Tư bản độc tài Trung Quốc kiểm soát truyền thông

Mai Hưng dịch

Ba mươi năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, chế độ Trung Quốc tự hào quảng bá mô hình chủ nghĩa tư bản độc tài trên toàn thế giới. Trật tự truyền thông thế giới mới mà họ đang cố gắng xây dựng ít được biết đến hơn so với Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng cũng đầy tham vọng.

Kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn 30 năm trước đây, Trung Quốc đã đạt được một sự phát triển kinh tế phi thường. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhiều nhà lãnh đạo và phân tích phương Tây, quốc gia này đã không dần chấp nhận tự do báo chí hoặc tôn trọng các quyền dân sự. Ngược lại: trong một báo cáo gần đây của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) cho thấy, Trung Quốc ngày nay đang tích cực xây dựng một “trật tự truyền thông thế giới mới” hà khắc – một sáng kiến hiện đang gây mối nguy cơ rõ ràng và hiển hiện đối với các nền dân chủ thế giới.

Tự do báo chí, một trong những đòi hỏi chính yếu của những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn 30 năm trước, chính thức được đảm bảo bởi Điều 35 của hiến pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và bộ máy nhà nước vẫn thường xuyên phớt lờ điều khoản này.

Trên thực tế, Trung Quốc là một trong những nhà tù hàng đầu thế giới của các nhà báo, và đứng thứ 177 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF 2018. “Phòng hoả trường thành”, một công cụ kiểm duyệt Internet cực kỳ tinh vi, hiện đang giới hạn quyền truy cập của hầu hết 830 triệu người dùng Internet của Trung Quốc và CPC không hề ngần ngại ép buộc các nhà xuất bản và các nền tảng truyền thông xã hội phải tự kiểm duyệt. Trung Quốc hiện công khai bác bỏ Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế bằng những lời hoa mỹ về “sự hòa hợp xã hội”và “tính tương đối của các giá trị”.

Sự tự tin đã thay thế sự tự ý thức mà một số nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm nhận được sau những hậu quả của vụ thảm sát Thiên An Môn. Ngày nay, chế độ Trung cộng tự hào quảng bá mô hình độc đoán của mình trên khắp thế giới. Trật tự truyền thông thế giới mới mà họ đang cố gắng xây dựng ít được biết đến hơn so với Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng cũng đầy tham vọng.

Với chiến dịch đàn áp truyền thông, Trung cộng đang lợi dụng, khai thác sự chia rẽ trong các nền dân chủ thế giới. Họ đang mưu tìm những rạn nứt trong cam kết xã hội đối với các giá trị dân chủ, như lòng khoan dung và sự cởi mở, và cố gắng chia cắt chúng bằng những thủ thuật tuyên truyền nhằm thúc đẩy các nguyên lý chính trị. Các nhà lãnh đạo TQ biết rằng, khi các nhà báo bị bắt buộc phải im lặng, các lựa chọn thay thế đối với chủ nghĩa độc tài, toàn trị đang dần bị dập tắt. Rốt cuộc, không thể thúc đẩy tranh luận chính trị mang tính xây dựng khi mà việc đặt vấn đề về quan điểm chính thức là một hành vi phạm pháp.

Trung cộng đã bắt đầu xuất khẩu các phương thức đàn áp thông qua các hội nghị quốc tế lớn, như Hội nghị thượng đỉnh về truyền thông thế giới và Hội nghị Internet thế giới. Ở Đông Nam Á, các cải cách lập pháp nhằm hạn chế tự do báo chí được mô phỏng theo luật pháp Trung cộng, và nhiều nhà báo đang được mời gọi để học về “báo chí  đặc trưng Trung Quốc”.

Ngay cả ở những nơi tự do báo chí vẫn còn được bảo vệ về mặt pháp lý, Trung Quốc vẫn đang can thiệp vào khả năng quyết định chính sách công của công dân. Từ Thụy Điển cho đến Úc châu, các đại sứ quán Trung Quốc đang gây áp lực đối với các cơ quan truyền thông phương Tây để kiểm duyệt các bài báo của họ. Trong khi đó, chính quyền TQ vẫn  mua những nội dung được tài trợ trong các ấn phẩm hàng đầu của phương Tây ,và tiếp tục đầu tư vào bộ máy tuyên truyền toàn cầu của họ.

Các nền dân chủ thế giới cần phải vượt thoát ra khỏi cuộc cạnh tranh thiển cận vốn chỉ mang lại lợi thế cho Trung Quốc và cần phải cùng chống lại những viễn kiến độc đoáncủa Trung Quốc. Điều này có nghĩa là tạo ra một phản ứng đầy tham vọng, bền bỉ và có sự phối hợp để bảo vệ tinh thần của Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền.

Chúng ta không được do dự chống lại những kẻ tấn công tự do báo chí. Chúng ta cần phải lên tiếng để lên án những hành vi lạm dụng tấn công vào các giá trị của chúng ta. Và chúng ta phải làm điều đó ngay và luôn.

Vào ngày 10 và 11 tháng 7 (2019) tới đây, những người bảo vệ tự do báo chí hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới sẽ gặp nhau tại Hội nghị Toàn cầu về Tự do Truyền thông ở London. Họ phải nắm lấy cơ hội này để không chỉ tái khẳng định các nguyên tắc cốt lõi, mà còn phải tập hợp nhau lại để dựng lên các rào cản chống lại ảnh hưởng của truyền thông Trung cộng, và chấm dứt sự miễn trừ đối với các vi phạm tự do báo chí.

Một cuộc phản kháng được phối hợp như vậy sẽ tôn vinh những người đã phải trả giá đắt nhất để bảo vệ quyền tự do thông tin ở Trung Quốc, chẳng hạn như Lưu Hiểu Ba, người được trao giải Nobel Hòa bình, và bị chính quyền Trung cộng đã để cho chết ngay trong tù. Nó cũng sẽ vinh danh hơn 100 nhà báo bị giam giữ trong các điều kiện đe dọa đến tính mạng, bao gồm Huang Qi, người đoạt giải thưởng RSF và nhiếp ảnh gia Lu Guang, người đã được trao nhiều giải thưởng cho các bức ảnh về các vấn đề xã hội và môi trường ở Trung Quốc.

Ba mươi năm trước, cũng vào tháng này, hàng ngàn người biểu tình ôn hòa đã bị tàn sát ở Bắc Kinh và  khắp Trung Quốc vì đã can đảm đứng lên chống lại một chế độ độc tài. Các nền dân chủ trên thế giới ngày nay mang ơn những người này vì đã thể hiện lòng can đảm, khi họ bảo vệ tự do báo chí – và dân chủ – trên toàn thế giới.

* Wu’er Kaixi, một thành viên của Hội đồng danh dự của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), là một trong những nhà lãnh đạo của các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn hồi năm 1989.

* Barshe Deloire là Tổng thư ký của Tổ chức các phóng viên không biên giới, được quốc tế biết đến với tên gọi Reporters sans frontières (RSF).

M.H.

Nguồn: China’s New World Media Order

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn, Truyền thông cộng sản. Bookmark the permalink.