Minh Quân
Vào đầu năm 2019, Mỹ đã sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP. Nhưng khi đó đã không vang vọng lời cảnh báo nào từ trong nội bộ các cơ quan kinh tế Việt Nam. Bài ca ‘tự sướng’ vẫn reo vui bất tận cùng với đà tăng trưởng thặng dư xuất khẩu vào thị trường Mỹ và sự phình ra đáng kể của quỹ dự trữ ngoại hối.
Sau nhiều năm liên tục gia tăng giá trị xuất siêu vào thị trường Hoa Kỳ, đến năm 2018 Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ (còn gọi là giá trị xuất siêu) ở mức kỷ lục tới 35 tỷ USD, càng củng cố một cách chắc chắn vị trí thứ 6 của Việt Nam trong số 16 quốc gia bị Donald Trump liệt vào danh sách ‘gây hại’ cho nền kinh tế Mỹ. Không chỉ dừng ở đó, năm 2019 sẽ có thể mang lại giá trị xuất siêu trên 40 tỷ USD trong cán cân thương mại Việt – Mỹ.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục nâng tỷ giá trung tâm trong những tháng cuối năm 2017 và trong 4 tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn, để dẫn đến kết quả đã mua vào lượng khá lớn ngoại tệ hơn 8 tỷ USD.
Việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm để kích thích gom USD trôi nổi, dù đã trám bớt lỗ hổng toang hoác của quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ nước ngoài, nhưng lại khiến cơ quan ‘siêu ngân hàng’ này phải trút vào thị trường tự do đến 200.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019 – chiếm đến hơn 4% GDP, tức vượt xa giới hạn 2% GDP mà Mỹ quy định đối với quốc gia thao túng tiền tệ.
Như vậy xét theo hệ thống tiêu chí của Mỹ, Việt Nam đã vi phạm về hai tiêu chí thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP, khiến Việt Nam đầy triển vọng bị Mỹ đặt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, nếu không phải trong năm 2019 thì cũng vào những năm sau đó.
Nhưng Việt Nam lại khó có thể giảm mức độ thặng dư thương mại với Mỹ trong ngắn hạn, tức ngay trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, khi mà diễn biến xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ vẫn còn đà và vẫn chưa vấp phải một hàng rào thuế quan dụng đứng như bức tường mà Mỹ đã dựng trước hàng hóa của Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam cùng với việc hàng hóa Việt Nam dần thay thế hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ khiến cho thặng dư thương mại với Mỹ nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Chưa kể đến thặng dư với Mỹ tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua đến một phần từ việc hàng hóa Trung Quốc lách xuất xứ qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, điển hình là mặt hàng thép. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, nếu nhìn tương quan giữa các nhóm ngành xuất khẩu sang Mỹ và các nhóm ngành nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoại trừ điện thoại và linh kiện, khá nhiều các nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng mạnh sang Mỹ lại trùng khớp với các nhóm hàng gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc như máy tính và sản phẩm điện tử, máy móc phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Ngay trước mắt, Việt Nam chỉ còn cách phải tự giảm bớt tỷ lệ can thiệp xuống mức 2% bằng cách bán bớt một phần ngoại tệ đã thu gom trước đây, mà con số bán ra có thể vào khoảng 3 – 4 tỷ USD.
M.Q.
VNTB gửi BVN