Lừa dối cấp nhà nước

Phạm Đình Trọng

1. Tán phượng vĩ bên ao cá đã lập lòe đỏ lửa. Tháng Năm, tháng có ngày sinh lại đến. Năm sinh nhật có số không (0) ở cuối được coi là năm chẵn, số năm (5) là nửa chẵn. Tháng Năm năm nay, 1965, bước vào tuổi bảy nhăm, sinh nhật nửa chẵn. Cũng là một dấu mốc cuộc đời. Dấu mốc của năm sinh nhật nửa chẵn này sẽ được ghi nhận là năm viết Di chúc.

Tháng Năm, Hà Nội đã vào hè nhưng giữa ngàn xanh Hồ Tây, Bách Thảo, Ba Đình, trong ngôi nhà sàn bốn hướng đều mở đón gió mang hương lúa hương ngô từ bờ bãi sông Hồng, mang hơi nước mát lạnh từ Hồ Tây mênh mang trong lành làm cho gian phòng làm việc trên nhà sàn lúc nào cũng có không khí dịu dàng, mát mẻ của mùa Xuân. Dù bề bộn những nghĩ suy nhưng cõi lòng thật yên tĩnh, sáng ngày 15 tháng Năm năm 1965, Hồ Chí Minh ngồi vào bàn làm việc đặt bút viết chữ đầu tiên bản Di chúc.

Bản Di chúc được khởi viết từ ngày đó đến tận tháng Năm năm 1969, ròng rã bốn năm trời. Giập. Xóa. Chữa đi chữa lại đến nát cả trang viết. Chữ xanh chữ đỏ đè lên nhau. Điều đó xác nhận sự cân nhắc chi li, thận trọng của một người từng trải ở tuổi thừa chín chắn. Mỗi chữ được lựa chọn cuối cùng để được ở lại mãi mãi với bản Di chúc là điều gan ruột của người thầy cộng sản Việt Nam gửi gắm vào lứa học trò nối nghiệp.

Bản thảo Di chúc cho thấy sự đắn đo, thận trọng, kĩ càng của người viết. Câu chữ điềm đạm, bộc bạch của Di chúc cho thấy Hồ Chí Minh chỉ đối mặt, trải lòng với trang Di chúc khi cõi lòng thật thanh thản, được sống thật với mình.

Thanh thản và sống thật với mình, Hồ Chí Minh thú nhận rằng ông chỉ là “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, thể xác ông là người Việt Nam nhưng hồn ông đã thuộc về quốc tế cộng sản khi ông viết: “Tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”. Không còn hồn Việt Nam. Không biết đến Vua Hùng dựng nước. Không biết đến những bậc tiên liệt Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung đã viết lên trang sử hào hùng Việt Nam, tạo lên khí phách Việt Nam. Hồ Chí Minh chỉ biết có ông tổ thiết kế ra lí thuyết cộng sản và ông tổ thi công bản vẽ xã hội cộng sản, ông K. Mac và ông Lê nin, hai người đã đẩy loài người vào một thế kỉ đại loạn đấu tranh giai cấp với hơn trăm triệu mạng người bị thí bỏ.

Thú nhận rằng da Việt Nam, hồn quốc tế cộng sản là suy nghĩ tỉnh táo, chín chắn, là lựa chọn khôn ngoan của Hồ Chí Minh. Nếu nhận là dòng giống Lạc Việt, là con cháu Vua Hùng, khi chết đi sẽ về gặp hồn thiêng Nguyễn Trãi, Quang Trung thì Hồ Chí Minh sẽ phải rập đầu nhận tội trước các bậc tiên liệt về tội tày trời mang mớ lí luận cộng sản mất tính người, mang học thuyết bạo lực đấu tranh giai cấp đẫm máu về tàn phá tan hoang đất nước Việt Nam, giết hại giống nòi Việt Nam, chia rẽ, li tán dân tộc Việt Nam. Là người của quốc tế cộng sản, đứng ngoài dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh nhẹ nhõm trách nhiệm với dân Việt Nam, vô can với đau thương của dân Việt Nam, lại là người có công lớn với phong trào cộng sản quốc tế khi ông đã đưa đất nước Việt Nam hiền hòa, bình yên vào lò lửa cách mạng vô sản, vào biến máu đấu tranh giai cấp, đưa dân tộc Việt Nam đùm bọc yêu thương vào hận thù li tán, đưa máu và nước mắt của đấu tranh giai cấp từ trời Âu đến góc khuất châu Á để biến nhà nước Việt Nam nửa phong kiến, nửa thuộc địa thành nhà nước cộng sản đầu tiên ở Đông Nam Á.

2. Thấu hiểu kiếp người. Dù vĩ đại đến đâu, dù lúc sống có làm nghiêng ngả cả thế giới, con người cũng chỉ là sản phẩm của tự nhiên, phải chấp nhận qui luật luân hồi của tự nhiên. Từ tự nhiên, từ cát bụi mà có mặt trong cuộc đời. Khi cuộc đời kết thúc, con người phải được trở về cát bụi, về với tự nhiên. Cọp chết để da. Người chết để tiếng. Chỉ có con vật mới để lại xương, thịt, lông, da cho đời. Con người khác con vật ở chỗ, con vật chỉ tồn tại bằng thể xác. Con người tồn tại bằng sự nghiệp, bằng cái danh. “Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Dù chọc trời khuấy nước nhưng chết đi phải để lại cái xác, phải để lại xương, thịt, lông, da cho đời thì vẫn chỉ là con vật. Con người phải để lại cái danh. Dù danh lành hay danh dữ, con người phải có danh, phải có sự nghiệp. Thể xác chỉ là con vật. Cái danh mới là con người. Thanh thản chấp nhận sự định danh con người của tự nhiên, Hồ Chí Minh tha thiết đòi hỏi lứa học trò, lứa đồng chí cộng sản kế cận khi ông kết thúc cuộc đời cho ông được trở về tự nhiên, về tro bụi trong vũ trụ:

 “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn l quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.

Cụ thể, chi li đến như vậy là đến cuối đời khi phải gói ghém, tổng kết cuộc đời, Hồ Chí Minh đã có được sự thấu đáo triết lí nhân sinh để có lựa chọn khôn ngoan, thuận tự nhiên, hợp đạo lí, đúng phong tục tập quán con người và hợp lòng dân. Khi Hồ Chí Minh chỉ vào ảnh K. Mac, ảnh Lê nin và nói với đám cận thần tháp tùng rằng bác có thể sai chứ những ông này không thể sai là khi Hồ Chí Minh đang bị bùa mê đấu tranh giai cấp làm cho mê muội, lú lẫn. Nhưng khi Hồ Chí Minh viết “Tôi yêu cầu thi hài của tôi được đốt đi” là đến cuối đời, đủ từng trải, Hồ Chí Minh đã thoát khỏi cơn say máu đấu tranh giai cấp, đã thoát cơn lú lẫn cộng sản, là khi Hồ Chí Minh sáng suốt nhất. Lựa chọn đốt xác viết trong Di chúc là lựa chọn sáng suốt hiếm hoi trong cuộc đời đầy biến cố, nhiều sai lầm của Hồ Chí Minh.

“Tôi yêu cầu thi hài của tôi được đốt đi”. Yêu cầu chứ không phải Đề nghị. Đề nghị là đề đạt, mong mỏi, bị động chờ đợi để được đáp ứng. Yêu cầu là chủ động ra mệnh lệnh công vụ của người chỉ huy với kẻ thừa hành và kẻ thừa hành phải chấp hành, phải thực thi tắp lự, không được phép do dự, chần chừ. Không thi hành công vụ của cấp trên, tổ chức đó đã hư hỏng. Yêu cầu còn là mệnh lệnh của trái tim, là ràng buộc của tình cảm, là đòi hỏi đúng đắn, hợp đạo lí của người bề trên với kẻ dưới, là gửi gắm của cha ông với con cháu. Kẻ dưới phải răm rắp vâng lời của người bề trên, không được cãi, không được làm trái mới là gia đình có nề nếp gia phong, có giáo dục.

Nhưng Hồ Chí Minh vừa trút hơi thở cuối cùng, những kẻ tự nhận là học trò, là đồng chí cộng sản kế cận của ông cũng là những thủ lĩnh cộng sản đương nhiệm, nắm toàn bộ quyền lực của triều đình cộng sản liền mang Di chúc của Hồ Chí Minh ra xem xét và ra nghị quyết thực hiện trái những điều Di chúc yêu cầu. Để lừa dối dân, những người đứng đầu Đảng và Nhà nước cộng sản đương nhiệm liền giấu nhẹm những điều Di chúc Hồ Chí Minh yêu cầu nhưng bộ sậu lãnh đạo Đảng và Nhà nước cộng sản đương nhiệm không thực hiện hoặc thực hiện trái Di chúc.

Từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc chung đến việc riêng Di chúc Hồ Chí Minh yêu cầu đều bị những người đứng đầu Đảng và Nhà nước cộng sản đương nhiệm phớt lờ không thực hiện hoặc thực hiện trái Di chúc.

Việc chung: Di chúc Hồ Chí Minh yêu cầu miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân. Những người đứng đầu Đảng và Nhà nước cộng sản đương nhiệm không thực hiện nên đoạn Di chúc đó bị cắt bỏ khi công bố.

Việc riêng: Di chúc yêu cầu đốt xác. Thực hiện: Ướp xác. Cọp chết để da. Hồ Chí Minh chết cũng phải để lại thân xác. Hồ Chí Minh muốn là người, chỉ để lại cái danh, chứ không để lại cái xác như con vật. Giữ xác Hồ Chí Minh trong căn hầm lạnh lẽo cho người đời ngày ngày đến ngó nghiêng như dòng người vào viện bảo tàng tự nhiên ngó nghiêng xác con cọp, xác con chồn, con cáo nhồi bông. Đó là sự đày ải, hạ nhục vô cùng độc địa, tàn ác với Hồ Chí Minh.

3. Bác bỏ, làm trái những gửi gắm gan ruột tha thiết, chính đáng và đúng đắn của Di chúc Hồ Chí Minh rồi ngay trong tháng Chín, 1969, ngay trong tháng Hồ Chí Minh qua đời, ngay sau khi vừa ra nghị quyết bác bỏ, làm trái Di chúc Hồ Chí Minh, ngày 29-9-1969 Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, những người đứng đầu Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam đương nhiệm lại ban hành Chỉ thị số 173 – CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Từ đó đến nay, suốt 50 năm, Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam liên tục ban hành hàng chục nghị quyết, chỉ thị, hết “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” lại “Học tập tấm gương đại đức Hồ Chí Minh” rầm rộ, sáo rỗng và đầy dối trá ở tầm quốc gia, tốn kém hàng ngàn tỉ tiền thuế của dân. Nào hội thảo khoa học. Nào triển lãm. Nào thi đua học tập làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là sự lừa dối cấp nhà nước.

Minh chứng nhục nhã không thể chối cãi cho sự lừa dối cấp nhà nước này là giải thưởng cuộc thi học tập đạo đức Hồ Chí Minh đã được cơ quan trung ương Đảng trao cho tên đại bịp Hồ Xuân Mãn, kẻ không phải đảng viên, kê khai gian dối chui vào đảng leo lên đến Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, kẻ hèn nhát cướp công người dũng cảm hi sinh để trở thành anh hùng lực lượng vũ trang.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Di chúc Hồ Chí Minh. Bookmark the permalink.