Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua công nghệ thông tin?

RFA

2019-08-21

Tweet

Cáp internet, ảnh minh họa. AFP

Theo khảo sát của Cable, một nhà cung cấp băng thông rộng, truyền hình, điện thoại và điện thoại di động của Anh Quốc, tốc độ Internet ở Việt Nam được xếp hạng 89 trong số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với đánh giá này, Việt Nam cũng vượt mặt được một số nước láng giềng trong khu vực, nhưng lại thua Singapore rất nhiều lần.

Cơ sở hạ tầng chưa ổn định

Bảng xếp hạng dựa trên dữ liệu được thu thập trong 12 tháng kể từ tháng 5 năm ngoái, phân tích hơn 267 triệu bài kiểm tra tốc độ trên toàn thế giới. Với tốc độ tải xuống 7,02 megabyte mỗi giây, xếp hạng tốc độ internet của Việt Nam giảm 14 bậc so với năm ngoái. Tốc độ băng thông rộng trung bình của Việt Nam được ghi nhận là chậm hơn 10 lần so với Singapore ở mức 70,86 Mb / giây, thấp hơn ba lần so với Malaysia (23,86 Mb / giây) và chậm hơn hai lần so với Thái Lan (18,21 Mb / giây). Tuy nhiên theo khảo sát, tốc độ internet tại Việt Nam nhanh hơn Indonesia, Philippines, Myanmar, Brunei, Campuchia, Lào và Timor Leste. Trao đổi với RFA hôm 21/8/2019, Anh Đ.X.B, một kỹ sư Công nghệ Thông tin từng làm việc chuyên ngành lập trình và phát triển web tại nhiều công ty ở Việt Nam, hiện đang làm việc tại Nhật Bản, nhận định:

Tốc độ internet nếu đánh giá chung toàn Việt Nam thì thấp, nhưng tại thành phố lớn như Sài Gòn, thì Viettel có triển khai mạng 4G khá là nhanh, không nhanh bằng Nhật nhưng cũng khá nhanh”. Đúng như lời kỹ sư Công nghệ Thông tin Đ.X.B cho biết, internet ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam rất chậm. Một người dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu cho RFA biết về tốc độ internet mà anh đang dùng tại nhà: “Khi mình dùng internet nói chuyện online thì chậm lắm, nó biểu hiện bằng cái hình cứ quay vòng vòng… Phải tắt đi, khởi động lại thì bây giờ mới nói được. Mình thấy vậy chứ cũng không biết tốc độ bao nhiêu”.

Cũng theo khảo sát của công ty Cable, để tải xuống một bộ phim có chất lượng HD, với kích thước 5 GB, sẽ chỉ mất chín phút nếu thao tác ở Singapore, trong khi đó, cũng với thao tác này sẽ mất hơn một tiếng rưỡi tại Việt Nam. Anh Logan Trần, người có kinh nghiệm làm việc với môi trường internet, khi trả lời RFA hôm 21/8, cho biết: “Nếu so sánh về tốc độ internet giữa VN và các nước tôi được trải nghiệm như Thái Lan, Malaysia và bây giờ là hiện đang ở Nhật Bản, thì thấy tốc độ internet của VN chậm hơn hẳn, tốc độ download và upload chậm hơn hẳn. Và băng thông ở nước ngòai không bị gián đoạn. Còn băng thông trong nước thường trong một năm có những đợt bóp nghẹt đường truyền, không biết do chủ ý hay sự cố, bóp nghẽn internet rất nhiều lần”. Theo anh Logan Trần, nếu đường truyền bị bóp nghẹt thì có thể sẽ hạn chế truy cập internet, làm tốc độ download, upload chậm đi và người sử dụng rất khó truy cập được Facebook, YouTube…

Từ Sydney, Úc, chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, giải thích thêm về vấn đề này: “Thông thường họ bóp nghẹt băng thông ở chiều ra nước ngoài, chứ họ không bóp nghẹt băng thông trong chính Việt Nam, tại vì tất cả những thứ bên trong Việt Nam đều đã bị kiểm soát. Những gì có vẻ đối lập hay va chạm với chế độ hay chính quyền thì họ dập tắt liền chứ họ đâu có để tồn tại đâu mà cần phải bóp băng thông bên trong”. Theo chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu, nếu cơ sở hạ tầng dựa trên băng thông mà tệ như vậy thì làm sao chính quyền VN có thể nghĩ đến việc phát triển công nghệ thông tin? Bởi lẽ, chỉ điều đó thôi sẽ khiến mọi thao tác trên internet bị trì trệ, không chỉ đối với các cơ sở dịch vụ mà người dùng cũng sẽ cảm thấy rất khó chịu, không tiện dụng.

Tham vọng hay khát vọng?

Thực tế là như vậy nhưng tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vào tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại tuyên bố “Chúng ta cần tiến tới một nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số” và ông kết luận phải đưa Việt Nam thành cường quốc về công nghệ thông tin (?!).

Hội thảo quốc tế về An ninh mạng 2019 tổ chức hôm 17/4/2019 tại Hà Nội. Courtesy Vietnam Security Summit 2019

Không những thế, tại Hội thảo quốc tế về An ninh mạng 2019 tổ chức hôm 17/4/2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng còn khẳng định ‘Việt Nam có thể thành cường quốc an ninh mạng’. Ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam có thể trở thành cường quốc an ninh mạng nhờ có nguồn nhân lực an ninh mạng mà theo ông là loại tốt trên thế giới, cộng với khát vọng dân tộc hùng cường và một giấc mơ lớn. Những điều ông Hùng và ông Phúc nói có đủ để đưa Việt Nam thành cường quốc công nghệ thông tin? Liên quan vấn đề này, chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu, nhận định: “Vài lần mình đã khẳng định cơ sở hạ tầng của Việt Nam không đủ để thực hiện những tham vọng mà những ông viên chức tuyên truyền, quảng bá. Ví dụ như một người dùng Facebook bình thường thôi, thì cái media truy cập trên nền tảng mạng xã hội ngày càng phong phú, nào là video, nào là hình ảnh… Để làm cái chuyện mạng xã hội như Việt Nam dạo này hay khuếch trương, thì không thể nào thực hiện được, vì những thứ trên mạng xã hội không thực hiện được vì không đủ băng thông rộng trên internet thì người ta chán lắm, sao sử dụng được”.

Theo kỹ sư Công nghệ Thông tin Đ.X.B, nền tảng 4.0 thì VN chưa đạt, riêng về chính phủ điện tử thì chưa triển khai mạnh, chỉ có ở những thành phố lớn, còn sự đại chúng thì không có. Ông nêu ví dụ ở Nhật, muốn tra cứu gì trên mạng đều công khai nên người dân rất dễ sử dụng. Còn VN, theo ông, chính phủ cần khắc phục nhiều điều. Ông nói tiếp: “Thật ra internet không là nguyên nhân chính, mà chủ yếu do sự triển khai của họ, chứ internet ở Việt Nam đủ để làm những thứ cơ bản nhất cho người dân”. Chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu cho biết, nếu mà đề nghị thành thật thì ông nghĩ quan chức nên bớt tham nhũng, để ngân sách cho các việc ích lợi hơn như đầu tư cho công nghệ thông tin chẳng hạn.

Ông nói tiếp: “Chẳng hạn nếu có tham vọng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh mẽ về công nghệ thông tin, thì phải đầu tư đúng mức cho cơ sở hạ tầng, phải đầu tư đúng mức cho chất xám. Phải có những chính sách và chiến lược lâu dài để nó thành hiện thực. Họ nên bớt những trò tuyên truyền vô ích, đó là những trò màu mè chỉ để sơn phết cho chế độ chứ chẳng làm được gì hết”. Theo khảo sát của Cable, có khoảng hơn 64 triệu người ở Việt Nam, tương đương hơn một nửa dân số của quốc gia, có sử dụng internet. Việt Nam hiện có sáu hệ thống cáp ngầm dưới biển, cộng với kênh 120 Gigabit chạy trên đất liền qua Trung Quốc.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-internet-speed-10-times-slower-than-singapore-08212019135228.html

This entry was posted in Internet. Bookmark the permalink.