Nguyễn Đình Cống
Đã có thời người ta cho rằng các xã hội hơn thua nhau ở năng suất lao động (NSLĐ). Điều đó chỉ đúng một phần. Ngoài NSLĐ còn phải kể đến HIỆU QUẢ .
Cần phân biệt NSLĐ cá thể và NSLĐ trung bình của xã hội. Ở Việt Nam hiện nay NSLĐ của một số cá thể không thua kém gì so với thế giới. Đó là lao động của các nhà phát minh sáng chế, của một số thầy giáo và thầy thuốc, của những công nhân và nông dân lành nghề, của những nghệ nhân v.v…Tạm gọi họ nằm trong số lao động sản xuất trực tiếp. Thế nhưng NSLĐ của xã hội lại quá thấp. Vì sao vậy? Vì rằng trong xã hội VN hiện nay có khá đông người nhận lương để làm những việc vô tích sự (làm cũng được mà không làm sẽ tốt hơn), những người làm ít chơi nhiều, lại còn lắm kẻ cản trở công việc chính đáng của người khác, tạm gọi họ nằm chủ yếu trong số lao động gián tiếp ( tạm gọi vì chưa thật chính xác).
Xin kể ra vài loại người như vậy, đó là :
+ Khá đông người trong hệ thống bộ máy 3 tầng ở mọi cấp (Đảng – Chính quyền – Mặt trận), họ chồng chéo và dẫm đạp lên nhau, chỉ có một số ít làm việc thực sự;
+ Quá đông người trong hệ thống tuyên giáo, truyền thông, thi đua;
+ Lực lượng bảo vệ thi hài lãnh tụ, lực lượng tổ chức các ngày lễ kỷ niệm;
+ Những người ngồi trong các văn phòng hiện đại để thảo nghị quyết, thảo điện khẩn, chỉ đạo từ xa những việc mà cấp dưới và người dân biết rõ hơn;
+ Những người tạo ra các oan sai và bất hợp lý cùng rất nhiều công sức để khắc phục chúng.
Khi nói đến tăng NSLĐ, phần đông các cán bộ cao cấp chỉ biết hô hào mà hình như không biết làm như thế nào. Họ cho rằng đó là nhiệm vụ của các cơ sở, là tăng NSLĐ của người trực tiếp sản xuất mà không biết rằng trong thể chế hiện nay ở VN người làm việc có hiệu quả thì ít mà người làm với hiệu quả thấp hoặc âm lại quá nhiều. Trong tình hình như vậy rất khó để tăng NSLĐ xã hội.
Vấn đề tăng NSLĐ, xã hội phải nhằm vào cả hai đối tượng: trưc tiếp và gián tiếp. Với lao động sản xuất trực tiếp, đó là việc nâng cao trình độ và tay nghề, là trang thiết bị và công nghệ hiện đại. Với lao động gián tiếp cần phải có những biện pháp cải cách mạnh mẽ để giảm bớt “những người vô tích sự”, có được bộ máy tinh gọn, kiên quyết xóa bỏ những tổ chức, những văn phòng, những công việc nặng về hình thức mà quá kém về hiệu quả, xóa bỏ các có sở kinh tế quốc doanh làm ăn thua lỗ.
Thường thường năng suất và hiệu quả có khi được hiểu lẫn lộn. Hiểu cho kỹ thì đây là hai khái niệm khác nhau. Trong năng suất chủ yếu quan tâm đến số lượng sản phẩm thu được trong một đơn vị thời gian. Trong hiệu quả, ngoài sản phẩm còn phải kể đến chi phí, kể đến tác hại trước mắt và lâu dài do công việc gây ra. Hiệu quả quan trọng hơn.
Các nhà lãnh đạo khi kêu gọi tăng NSLĐ xin nhớ cho, rằng một phần rất quan trọng trong việc tăng NSLĐ là thuộc về họ, là việc cải cách thể chế và tổ chức, chứ không phải việc họ chỉ hô hào suông.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN