Việt Nam: Từ Formosa đến Rạng Đông – bài học vẫn lặp lại

BBC tiếng Việt

Vụ cháy xảy ra gây quan ngại sâu sắc cho cư dân khu vực về mức độ an toàn, nhiều hộ gia đình đã bị ảnh hưởng và phải đi lánh nạn. Bản quyền hình ảnh OTHER

Vụ cháy ở kho hàng của công ty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông cho thấy nhà nước và chính quyền ở Việt Nam vẫn chưa học được hết bài học từ những lần xử lý yếu kém các vụ khủng hoảng môi trường trong nước thời gian gần đây, trong đó có vụ Formosa xả thải công nghiệp trái phép gây ô nhiễm trầm trọng môi trường Biển.

Đây là một cuộc khủng hoảng nhiều mặt của cả một hệ thống quản lý ứng phó với các bất thường xảy ra, một nhà phản biện chính sách từ Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam (Vusta) nói với Bàn tròn thứ Năm từ London.

Hôm 12/9/2019, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Phát triển Cộng đồng (RTCCD) nêu quan điểm với BBC News Tiếng Việt:

Toàn bộ ba câu chuyện vừa rồi, kể cả vụ cháy ở công ty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông cho thấy rằng không hề tồn tại một sự chỉ đạo quản lý khủng hoảng mang tính chất khoa học

Bác sỹ, Tiến sỹ Trần Tuấn

"Tôi cho rằng trong trường hợp này, chúng ta phải nhìn nhận rằng đây (vụ cháy Rạng Đông) không phải là trường hợp đầu tiên, mà nó là trường hợp tiếp nối từ các trường hợp khác mà tôi tạm gọi là các case-studies mà chúng tôi đã chỉ ra từ vấn đề Formosa cho đến vấn đề sán lợn ở Bắc Ninh, rồi đến vấn đề này.

"Thì đó thể hiện một cuộc khủng hoảng nhiều mặt của một hệ thống quản lý ứng phó với các bất thường xảy ra và đặc biệt trong trường hợp này là ứng phó với bất thường xảy ra do rò rỉ, thất thoát của hóa chất độc hại (thủy ngân…) trong môi trường".

Về các mặt của cuộc khủng hoảng cần phân tích để rút ra bài học, ông Trần Tuấn nói:

"Mặt thứ nhất là mặt quản lý và điều phối, thì mặt này, ở tầm quốc gia, quản lý phải biết rằng luôn luôn có thể xảy ra các bất thường, từ cả thiên nhiên, cũng như là do con người, nhân tai.

"Vậy thì phải tổ chức quản lý mang tính chất liên ngành, mang tính chất phối hợp các cấp giữa chính quyền với các cơ quan chuyên môn và với những thông tin để cho nhân dân. Vấn đề này thì Tổ chức Y tế Thế giới đã có những hướng dẫn cụ thể, vậy phải làm ra hướng dẫn của thế giới, lập ra ban này.

Bác sỹ, Tiến sỹ Trần Tuấn nêu 5 vấn đề mà ông điểm danh thuộc về một cuộc khủng hoảng nhiều mặt của chính quyền ở Việt Nam trong ứng phó với các sự kiện bất thường xảy ra, trong đó có thiên tai và nhân tai. Bản quyền hình ảnh FB TRẦN TUẤN

Toàn bộ ba câu chuyện vừa rồi, kể cả vụ cháy ở công ty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông cho thấy rằng không hề tồn tại một sự chỉ đạo quản lý khủng hoảng mang tính chất khoa học.

‘Thiếu chỉ đạo quản lý khủng hoảng’

Và nhà phản biện chính thấy rằng có rất nhiều vấn đề ‘về mặt chuyên môn’ qua ứng phó xử lý, quản lý trong vụ cháy Rạng Đông, ông nói:

Chúng ta thấy là khủng hoảng lòng tin và đây là cái nặng nhất để vấn đề khủng hoảng lòng tin xảy ra giữa người dân với chính quyền, giữa các cấp trong chính quyền với nhau, rồi giữa cơ quan khoa học và cơ quan quản lý

Bác sỹ, Tiến sỹ Trần Tuấn

"Điểm thứ hai…, chuyên môn ở đây, chúng tôi muốn nói là chuyên môn khoa học dẫn đường, khi chúng ta làm việc với hóa chất, mà đặc biệt là hóa chất độc mà lại nằm trong danh sách cấm, như là thủy ngân, ở đây còn một vấn đề khoa học nữa liên quan việc tuân thủ các khuyến cáo, các công ước của quốc tế, mà trong trường hợp này là công ước Minamata.

"Chúng ta đã ký rồi, thì toàn hệ thống phải buộc chạy theo các vấn đề đó. Chúng tôi thấy hầu như là không có thực hiện việc này. Ký là ký, còn thực hiện lại sang một chuyện khác.

"Điểm thứ ba là đạo đức của người thi hành công vụ, chúng ta thấy rằng vấn đề này, rõ ràng là các cán bộ các cấp, đặc biệt là của chính quyền, cũng như cán bộ chuyên môn của các cơ quan chuyên môn, chúng ta thấy rằng là để xảy ra tình trạng không minh bạch thông tin và phản ứng theo tính chất đối phó, đi theo tính chất thủ thế.

"Và tôi cho rằng đây phải được xem lại, nó là từ vấn đề gọi là đạo đức công vụ.

"Điểm thứ tư, vấn đề khủng hoảng thông tin, gây ra cho dân đến bây giờ là không biết tin vào thông tin như thế nào để mà có thể ứng xử và ngay cả các cơ quan chuyên môn, cũng như các cấp chính quyền, cũng không rõ thông tin đến đâu là chính xác, là có thể dựa vào đó để có thể hành động.

"Điểm cuối cùng chúng ta thấy là khủng hoảng lòng tin và đây là cái nặng nhất để vấn đề khủng hoảng lòng tin xảy ra giữa người dân với chính quyền, giữa các cấp trong chính quyền với nhau, rồi giữa cơ quan khoa học và cơ quan quản lý.

"Tất cả những vấn đề này đều thể hiện rằng là chúng ta đang cần phải có một cái nhìn lại một cách tổng thể để đối phó với khủng hoảng.

"Nếu không, nó sẽ như vòng xoắn cứ tiếp tục xảy ra mà chúng ta đã thấy đứng chờ ở phía trước, rằng có thể có bất kỳ một biến cố nào xảy ra, chúng ta lại lặp lại tình trạng như vậy", Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn nói với BBC.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi toàn văn Bàn tròn thứ Năm của BBC về vụ cháy ở nhà kho công ty Rạng Đông.

Nguồn:  https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49682722

This entry was posted in Formosa, Môi Trường. Bookmark the permalink.