Tại sao phải cấp bách sửa đổi Hiến pháp hiện nay?
- Vì Hiến pháp năm 1992 khi ban hành đã không trưng cầu ý kiến toàn dân Việt Nam. Hạn chế, nên chưa huy động được tối đa nguồn lực của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.
- Chưa đủ cơ sở pháp lý mạnh mẽ để thực hiện hòa giải và đoàn kết dân tộc.
- Là đòi hỏi cấp bách của nhân dân Việt Nam trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình thế hiện nay.
- Nội dung và logic hình thức của Hiến pháp 1992 tồn tại những mẫu thuẫn cơ bản.
- Chế định Nguyên thủ Quốc gia không rõ ràng, thiếu, yếu không xứng tầm gây bất lợi cho quan hệ đối nội, đối ngoại.
- Đã hủy bỏ quyền tư hữu đất đai của người dân. Đây là quyền lợi cơ bản, chính đáng của người dân được lịch sử kế thừa đương nhiên. Đây là lời hứa của cuộc cách mạng trước khi cướp chính quyền. Nhà nước phải bảo đảm cái quyền cơ bản ấy. Đây chính là nguyên nhân gây ra đại họa tham nhũng từ các cấp chính quyền; nguyên nhân phổ biến của oan khuất trong nhân dân. Tài nguyên khoáng sản bị chiếm đoạt, môi trường bị hủy hoại, an ninh – quốc phòng bị nới lỏng. Hình thành nên lực lượng người dân bị mất đất, mất nhà ngày càng đông đảo; dân oan khiếu kiện lên các cấp chính quyền không sao giải quyết cho xuể…
- Cơ quan xét xử không được độc lập xét xử, chỉ tuân theo ý kiến chỉ đạo của một tổ chức đứng trên và chi phối nó.
- Bỏ sót cá nhân, tổ chức đứng ngoài vòng pháp luật. Không có chế định xét xử Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.
- Quyền ứng cử, bầu cử tự do của công dân không có quy chế cụ thể nên đã bị Nhà nước lạm dụng xâm phạm.
- Chưa có chế định bầu cử trực tiếp Nguyên thủ Quốc gia.
Những yêu cầu cần sửa đổi:
- Quy định rõ Hiến pháp là bộ luật cao nhất của Nhà nước và của mọi tổ chức xã hội Việt Nam.
- Hiến pháp là kết quả trưng cầu ý kiến toàn dân Việt Nam. Việc hủy bỏ, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải thông qua trưng cầu ý kiến toàn dân Việt Nam.
- Hiến pháp là một văn bản thống nhất về nội dung và logic hình thức, bất cứ khoản nào, điều nào nếu dẫn chứng là mâu thuẫn với khoản khác, điều khác trong Hiến pháp thì đều vô hiệu.
- Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và Xã hội Việt Nam. Bất cứ cách giải thích nào làm hiểu sai, hiểu khác nội dung này đều không có hiệu lực.
- Xác lập chế định bầu cử trực tiếp Nguyên thủ Quốc gia.
- Hiến pháp phải xác lập chế định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của Nguyên thủ Quốc gia.
- Nguyên thủ Quốc gia là đại diện cao nhất của Nhà nước về đối nội, đối ngoại. Nguyên thủ Quốc gia là người thống lĩnh lực lượng vũ trang.
- Hiến pháp phải thừa nhận và bảo đảm quyền tư hữu của người dân về đất đai.
- Quy định cơ quan xét xử là tòa án phải độc lập với cơ quan hành chính, chỉ xét xử theo pháp luật. Tổ chức tòa án theo khu vực tránh song trùng với hành pháp, HĐND các cấp.
- Quy định mọi cá nhân, mọi tổ chức đều bị xét xử trước Pháp luật.
Hà Nội, ngày 25/6/2010
HĐS