Nguyễn Đình Cống
Báo Đại Đoàn Kết ngày 19-9-2019 đăng bài “Tâm sự với ‘người hay cãi’ của HTQ (gọi tắt là Bài báo). Tôi đọc và phát hiện thấy một số ngụy biện, xin vạch ra, phê phán vài điều để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.
Người hay cãi là cố nhà báo Hữu Thọ, có danh tiếng. Có lẽ bài báo định dựa vào danh tiếng này để trình bày “Lời khuyên” đối với các trí thức, các nhà báo khi thực hành “Phản biện”. Nó gồm một số ý sau:
+ Ở VN phản biện phải theo cách VN, phải vừa có lý vừa có tình (trăm cái lý không bằng một tí cái tình) (xem ngụy biện 2).
+ Người trí thức khi phản biện cũng nên hiểu rằng, anh có nghĩa vụ bảo vệ chân lý nhưng còn có nghĩa vụ công dân trong quá trình phản biện, tức là phản biện một cách xây dựng. Anh phản biện, phê phán, thì anh phải đứng ở tâm thế như người trong cuộc… Đó là trách nhiệm công dân (xem ngụy biện 3).
+ Nếu anh xây dựng cho Tổ quốc mình thì đừng gây nên sự mất ổn định, gây ra sự phân tâm (xem nguỵ biện 4).
+ Nếu người trí thức cho rằng ý kiến mình là phải, nhưng nếu không làm cho điều phải ấy được người cần nghe thông hiểu thì cũng không nên chỉ trách người nghe mà phải tự trách mình trước (xem nguỵ biện 5).
+ Bây giờ, suy cho cùng vẫn phải trở về những nguyên tắc căn bản của Đảng ta (xem nguỵ biện 6).
Mới xem qua thì tưởng là các lời vàng ý ngọc, nhưng chỉ chú ý một chút, chưa cần suy nghĩ sâu xa, cũng đã phát hiện ra những lỗi ngụy biện.
Phản biện nói ở đây là của các trí thức, các nhà báo có một số bất đồng quan điểm, tạm gọi là bên B. Họ gồm những người ngoài đảng, đảng viên đang sinh hoạt hoặc đã từ bỏ Đảng. Họ phản biện lại những đường lối, chính sách của ĐCSVN, của Nhà nước, tạm gọi là bên A. Đó là những đường lối, chính sách mà B cho rằng sai lầm, trái quy luật.
– Ngụy biện 1: Dựa dẫm
Dựa dẫm cũng là một dạng ngụy biện, tuy không thật điển hình.
Bài báo dựa vào uy tín của ông Hữu Thọ (1932-2015), từng là cán bộ cao cấp của Đảng và Quốc hội, là nhà báo lớn của ĐCS, nổi tiếng trong làng báo quốc doanh. Tuy vậy số đông trí thức phản biện chỉ xem ông như công cụ của Đảng, không kính phục, vì ông chỉ hăng hái vạch ra các tiêu cực của xã hội khi mọi người đã thấy rõ, mà không dám đụng đến sự thống trị độc quyền của Đảng. Sự thống trị này là nguyên nhân cơ bản của nhiều tai họa. Nếu ông không thấy thì quá kém về trình độ. Nếu thấy mà không dám nói thì kém về nhân cách. Con người như vậy không thể làm gương cho các trí thức chân chính.
Để có thêm sức mạnh cho lập luận, bài báo dẫn ra nhiều câu có nội dung hay, khá chính xác như là: Phải sống thật với mình; Mỗi con người còn có tâm luật, tức là luật trong lòng của mình; Sống với nhau có tình nghĩa là một nội dung của những người Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin (sic); Cần hài hòa bổ sung các nguyên tắc với nhau để vừa giữ được tính chiến đấu trong nội bộ vừa giữ được ổn định chung; Trí thức là phải có tư duy độc lập, sáng tạo, có khả năng truyền bá; Phải phản bác những gì không đúng, không tốt… Phê phán rất cần, nhưng nếu cường điệu những khuyết điểm, thậm chí những khó khăn để bầu trời ấy đang xanh mà mọi người nhìn nó như u ám thì cũng không được…
Nghe ra thì hay cả. Nhưng những điều đó không che lấp được các ngụy biện sau.
– Ngụy biện 2: Tình và Lý
Dân Việt rất coi trọng tình nghĩa, nhưng chủ yếu là trong cuộc sống cộng đồng dân cư (tối lửa tắt đèn có nhau). Phản biện về chủ trương, đường lối chủ yếu không trực tiếp liên quan đến tình cảm xóm làng, không chống lại con người và tình cảm của họ mà chủ yếu là nhận xét, đánh giá quan điểm, chủ trương, việc làm của lãnh đạo. Trong phản biện phải đặt lý trí lên hàng đầu.
Về tình và lý trong phản biện, có câu nói nổi tiếng: “ Tôi không tán thành quan điểm của bạn, nhưng tôi sẽ đấu tranh hết sức để bảo vệ bạn được tự do nói ra quan điểm của mình”.
Phải phân biệt, tình là để xử lý quan hệ giữa các con người, lý là để giải quyết quan hệ giữa các nhận thức/ hành động. Trong việc phản biện, đem trộn tình và lý dễ dẫn đến sai lầm.
Nếu phải xét về tình và lý giữa A và B thì thấy rằng B chưa có những vi phạm đáng kể. Trái lại A đã dùng quyền uy gán cho B là thế lực thù địch để đàn áp. Bài báo muốn B đề cao tình khi phản biện A. Liệu trong thâm tâm tác giả có nghĩ tới việc kêu gọi A cũng phải có tình với B?
– Ngụy biện 3: Nghĩa vụ công dân
Trong Hiến pháp 2013, nghĩa vụ công dân được ghi ở các điều 39; 44; 45; 46; 47. Tôi không tìm thấy nghĩa vụ nào liên quan đến phản biện.
Bạn là một công dân, bạn phải thực hiện nghĩa vụ và tuân thủ pháp luật. Nếu bạn làm trái nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật, tòa án sẽ kết tội bạn. Không thể dùng khái niệm thực hiện nghĩa vụ để hạn chế phản biện. Những điều khoản về Nhân quyền và Dân quyền bảo đảm cho bạn khả năng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Bạn có thể tự do phản biện bất cứ việc gì khi luật pháp không cấm.
Bài báo cho rằng khi phản biện bạn phải đứng ở tâm thế như người trong cuộc. Đây là điều có được thì tốt, nhưng không bắt buộc. Nếu người phản biện có gì đó chưa thông cảm với người trong cuộc thì người trong cuộc nên giải trình. Trách nhiệm công dân không hề bắt buộc người phản biện phải đứng ở tâm thế như người trong cuộc.
Tuy vậy những người trí thức phản biện hiện nay thừa hiểu mưu mô và tâm trạng của người trong cuộc, điều mà những người này tìm cách che giấu.
– Ngụy biện 4: Sự đánh tráo
Bài báo viết: “Nếu anh xây dựng cho Tổ quốc mình thì đừng gây nên sự mất ổn định, gây ra sự phân tâm”.
Sự phản biện của B khi được A tiếp nhận có văn hóa thì không gây nên sự mất ổn định nào cả. Rất nhiều người của B đã từng góp ý, viết thư, kiến nghị gửi theo đường chính thống lên tận cấp cao nhất của A. Nhưng rồi tất cả các ý kiến đó đều không được trả lời. Việc đó buộc B nêu công khai các ý kiến trên các trang mạng xã hội.
Xã hội VN đang rất kém ổn định, điều này chủ yếu do sai lầm và bất lực của chính quyền chứ không phải do phản biện của trí thức.
Đúng là phản biện tạo ra sự phân tâm để giúp mọi người thấy được sự tuyên truyền dối trá, để họ nhận thức và tiếp cận chân lý. Khi A thật sự tự tin vào chính nghĩa thì tại sao không chấp nhận đối thoại công khai với B?
Nếu B phản biện A mà không tạo ra nhận thức khác, chỉ phụ họa và thống nhất với A thì phản biện cái gì?
– Ngụy biện 5: Tự trách mình
Trong việc phản biện cần phân biệt 2 trường hợp: Một là phê bình góp ý trong phạm vi nội bộ, giữa chốn thân thiết, bạn bè. Hai là chỉ trích giữa phe phái đối lập.
Trong nội bộ, khi B góp ý phê bình A, cần phân biệt thái độ hai bên.
Với B, nên dịu dàng, theo thuật “đắc nhân tâm”, nên làm cho A thông hiểu, nếu B có gì chưa vừa lòng thì nên tự trách mình trước.
Còn với A, thái độ phải ngược lại. Điều A cần là nội dung chứ không phải thái độ góp ý. Nếu B vừa mắng vừa chửi mà vạch ra được đúng chỗ sai thì A phải tiếp nhận và biết ơn. Như thế A mới là người có hiểu biết, có văn hóa. Nếu A đòi hỏi B phải lịch sự, dịu dàng khi phê phán mình thì A chỉ là hạng quá tầm thường, mồm nói cám ơn và sẽ tiếp thu, nhưng trong lòng chống lại.
Phản biện của đối lập, của người bất đồng chính kiến nặng về chỉ trích chứ không phải là kiểu góp ý nhẹ nhàng. Chỉ trích càng mạnh càng tốt. Quan trọng là những chỉ trích đó phản ảnh sự thật chứ không bịa đặt.
Về phê phán hoặc phản biện có câu rất hay như sau: Khi cố tình moi móc khuyết điểm của bạn bè, hàng xóm thì bạn là người có phẩm chất thấp kém. Nhưng khi bạn vạch ra được sai lầm của học thuyết hoặc của đường lối chính trị thì bạn là nhà triết học.
– Ngụy biện 6: Nguyên tắc của Đảng
Nguyên tắc của Đảng là kiên định chủ nghĩa Mác Lê. Đó là cái Vòng kim cô kẹp chặt và bóp chết mọi sáng tạo về chính trị.
Phản biện của trí thức chủ yếu vạch ra sai lầm của Mác Lê và đường lối của Đảng. Phản biện theo nguyên tắc của Đảng thì còn làm được cái gì?!
Lời cuối
Ngụy biện là cách tuyên giáo cộng sản rất hay dùng để đổi trắng thay đẹn.
Đối với những người nhẹ dạ cả tin thì ngụy biện dễ phát huy tác dụng vì mới nghe qua thấy nó có lý. Để phát hiện ra ngụy biện thường không khó lắm khi nắm được phương pháp phân tích và đối chiếu, so sánh với thực tế.
Để dễ bề dùng ngụy biện thì người ta tìm cách làm ngu dân và triệt hạ tầng lớp tinh hoa không chịu quỳ gối cúi đầu. Vì vậy xin hãy cảnh giác, chớ bị nhầm lẫn, chớ bị lừa gạt.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN