Tiếng nói của Tuổi trẻ – Sẽ không có trái ngọt cho một sự tranh đấu nửa vời

Trích FB Lương thị Huyền

Có một điều mà tôi tin rằng trong tương lai, khi phong trào đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền càng phát triển thì chúng ta càng phải lưu tâm hơn. Đó là thay vì chỉ phê bình, chỉ trích, than van, chúng ta sẽ tự hỏi mình và hỏi lẫn nhau rằng trước những vấn nạn và bất công ấy thì chúng ta làm gì?

Chúng ta làm gì? Chỉ trích nhà nước và mong chờ họ sẽ tự sửa mình, sẽ tốt hơn sao?

Tôi tin rằng những người hiểu được căn nguyên gốc rễ của vấn đề, hiểu về thể chế, chắc chắn sẽ không còn ngây thơ mà trông chờ vào lương tri, vào sự thay đổi của những kẻ bây giờ đang nắm quyền trong đảng cộng sản. Chúng ta hiểu rằng chỉ có một cách là tự mình tranh đấu và xây dựng.

Nhà nước dân chủ hay độc tài, về mặt bản chất là thế tương quan giữa người dân và chính quyền. Một chính quyền dùng toàn bộ các công cụ quyền lực để cai trị, kiểm soát người dân như ở Việt Nam hiện nay thì đó là chế độ độc tài. Chúng ta muốn dân chủ, không còn cách nào khác, phải thay đổi thế tương quan đó, phải giúp người dân mạnh lên, giành quyền lại cho mình, từ đó xây dựng một nền pháp trị. Vì thế, việc của những người mong muốn thay đổi xã hội sẽ không đơn thuần là chỉ ra xem nhà nước làm gì, sai trái, xấu xa ra sao, mà quan trọng hơn nữa là chúng ta làm gì, làm như thế nào?

Cá nhân tôi tin rằng chúng ta sẽ thắng khi ta Cùng nhau làm. Đúng việc. Đúng cách.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể cùng nhau làm, đúng việc và đúng cách? Muốn cùng nhau thì phải sẻ chia với nhau một hệ giá trị cốt lõi, trong đó quan trọng nhất là sự thật. Lẽ đương nhiên ta không thể chung đường mà lừa dối lẫn nhau. Tôi luôn luôn tin rằng, nếu chúng ta không có đạo đức, không tôn trọng sự thật, thì công việc đấu tranh sẽ chỉ là vô nghĩa.

Tôi đã phải phân vân rất lâu trước khi viết bài này. Tôi rất buồn và thất vọng khi phải chỉ ra cái sai, cái không thật của những người đang đấu tranh, đang đòi công lý.

Xin đọc trong link này: https://jffv.org/2019/05/30/truoc-nhung-sai-pham-moi-cua-nha-may-gang-thep-formosa-hoi-cong-ly-cho-nan-nhan-formosa-jfv-vua-chinh-thuc-nop-don-khieu-nai-tai-uy-ban-nhan-quyen-lien-hiep-quoc/?fbclid=IwAR080rsTx0fT4U5ARpAp3e0p9AEp12RMTDn7oFScb0bOBBuT6gSYvqrBLGo

Đây là đường dẫn đến trang web của Hội Công lý cho nạn nhân Formosa, viết tắt là JFFV. Theo đó họ thông tin như sau:

Geneva: 27/5/2019: Trước những bằng chứng mới đây về việc công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh tiếp tục xả thải hóa học độc hại vào biển và hàng triệu tấn thải rắn lan tràn, thay mặt cho hàng ngàn nạn nhân bị ảnh hưởng vì thảm họa môi trường Formosa, hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa đã chính thức gửi đơn khiếu nại lên Ủy Ban NhânQuyền của Liên Hiệp Quốc để tố cáo những vi phạm môi trường của công ty Formosa qua việc xả thải làm cá chết và ô nhiễm môi trường và những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề bồi thường cho nạn nhân.

Đơn khiếu nại gồm 2 văn bản:

I. Văn bản thứ nhất (Tiếng Việt, English)  gồm 20 trang nêu 6 vi phạm trầm trọng của nhà nước Việt Nam; bao gồm vi phạm quyền được sống trong môi trường, bình an, trong sạch và lành mạnh, quyền hưởng thực phẩm sạch và lành mạnh, quyền được làm việc và phương tiện sinh sống, quyền được biết những thông tin và quyền được phát biểu, quyền tự do lập hội và quyền khắc phục những mất mát một cách hữu hiệu.

Đơn tố cáo cũng yêu cầu Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hãy khuyến cáo và trừng phạt nhà nước Việt Nam nếu họ không thực hiện những điểm sau đây:

  1. Thành lập một Ủy Ban điều tra để tìm hiểu và đòi hỏi việc bảo đảm cho tất cả nạn nhân phải được đền bù xứng đáng về những mất mát vật chất cũng như tinh thần.
  2. Thành lập một Ban điều tra độc lập gồm có những chuyên viên quốc tế tham dự để tìm hiểu ngọn ngành những gì đã xảy ra và ai là những người phải chịu trách nhiệm.
  3. Thành lập nhóm làm việc của Ủy Ban Nhân quyền để tái đàm phán với công ty Formosa về tiền bồi thường cho nạn nhân một cách công bằng.
  4. Nhà nước CSVN phải lập ra những luật lệ bảo đảm về môi trường và sự thanh tra chặt chẽ.
  5. Nhà nước VN phải thường xuyên kiểm soát và đánh giá sự an toàn của nước.
  6. Thả lập tức và vô điều kiện các tù nhân lương tâm, cũng như bảo đảm quyền phát biểu của người dân.
  7. Thành lập nhóm nghiên cứu quốc tế, độc lập và chuyên ngành về những chất độc và những dung dịch độc hại để theo dõi tình trạng an toàn của nước để bảo đảm người dân có nguồn thực phẩm hải sản an toàn,
  8. Yêu cầu chính phủ Việt Nam đưa ra những đạo luật với những hình phạt nặng nề đối với những người vi phạm để phòng ngừa những thảm họa môi trường như Formosa không thể xảy ra.

II. Văn bản thứ hai (Tiếng Việt, English) dài 18 trang có nội dung tương tự và được gửi tới các Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc để thành lập những Ủy Ban điều tra dưới đây:·

  • Working Group on the issue of human rights and transnational corporations and other business enterprises: Mr. Githu Muigai; Mr. Surya Deva; Ms. Elzbleta Karska; Ms. Anita Ramasastry; Mr. Dante Pesce·
  • Special Rapporteur on human rights and the Environment : Mr. David R. Boyd Special Rapporteur on the right to food: Ms. Hilal Elver·
  • Special Rapporteur on the promotion and protection of the right to freedom of opinion and expression: Mr. David Kaye·
  • Special Rapporteur on the rights to freedom of peaceful assembly and of association: Mr. Clement Nyaletsossi Voule·
  • Special Rapporteur on the implications for human rights of the environmentally sound management and disposal of hazardous substances and wastes: Mr. Baskut Tuncak
  • Special Rapporteur on the right of everyone to the enjoyment of the highest attainable standard of physical and mental health: Mr. Dainius Puras

Theo thủ tục, Ủy Ban Nhân Quyền sẽ cứu xét và sẽ có thư trả lời cho hội JFFV về quyết định của Ủy Ban. Điều mà hội JFFV mong mỏi là Ủy Ban Nhân Quyền sẽ lập một nhóm điều tra để nếu họ tìm ra những vi phạm, họ sẽ có đưa ra những quyết định khuyến cáo hoặc trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm. Chúng tôi xin cho đăng nguyên văn hai bản cáo trạng này và sẽ cho đăng bản dịch tiếng Việt trong những ngày tới.

Đọc những thông tin này, tôi băn khoăn mãi một câu hỏi, không lẽ JFFV không biết rằng “yêu cầu Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hãy khuyến cáo và trừng phạt nhà nước Việt Nam” là một yêu cầu hoàn toàn sai khi đệ trình bất cứ bản báo cáo hay khiếu nại nào lên các Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc ư? Các Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc không có bất cứ một chế tài nào để trừng phạt một nhà nước nào trên thế giới. Liên Hợp Quốc chỉ đưa ra khuyến nghị khi xem xét có sai phạm trong việc thực hiện các Công ước mà nhà nước đó đã ký và phê chuẩn.

Khi đọc chi tiết đơn khiếu nại được đệ trình, tôi thấy thật khó để nghĩ rằng Hội “Công lý cho nạn nhân Formosa” không biết đến một điều quá sức căn bản này. Trong thư khiếu nại có những lập luận xác đáng để chỉ ra rằng thảm họa Formosa đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với môi trường sống, sinh kế của người dân. Thư khiếu nại đồng thời nói rằng nhà nước Việt Nam đồng thời cũng vi phạm nhiều điều khoản trong Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia vào năm 1982, mà trong Công ước đó, ngay tại điều 1 đã ghi rằng: Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Vậy thì nếu Liên Hợp Quốc đưa ra chế tài trừng phạt nhà nước Việt Nam như JFFV yêu cầu thì tức là Liên Hợp Quốc sẽ vi phạm chính điều khoản này trong Công ước mà họ soạn thảo. Đến đây tôi để ngỏ hai khả năng, một là JFFV thực sự không biết những điều mà tôi chỉ ra trên đây, và như thế thì thật đáng buồn. Bởi một hội nhóm đấu tranh, tổ chức quyên góp và đại diện cho bao nhiêu bà con đi đòi công lý mà lại “ngây thơ” (hay tắc trách?) đến mức này thì bà con có thể trông chờ gì vào họ? Càng đáng tiếc hơn bởi nếu như JFFV không biết thì cũng còn rất nhiều người khác biết. Có những tổ chức Nhân quyền rất rành rẽ trong việc vận động quốc tế mà họ hoàn toàn có thể tìm đến để nhờ hợp tác, trợ giúp kia mà.

Khả năng thứ hai, đáng buồn hơn nữa, là JFFV biết nhưng họ cố tình nói sai. Họ thông tin không đúng sự thật, nói dối những người đã ủng hộ họ, quyên góp tiền cho họ, gửi gắm niềm hy vọng trong những nỗ lực của JFFV, rằng ít nhất có thể tranh thủ sự ủng hộ của Quốc tế đối với một vấn đề mà nhân dân ở thế yếu hơn chính quyền khi tranh đấu ở trong nước. Mong , rất mong JFFV sẽ nhìn nhận sự sai lầm và chỉnh sửa.

Sẽ không có trái ngọt cho một việc đấu tranh nửa vời. Và sẽ càng không có thành quả khi ta thực hiện một cuộc đấu tranh mà chính mình lại không tôn trọng những giá trị đạo đức cốt lõi nhất, không tôn trọng sự thật. Chúng ta biết để nhắc nhau, để rút ra những bài học kinh nghiệm, để tránh những sai lầm không đáng. Bởi chúng ta chỉ có thể dùng ánh sáng để xua đi bóng tối, chỉ thắng được gian tà khi ta đứng về chính nghĩa mà thôi.

L.T.H.

Tác giả Thục Quyên chuyển đăng BVN

This entry was posted in Tiếng nói của Tuổi trẻ. Bookmark the permalink.