Nguyễn Đức Chung “tráo trở” với dân Đồng Tâm. (Hình: Thanh Niên)
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng vì vụ tai tiếng liên quan đến Nhật Cường Mobile, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đăng đàn trên các báo nhà nước tố cáo ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh của dân oan Đồng Tâm.
Hồi Tháng Tư, 2017, công luận xôn xao trước tin người dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức bắt giữ 38 người, trong đó đa số là công an, viên chức huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức. Việc người dân bắt giữ người của chính quyền xảy ra sau một cuộc tranh chấp đất đai tại xã này và bốn người dân bị chính quyền bắt mà không trình giấy phép bắt người.
Đây là lần đầu tiên xảy ra việc dân chúng bắt cả một đơn vị “cấp trung đội” tại Việt Nam và nhiều nhà bình luận đã so sánh nét tương đồng về vụ này với một sự việc khác từng xảy ra ở Ô Khảm, Trung Quốc.
Sau vụ đối đầu căng thẳng ở thời điểm đó, nhà cầm quyền CSVN đã nhiều lần trì hoãn yêu cầu đối thoại của người dân Đồng Tâm và khiếu kiện xoay quanh phi trường Miếu Môn – được cho là mấu chốt của vụ tranh chấp đất đai.
Đến nay, ông Lê Đình Kình vẫn giữ quan điểm cho rằng, đất phi trường Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 106 héc ta, gồm 47.36 héc ta đã giao cho các đơn vị quốc phòng, còn lại 59 héc ta là “đất nông nghiệp của người dân xã Đồng Tâm.”
Hôm 28 Tháng Tám, báo Hà Nội Mới cho biết: “Thanh tra Chính phủ khẳng định, đất phi trường Miếu Môn là đất quốc phòng, cần quản lý và sử dụng đúng mục đích. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, trong 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng, không có hộ ông Lê Đình Kình. Theo quy định pháp luật, ông Kình là người không có quyền và lợi ích hợp pháp tại khu vực đất phi trường Miếu Môn, không phải là đối tượng thanh tra, nên không có quyền khiếu nại kết luận của thanh tra. Ông Kình chỉ có hai quyền là quyền phản ánh theo Luật Tiếp Công Dân và quyền tố cáo theo Luật Tố Cáo.”
Cùng thời điểm, tờ Thanh Niên dẫn lời cáo buộc ông Kình của ông Nguyễn Đức Chung: “Ông Kình có huy động tiền của một số đối tượng ở xã Đồng Tâm để tham gia đi khiếu kiện, lợi dụng việc khiếu kiện nhằm mục tiêu cuối cùng muốn trục lợi, xen vào, gây sức ép với chính quyền xã, chính quyền huyện, thành phố, với mục tiêu xem có được bồi thường hay không. Đây là câu chuyện có thật và chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí biết rõ, vạch trần âm mưu.”
Theo tờ báo, ông Chung cũng không quên đe nẹt: “Cơ quan công an vẫn tiếp tục thu thập các tài liệu. Nếu xét thấy cần thiết, các đối tượng này ngoan cố, chúng tôi sẽ xử lý theo pháp luật.”
Phát ngôn mới nhất của ông Chung cho thấy các hành động hòa hoãn trước đây của nhà cầm quyền CSVN trong vụ Đồng Tâm chỉ là “động tác giả” và chính quyền không bao giờ thật sự “xuống nước” trước người dân trong các vụ tranh chấp đất đai.
Đồng thời, phát ngôn nêu trên cũng phủ nhận hình ảnh “người hùng” mà ông Chung được giới luật sư, nhà báo ở Hà Nội tung hô khi về “đối thoại” tại Đồng Tâm hai năm trước.
Hồi Tháng Ba, 2019, blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bình luận trên trang cá nhân: “Mùa Hè 2017, khi nổ ra vụ cướp đất ở Đồng Tâm, công an tháp tùng ông Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm ‘ủy lạo’ dân chúng, ký tá mấy thứ xạo xạo chơi. Đợt đó, công an Hà Nội xác định Đồng Tâm là một trong những điểm nóng về đất đai, và phải kiểm soát bằng được, không để đám cháy lan rộng. Công an cũng hỉ hả lắm vì cuối cùng đã ‘cơ bản kiểm soát được tình hình’. Giờ đây, công an lại tiếp tục ra tay đàn áp dân ở trạm BOT Thăng Long-Nội Bài.”
“Một lần nữa, công an lại cho dân thấy rằng trong đầu chúng, không có chữ ‘dân’ nào cả. Với họ, chỉ có đối tượng, có kẻ thù, trong mỗi người dân đều tiềm ẩn một tên giặc luôn sẵn sàng ‘gây rối, chống phá’ cái nhà nước thổ phỉ của chúng,” theo Facebook Pham Doan Trang. (T.K.)