Hải Lý, từ Canada
Một khi bàn tay lông lá của Trung Cộng thò vào lũng đoạn nền tư pháp Hồng Kông, thì chẳng ai còn được an toàn cả. Người đấu tranh chính trị thì không nói làm gì, nhưng kẻ dù chỉ chăm chú kinh doanh cũng chẳng được yên phận mà lo làm giàu”.
Hàng triệu người biểu tình phản đối luật dẫn độ. Chủ nhật 9-6-2019, Hồng Kông
Ông Mark Simon, trong bài viết với tựa đề “As China’s Communist Party destroys Hong Kong, New York is set to benefit” (tạm dịch “Lúc chính quyền Trung Cộng tàn phá Hồng Kông thì cũng là lúc New York bắt đầu hưởng lợi”) trên tờ Hong Kong Free Press ngày 1-6 vừa qua, đã đưa ra một góc nhìn khác về luật dẫn độ các nghi phạm từ Hồng Kông về Trung Quốc để xét xử.
Tại sao người Hồng Kông phản đối luật dẫn độ này?
Họ phản đối vì nó không chỉ là một sự can thiệp thô bạo của tòa án Trung Cộng vào nền tư pháp độc lập của Hồng Kông. Họ phản đối không chỉ vì họ không tin vào cái công lý rừng rú ở Trung Quốc. Mà họ phản đối còn là vì luật dẫn độ sẽ khiến Hồng Kông mất đi một lợi thế mũi nhọn về kinh tế – vốn từng giúp Hồng Kông trở thành trung tâm tài chính hàng đầu của thế giới – ngang ngửa hoặc có khi hơn cả New York.
Lợi thế đó là gì? Mark Simon viết: “Đó là sự an toàn. Trong kinh doanh, sự an toàn ấy đồng nghĩa với một nền tư pháp thành thật, độc lập và minh bạch. Giới kinh doanh ở Hồng Kông vận động chống lại luật dẫn độ này nào phải là vì họ ngứa mình muốn gây sự với đảng CSTQ. Họ nhìn thấy được cái giá phải trả cho nó. Cái giá phải trả cho hiệp ước dẫn độ của bà Carrie Lam là sự an toàn. Cái giá phải trả cho một hệ thống kinh tế mà thiếu sự an toàn là quá cao đối với tài chính quốc tế”.
(“It is safety. Safety for business is an honest, independent, and transparent legal system. The Hong Kong business community is not lobbying against the extradition because they spoil for a fight with the Communist Party. Business sees the threat of the extradition treaty as the true cost it will become. The cost of Carrie Lam’s extradition treaty is safety. Without safety in an economic system, the cost of that system is too high for international finance”.)
Simon kết luận bài viết một cách chua chát: “Một lần nữa, bạn có thể thắng chỉ vì đối thủ (tự) bại. Đảng Cộng sản (Trung Quốc) đã chặt đứt một lợi thế thật sự của Hồng Kông, đó là quy tắc hành pháp. Thành phố New York không thể nói gì khác ngoài tiếng cám ơn”.
(“Again, you can win because someone else loses. The Communist Party is destroying Hong Kong’s one real advantage, the rule of law – New York City says thanks”.)
Cuộc xuống đường tại Hồng Kông chống lại luật dẫn độ ngày Chủ nhật 9-6 vừa qua, theo số liệu của Ban Tổ chức, được ước tính có trên dưới một triệu người tham dự, có thể xem là cuộc biểu tình lớn nhất trên đảo quốc này trong vòng hai mươi năm qua. Cuộc biểu tình bao gồm đủ mọi thành phần: công chức, sinh viên, luật sư và thương nhân.
Một khi bàn tay lông lá của Trung Cộng thò vào lũng đoạn nền tư pháp Hồng Kông, thì chẳng ai còn được an toàn cả. Người đấu tranh chính trị thì không nói làm gì, nhưng kẻ dù chỉ chăm chú kinh doanh cũng chẳng được yên phận mà lo làm giàu.
Hơn ai hết, Hồng Kông hiểu rất rõ điều ấy.
H.L.