Trúc Giang
Lá thư đề gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 – 2020 của ông Nguyễn Phú Trọng, có dòng “các em học sinh sinh viên cả nước”, và lời chúc của ông Trọng muốn gửi đến ‘các em học sinh sinh viên’ là “phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
>/p>
“…Đoàn viên và Thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết…”, đây là nội dung được cho là trích trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và được đưa vào trong các tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Thanh niên.
Bình giảng về yêu cầu vừa “hồng” vừa “chuyên”, các giảng viên chuyên về lý luận Đảng ở hệ thống trường Bồi dưỡng Chính trị, nói rằng “hồng” là từ để chỉ một người giác ngộ cao, trình độ hiểu biết chuyên sâu về chính trị, mang tính giai cấp, ở đây có nghĩa là người giác ngộ cao về chủ nghĩa cộng sản. Còn “chuyên” là trình độ chuyên môn về một ngành nghề nào đó, là năng lực để thực hiện một nhiệm vụ, một chức trách nào đó.
Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu một cán bộ phải có đủ trình độ cả hai lĩnh vực chính trị và chuyên môn, trong đó cái gốc là chính trị, chuyên môn là quan trọng. Nếu chỉ có ‘hồng’ mà không có ‘chuyên’ sẽ không đáp ứng được nhu cầu phục vụ hay lãnh đạo. Nếu chỉ đơn thuần chuyên môn mà không có trình độ chính trị thì không khác gì con người chỉ đứng một chân, sẽ không vững vàng. Có trình độ chính trị là điều kiện cho chuyên môn phát triển.
Diễn nôm ý tứ của ‘hồng – chuyên’ nói trên, có thể thấy rằng khi cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai được Phạm Nhật Vũ hối lộ 3 triệu USD, thì thời điểm đó, ông Son có thể rất ‘chuyên’, nhưng ‘hồng’ thì đã quá nhợt nhạt, đã ‘chuyển màu’. Trước khi ngồi vào ghế bộ trưởng, ông Son là một quân nhân chuyên nghiệp, hàm đại tá, với thời gian dài ông Son là thư ký rồi trợ lý của Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1920 – 2019).
Những sai phạm kiểu ‘chuyên’ rồi nhạt ‘hồng’ như trường hợp của ông Son, có thể coi như giải thích chung cho tất cả các vụ sai phạm trong quản lý hiện nay, từ các vụ án liên quan đến quan chức cấp cao từng nhận án tù như cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại Mai Văn Dâu (án tuyên 12 năm tù, được đặc xá chỉ sau 2 năm thi hành án), cho tới cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.
Trở lại với lời chúc sinh viên học tốt để sau này làm người vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’ của ông Nguyễn Phú Trọng.
Theo lá thư của ông Trọng, với lời chúc đó có thể xem như không khuyến khích sinh viên mở rộng quyền tự do tìm hiểu về học thuật, đặc biệt là học thuật về chính trị, với mặc định ‘hồng – chuyên’ gói trong cách hiểu của chủ thuyết Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong lúc đó thì về lý thuyết, muốn xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị thì ngay từ nhỏ học sinh cần tiếp cận với các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội một cách hoàn toàn tự do, hoàn toàn không bị chi phối hay uốn nắn theo một nhân sinh quan hay ý thức hệ cố định nào. Có như vậy thì các học sinh này khi là những sinh viên sẽ thêm cơ hội đào sâu hơn những kiến thức ở lãnh vực mà mình mong muốn, sẽ tự mình tìm tòi về những ‘hồng’ và ‘chuyên’ thích hợp, không phải chịu sự giới hạn của ‘hồng’ và ‘chuyên’ trong khuôn khổ quan điểm chính trị của Đảng Cộng sản.
Liên quan đến quyền tự do học thuật, xin kể về một câu chuyện mà tác giả Nguyễn Văn Khoa [tức GS Lê Xuân Khoa, nguyên GS ĐH Văn khoa Sài Gòn – Chú thích của BVN] đã viết rằng đáng ghi nhớ cho quyền tự do tư tưởng của trí thức Đại học miền Nam:
“Vào năm 1965, ngay sau khi chính phủ quân nhân cầm đầu bởi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ được thành lập. Khi đó, Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chính, giao trách nhiệm đọc bài khai giảng niên khóa toàn trường cho Giáo sư Tạ Văn Tài, một trí thức trẻ mới ở Mỹ về, xác nhận rằng ông có quyền tự do phát biểu.
Giáo sư Tài đã trình bày tóm lược bản luận án tiến sĩ của ông ở Mỹ về vai trò của quân đội tại các nước Đông Nam Á, phân tích ưu khuyết điểm của chế độ quân nhân ở những nước láng giềng như Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, nhấn mạnh đến quyết định sáng suốt của một số chính quyền quân đội đã mau mắn trao trả quyền lực cho nhân dân qua bầu cử, tránh được những cuộc đấu tranh chính trị gây đau thương chia rẽ trong cộng đồng dân tộc và kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cử Đại tá Dương Hồng Tuân đến tham dự và lấy bài giảng về làm tờ trình cho Hội đồng Quân lực. Sau đó, Tổng Thư ký Hội đồng Quân lực là Trung tướng Phạm Xuân Chiểu nhận trách nhiệm nghiên cứu bản luận án của Giáo sư Tài nhưng không thấy công bố kết quả hay phản ứng của Hội đồng Quân lực như thế nào…”. [Trích Đại học miền Nam trước 1975 – Hồi tưởng và Nhận định, Nguyễn Văn Khoa, Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010): Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, NXB Tri thức, 2011)]
Giả dụ niên khóa 2019-2020 này, một Giáo sư nào đó ở Đại học Quốc gia TP.HCM khi phát biểu hôm khai giảng, chỉ cần ‘vui miệng’ nhắc lại điều mà Giáo sư Tạ Văn Tài từng khuyến nghị, qua đó kêu gọi tinh thần tự tìm tòi về học thuật, quyền tự do chính trị như hiến định…, có lẽ vị Giáo sư ấy sẽ nhận ngay những búa rìu của ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’, cùng với sự đe dọa của bản án hình sự tương ứng khi đã ‘hồng – chuyên’ không tuân thủ định hướng từ đảng cầm quyền.
T.G.
VNTB gửi BVN