Chủ nhân vụ “bằng cấp dỏm”: “Tôi không may!”

Quả thật, nếu nói rằng mình chỉ là người không may, thì ông Nguyễn Ngọc Ân chưa thấy hết dược trách nhiệm cá nhân, lẫn cái dở của mình. Tuy nhiên, ông có phần là người không may trong vụ việc vừa qua, bởi chắc chắn có không ít các cán bộ cốt cán làm TS theo kiểu này, trước đây, và biết đâu cả sau này nữa, mà “chưa bị lộ”.

Chính cái cửa hẹp “bằng cấp”  ấy đã xô đẩy, và thậm chí làm “tha hóa” con người bởi tham vọng, với bất kỳ giá nào. Sự không tương xứng giữa bằng cấp và năng lực, rút cục chỉ tạo ra một đội ngũ cán bộ không thể “đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Nhân vụ việc này, Tuần Việt Nam chúng tôi rất mong mỏi nhận được sự tham góp của quý bạn đọc gần xa, trong nước và nước ngoài với những kiến giải để trả lời một câu hỏi nhức nhối: Làm thế nào để các cơ quan công quyền nhà nước tuyển chọn và sử dụng được một đội ngũ cán bộ cốt cán có đủ năng lực và phẩm chất tương xứng với vị trí và vai trò?

Tuần Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở  Văn hóa - Thông tin - Du lịch Phú Thọ

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Du lịch Phú Thọ

Tôi xác định không đầy đủ thông tin nên phải chịu thiệt thòi cho cá nhân tôi thôi.

Sau khi Tuần Việt Nam đăng một loạt các bài viết xung quanh vụ “Làm tiến sĩ ở Mỹ không cần biết tiếng Anh“, sáng qua, 24-6, ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở  Văn hóa – Thông tin – Du lịch Phú Thọ, nhân vật chính của vụ việc này tìm đến Tuần Việt Nam chúng tôi.

Trong câu chuyện trình bày, ông cho biết một vài nét về nhân thân. Sinh năm 1958, đã đi bộ đội 8 năm, học Trung cấp Thương mại, rồi làm việc tại Công ty Du lịch Phú Thọ. Tiếp đó, ông học lớp ĐH tại chức Kinh tế quốc dân (đặt tại địa phương). Năm 2002, ông làm Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu, lên Phó GĐ Công ty, rồi GĐ Sở Thương mại Du lịch Phú Thọ. Năm 2008, trở thành GĐ Sở VH – TT – DL đến hôm nay.

Ông Ân cho biết, bản thân ông đã học và bảo vệ luận án Thạc sĩ quản trị kinh doanh về du lịch tại ĐHQGHN (Khoa Quản trị kinh doanh, năm 2007)

Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt  Nam có cuộc trao đổi với ông Ân xung quanh vụ việc bằng TS của ông, do Trường ĐH Nam Thái Bình Dương (Mỹ) cấp.

– Trước tiên, xin được hỏi, mục đích của ông tìm đến VietNamNet là gì?

– Vì VietNamNet là một tờ báo điện tử có uy tín, nên tôi muốn được trao đổi thêm thông tin cho dư luận hiểu rõ hơn về cá nhân tôi!

– Những bài viết của VietNamNet xung quanh vụ việc của ông có gì sai trái không, thưa ông?

– Tôi không có ý kiến gì về những bài báo của VietNamNet. Các bài báo không nói quá. Chỉ có hai điểm báo chí nói không đúng: Tôi đã có bằng Thạc sĩ, chứ không phải không có. Và số tiền 17.000 USD là tiền riêng tôi bỏ ra!

– Tuy nhiên, nếu so với quy chế Bộ GD và ĐT ông vẫn vi phạm, vì quy định của Bộ là phải có trình độ ngoại ngữ nhất định để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế và chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài luận án?

– Về quy chế, nói thật là sau khi được cấp bằng Thạc sĩ ở ĐHQGHN, tôi cũng có nhu cầu học tiếp lên. Thấy anh em bạn bè nói về trường ĐH này (ĐH Nam Thái Bình Dương) không cần có ngoại ngữ, mà ngoại ngữ mình thì kém. Thế là học tiếp. Hình thức học là đào tạo từ xa. Vì không cần tiếng Anh nên mình mới đăng ký. Nếu không thì làm sao tôi đủ điều kiện?

– Ông hay ai là người tìm ra trường ĐH này?

– Trên mạng có cả. Bạn bè nói và họ cũng tìm giúp.

– Nhưng bây giờ, thông tin về trường ĐH “dỏm” cũng rất nhiều. Ở  tuổi ông đã là tuổi khá trải nghiệm. Yêu cầu của Bộ GD và ĐT là phải có trình độ ngoại ngữ nhất định, trong khi đó, một trường ĐH tận bên Mỹ thông báo không cần biết tiếng Anh cũng có thể làm TS được. Ông không có linh cảm gì về điều này. Và ông vẫn tin tưởng?

– Tôi vẫn tin chứ. Vì tôi có thông tin của trường này, tôi tin tư cách pháp nhân của nó là có. Vì bản thân họ (Trường ĐH Nam Thái Bình Dương) gửi thư cho tôi (!). Và cũng có một số anh đã học theo kiểu này rồi!

Nhưng chắc ông đọc báo cũng biết, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đã tìm kiếm thông tin về trường ĐH đó, và cho hay, trường đó có cơ sở tại Malaysia, và đã bị giải thể từ năm… 2003? Còn GS Trần Hữu Dũng (Mỹ) trong bài trả lời phỏng vấn đài RFA cũng cho biết, ở Mỹ, không bao giờ có trường thuộc nhóm đã được kiểm định giáo dục mà tiếp nhận những sinh viên nước ngoài, rồi trao học vị TS cho họ mà người học không có kỹ năng nghe- nói – đọc- viết tiếng Anh… Người ta phân biệt rất rõ hai loại trường. Loại trường đã bị gọi là “dỏm”, thì nếu chìa bằng cấp đó ra sẽ bị không công nhận, và người ta cũng rất coi thường.

– Vừa rồi, tôi có hỏi một số anh em bạn bè, họ giải thích, ở bên đó, trường ĐH nào, nếu không nộp thuế, thì bị đóng cửa, còn nếu nộp thuế xong thì lại được mở cửa. GS Nguyễn Văn Tuấn nói trường bị giải thể từ năm 2003, bản thân tôi cũng rất suy nghĩ. Dư luận nào đúng hay sai, tôi không dám khẳng định. Vì năm 2008, thư của trường ĐH này, họ viết gửi cho tôi, vẫn khẳng định trường là cơ sở đào tạo rất có uy tín (!)

– Thế nhưng nếu bây giờ, trước thông tin từ các GS có tên tuổi ở nước ngoài họ cung cấp và nếu trong thực tế, đó là trường ĐH “dỏm” thì ông có suy nghĩ gì không?

– Tôi xác định không đầy đủ thông tin nên phải chịu thiệt thòi cho cá nhân tôi thôi!

– Khi có thông tin trên báo chí về vụ việc của ông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ có kết luận gì không?

– Họ chưa có kết luận gì. Vì đây thực tế chỉ là nhu cầu học để nâng cao kiến thức của cá nhân mình thôi. Cái quan trọng là mình học được cái gì, áp dụng được gì cho công việc. Tôi học để cho tôi. Còn bằng cấp đó có được công nhận ở VN hay không lại là chuyện khác.

– Xin được hỏi thật ông, chắc ông cũng là một trong những người thuộc nguồn quy hoạch cán bộ cốt cán của tỉnh? (Ông Ân gật đầu, và nói thêm):

– Cũng có mấy trường hợp nữa, nhưng mà là bên doanh nghiệp. Vì đa số là cán bộ quản trị kinh doanh!

– Đến giờ, tỉnh Phú Thọ đã có hỗ trợ gì về kinh phí cho ông chưa?

– Chưa, chưa có hỗ trợ gì!

– Xin lỗi ông, tôi thấy trong thực tế, cơ chế quản lý của chúng ta còn có nhiều điều phải bàn. Như việc định ra tiêu chuẩn cán bộ. Về hình thức, có vẻ đúng. Nhưng quy định đó, nếu khi tuyển chọn, hoặc sử dụng cán bộ, chỉ căn cứ vào cái bằng cũng làm khổ không ít người.

– Đúng vậy. Tôi thấy quan trọng nhất là kinh nghiệm làm việc, chứ cái gì cũng bằng cấp giơ ra thì… Ở ngay cơ quan tôi, có anh TS hẳn hoi, làm việc chuyên môn rất tốt. Nhưng nếu làm quản lý lại không ổn.

– Nếu nói vậy, việc gì ông phải đi học tiếp?

– Nhưng nó vẫn ảnh hưởng chứ. Nên vẫn phải đi học. Việc báo chí thông tin như vừa qua, rất bất lợi cho tôi, nhất là trước kỳ Đại hội Đảng tỉnh nay mai sẽ diễn ra. Nhưng tôi vẫn tin ở đề tài (chuyên môn) tôi đang triển khai thực hiện

– Ông tự nhận xét gì về mình, với vụ việc vừa qua?

– Tôi thấy mình không may thôi!

KD

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-25-chu-nhan-vu-bang-cap-dom-toi-khong-may-

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.