TTO – Tưởng rằng hoãn đạo luật dẫn độ thì sẽ làm giảm sự phản đối của dân chúng, nhưng chính quyền Hong Kong đã tính toán sai lầm.
TS. Nguyễn Thành Trung
Cảnh sát đứng bên trong tòa nhà Hội đồng lập pháp bị người biểu tình đập phá ngày 1-7 – Ảnh: South China Morning Post
Đối với đa số người Hồng Kông, đặc biệt là người trẻ, thể chế thiếu minh bạch của Trung Quốc đại lục không thể nào được sao y, áp đặt lên các định chế dân chủ và độc lập tư pháp của Hồng Kông khi thời hạn 50 năm kể từ ngày trao trả năm 1997 vẫn chưa hết.
Tính lùi một bước để xả “xú páp”, nhưng chính quyền đặc khu chỉ làm tăng thêm quyết tâm của những người phản đối đòi bãi bỏ hoàn toàn dự luật này.
Cuộc tuần hành thường niên vào ngày 1-7 hằng năm do các nhóm hội đoàn ở Hồng Kông tổ chức thường nhằm kêu gọi người dân Hương Cảng quan tâm hơn tới các vấn đề dân chủ, bầu cử tự do phổ thông đầu phiếu và nhân ngày Hồng Kông trao trả về Trung Quốc đã biến thành cuộc xung đột với cảnh sát khi những người biểu tình quá khích, đa số là giới trẻ, muốn chiếm giữ tòa nhà lập pháp.
Máu đã đổ, nhiều người biểu tình đã bị bắt. Nhưng vấn đề nằm xa hơn dự luật dẫn độ hay ngày trao trả Hồng Kông 1-7.
Chính quyền Hồng Kông đang đau đầu với giới trẻ mà bà Đặc Khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) gọi là tương lai của Hồng Kông, nhưng họ ngày càng bất mãn với chính quyền của bà.
Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn đối với những người mới tốt nghiệp đại học. Thị trường địa ốc Hồng Kông thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới, khi nó bị lũng đoạn giá bán bởi một vài tỉ phú đôla như Lý Gia Thành và Lý Triệu Cơ. Công ăn việc làm cho dân bản địa ngày càng trở nên khó kiếm cũng như phúc lợi xã hội giảm sút và chịu nhiều cạnh tranh hơn khi có sự đổ xô dòng nhập cư từ Trung Hoa lục địa.
Mâu thuẫn xã hội giữa giới trẻ với giới đại tư bản Hồng Kông thân Trung Hoa đại lục, cũng như giữa giới trẻ với chính quyền thân Bắc Kinh ngày càng được khoét sâu, chỉ chờ cơ hội bùng nổ khi một trong những niềm tự hào cuối cùng về độc lập tư pháp của Hồng Kông bị xói mòn và có nguy cơ bị xóa bỏ.
Thị trường chứng khoán Hồng Kông đã sụt giảm trong những ngày qua. Một số nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định chuyển hướng sang Singapore, nếu biểu tình vẫn tiếp tục và cơn giận dữ có khả năng tăng cấp độ.
Giới trung niên ở Hồng Kông cũng không lấy làm vui thích với chính quyền hiện nay, nhưng họ chọn giải pháp bày tỏ chính kiến nhẹ nhàng hơn.
Chính trị Hồng Kông trong vòng 30 năm sắp tới sẽ được định hình bởi những người trẻ đang nổi giận hiện nay.
N.T.T.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tinh-toan-sai-lam-cua-chinh-quyen-hong-kong-truoc-mot-the-he-tre-gian-du-20190702082445269.htm