Nguyễn Quang Thái
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam VIDERI
Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đổi mới và phát triển, trở thành một hình mẫu của nhiều nước, nhất là về tăng trưởng và giảm nghèo, thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ MDG (1990-2015). Từ một nước thu nhập thấp bậc nhất 30 năm trước, đến năm 2009, GNI bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt 1000 USD/người và từ năm 2018 đã đạt gần 2.600 USD/người.
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu vào nội tại nền kinh tế có thể thấy nhiều lực cản và mất cân đối lớn, nhiều yếu kém đang kìm hãm sự phát triển, nhất là về thể chế, không huy động có kết quả các tiềm năng và thế mạnh của đất nước và thời đại, làm cho sức phát triển bị chậm dần; các tác dụng tích cực của thể chế của đổi mới năm 1986 dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng hiệu quả đang bị thách thức lớn.
Nhìn thẳng vào sự thật, cũng có thể thấy rõ còn nhiều yếu kém và cả tụt hậu vẫn chưa khắc phục được sau 33 năm đổi mới, nhất là trong so sánh tương quan với các nước trong khu vực và thế giới như về năng suất lao động, thu nhập bình quân, cơ cấu kinh tế và thể chế kinh tế.
Thực trạng hiện nay đòi hỏi Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển mới, với năng suất lao động vượt trội, dựa trên sự đổi mới mạnh mẽ về thể chế, khoa học công nghệ, giáo dục, sự vượt lên của khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nội địa. Thêm vào đó, tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đang tác động rất lớn đến tiến trình phát triển bền vững đất nước, ảnh hưởng đến thành quả phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân.
Đặc biệt, các vấn đề xã hội đang để lại nhiều bất ổn trên nhiều chiều cạnh mà nguyên nhân chính là do chính sách và cách ứng xử của con người đối với quá trình phát triển còn nhiều bất cập. Dù chỉ số GINI không quá cao so với các nước trong khu vực và khá ổn định (thấp hơn 0,4), nhưng khoảng cách giữa nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất với 20% dân cư thu nhập thấp vẫn ở mức cao tới 10 lần, tầng lớp siêu giầu giầu thêm, phô trương sự xa xỉ, trong khi đời sống của cư dân ở một số vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và nhóm người yếu thế (người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, …) đang gặp khó khăn triền miên.
Chính trong điều kiện đó, quan điểm Phát triển hài hòa (inclusive) đang đặt ra các vấn đề lớn về một mô thức (mô hình) phát triển cần hướng tới. Bài viết này bao gồm một số mục với tiêu đề xa gần gắn với chủ đề về mô hình phát triển bao trùm, hài hòa.
Phát triển hài hòa nên hiểu là gì?
Phát triển (tăng trưởng) bao trùm, hài hòa hoặc bao dung (inclusive growth) được xem là một cách tiếp cận, một quan điểm về phát triển, theo đó trong quá trình phát triển có thể tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong việc tham gia và thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau/ không ai bị bỏ ra bên lề xã hội.
Do đó, phát triển bao trùm, hài hòa bao hàm cả các liên kết vĩ mô (với các cân đối lớn nhất của toàn hệ thống bảo đảm sự tăng trưởng hợp lý và hệ thống phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường) và vi mô (với từng cân đối cụ thể ở tầm doanh nghiệp, làng xã và cộng đồng, đảm bảo sự hài hòa tổng thể trong tiếp cận nguồn lực và thụ hưởng thành quả, tạo ra sự động lực tăng trưởng cho mọi người); cả đầu vào (sự bình đẳng về cơ hội trong điều kiện tiếp cận thị trường, tài nguyên và môi trường pháp lý không thiên vị cho doanh nghiệp và cá nhân nào) và đầu ra (phân phối và phân phối lại thu nhập cho công bằng và năng cao mức sống hợp lý cho toàn dân) cần được xem xét kỹ lưỡng và phân tích thấu đáo.
Với khái niệm phát triển inclusive này, UNDP, IMF và ADB nhấn mạnh đến khía cạnh bao quát mọi người tham gia quá trình phát triển và cùng hưởng thụ thành quả của phát triển, còn Ngân hàng thế giới (WB) thì không chỉ nhấn mạnh hài hoà và công bằng nói chung, mà còn nhấn mạnh thêm sự chú ý đặc biệt với tầng lớp yếu thế, nhất là người nghèo, mà không cào bằng đơn giản.
Nhưng khác với quan điểm giảm nghèo “một chiều” được nhấn mạnh lâu nay, chỉ hướng tới người nghèo, tăng trưởng bao trùm còn hướng đến tầng lớp trung lưu và cả người có thu nhập cao để mọi người cùng tham gia vào quá trình phát triển toàn xã hội, tạo thêm thu nhập và phúc lợi cho toàn xã hội và từ đó có nguồn lực tổng thể lớn hơn hẳn để tạo ra cơ hội “phân bổ” hài hòa giữa các tầng lớp nhân dân, cho mọi người.
Như vậy, tăng trưởng bao trùm sẽ mang lại chất lượng tốt hơn, cả số lượng nhiều hơn và từ đó có cơ sở để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Một cách tiếp cận “thương” người nghèo đơn giản, hoặc chỉ vì người nghèo một chiều sẽ không mang lại áo ấm cơm no cho bản thân người nghèo so với tăng trưởng bao trùm để tạo thêm nhiều việc làm có năng suất, thêm nhiều của cải cho xã hội và từ đó mỗi người dân và mọi giai tầng xã hội đều có thể hưởng lợi tốt hơn (“cùng thắng” win-win).
Trước đây, để “công bằng” người ta thường dành một phần quan trọng nguồn đầu tư và hỗ trợ xã hội trực tiếp cho người nghèo, mà chưa chú ý để tạo điều kiện cho cả các tầng lớp trung lưu và giầu có hơn có cơ hội để cả nước cùng được phát triển, mọi người đều được hưởng lợi.
Như vậy, cách làm “cào bằng” bình đẳng trong ngắn hạn, những tưởng có thể làm cho người nghèo có thể có thêm “miếng cơm, manh áo”, nhưng về dài hạn thì quy mô (lượng) thụ hưởng không tăng mạnh được vì nguồn lực cả xã hội không tăng mạnh.
Ví dụ gần đây nhất là nhiều huyện đã được công nhận “nông thôn mới” theo 19 tiêu chí, nhưng trong các huyện đó lại còn nhiều hộ nghèo, người nghèo, các khoản đầu tư được bao cấp từ ngân sách hoặc thậm chí phải vay nợ. Trong khi đó, nếu cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp, để họ có cơ hội tham gia quá trình phát triển, tăng trưởng, tạo thêm việc làm cho mọi người, bao gồm cả người nghèo và từ đó tăng thêm thu nhập chính đáng cho mọi người (thu nhập từ lao động và tài sản, bao gồm cả lợi nhuận cho giới chủ) thì cả xã hội có lợi hơn về dài hạn trong kinh tế thị trường địch thực. Sự ổn định xã hội sẽ bền vững hơn.
Như vậy, dù sắc thái có khác nhau ở nước này hay nước khác, nhưng phát triển hài hòa, bao trùm đòi hỏi không chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn mà còn bảo đảm cơ sở cho sự tăng trưởng vững chắc, bằng cách tạo điều kiện đồng đều trong cơ hội tham gia quá trình phát triển và từ đó cùng nhau thụ hưởng công bằng thành quả của tăng trưởng.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế, cách dùng tiền để trực tiếp hỗ trợ người nghèo được xem là việc giảm nghèo không bền vững, mà cần thực hiện giảm nghèo đa mục tiêu, chú ý đến chất lượng tăng trưởng và giảm nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo nâng cao trình độ giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ và trẻ em…
Muốn vậy, cách làm khôn ngoan là đưa ra mô hình phát triển cho mọi nhà, bao gồm cả người nghèo. Như vậy của cải được tạo ra cho toàn xã hội nhiều hơn, ai cũng được lợi hơn.
Trong phương thức phát triển bao trùm mới, tốc độ tăng trưởng không thể đặt ra như mục tiêu phát triển cao nhất, mà là hệ quả của việc tìm kiếm đúng động lực (động lực cho từng cá nhân và nhóm người vì lợi ích và động lực phát triển xã hội theo nghĩa rộng nhất), tạo ra sự phát triển hài hòa trong kinh tế, xã hội và tự nhiên, bảo đảm sự liên kết các mặt kinh tế, xã hội, môi trường trong một thể thống nhất với bệ đỡ thể chế vững chắc, liên kết các bộ phận cấu thành trong một hệ thống toàn vẹn và phát triển.
Phát triển bao dung ở Việt Nam
Mô hình tăng trưởng bao trùm sẽ loại trừ được cách thức cố gắng tăng trưởng bằng mọi giá, cuối cùng làm giảm hiệu quả và giảm thiểu cả động lực tăng trưởng của toàn xã hội trong dài hạn.
Trong quá trình phát triển, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, không chỉ lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp được chú trọng, mà khu vực nông nghiệp, nông thôn, nơi có 2/3 dân số và 45% lực lượng lao động cả nước đang làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn cần được chú trọng.
Theo quan niệm đúng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ là phát triển công nghiệp, mà là phát triển toàn bộ nền kinh tế theo “phong cách” công nghiệp. Muốn vậy, cần tạo điều kiện để chuyển đổi lao động thuần nông sang ngành nghề khác ở thành thị hoặc ngay tại nông thôn “mới”.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngay tại khu vực nông nghiệp và nông thôn, tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân ở nông thôn và vùng ven đô. Trong nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam đặc biệt chú trọng đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh ưu tiên đầu tư hạ tầng nông nghiệp, chúng ta cần tập trung tháo gỡ tắc nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp; lựa chọn ngành hàng chiến lược để phát triển các chuỗi ngành/sản phẩm liên kết từ sản xuất – chế biến – phân phối; ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh nông sản, làm cho sản phẩm từ nông nghiệp nông thôn có thể gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong sự liên kết này, vai trò của doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định, trở thành khâu nối kết sản xuất với thị trường một cách hiệu quả nhất, xã hội sản xuất cái thị trường cần, với hiệu quả cao nhất. Từ đó có điều kiện liên kết các sản phẩm của ngành nông nghiệp với công nghiệp chế biến, cung ứng thực phẩm và lương thực “sạch” theo nhu cầu của thị trường trong nước và trên thế giới.
Đối với lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, cần nâng cao chất lượng tăng trưởng, sử dụng lao động có nhiều kỹ năng và công nghệ sáng tạo để phát triển. Những thành tựu vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và viễn thông ICT đang trở thành một mũi đột phá của phát triển. Nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo trong lĩnh vực ICT đã làm cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đạt được bước tiến vượt bậc trong “khởi nghiệp” (start-up), với các ý tưởng sáng tạo, độc đáo, có sức lan tỏa mạnh.
Trong lĩnh vực dịch vụ, việc đẩy mạnh sự nghiệp y tế và giáo dục, khai thác lợi thế về du lịch biển đảo và các thắng cảnh có ý nghĩa quan trọng đến nâng cao mức sống và năng suất lao động của người dân, khi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới (Cách mạng kỹ thuật lần thứ tư), trong đó tích hợp một cách thông minh các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và phát triển xã hội vì con người, tận dụng được các lợi thế của đất nước.
Việc tiến hành đan xen các hoạt động khoa học công nghệ sáng tạo, làm nên năng suất lao động cao vượt bậc trong sự đan xen của các ngành nghề chính là một đặc trưng quan trọng bậc nhất của cuộc “cách mạng kỹ thuật lần thứ tư”.
Các diễn biến phức tạp về biến đổi khi hậu và tình trạng nước biển dâng đang gây nguy hại trên thế giới và ở Việt Nam như đã thấy ở đồng bằng sông Cửu Long, ven biển Miền Trung và rét hại ở Miền núi phía Bắc từ vài năm nay. Điều này đòi hỏi cần có quan điểm phát triển thân thiện với môi trường, tăng cường khả năng chống chịu trước các tác động “cực đoan” khó lường về môi trường. Thậm chí các giải pháp đưa ra lúc này cần có quan điểm sáng tạo, vượt trội và thích ứng với giai đoạn mới.
N.Q.T.