Nguyễn Đình Cống
Gần đây tôi được một nhóm trí thức cử làm đại diện nhằm trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng CSVN để bàn việc tổ chức đối thoại. Nhóm này gồm trên mười trí thức hoạt động cho công cuộc dân chủ hóa đất nước, được các anh Chu Hảo, Phạm Xuân Đại và tôi vận động đồng tình.
Tôi đã viết văn bản ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI, gửi ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo ĐCSVN vào ngày 20 tháng 7- 2019. Văn bản được gửi bảo đảm qua Bưu điện và mang đến tận văn phòng. Cả 2 nơi đều có biên nhận. Sau vài ngày tôi gửi tiếp cho ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận. Cả 2 văn bản có yêu cầu được trả lời (trước ngày 20 tháng 8 với ông Thưởng, trước ngày 27/8 với ông Thắng).
Thế nhưng cho đến ngày 30 tháng 8, tôi không nhận được một thông tin gì từ phía các ông. Họ không trả lời, dù một câu qua điện thoại, rằng đã nhận được đề nghị. Tại sao vậy? Quá bận chăng. Có lẽ chỉ có thể giải thích bằng thái độ kiêu ngạo cộng sản. Kiêu ngạo này là của cá nhân hay là một chủ trương của Bộ Chính trị mà các ông phải chấp hành. Dù sao thì đây cũng là biểu hiện thiếu tôn trọng, thiếu lịch sự, thiếu văn hóa.
Ông Thưởng từng phát biểu: “Đối thoại, tranh luận tạo cơ sở để hình thành chân lý”. Từ chối đối thoại phải chăng Ban Tuyên giáo, Hội đồng Lý luận của ĐCSVN không muốn, không cần tìm chân lý.
Các vị lãnh đạo ĐCSVN có một nhầm lẫn tai hại, nghĩ rằng dựa vào đội ngũ trí thức của Đảng, dựa vào các ban ngành, các hội đồng, hội thảo mà họ có thể tìm thấy toàn bộ sự thật.
Không đâu. Vì kém trí tuệ, thiếu dũng cảm, yếu về phương pháp, lại bị ý thức hệ Mác Lê không chế, bị các điều cấm đảng viên kiềm tỏa nên các trí thức và cán bộ của Đảng chỉ có thể tìm ra một phần của sự thật mà lãnh đạo muốn nghe. Mà khốn thay đa số những phần đó không chứa đựng bản chất thường ở dạng ẩn giấu.
Tiếc thay vì kiêu ngạo CS mà lãnh đạo Đảng đã bỏ qua một cơ hội trao đổi với một số trí thức của dân tộc.
Đối lại với thái độ kiêu ngạo và coi thường người dân của các tổ chức và cán bộ ĐCSVN tôi công khai ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI này để dư luận rộng rãi được biết.
Sau đây là văn bản gửi ông Thưởng. Văn bản gửi ông Thắng có nội dung tương tự, chỉ thay đổi vài câu liên quan đến vai trò cá nhân.
Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2019
ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOAI
Kính gửi Ông Võ Văn Thưởng- Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thưa ông.
ĐCSVN đang chuẩn bị đại hội XIII để thảo luận và quyết định nhiều điều quan trọng liên quan mật thiết đến vận mệnh đất nước chứ không phải chỉ riêng cho Đảng. Vì lẽ đó mà chúng tôi, những người tự nhận là nhân sĩ, trí thức yêu nước thấy có trách nhiệm đóng góp ý kiến xây dựng.
Việc góp ý bằng kiến nghị, bằng thư như vẫn làm trước đây đã tỏ ra có rất ít tác dụng. Thấy rằng chỉ còn việc tổ chức đối thoại là biện pháp có hiệu quả trực tiếp hơn. Chính ông là người biết rõ và đã đề xướng việc này và đã từng phát biểu: “ Không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
Đó là đối thoại giữa A và B
Bên A là Đảng và Chính quyền. Người đại diện có thể là chính ông, cấp cao hơn và các cộng sự
Bên B là một số cá nhân, bất đồng về vài đánh giá tình hình hoặc đường lối do bên A công bố. Họ có thể là đại diện cho một vài tổ chức xã hội dân sự hoặc chỉ là cá nhân độc lập, có thể là đảng viên đang sinh hoạt, đảng viên đã từ bỏ Đảng hoặc người ngoài Đảng. Họ có kiến thức và thái độ ôn hòa.
Hiện nay tồn tại một vài lực lượng và cá nhân chống cộng cực đoan, bên B không bao gồm những người như vậy.
Phải đối thoại vì quan điểm của A và B có nhiều trái ngược mà bên nào cũng tự cho mình là đúng và phản bác bên kia.
A là chính thống, tự nhận hoàn toàn đúng đắn và tiến bộ, cho B là thế lực thù địch, không chịu hợp tác, tìm cách loại bỏ.
B tự cho mình là những người yêu nước chân chính, chỉ một lòng vì nước vì dân, phê phán A là giáo điều, cố chấp, phản tiến bộ, phản dân chủ, gây ra nhiều tai họa, làm kìm hãm sự phát triển đất nước.
Những trái ngược như vậy làm chia rẽ dân tộc, làm yếu đi sức mạnh tổng hợp cần thiết cho phát triển. Đặc biệt nó có thể làm cho những người đứng đầu Đảng và Nhà nước đánh giá sai tình hình, từ đó đề ra những chủ trương đường lối không hợp quy luật, trước mắt là việc chuẩn bị ĐH XIII của Đảng.
Đối thoại tạo cho mỗi bên trình bày và bảo vệ quan điểm, tiếp nhận những lập luận và phê phán của bên kia để điều chỉnh và hoàn thiện nhận thức, để hợp tác, tìm ra đâu là sự thật, đâu là nguyên nhân cơ bản, chỉ ra việc nào dân tộc cần làm, tìm ra con đường cần đi và đích cần đến..
Đối thoại chứ không phải đấu tranh hoặc đối đầu. Tốt nhất là tổ chức được những buổi đối thoại công khai để cho nhân dân có thể theo dõi và đánh giá. Tuy vậy trước mắt có thể tổ chức những buổi đối thoại trong phạm vi hẹp.
Thưa ông Trưởng ban Tuyên giáo.
Trong tình hình hiện nay bên B không thể tự đứng ra tổ chức để mời A đối thoại. Nó chỉ có thể xuất phát từ bên A, mà cụ thể là từ Ban Tuyên giáo. Các ông có thể viện cớ trì hoãn vì Ban Bí thư chưa soạn xong Quy định về đối thoại. Đó là ngụy biện. Để đối thoại điều cần thiết đầu tiên là thiện chí của hai bên. Có quy định của ai đó để tham khảo thì cũng tốt, mà không có cũng được, trong quá trình chuẩn bị hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về các điều khoản. Nhưng nếu không có thiện chí thì có thể tìm ra nhiều lý do để lẩn tránh.
Đối thoại giúp mỗi bên phát hiện ra những nhận thức mới, những sự thật mà trước đó chưa thấy hoặc bị nhầm. Khi có thiện chí thì đối thoại sẽ mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho mỗi bên. Thế nhưng việc đối thoại đang gặp một số cản trở về tâm lý, đó là sự đánh giá nhầm của bên này về bên kia và tự đánh giá nhầm về mình.
A có những đánh giá nhầm về B như ghép họ vào cùng loại người “thoái hóa đạo dức”, hiểu nhầm đến quy kết sai mục tiêu và đánh giá sai phẩm chất của B.
A tự đánh giá quá cao, không thấy được những sai lầm từ bản chất, phản ảnh không đúng thực tai. Lãnh đạo Đảng quá tin vào những điều không có thật nên đã đề ra và thực hiện một số điều trái quy luật.
B có thể chưa hiểu hết về A cũng như cần được A chỉ ra những nhược điểm phạm phải
Việc đối thoại cũng nhằm để cho những trí thức chân chính được bày tỏ quan điểm và đánh giá với phương châm “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, nhưng trước hết là để cho Đảng tiếp cận với những nguồn thông tin quan trọng.
Để có thể tổ chức và bắt đầu đối thoại cần phải có với nhau một số thỏa thuận về: Vấn đề đưa ra, người trực tiếp đối thoại ở mỗi bên, người tham gia và chứng kiến, cách tiến hành, địa điểm, thời gian, cách đưa thông tin và bảo mật v.v.. Những vần đề này chúng tôi đã chuẩn bị, nhưng chưa tiện trình ra đây. Điều quan trọng nhất là về phía Đảng, các vị có thấy được sự cần thiết và chấp nhận đối thoại hay không.
Thưa ông. Gửi thư này đi chúng tôi mong nhận được trả lời chính thức trong thời gian một tháng để còn chuẩn bị những việc cần thiết.
Để tiến hành việc này, ban đầu chúng tôi gồm một số trí thức thống nhất với nhau, chấp nhận GS Nguyễn Đình Cống làm đại diện. Mọi thông tin liên hệ theo địa chỉ sau:
Số ĐT: 0389 578 620
Email: ndcong37@gmail.com
Gửi thư: Nguyễn Đình Cống – 7A. ngách 23, ngõ 102. Phố Hoàng Đạo Thành, Phường Kim Giang, Q. Thanh Xuân – Hà Nội.
Xin gửi ông lời chào trân trọng.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN