Vì sao nhiều công an được ví như ‘côn an’?

Minh Châu

Theo Tờ trình, nếu chính quy hoá lực lượng Công an xã sẽ làm tăng rất lớn biên chế lực lượng công an Nhân dân và Nhà nước khó có khả năng bảo đảm kinh phí để chi trả tiền lương, phụ cấp, chế độ chính sách. Vì vậy dự thảo Luật Công an xã quy định theo hướng Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách.

https://1.bp.blogspot.com/-F7xOCRJCYQo/XRy9rghzlHI/AAAAAAAAC24/TyslIybyp6ssjgiauQPs3gdofC_XjIpbACLcBGAs/s640/cong-an-xa-.jpg

Hôm 3-7, trên trang Việt Nam Thời Báo có bài viết đặt vấn đề phải chăng Bộ Công an đang có ý định “Đem con bỏ chợ: thay công an xã bằng công an chính quy”? [http://www.vietnamthoibao.org/2019/07/vntb-em-con-bo-cho-thay-cong-xa-bang.html].

Nội dung bài viết nói trên nghiêng về chủ quan phê phán của tác giả. Xin được làm rõ hơn các vấn đề xoay quanh việc chính quy hóa lực lượng công an xã.

Những hoạch định đang lấy ý kiến

Hiện tại, Nghị định quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy vẫn trong giai đoạn dự thảo lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng. Theo đó, lộ trình bố trí Công an xã chính quy dự kiến như sau: Đối với các xã hiện đang thiếu Trưởng Công an xã (là công chức cấp xã), do nghỉ việc, chuyển công tác khác thì Trưởng Công an cấp huyện báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh, quyết định bổ nhiệm, điều động Công an chính quy thay thế.

Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, thì Trưởng Công an cấp huyện tham mưu với Chủ tịch UBND cùng cấp có kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp công tác khác đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thường trực (lực lượng bán chuyên trách) để điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã theo quy định của bản dự thảo Nghị định.

Đối với các xã không phải là trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, thì căn cứ tình hình an ninh, trật tự của địa phương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với Chủ tịch UBND cấp huyện, có kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp công tác khác đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thường trực (lực lượng bán chuyên trách hiện nay), và có chính sách giải quyết phù hợp; không bổ nhiệm Trưởng Công an xã hoặc Phó trưởng Công an xã (là công chức cấp xã) do nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác để bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã.

Đối với Phó trưởng Công an xã, Công an viên thường trực chưa sắp xếp, bố trí được công tác khác và Công an viên ở thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương thuộc xã, thị trấn (là những người hoạt động không chuyên trách) vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội do Trưởng Công an xã giao và hưởng các chế độ chính sách theo Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác.

Hiện tại, phía Bộ Công an có đề xuất đưa dự án Luật Công an xã vào Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo đó, hiện tại Luật Công an nhân dân quy định lực lượng công an gồm 4 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, nhưng dự thảo Luật Công an xã lại quy định Công an xã chỉ là bán chuyên trách. Xu hướng chung là 4 cấp này phải chuyên trách. Lực lượng Công an sẽ chính quy hoá lực lượng Công an xã nhưng không tăng biên chế, hoàn toàn chỉ là sắp xếp, điều chỉnh trong nội bộ. Đây cũng chính là ‘tinh thần’ của nhóm soạn thảo về Nghị định quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, đang được đưa ra lấy ý kiến.


Vì sao cần phải thay đổi?

Ghi nhận từ báo chí cho biết, ở chuyện các lái xe, nhà xe phản đối các trạm BOT trên tuyến quốc lộ 1 như: BOT Cai Lậy (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), BOT Phụng Hiệp (thành phố Cần Thơ), BOT Sóc Trăng (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng)…, thì lẽ ra đây là chuyện của ngành giao thông, thế nhưng, không hiểu vì sao một số cán bộ công an xã lại can thiệp.

Đơn cử, khi rất nhiều tài xế dừng xe tại các làn thu phí để phản đối việc đặt sai vị trí của trạm BOT Sóc Trăng, thì bất ngờ có một thanh niên tiến đến ghi biển kiểm soát xe của các lái xe. Khi có lái xe thắc mắc thì người thanh niên này tự xưng là “nhà báo” nhưng không xuất trình được giấy giới thiệu, rồi bất ngờ lao vào đánh lái xe vừa hỏi. Ngay sau đó, rất nhiều nhà báo, phóng viên tại hiện trường đã xác minh được, thanh niên nêu trên là một công an viên trên địa bàn đóng trạm BOT này.

Trước đó, tại trạm BOT Cai Lậy, khi một phóng viên đang quay phim hiện trường cảnh lái xe dùng tiền lẻ trả phí qua trạm để phản đối việc BOT Cai Lậy đặt sai vị trí, thì bất ngờ ông Huỳnh Văn Tài, Trưởng Công an xã Phú An (nơi đặt trạm thu phí), dùng đá ném trúng đầu của phóng viên gây thương tích. Nhiều người dân bức xúc đuổi theo thì phát hiện ông Tài đang trong tình trạng nồng nặc hơi men.

Còn tại tỉnh Ðồng Tháp từng xảy ra vụ việc gây xôn xao dư luận khi ông Ðặng Quốc Thảo (sinh năm 1985), công an viên xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng quyết tâm cưới vợ, mặc dù cô dâu chỉ… vừa tròn 16 tuổi. Lãnh đạo địa phương, đơn vị nơi ông Thảo công tác đã can ngăn, khuyên giải điều đó là trái luật nhưng đám cưới vẫn diễn ra. Ông Thảo sau đó bị xử lý kỷ luật cho thôi việc.

Trước đó, tại xã Ðịnh Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp xảy ra vụ bắt giữ người trái pháp luật của Trưởng công an xã này. Theo phản ánh của gia đình nạn nhân, nam sinh ấy đến nhà ngoại ở xã Ðịnh Yên chơi và ở lại qua đêm, nhưng bị công an xã kiểm tra hành chính rồi bắt trói đem về nhốt tại trụ sở Công an xã. Cậu bé sau đó bị hoảng loạn, ảnh hưởng tới việc học hành.

Theo quy định hiện hành, yêu cầu tuyển dụng đầu vào của công an xã hiện nay là tốt nghiệp THCS (hết lớp 9) đối với công an viên, còn trưởng, phó trưởng công an xã thì tốt nghiệp THPT. Đây chính là một trong những nguyên do dẫn đến các ‘côn an’ ở cấp xã. Phép vua thua lệ làng cũng từ lực lượng ‘côn an’ ấy.

M.C.

VNTB gửi BVN 

This entry was posted in Công an Việt Nam và sự lộng hành. Bookmark the permalink.