Trên thực tế, nhiều nơi không thực hiện đúng theo quy định này. Việc xây dựng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt rõ ràng gây tác động tiêu cực lên hệ sinh thái rừng, có nguy cơ làm tan vỡ quy hoạch bảo tồn và mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái. Chính sách cho thuê rừng làm du lịch và công tác kiểm tra, giám sát cần phải được thắt chặt, nghiêm ngặt hơn.

Đối với các doanh nghiệp thuê môi trường rừng để kinh doanh, mục tiêu của họ là lợi nhuận chứ không phải là bảo tồn thiên nhiên. Vì thế, nếu thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý, rất dễ dẫn đến hệ lụy là làm tổn hại đến việc bảo tồn thiên nhiên. Trong rất nhiều trường hợp, bảo tồn thiên nhiên và lợi nhuận là hai mục tiêu trái ngược nhau, khó dung hòa, đặc biệt là với các dự án hướng đến phục vụ nhu cầu du lịch đại trà.

Cũng phải nói thêm, công thức của cái gọi là “du lịch sinh thái” của hầu hết các dự án ở nước ta hiện nay là bóc lột thiên nhiên: chặt cây, san đất, đổ nền, xây biệt thự, đổ bê tông từ trên xuống dưới, tổ chức vui chơi giải trí ầm ĩ, không tính toán đến các tác động lên môi trường, sinh thái.

Bên cạnh đó, tôi chưa rõ, liệu nguồn thu từ các dự án này quay trở lại phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên được bao nhiêu, cộng đồng sở tại có được hưởng lợi, chia sẻ lợi ích gì không, hay chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên công sản?

* Việc các khu du lịch gây ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường, ngoài chính sách, còn yếu tố nào khác, thưa ông?

- Tôi không cực đoan phản đối việc đầu tư phát triển du lịch, cũng không phản đối các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, xây dựng những khu du lịch đẹp đẽ.

Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên như chúng tôi chỉ phản đối xây dựng resort, tổ hợp du lịch gây tác động tiêu cực lên hệ sinh thái, phá hủy đa dạng sinh học, đặc biệt là những công trình xây dựng trong các phân khu chức năng của KBT, VQG đã được quy định là không được phép xây dựng. Làm như vậy rõ ràng là vi phạm pháp luật.

Kể cả việc một số dự án lách luật bằng cách phối hợp với địa phương để chuyển đổi diện tích rừng ở những khu cấm xây sang loại hình cho phép xây dựng, thậm chí cắt diện tích đó ra khỏi rừng đặc dụng. Nhưng như vậy không làm thay đổi được bản chất phá hủy thiên nhiên của dự án.

Để xảy ra tình trạng đó, phần lớn do khâu thực thi chính sách. Bên cạnh đó là thiếu minh bạch trong quá trình thẩm định, cấp phép, đánh giá tác động môi trường. Nhiều dự án “kín như bưng”, người dân và các bên quan tâm không thể tiếp cận được thông tin về dự án thì làm sao có thể giám sát được việc thực thi và tác động của dự án được. Điều đó trái với những lời kêu gọi như “toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” mà chúng ta thường nghe thấy.

* Những hệ quả này, liệu có đến từ việc bấy lâu nay Bộ Tài nguyên và Môi trường không công bố, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)? ĐTM gần như là công cụ để quản lý môi trường, để sàng lọc dự án, dự báo các tác động có thể xảy ra, qua đó có các kế hoạch quản lý những tác động ấy, nhưng lâu nay, ĐTM đã được phát huy hiệu quả chưa?

- Theo quy định, ĐMT và kế hoạch quản lý môi trường của các dự án nằm trong danh mục các tài liệu phải được công khai thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin, bao gồm cả Bộ Tài nguyên và Môi trường, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm này.

Việc tiếp cận thông tin với các ĐMT của nhiều dự án là rất khó khăn, đặc biệt với các dự án có nguy cơ tác động môi trường lớn được dư luận quan tâm. Chúng tôi và nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã cố gắng thực hiện việc yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thành công.

* Nếu không được cung cấp thông tin, làm sao các tổ chức, cộng đồng, người dân có thể có căn cứ để phản biện, thực hiện quyền giám sát, phản hồi và góp phần giúp các cơ quan chức năng bảo vệ môi trường tốt hơn được?

- Cũng có nhiều phê phán về tính hiệu quả của công cụ đánh giá tác động môi trường, cho rằng chỉ mang tính “trang trí”, chất lượng kém do copy từ dự án này sang dự án khác… Nhưng chính vì thế, việc công khai thông tin lại càng quan trọng.

Sự giám sát chặt chẽ của công chúng sẽ góp phần giảm thiểu những tắc trách trong việc đánh giá, thẩm định và thông qua các báo cáo. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện và vận hành các dự án, người dân có thể thường xuyên thực theo dõi, giám sát, phản hồi nếu được cung cấp thông tin về kế hoạch quản lý môi trường.

Đáng tiếc là hiện nay, việc này chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, kể cả từ cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm về quản lý môi trường.

* Xin cảm ơn ông.

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/giam-doc-trung-tam-con-nguoi-va-thien-nhien-du-lich-sinh-thai-dang-boc-lot-thien-nhien-165826/

9. Có những cuộc động thổ

trong lòng núi nhưng không ai biết

Hãy hình dung khu vực Hồ Gươm hay đường Nguyễn Huệ ở TP.HCM được quây kín lại và giao cho một doanh nghiệp ‘khai thác’, chúng ta sẽ nghĩ sao?

“Không còn nghi ngờ gì nữa, Bà Nà Hills đã trở thành con ngỗng đẻ trứng vàng cho Sun Group. Nhưng lời chúc mừng cho thành công kinh doanh rực rỡ này của Sun Group lại cứ tắc trong cổ họng. Đó là vì bức tranh tươi đẹp này có một lỗi nhỏ: rừng quốc gia Bà Nà – Núi Chúa của toàn dân đã bị biến thành sở hữu của tập đoàn này.

Đường bộ lên núi đã bị chặn từ lâu, người dân chỉ có cách bỏ ra gần 1 triệu đồng để đi lên bằng cáp treo. Rừng quốc gia Tam Đảo II cũng chung số phận. Ngay từ bây giờ, bạn đã không thể đi dạo trong đó như một người tự do.

Và sau “Cầu Vàng”, sẽ mọc lên những “Cầu Bạc”, “Cầu Kim Cương”… bởi các tập đoàn khác. Ta không cần phải là Vanga để phán lời tiên tri này. Chúng sẽ vắt vẻo trong các khu rừng quốc gia, các khu bảo tồn và người dân sẽ chen lấn, xô đẩy để trả tiền” – tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, chia sẻ.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

“Du lịch sinh thái” vô tội vạ

Phóng viên: Năm ngoái, trong chuỗi bài Trả sông về lại cho sông do Báo Phụ nữ TP.HCM thực hiện, có bài Sông – nỗi thèm khát của các nhà đầu tư. Không chỉ có sông mà hiện nay, nhiều bãi biển, rừng quốc gia, rừng đặc dụng ở nước ta cũng trở thành đối tượng của sự “thèm khát” này. Không biết điều này trên thế giới thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Bờ biển, sông… là tài sản công và như vậy, cần được ưu tiên cho người dân sử dụng với chi phí thấp, đó là cách mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm. Chắc chắn sẽ không có hiện tượng như ta thấy ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang hay Phú Quốc – những bờ biển đẹp nhất được dành cho các doanh nghiệp khai thác, người dân chen chúc nhau trong một vài khu chật hẹp, hoặc phải bỏ ra nhiều tiền để vào những chỗ kia.

Về rừng quốc gia, có thể khẳng định, các quốc gia phát triển không hướng các rừng quốc gia vào mục đích du lịch đại trà, kinh doanh thương mại. Như tên gọi của nó, rừng quốc gia, khu bảo tồn được lập ra để gìn giữ, bảo tồn. Nếu được khai thác làm du lịch đại trà thì công việc bảo tồn ấy không còn ý nghĩa gì nữa.

Rừng quốc gia Cúc Phương được thành lập dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1962. Dù đất nước khi đó còn rất nghèo khổ, khó khăn nhưng chính quyền đã ý thức rất rõ về sự cần thiết của việc bảo vệ rừng, giữ gìn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, cây cỏ, muông thú, cho những thế hệ sau này.

Những chỗ đó là nơi để tới học tập, tìm hiểu, chiêm ngưỡng cái đẹp của tạo hóa, nghỉ ngơi theo hướng tiếp cận thiên nhiên, chứ không phải để bê tông hóa cho rất đông người tới tiêu dùng, mua sắm, cúng bái, chơi bài…

Chữ “du lịch sinh thái” đang được sử dụng ở Việt Nam một cách vô tội vạ, cái mác này được gắn cho các dự án casino, khu thương mại, khách sạn khổng lồ. Ý nghĩa của từ “bảo vệ”, “bảo tồn” bị mất hoàn toàn.

* Nghĩa là, “du lịch sinh thái” mà ông vừa nói là cái vỏ được đưa ra để hợp thức hóa một điều gì đó?

- Đúng là như vậy. Nó được dùng để lách luật và che mắt công luận. Có hai mối quan ngại trước hiện tượng này.

Thứ nhất, nó phá hủy những thứ mà chúng ta cần gìn giữ: các giống loài thực vật, động vật quý hiếm, sự đa dạng của hệ sinh thái, những phong cảnh đặc biệt.

Thứ hai, tài sản công trở thành tài sản tư nhân. Ví dụ, người dân không thể vào rừng quốc gia Bà Nà, trừ khi mua vé đi cáp treo. Rừng quốc gia Tam Đảo cũng chung số phận. Hãy hình dung khu vực Hồ Gươm hay đường Nguyễn Huệ ở TP.HCM được quây kín lại và giao cho một doanh nghiệp “khai thác”, chúng ta sẽ nghĩ sao?

* Nhưng quá trình tư hữu hóa đó lại nhận được sự đồng thuận và “thẻ xanh” của chính quyền sở tại, có vậy doanh nghiệp mới đầu tư, khai thác. Chúng ta sẽ phản bác lại điều đó bằng những luận điểm gì?

- Những dự án mà chúng ta đang nói đến, hiện nay rất mù mờ về mặt giấy tờ, thủ tục. Không ai biết Bà Nà được “trao” cho Sun Group với tư cách pháp lý ra sao. Nó là tài sản riêng của Sun Group hay Sun Group thuê; nếu thuê thì thuê bao nhiêu năm, điều kiện thuê là gì? Tại sao lại là Sun Group? Nhà nước thu được gì? Bản thân việc thuê và xây dựng có phù hợp với những quy định về quản lý các khu bảo tồn hay không?

Bình thường, làm một con đường xi măng nhỏ hoặc chặt mấy cái cây nhỏ cũng bị phạt rồi. Và đó là một điều tốt, đó là lý do các vườn quốc gia được thành lập. Vậy tại sao một đơn vị tư nhân lại có thể đốn hàng ngàn cây, san phẳng núi non và xây những công trình khổng lồ trong đó được? Chắc chắn là sai luật.

Dưới cái mác “phục vụ phát triển”, chính quyền địa phương nhiều nơi đã đi theo triết lý ăn xổi, làm khánh kiệt các nguồn tài nguyên. Nhưng phát triển không phải đơn thuần là bê tông hóa đất nước.

Phát triển nghĩa là có cuộc sống ấm no cùng với biển sạch, không khí sạch, kết nối hài hòa với thiên nhiên, giữ gìn di sản cho các thế hệ sau, trong một xã hội minh bạch, thượng tôn pháp luật, và tiếng nói của người dân được lắng nghe. Ngược lại với nó là một sự phát triển mang tính chụp giật, trong một xã hội bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích, như chúng ta đang chứng kiến.

Đỉnh Núi Chúa bị cạo trắng

* Ngoài sự không hợp lý, phải chăng cũng thiếu sự minh bạch, công khai ở đây?

- Đúng vậy. Các khu bảo tồn, rừng quốc gia không nhiều, chúng là tài sản quý giá và thuộc sở hữu của toàn dân. Mọi thứ xảy ra với chúng cần phải được công luận biết tới, được thảo luận rộng rãi, có sự tham gia của các nhà khoa học và người dân.

Nhưng hãy nhìn Tam Đảo II: cửa rừng đã bị đóng không một lời giải thích, một con đường rất lớn đang được mở thẳng vào lõi rừng, nơi cần phải được bảo tồn nghiêm ngặt nhất. Cái gì đang xảy ra, dự án nào, của ai, quy mô ra sao, có những hạng mục nào, tác động tới môi trường ra sao? Không ai được biết.

* Nhưng có cung thì mới có cầu. Rõ ràng, có một số lượng lớn người dân có nhu cầu đến đó du lịch, ngắm cảnh, thậm chí họ còn cho rằng, công trình đó mới là biểu tượng của nơi đó?

- Nhiều người thích thú với những thứ “phát triển” như vậy và cho rằng chúng giúp cuộc đời của họ hạnh phúc hơn. Nhưng bên cạnh đó, có rất nhiều người, như tôi, phản đối, và chúng tôi cần phải được lên tiếng, được lắng nghe, khi mà quyền vào rừng ngắm bướm, xem voọc, quyền xuống biển tắm của người dân bị tước đi.

Đốn hạ cây rừng giữa lõi Vườn Quốc gia Tam Đảo

Phát triển bền vững trên… miệng

* Có phải chúng ta đang quay lưng về phía rừng, về phía biển, về phía bền vững để chọn những lợi ích trước mắt?

- Chúng ta đang đi theo triết lý đánh đổi mọi thứ để có thêm tiền, sẵn sàng hạ rừng, phá núi, lấp sông để kiếm ra tiền. Đó là một lựa chọn và một cách nhìn hết sức thiển cận. Chúng ta không học được từ bài học “chọn cá hay chọn thép” ở Hà Tĩnh.

Sa Pa, Phú Quốc đang bị băm nát, thiếu nước và ô nhiễm trầm trọng, đó chính là hệ quả nhãn tiền của việc phát triển vô tội vạ như vậy. Du lịch đại trà không phải là ngành công nghiệp không khói, xanh, sạch như người ta vẫn quảng bá; ngược lại, nó phá hủy khủng khiếp.

Không phải vô cớ mà ở nhiều quốc gia, người ta bắt đầu hạn chế số lượng du khách vào các khu bảo tồn để chúng có thể hồi phục. Ở Việt Nam, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ để lại cho con cháu chúng ta một bãi rác và sự hoang tàn.

Mặt khác, lợi nhuận từ những dự án du lịch lớn sẽ chảy vào túi các tập đoàn và nhóm lợi ích nào đó mà thôi. Nếu chúng ta đi theo một hướng phát triển du lịch khác, bền vững hơn, dựa vào người dân, vào những doanh nghiệp nhỏ lẻ, quản lý họ thật tốt, có hệ thống xử lý rác thải, nước, có quy hoạch, người dân ở khu vực ấy sẽ được lợi hơn rất nhiều, các địa phương đó sẽ thực sự phát triển mà vẫn giữ được những báu vật của mình.

* Đồng thời với việc khai thác, những tập đoàn này có đưa ra luận điểm: họ có thực hiện cam kết về trách nhiệm đối với cộng đồng thông qua các kế hoạch an sinh xã hội. Cái an sinh xã hội đó so với cái giá mà ta phải trả như thế nào?

- Chắc chắn nó không thấm vào đâu. Không ai có thể cho họ cái quyền thương mại hóa những di sản thuộc về cả xã hội được. Không có một chương trình an sinh xã hội nào có thể bù đắp cho những con voọc bị tuyệt chủng, những loài cây quý hiếm bị đốn hạ, những hệ sinh thái độc nhất bị phá hủy.

* Nhưng trong quá trình phát triển, có những lúc chúng ta buộc phải đánh đổi, phải mất mát, hy sinh?

- Tại sao phải đánh đổi, ai bắt chúng ta phải đánh đổi, ngoài bản thân chúng ta? Tại sao các quốc gia khác không đánh đổi? Tại sao năm 1962, khi đất nước còn khó khăn như vậy, chúng ta không đánh đổi? Tại sao bây giờ giàu có như vậy rồi mà lại tiếp tục đưa ra diễn ngôn “phải đánh đổi để phát triển” để tận thu, tận diệt? Ai bắt, ngoài lòng tham? Hơn nữa, “chúng ta” là ai? Có vô vàn người không muốn đánh đổi, họ có được lắng nghe không?

Không chỉ đơn thuần là cho thuê hay giao quản lý, UBND TP. Đà Nẵng đã chuyển quyền sử dụng đất hơn 10,9ha cho Sun Group

* Những câu chuyện chúng ta nói không phải không có người biết; thế nhưng, chẳng có ai lên tiếng cả. Vì sao vậy?

- Không phải là không có ai lên tiếng. Như đã nói bên trên, nhiều người muốn lên tiếng, nhưng họ không được đối thoại, chất vấn đại diện chính quyền của mình. Do vậy, những quan điểm đa dạng không được thể hiện ra, không có những thảo luận lành mạnh trong xã hội về việc chúng ta nên làm gì với Sơn Đoòng, với Sơn Trà, Cát Bà, Fansipan… Tất cả diễn ra trong bóng tối giữa chính quyền và các doanh nghiệp lớn.

Để ý sẽ thấy, những cuộc vận động cứu di sản trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ những nhóm nhỏ cộng đồng nào đó chứ không phải từ phía chính quyền. Chính quyền đã không làm tốt nhiệm vụ của mình trong chuyện quản lý, bảo vệ thiên nhiên, di sản, tài sản công. Thậm chí, họ “bẻ” luật, giấu thông tin, dung túng cho các dự án mà họ biết rằng nếu minh bạch ra, sẽ nhận được sự phản đối gay gắt từ công luận.

* Nhưng để những dự án như vậy được thực thi, cũng đã có những đánh giá tác động môi trường chứ? Ông đánh giá như thế nào về những đánh giá tác động môi trường hiện nay ở nước ta?

- Không ai nhìn thấy những đánh giá tác động môi trường đó cả. Trong trường hợp cụ thể của Tam Đảo II, dù đã có nhiều đơn vị, công dân yêu cầu, dù đã có luật tiếp cận thông tin rất rõ ràng, vẫn không ai được nhìn thấy mặt mũi của bản đánh giá tác động môi trường.

Ở đây, chủ đầu tư Sun Group và các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đang coi thường pháp luật và công luận. Vì đang thời sự, mong Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc công khai cho người dân biết chuyện gì đang xảy ra trong vùng lõi của rừng quốc gia này.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/co-nhung-cuoc-dong-tho-trong-long-nui-nhung-khong-ai-biet-165821/

This entry was posted in Môi Trường, Phá hoại môi trường, Phật giáo thời cộng sản, Phật giáo và Nhóm lợi ích, Phật giáo và tư bản đỏ. Bookmark the permalink.