Thư giãn Chủ nhật – Chuyện trò với ông Mahathir

Nguyễn Đình Cống

Nhân dịp ông Mahathir, Thủ tướng Malaysia thăm VN, tôi ước ao được trao đổi với ông vài chuyện. Mong ước ấy đã được thực hiện.

Đây là chuyện trò trong mộng chứ ngoài đời tôi không thể gặp ông. Tôi đoán, nếu tôi xin gặp chắc ông cũng tiếp, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, không đủ để trò chuyện thoải mái. Tôi cầu khấn thần linh tạo cơ hội cho gặp ông trong mộng. Sau đây là cuộc trò chuyện thân mật.

Tôi – Chào ngài, vô cùng vinh dự được ngài tiếp chuyện.

Mahathir – Chào bạn. Tôi có biết qua về bạn. Bạn sinh năm Đinh Sửu, 1937, tôi sinh năm 1925, Kỷ Sửu, đều là Trâu với nhau. Tôi hơn bạn 1 giáp, vậy xem nhau như bạn bè, anh em. Bạn gọi tôi bằng anh cho thân mật.

Tôi – Vâng, thưa anh, cho em hỏi. Trong cuộc hội đàm với Tổng Chủ Nguyễn Phú Trọng, ông ta có đề nghị với anh điều gì không, chỉ xin anh nói những điều không thuộc diện bí mật.

Mahathir – Ông ấy rất muốn biết bí quyết và kinh nghiệm của tôi, làm sao mà trên 90 tuổi vẫn được nhân dân và Quốc hội tín nhiệm. Tôi đoán chữ “bí quyết” của ông hàm chứa trong đó những mưu mô, thủ đoạn. Tôi trả lời là không có bí quyết, không có mưu mô và kinh nghiệm gì cả. Mọi việc tôi làm đều công khai, minh bạch, trung thực. Tôi chỉ cố giữ cho được liêm chính và luôn đặt quyền lợi dân tộc lên trên.

Ông Trọng hỏi về đảng cầm quyền. Tôi nói, đảng cầm quyền là công cụ trong hoạt động chính trị. Trước đây tôi gia nhập Đảng Quốc gia Mã Lai (UMNO), là Phó Chủ tịch Đảng. Đảng này đưa tôi vào Quốc hội và làm Thủ tướng 22 năm, từ 1981 đến 2003. Tôi xin nghỉ hưu lúc 78 tuổi. Nhưng rồi tôi nhận ra Đảng UMNO đã đần dần thoái hóa, nên năm 2016 tôi tuyên bố từ bỏ và vận động lập đảng mới, lấy tên là Đảng Bản địa thống nhất (PPBM). Đảng PPBM đã ủng hộ tôi ứng cử và tôi trở thành Thủ tướng năm 2018, sau 15 năm ở ngoài chính quyền.

 Đảng CSVN được các ông gán cho vai trò Đảng cầm quyền, nhưng không phải. Thực chất nó từ một đảng cách mạng chuyển thành một đảng thống trị. Các ông muốn tìm hiểu về Đảng cầm quyền thì nên sang Singapore mà khảo sát. Đảng Nhân dân cách mạng của họ là một mẫu mực.

Tôi nói với ông Trọng rằng tôi có theo dõi vài đại hội của đảng ông và biết các ông đang chuẩn bị cho đại hội 13. Các ông tuyên truyền, cho rằng mỗi đại hội là một hoạt động chính trị xã hội cực kỳ quan trọng, nhưng tôi lại thấy hiệu quả của nó rất thấp, lãng phí lớn. Hình như ngoài các Đảng Cộng sản thống trị không có một đảng cầm quyền nào tổ chức các đại hội linh đình. Nếu như không dùng ngân sách quốc gia mà buộc phải dùng tài chính của đảng để tổ chức đại hội thì chắc không có đảng nào khờ dại đến mức vung tiền của, sức lực để làm một việc mang nặng hình thức như thế.

Ông Trọng hỏi, thế khi tôi  gia nhập Đảng UMNO không thề phải trung thành với Đảng và học thuyết của Đảng à. Tôi nói, không, không. Là một đảng chính trị trong thời bình chúng tôi không yêu cầu đảng viên phải tuyệt đối trung thành, hơn nữa chúng tôi chẳng có học thuyết nào. Đối với tôi, đảng có nhiệm vụ quan trọng nhất là đưa người ra tranh cử trong các cuộc bầu chọn dân chủ. Khi còn ở trong Đảng UMNO và giữ cương vị cao, tôi nghĩ  đảng là tổ chức giúp tôi phục vụ đất nước, đến khi thấy rõ nó đã biến chất, bị lũng đoạn thì tôi rời bỏ nó như cởi một chiếc áo cũ nát. Tôi có gợi ý cho ông Trọng rằng, hay là ông học theo tôi, bỏ ra khỏi Đảng Cộng sản và thành lập đảng mới. Nghe đến đây mặt ông Trọng hơi biến sắc, tuy vậy ông ấy nhanh chóng lấy lại bình tĩnh.

Ông Trọng hỏi, khi cho bắt bỏ tù cựu thủ tướng Razak, khi chống lại các âm mưu của Trung cộng và hủy bỏ các dự án của họ tôi có điều gì lo sợ không. Tôi nói, sợ cái gì kia chứ. Tôi một lòng phục vụ đất nước, tôi không có những việc làm ám muội thì không sợ gì hết. Chúng nó tuyên truyền chống lại tôi, vu cáo, phỉ báng tôi, nhưng nhân dân nhìn vào việc làm của tôi và tin cậy tôi, thế là đủ. Chúng nó có thể tìm cách đầu độc hoặc ám hại tôi. Việc này cần cảnh giác, đề phòng, nhưng nếu không may xảy ra tôi cũng không sợ, nhân dân sẽ chọn được người xứng đáng điều hành đất nước. Tôi nói, một số nguyên thủ quốc gia rất sợ Tàu cộng vì họ đã bị chúng nó mua chuộc, khống chế. Tôi không sợ chúng nó khi biết dựa vào dân.

Ông Trọng hỏi tôi cách lựa chọn được những cán bộ có năng lực, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Ông ấy than thở, không biết tại sao ĐCSVN đã ban hành nhiều nghị quyết, đã làm quy hoạch cán bộ mà rồi vẫn không thể nào tìm được những người thực sự có đức và tài. Tôi nói rằng các ông đã phạm sai lầm ngay từ gốc. Theo các ông đức lớn nhất là trung thành với Mác Lê, tài quan trọng nhất là thực hiện đường lối của Đảng, đó là những tiêu chuẩn  phản tiến bộ. Còn quy hoạch cán bộ của các ông có nhiều điều phản dân chủ, phản khoa học. Cứ theo cách làm của ĐCSVN thì chỉ tìm được chủ yếu những người hữu danh vô thực, có lắm mưu mô mà kém trí tuệ, thiếu trung thực, phần lớn là bọn cơ hội. Những người thực sự có tài năng đã bị các ông loại ngay từ vòng đầu. 

Tôi – Thưa anh, chuyện giữa anh với ông Trọng xin tạm dừng lại đây. Bây giờ em xin hỏi chuyện khác. Chắc anh biết rõ chuyện Trung cộng gây ra ở Bãi Tư Chính gần đây. Nếu anh là Thủ tướng của VN anh sẽ hành động như thế nào.

Mahathir – Thứ nhất, để xảy ra tình hình như hiện nay là do trong nhiều năm qua lãnh đạo Việt bị Tàu lừa rất nhiều mà đành cúi đầu cam chịu. Phải chăng vì kém trình độ mà bị lừa hay còn vì những lý do nào khác. Điều khoản cam kết “3 không” với Tàu cộng thì đến một đứa trẻ bình thường cũng biết là quá sai, thế mà lãnh đạo VN vui mừng vì nó. Đúng ra phải biết ngăn chặn Tàu cộng từ trước. Để đến như bây giờ là quá muộn, nhưng dù muộn cũng phải hành động kiên quyết.

Cứ mỗi lần Tàu cộng giở thói côn đồ tôi nghe phát ngôn Bộ Ngoại giao VN đọc lời tuyên bố về tôn trọng luật pháp quốc tế, về bằng chứng VN có chủ quyền và yêu cầu Trung cộng tôn trọng, về không gây căng thẳng v.v… Những tuyên bố đó không có đủ sức mạnh. Trong hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tôi cũng nghe lại những điều như thế về Biển Đông, tôi ậm ừ cho qua chuyện và buồn thay cho thái độ quá mềm yếu và lúng túng của lãnh đạo VN. Phải chăng họ quá sợ “há miệng mắc quai”. Sợ làm cho người ta trở nên hèn kém.

Bằng chứng chủ quyền chỉ có giá trị khi đưa ra Tòa án quốc tế phân xử, thế mà VN không dám kiện. Căng thẳng là do Trung cộng gây ra, VN càng tránh chúng càng lấn tới. Chỉ nên mềm mỏng thời gian đầu. Tôi mà là Thủ tướng VN thì tôi sẽ làm khác, có những hành động kiên quyết, lúc đó mới mong có sự ủng hộ tích cực của các nước bạn bè. Chứ với tình hình cù cưa lúc nào cũng cho một người phát ngôn lên nói đi nói lại có mỗi một câu đến mức cả thế giới ai cũng thuộc lòng ấy à?

Nói thế rồi ông Mahathir lắc đầu mỉm một nụ cười chua chát với tôi và ông cũng đề nghị kết thúc câu chuyện để nghỉ ngơi. Thôi, thế cũng tạm đủ.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Thư giãn CN. Bookmark the permalink.