Biển Đông: Cần tăng sức ép để Bắc Kinh dừng hành vi phi pháp

Mai Vân

media

Vị trí bãi Tư Chính, ở Biển Đông. Nguồn: Google Map.

Các hành vi coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi cho tàu vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như của Malaysia và Philippines càng lúc càng bị công luận thế giới tố cáo.

Chuyên san trên mạng Eurasia Review trong một bài xã luận ngày 03/09/2019 đã vạch trần tính chất phi pháp trong các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là tại khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, để cho rằng cần phải tiếp tục lên án các hoạt động đó, đồng thời gia tăng sức ép, buộc Bắc Kinh phải cho rút tàu của mình ra khỏi vùng biển của các nước láng giềng.

Bài viết mang tựa đề: “Tôn trọng luật pháp: Hòa bình là ưu tiên hàng đầu tại Biển Đông” (Respect For Rule Of Law: Peace Top Priority In South China Sea Conundrum), trước hết cho rằng các diễn biến gần đây ở Biển Đông không chỉ đáng ngại, mà còn có nguy cơ trở thành một cuộc chiến thật sự, phá vỡ hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Diễn biến đáng lo ngại là những vụ việc xẩy ra từ đầu tháng 7, khi tàu khảo sát của Trung Quốc, được tàu võ trang hộ tống, đã thâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Philippines và Malaysia cũng bị Trung Quốc hù dọa.

Thủ phạm gây rối là Trung Quốc

Đối với Veeramalla Anjaiah, một nhà báo Indonesia kỳ cựu, tác giả bài phân tích, Bắc Kinh là nguyên nhân làm cho tình hình xấu đi khi chà đạp lên bản Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà chính Trung Quốc đã ký kết.

Theo Eurasia Review, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thông qua năm 1982, quy định là các quốc gia ven biển được có một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, và một vùng biển hay thềm lục địa 12 hải lý. Ngoại trừ Đài Loan, tất cả những quốc gia tranh chấp ở Biển Đông – Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei đều đã ký kết và phê chuẩn Công ước này, vốn nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp về biển.

Thế nhưng, trong một động thái vi phạm rõ ràng quy định của Công ước, Trung Quốc đòi chủ quyền trên hơn 90% Biển Đông với một Đường 9 đoạn mập mờ, căn cứ vào “quyền lịch sử” không được công nhận trong luật biển quốc tế, chồng lấn với đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei và cả Indonesia, một nước không tranh chấp.

Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc dựa trên “Đường 9 đoạn” và quyền lịch sử. Và một lần nữa, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết quốc tế và tiếp tục áp đặt chủ quyền của họ bằng các hành động đơn phương, bất hợp pháp và mang tính cưỡng bức.

Trung Quốc cũng bồi đắp một cách phi pháp các đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự trên đó, và cũng đã cố ngăn chặn việc đánh bắt cá, khai thác tài nguyên của các nước tranh chấp khác, ngay trong vùng biển mà các láng giềng được hưởng một cách hợp pháp.

Xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Đối với Eurasia Review, bản chất phi pháp trong các hành động của Trung Quốc được thấy một cách rõ rệt trong sự cố mới nhất tại Bãi Tư Chính ở phía nam Biển Đông.

Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam không đến 200 hải lý, nhưng cách ranh giới trên biển của Trung Quốc đến 600 hải lý. Tuy nhiên, dựa trên Đường 9 đoạn, Bắc Kinh cho là Tư Chính là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Việt Nam vừa ký hợp đồng với tập đoàn nhà nước Nga Rosneft để thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính. Để cản phá không cho Việt Nam thăm dò, Trung Quốc đã cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hải cảnh trang bị vũ khí nặng tiến vào khu vực.

Một cách dũng cảm, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu của họ ra khỏi khu vực bãi Tư Chính.

Eurasia Review nhắc lại: Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc bức hiếp Việt Nam. Trong năm 2017 rồi 2018, Trung Quốc đã ép Việt Nam và tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol chấm dứt hành động thăm dò trong khu vực.

Và Việt Nam cũng không phải là nạn nhân duy nhất của Trung Quốc. Một tàu Trung Quốc gần đây đã đâm chìm một tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong, cách đảo Palawan 160 cây số. Hàng trăm tàu Trung Quốc có võ trang cũng thường xuyên hoạt động một cách trái phép ở vùng biển chung quanh đảo Thị Tứ ở Trường Sa và đe dọa hoạt động của ngư dân Philippines. Manila cũng ra công hàm phản đối chiến hạm Trung Quốc và tàu sân bay Liêu Ninh đi qua vùng biển Philippines mà không xin phép.

Tháng 5/2019, tàu hải cảnh Trung Quốc cũng tuần tra chung quanh vùng bãi cạn Luconia Shoals nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Cộng đồng quốc tế lần lượt lên án Trung Quốc

Theo ghi nhận của Eurasia Review, hành vi phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị cả các quốc gia lẫn tổ chức phi chính phủ tố cáo.

Hoa Kỳ đã cực lực đả kích các hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây, hòa bình và ổn định của khu vực đã bị tác hại do việc “Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các tiền đồn trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông cùng với nỗ lực áp đặt chủ quyền phi pháp về Biển Đông, dùng dân quân biển để hù dọa, cưỡng ép, đe dọa các nước khác”.

Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu, Pháp, Đức, Anh, Canada, Úc và những quốc gia khác cũng tố cáo các hành động đơn phương ở Biển Đông và kêu gọi bảo vệ một trật tự dựa trên luật pháp.

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế IADL (International Association of Democratic Lawyers) rất được kính trọng, cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính.

Trong một thông cáo mới đây (06/08/2019), Hội IADL khẳng định rằng các hành vi của Trung Quốc đã vi phạm rõ rệt các quyền của Việt Nam được ghi trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và “yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngừng các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan và tập trung vào việc xây dựng lòng tin để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung”

Được thành lập từ năm 1946, IADL là một tổ chức phi chính phủ có quy chế tham vấn tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc – ECOSOC.

Quốc tế phải lên án Trung Quốc và tăng sức ép

Theo Eurasia Review, bất chấp sự lên án của quốc tế, nước Trung Quốc hiếu chiến vẫn tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động phi pháp, cưỡng chế và khiêu khích tại Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là ASEAN và cộng đồng quốc tế có thể làm gì đê ngăn chặn Trung Quốc?

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là lên án các hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước Đông Nam Á.

Cộng đồng quốc tế cần phải gây áp lực với Trung Quốc để nước này rút ngay tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu khác khỏi Bãi Tư Chính để giảm căng thẳng.

Về phần ASEAN, do không có sự thống nhất giữa các thành viên về vấn đề Biển Đông, các nước như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines phải cố tạo ra một nhận thức chung giữa các quốc gia ASEAN. Vì ASEAN là một cộng đồng, cho nên cần phải đoàn kết trên vấn đề phức tạp này.

Dù có hành vi bắt nạt các nước nhỏ, nhưng Trung Quốc lại là đối tác quan trọng đối với ASEAN trên nhiều phương diện. Do vậy, cần phải cấp thiết thực hiện đầy đủ Bản Tuyên Bố Ứng Xử Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc để giảm căng thẳng và tránh xung đột, đồng thời nhanh chóng tiến đến môt Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, ràng buộc về mặt pháp lý, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và các quy tắc quốc tế khác.

M.V.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20190904-bie%CC%89n-dong-ca%CC%80n-tang-su%CC%81c-e%CC%81p-de%CC%89-ba%CC%81c-kinh-du%CC%80ng-ha%CC%80nh-vi-phi-pha%CC%81p-0

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Biển Đông. Bookmark the permalink.