Joseph E. Stiglitz
Phan Nguyên dịch
Trong thế giới mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra, nơi hết cú sốc này lại đến cú sốc khác, không bao giờ chúng ta có đủ thời gian để suy nghĩ đầy đủ về tác động của các sự kiện mà chúng ta phải đối mặt. Vào cuối tháng 7, Hội đồng điều hành Cục Dự trữ Liên bang đã đảo ngược chính sách đưa lãi suất về mức bình thường hơn, sau một thập kỷ lãi suất cực thấp kể từ sau cuộc Đại suy thoái. Sau đó, Hoa Kỳ chứng kiến thêm hai vụ giết người hàng loạt trong vòng chưa đến 24 giờ, nâng tổng số vụ xả súng hàng loạt trong năm lên 255 – nhiều hơn một vụ một ngày. Và cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, thứ Trump đã tweet là “tốt, và dễ chiến thắng”, đã bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm hơn, làm náo loạn thị trường và đặt ra mối đe dọa từ một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Ở một cấp độ nào đó, động thái của Fed là không có gì ghê gớm: thay đổi 0,25% sẽ gây ra ít hậu quả. Ý tưởng rằng Fed có thể điều chỉnh nền kinh tế bằng cách thay đổi lãi suất theo một thời gian biểu cẩn thận đến giờ đã bị mất uy tín từ lâu – ngay cả khi nó giúp cung cấp một màn giải trí cho những người theo dõi Fed và việc làm cho các nhà báo tài chính. Nếu việc hạ lãi suất từ 5,25% xuống gần như bằng 0% hầu như không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế trong giai đoạn 2008-09, thì tại sao chúng ta phải nghĩ rằng việc hạ lãi suất 0,25% sẽ có tác dụng quan sát được? Các tập đoàn lớn vẫn đang ngồi trên hàng đống tiền mặt: thiếu thanh khoản không phải là lý do khiến họ ngừng đầu tư.
Cách đây rất lâu, John Maynard Keynes đã nhận ra rằng trong khi thắt chặt đột ngột chính sách tiền tệ, tức hạn chế nguồn cung tín dụng, có thể làm chậm nền kinh tế, thì tác động của chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ khi nền kinh tế đang suy yếu lại có rất ít tác dụng. Ngay cả việc sử dụng các công cụ mới như nới lỏng định lượng cũng không có mấy hiệu quả, như bài học Châu Âu đã được chứng kiến. Trên thực tế, lãi suất âm mà một số quốc gia đang thử nghiệm thậm chí có thể làm suy yếu thêm nền kinh tế do những hậu quả bất lợi lên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và do đó là khả năng cho vay của họ.
Nhưng lãi suất thấp hơn sẽ dẫn đến tỷ giá hối đoái thấp hơn. Thật vậy, đây là kênh chính mà qua đó chính sách của Fed hoạt động hiện nay. Nhưng đó chẳng phải là việc “phá giá tiền tệ để cạnh tranh xuất khẩu” mà chính quyền Trump đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc hay sao? Và có thể dự đoán được rằng các nước khác cũng sẽ phá giá tiền tệ theo, khiến cho bất kỳ lợi ích nào mà nền kinh tế Mỹ được hưởng thông qua hiệu ứng tỷ giá hối đoái thấp sẽ chẳng tồn tại được lâu. Trớ trêu hơn là thực tế rằng đồng nhân dân tệ sụt giá gần đây là vì Mỹ chuẩn bị một vòng áp thuế mới và vì Trung Quốc đã ngừng can thiệp vào tỷ giá hối đoái của họ – nghĩa là ngừng hỗ trợ ngăn đồng nhân dân tệ rớt giá.
Nhưng, ở một cấp độ khác, hành động của Fed đã nói lên nhiều điều. Nền kinh tế Mỹ được cho là rất “tuyệt vời”. Tỷ lệ thất nghiệp 3,7% và tăng trưởng quý I ở mức 3,1% là điều các nước phát triển khác phải ghen tị. Nhưng vén bề mặt ấy lên chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điều phải lo lắng. Tăng trưởng quý II giảm mạnh xuống 2,1%. Số giờ làm việc trung bình trong ngành chế tạo trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Tiền lương thực tế chỉ cao hơn một chút so với mức một thập niên trước, trước khi Đại suy thoái diễn ra. Đầu tư thực tế theo phần trăm GDP thấp hơn nhiều so với mức cuối những năm 1990, mặc dù việc cắt giảm thuế được cho là nhằm thúc đẩy chi tiêu của giới doanh nghiệp, nhưng chủ yếu lại được họ sử dụng để tài trợ cho việc mua lại cổ phần.
Kinh tế Mỹ đáng ra phải bùng nổ với ba biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ trong ba năm qua. Việc cắt giảm thuế năm 2017, chủ yếu mang lại lợi ích cho các tỷ phú và tập đoàn, đã làm mức thâm hụt mười năm của Mỹ tăng thêm khoảng 1,5-2 nghìn tỷ đô. Một khoản chi tiêu thêm gần 300 tỷ đô la trong hai năm đã giúp ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ vào năm 2018. Và vào cuối tháng 7, một thỏa thuận mới để tránh việc chính phủ phải đóng cửa đã bổ sung thêm 320 tỷ đô la vào ngân sách chi tiêu. Nếu phải chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm hàng nghìn tỷ đô la để giữ cho nền kinh tế Mỹ hoạt động tốt, vậy thì cần phải chi bao nhiêu tiền mới đủ nếu nền kinh tế không sáng sủa đến vậy?
Nền kinh tế Mỹ đã không mang lại hiệu quả cho hầu hết người Mỹ, những người có thu nhập bị đình trệ – hoặc giảm – trong nhiều thập niên qua. Những xu hướng bất lợi này được phản ánh qua tuổi thọ trung bình giảm. Dự luật thuế của Trump làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách gây khó khăn cho việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng đang mục ruỗng, cản trở các tiểu bang tiến bộ hơn chi hỗ trợ cho giáo dục, tước đi bảo hiểm y tế của hàng triệu người, và nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ dẫn đến việc tăng thuế cho người Mỹ có thu nhập trung bình, làm hoàn cảnh của họ trở nên tồi tệ hơn.
Phân phối lại từ dưới lên trên – dấu ấn không chỉ của tổng thống Trump mà còn của cả các chính quyền Cộng hòa trước đây – làm giảm tổng cầu, bởi vì những người giàu nhất chỉ dùng một tỉ lệ nhỏ hơn trong thu nhập của họ để chi tiêu so với những người phía dưới thang thu nhập. Điều này làm suy yếu nền kinh tế theo cách không thể bù đắp được ngay cả khi giảm thuế cho các tập đoàn và các tỷ phú. Và thâm hụt tài khóa khổng lồ của Trump đã dẫn đến thâm hụt thương mại rất lớn, lớn hơn nhiều so với thời Obama, vì Mỹ phải nhập khẩu vốn để tài trợ cho sự chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư trong nước.
Trump hứa sẽ giảm thâm hụt thương mại, nhưng sự thiếu hiểu biết sâu sắc về kinh tế của ông ta đã khiến nó gia tăng, giống như hầu hết các nhà kinh tế đã dự đoán. Bất chấp việc Trump quản lý tồi nền kinh tế và cố gắng giảm giá đồng đô la, hay việc Fed giảm lãi suất, chính sách của ông ta đã khiến đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh, do đó không khuyến khích xuất khẩu mà khuyến khích nhập khẩu. Các nhà kinh tế đã nhiều lần cố gắng giải thích với Trump rằng các thỏa thuận thương mại có thể ảnh hưởng đến việc Hoa Kỳ sẽ mua và bán hàng với quốc gia nào, chứ không ảnh hưởng đến mức độ thâm hụt thương mại của Mỹ nói chung.
Trong vấn đề này cũng như trong nhiều vấn đề khác, từ tỷ giá hối đoái cho đến kiểm soát súng, Trump chỉ tin những gì ông ta muốn tin, còn hậu quả thì để cho những người dân dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu.
P.N. dịch
Joseph E. Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001, là Giáo sư tại Đại học Columbia
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/08/12/nhung-hau-qua-tu-chinh-sach-kinh-te-sai-lam-cua-trump/