Có thể nói trong các quốc gia Đông Nam Á, Singapore là đất nước được người Nga quan tâm nhất. Còn ông Lý Quang Diệu là một trong rất số ít ỏi những nhân vật chính trị đỉnh cao thế giới, được đông đảo người Nga nói chung, giới lãnh đạo chính trị Nga, đặc biệt là tổng thống Putin nói riêng rất chào đón, kính trọng và ưa thích. Thậm chí có thể nói là ngưỡng mộ.
Lý do chính là vì, ông Lý Quang Diệu đã mở được một lối đi hiện đại hóa độc đáo riêng phù hợp với Singapore, một quốc gia Châu Á, không những khác Mỹ và Châu Âu, mà thậm chí khác với cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Mô hình Singapore là một nền kinh tế thị trường đầy đủ hiệu quả, trong một xã hội minh bạch, trong sạch có nền dân chủ hạn chế, được Lý Quang Diệu một nhà lãnh đạo độc tài sáng suốt dẫn dắt, bằng bàn tay sắt bọc nhung “ thượng tôn pháp luật”.
Kết quả Singapore đã phát triển thành công, và trở thành một đất nước thịnh vượng, một xã hội hiện đại có một bộ máy chính quyền rất hiệu quả, đặc biệt trong việc chống tham nhũng. Nhưng mặt khác, rõ ràng là Singapore không copy toàn phần mô hình Phương Tây.
Đồng thời Singapore lại luôn giữ được vị thế độc lập trên chính trường và mọi diễn đàn quốc tế, chưa bao giờ để bị Mỹ, Nga, China và các ông lớn khác lôi cuốn vào bất cứ cuộc chiến tranh, xung đột nào, cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Vì vậy, Singapore chính là mô hình thể chế, một xã hội “trong mơ” của người Nga, kể từ khi Piotr Đại Đế mở của sang Châu Âu cuối thế kỷ 17, và truyền cảm hứng mạnh cho người Nga.
Tiếc rằng, tuy việc cộng tác giữa Nga và Singapore khá đa dạng và thành công, nhưng không thành công ở một vấn đề cốt lõi: chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền. Theo báo chí Nga, ngay trong buổi hội kiến đầu tiên, Putin đã bày tỏ mong muốn nhờ Lý Quang Diệu tư vấn chống tham nhũng. Ông hỏi
“Muốn chống tham nhũng hiệu quả phải làm gì? Bắt đầu từ đâu?”. “Phải bắt đầu bằng việc bỏ tù hai, hoặc ba người bạn thân nhất của ông. Tôi tin rằng, ông hiểu rất rõ vì những tội trạng gì phải bỏ tù họ, còn họ cũng rất hiểu vì những trò “nghịch ngợm” gì họ phải ngồi tù”, ông Lý Quang Diệu nói thẳng.
Sau một thoáng im lặng khó xử, Putin đã khéo léo chuyển đề tài. Về sau, dù còn nhiều cuộc gặp gỡ tay đôi giữa họ, nhưng đề tài này không bao giờ được nhắc đến nữa.
Tuy hiện nay ở Singapore đã có gần 10.000 người Nga sống và làm việc thường xuyên, hàng năm có khoảng 100.000 du khách Nga thăm viếng Singapore, nhưng nói chung giống như người Việt, nhìn nhận của người Nga về Singapore vẫn mơ hồ, đầy ngộ nhận và định kiến. Kể cả những người có học thức hay nắm quyền lãnh đạo đất nước như Putin.
Chẳng hạn, một trong những định kiến-ngụy biện phổ biển là tham nhũng ở đâu cũng có, nước nào cũng như nhau, như một thứ tội tổ tông, không bao giờ thoát được. Tôi có một ông bạn vốn là GS Viện Vật lý Đại cương thuộc VHLKH Nga nay đã về hưu. Ông là người hiểu biết và có điều kiện đi khắp thế giới, trong đó có vài lần sang Singapore dự hội thảo hoặc trao đổi khoa học.
Tôi xin phép nhắc lại câu chuyện hồi đầu 2010 giữa tôi và ông này. Khi đó Ủy ban Olympic Quốc tế đã chốt lại 2 ứng cử viên là Moskva và Singapore, cho việc tổ chức Thế Vận hội Thiếu niên Mùa hè (14-18 tuổi). Trong một lần bia bọt, tôi khẳng định với ông bạn, là trong cuộc “chạy đua” này, Moskva chẳng có bất cứ một ưu thế, một cơ hội dù nhỏ và một “cửa” nào trước Singapore cả. “Tại sao?”, ông hỏi.
“Này nhé, về các phương diện: 1) Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và môi trường, Singapore hơn đứt Moskva; 2) An toàn cho cư dân, đặc biệt là trẻ em cũng thế (ở Singapore vài năm mới có một vụ trẻ em mất tích, so với Moskva mỗi tháng có vài vụ); 3) Singapore hầu như không có tham nhũng, so với Moskva ra cửa là gặp tham nhũng (như GAI-cảnh sát giao thông, chẳng hạn).
Ông bạn có vẻ rất buồn bực và nói: “Mục 1) và 2) thì đồng ý. Nhưng còn mục 3), tao không tin! Nước nào chẳng nhiều tham nhũng, nhất là ở Singapore lại toàn bọn China. Đó là bản chất của bộ máy nhà nước, của con người, đặc biệt là bọn China mà!”.
“Đồng ý, nước nào cũng có tham nhũng và hối lộ (quà cáp biếu xén, lì xì) là phát minh của người China”, tôi trả lời. “Có điều là ở Singapore, trong số 20 quan chức chỉ có một người tham nhũng. Trong khi đó ở Nga, cứ 10 quan chức, thì ít nhất có những 20 người tham nhũng”, tôi khẳng định. “Tại sao 20?”, ông bạn Nga hỏi. “Cả thành viên gia đình họ nữa chứ. Sự khác nhau giữa Nga và Singapore, chỉ là ở quy mô và mức độ tham nhũng mà thôi!”, tôi trả lời.
Sau đó, tôi chỉ cho ông xem Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2010 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Internation Tranparency). Năm 2010, Singapore CPI là 93 (hạng 3); Ba Lan CPI là 53 (hạng 41); Nga CPI là 21 (hạng 154); Malaysia CPI là 47 (hạng 61) và Việt Nam CPI là 27 (hạng 114), trên tổng số 178 quốc gia.
Ông bạn chán hẳn. Chúng tôi lập tức chuyển đề tài tập trung vào lĩnh vực chuyên môn bia bọt, mà cả hai chúng tôi đều am hiểu.
Thực ra thì tham nhũng ở Nga còn nghiêm trọng hơn ông bạn tôi hình dung nhiều. Trường hợp tham nhũng tiêu biểu là vụ Đại tá Dmitry Zakharchenko, quyền Cục trưởng một cục thuộc Tổng cục An ninh kinh tế và Phòng chống tham nhũng Bộ Nội vụ Nga bị kết án vì tội nhận hối lộ và cán trở công việc điều tra xét hỏi.
Tháng 09/2016, trong khi khám nhà của ông và người thân, đã thu giữ được tổng cộng hơn 250 triệu USD (8.5 tỷ rúp và hơn 120 triệu USD). Có 5 thân nhân của đại tá Dmitry Zakharchenko tham gia cất giữ tiền và bao che cho ông. Như vậy trong trường hợp này, có 6 người tham nhũng trên 1 quan chức làm việc.
Tuy nhiên ở Nga, vụ Đại tá Dmitry Zakharchenko và nhiều vụ tương tự chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tham nhũng. “Doanh số” tham nhũng hàng năm ở Nga được ước tính là 40-50 tỷ USD. Trong đó, theo ước tính của Cục Kiểm toán quốc gia Nga, hàng năm ngân sách Nga bị thất thoát xấp xỉ 30 tỷ USD, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực mua sắm công.
Lý Quang Diệu coi chống tham nhũng và xây dựng văn hóa giao dịch minh bạch, trong sạch, giữ được niềm tin của người dân vào chính quyền là một trong những vấn đề cốt lõi hàng đầu quyết định số phận Singapore. Lý Quang Diệu đã cố gắng tạo nhiều điều kiện như sau, để việc tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng thuận lợi và hiệu quả:
1) Luật chống tham nhũng hiệu quả, hạn chế tối đa việc lách luật.
2) Ủy Ban Điều tra các hành vi tham nhũng (Corrupt Practice Investigation Bureau) nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Lý Quang Diệu và độc lập tuyệt đối với Quốc hội, Chính phủ và đảng PAP cầm quyền.
3) Báo chí và truyền thông độc lập, được khuyến khích giám sát tham nhũng.
4) Hệ thống Tư pháp và Tòa án độc lập.
5) Bộ máy chính quyền kỹ trị hiệu quả được trả lương xứng đáng, so với mặt bằng khu vực (lương Bộ trưởng bằng lương CEO các tập đoàn tư nhân lớn ở Singapore và trên thế giới).
6) Xây dựng văn hóa và dư luận xã hội cảnh giác, căm ghét và khinh bỉ đối với tham nhũng.
Đảng PAP do Lý Quang Diệu lãnh đạo đã ra tranh cử với khẩu hiệu xây dựng một nhà nước. một chính quyền Singapore trong sạch. Ông tuyên bố “Bạn muốn chống tham nhũng ư? Hãy sẵn sàng bỏ tù cả bạn thân và người bà con (họ hàng)”. Thực tế, Lý Quang Diệu đã tỏ ra “không khoan nhượng với bất cứ ai.
Vào những năm 1981-1982, Teh Cheang Wan, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia đã nhận hối lộ 2 vụ, mỗi vụ 400.000 Dollar Singapore. Khi bị điều tra, ông này đã cầu khẩn Lý Quang Diệu, người bạn, người đồng chí lâu năm trong đảng PAP. Nhưng Lý Quang Diệu đã từ chối gặp, và ông Teh Cheang Wan đã phải tự sát vì xấu hổ.
Thay cho lời kết
Năm 2018 theo báo cáo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Chỉ số nhận thức tham nhũng CPI của một số quốc gia như sau. Singapore CPI là 85 (hạng 3); Ba Lan CPI là 80 (hạng 38); Nga CPI là 28 (hạng 138); Malaysia CPI là 44 (hạng 56) và Việt Nam CPI là 33 (hạng 117), trên tổng số 180 quốc gia. Tại sao chống tham nhũng lại quan trọng như vậy?
Thứ nhất, tham nhũng có thể “tàn phá” một quốc gia hủy hoại niềm tin trong xã hội, vào chính quyền, cản trở phát triển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Có thể dễ dàng nhận biết điều này, qua việc so sánh hai quốc gia Nga và Ba Lan.
Trước hết về thu nhập, có thể so sánh GDP TB người của hai quốc gia (tương đương giá 1990) theo Biểu đồ 1. Từ xuất phát điểm có GDP TB thấp hơn nhiều so với Nga năm 1991, hiện nay Ba Lan có GDP TB người cao hơn Nga đôi chút.
Đồng thời rõ ràng khác với Nga đang suy thoái, Ba Lan phát triển ổn định, bền vững. Thực tế hiện nay về nhiều phương diện, giữa Nga và Ba lan có sự khác biệt rất đáng kể.
Đầu tiên, về CPI (Corruption Perceptions Index), năm 2018, Ba Lan CPI là 80 (hạng 38); Nga CPI là 28 (hạng 138). Nghĩa là mức độ tham nhũng ở Nga cao hơn Ba Lan rất nhiều. Trong khi Ba Lan là một quốc gia với nền kinh tế thị trường đầy đủ, chế độ dân chủ trưởng thành, kiểm soát tham những tốt, thì Nga là một quốc gia “tư bản độc quyền nhà nước”. Điều này cũng dẫn đến phân hóa xã hội, đến bất bình đẳng thu nhập nghiêm trọng.
Chẳng hạn năm 2015, GINI- hệ số bất bình đẳng thu nhập của Nga là 0.45 còn Ba Lan chỉ là 0.30 tương ứng. Tất cả những yếu tố này, đương nhiên dẫn đến những hậu quả xã hội rất tiêu cực.
Cụ thể, là năm 2017, lương TB ở Nga là 36.000 rúp (541 USD), lương tối thiểu là 11.136 rúp (165 USD), lương hưu trung bình là 13.700 rúp (205 USD) và lương hưu tối thiểu là 8.500 rúp (126 USD), trong khi mức tiêu dùng tối thiểu trung bình 10.444 rúp (156 USD). Nghĩa là trong nhiều trường hợp, lương hưu tối thiểu của người Nga không đủ sống.
Trong khi đó năm 2017, lương TB ở Ba Lan là 1240 USD, lương tối thiểu là 565 USD, lương hưu trung bình là 540 USD và lương hưu tối thiểu là 250 USD, mức tiêu dùng tối thiểu trung bình là 136 USD. Nghĩa là lương hưu tối thiểu cao gần gấp đôi mức tiêu dung tối thiểu.
Tóm lại, với một mức GDP TB người xấp xỉ nhau, so với người Nga, thu nhập thực tế của người Ba Lan (lương) cao hơn gần 2.5 lần. Đặc biệt cuộc sống của người về hưu, người già Ba Lan cao và bình ổn hơn hẳn người Nga, tỷ lệ người nghèo rất thấp.
Ngoài ra, rõ ràng là ở Ba Lan, tham nhũng không quá gây bức xúc, còn bất bình đẳng thu nhập thì không làm người dân “nhức mắt” như ở Nga.
Thứ hai, tham nhũng liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia. Chẳng hạn, dưới thời Thủ tướng Najiv Razak, Malaysia đã ký một số hợp đồng xây dựng hạ tầng cơ sở với China, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai cho quốc gia này. Điều này đã khiến ông Mahathir Mohamad ở tuổi 92, vẫn phải quay lại chính trường để sữa chữa những sai lầm và “trừng trị” cựu thủ tướng Najiv Razak một học trò “hư hỏng” của mình.
Tất nhiên, điều này hoàn toàn không thể xảy ra ở Singapore, nơi bộ máy kỹ trị tự trọng, làm việc hiệu quả và kiểm soát tham nhũng tốt, sẽ không bao giờ cho phép lãnh đạo cao cấp của mình bị China cám dỗ. Tóm lại, quốc gia Singapore với sự “miễn nhiễm” cao trước tham nhũng, đang có một vành đai phòng thủ nhiều tầng vững chắc chống sự thâm nhập của cám dỗ tham nhũng China.
PS. Tạm kết nếu các nước Đông Nam Á (kể cả Việt Nam) muốn chống được China xâm chiếm biển đảo và tham chiếu thành công được kinh nghiệm tự lực tự cường của Singapore luôn giữ được vị thế độc lập trên chính trường và mọi diễn đàn quốc tế, không bao giờ để bị Mỹ, Nga, China và các ông lớn khác lôi cuốn vào bất cứ cuộc chiến tranh, xung đột nào, cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của mình, thì phải kiên quyết chống tham nhũng. Riêng Việt Nam còn phải chống được thành công buôn lậu qua biên giới Việt-Trung trị giá 15-20 tỷ USD năm.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1291035484407299&id=100005025792996