(Đọc tại Lễ tang Nhà giáo Phạm Toàn, sáng 28/6/2019)
Mạc Văn Trang
Trên bình diện xã hội, Phạm Toàn luôn trăn trở biết bao điều, nhiều lần Anh không sao cầm được nước mắt… Nhưng nếu xét về phương diện cá nhân, Phạm Toàn thật là NGƯỜI HẠNH PHÚC.
1. Nếu hạnh phúc là đạt được những ước mong sau bao nỗ lực kiếm tìm, thì đây. Sau mấy chục năm tìm tòi thể nghiệm từ viết Văn, làm Thơ, dạy học, viết sách, dịch sách, nghiên cứu, huấn luyện giáo viên, ở lĩnh vực nào Phạm Toàn cũng đạt được những thành tựu, nhưng tất cả vẫn chưa phải điều Phạm Toàn mong ước nhất… Mãi đến năm 2009, khi bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, một cơ duyên kỳ ngộ, khiến Phạm Toàn quyết định theo “Hướng đi và Cách làm” giáo dục (chữ của Hồ Ngọc Đại) đúng với tâm nguyện của mình. Đó là “khởi nghiệp”, lập ra nhóm CÁNH BUỒM để biên soạn sách Văn, Tiếng Việt dạy cho trẻ em. Thế rồi Phạm Toàn cứ cuốn theo sự trưởng thành của học sinh từ lớp 1, lên lớp 2 và dần dần đến lớp 9… Toàn bộ tài năng, sức lực, tâm huyết Phạm Toàn đã gửi tất cả vào sự nghiệp này. Đó là thành tựu quý giá Phạm Toàn và các cộng sự đã tạo ra, dẫu còn thiếu, còn cần hoàn thiện hơn… Nhưng những gì Cánh Buồm đem lại cho học sinh là cái tin cậy, để những điều học sinh lĩnh hội được sẽ là vốn quý suốt đời, không phải vứt đi, học lại…
Chừng ấy thôi, đã là hạnh phúc lớn lao của những ai tha thiết muốn làm được điều gì đó, muốn để lại cái gì đó có ích cho đời.
2. Nếu hạnh phúc là trong đời có những người bạn tri âm, tri kỷ, thì Phạm Toàn thật hạnh phúc. Anh có những người bạn từ thuở hàn vi, nay ngoài 80 tuổi, cứ gặp nhau là “mày – tao” tíu tít. Anh có nhóm Cánh Buồm, những người từ hai bàn tay trắng gắn bó với nhau, đầu tắt mặt tối, chia ngọt sẻ bùi, thân thiết, trung thành, theo đuổi một công việc đến cùng; Phạm Toàn có mấy chục cộng tác viên, từ anh sinh viên trẻ đến nhà Kiều học ngoài 90 tuổi; từ người ở trong nước khắp Bắc, Trung, Nam đến người ở nước ngoài: Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Úc… – những người được Phạm Toàn chọn mặt gửi vàng, đã vô tư hiến tặng cho Anh những đóng góp cụ thể vào bộ sách Cánh Buồm, với tất cả tâm huyết, trí tuệ, mà không ai nghĩ đến thù lao! Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước là người Chị, người bạn thân thiết của Cánh Buồm. Thỉnh thoảng bà lại gọi Cánh Buồm đến chơi, “Nói cho chị, xem Cánh Buồm làm được đến đâu rồi”? Bà bảo, Phạm Toàn và các em “tay không bắt giặc”, thiệt là giỏi! Bà viết sách được 20 triệu đồng cũng đưa tất cả cho nhóm Cánh Buồm… Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm làm được như vậy cũng nhờ bao tấm lòng thơm thảo, tin cậy, mến yêu giúp đỡ tạo điều kiện. Nhà Xuất bản Tri Thức do Chu Hảo làm Giám đốc đã in tất cả sách Cánh Buồm; Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace 24 Tràng Tiền sẵn sàng cho mượn địa điểm tổ chức các cuộc hội thảo…
Trong một xã hội nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, đầy dối trá, Phạm Toàn như một thỏi nam châm hút về mình những tấm lòng tử tế, những tinh hoa góp sức làm nên bộ sách Cánh Buồm. Hạnh phúc nào bằng, khi Phạm Toàn có được những bạn bè tin cậy đến như thế!
3. Nếu hạnh phúc của người Thầy là truyền đạt được những gì mình mong ước cho học trò một cách tin cậy, thì Phạm Toàn là người thầy hạnh phúc. Sách Cánh Buồm “3 trong Một”: vừa là sách hướng dẫn giáo viên; vừa là sách cho học sinh tự học; cũng là sách hướng dẫn làm bài tập. Phạm Toàn làm được như vậy, vì anh tích hợp trong mình ba năng lực cơ bản: Phạm Toàn là nhà văn + nhà giáo + nhà nghiên cứu Tâm lý học, Giáo dục học. Đặc biệt Phạm Toàn đã đúc kết “Nghề dạy Văn” trước đó và hiện đại hóa nó, khi cùng làm việc với Hồ Ngọc Đại tại Trung tâm CNGD từ 1980 đến 2000, rồi vận dụng sáng tạo vào Giáo dục Cánh Buồm thành công. Phạm Toàn chọn được CÁI (nội dung) phù hợp logic phát triển của học sinh và có CÁCH (phương pháp) phù hợp với mỗi CÁI; Cho nên Phạm Toàn tách ra, dạy Văn theo “CÁCH” NGHỆ THUẬT và dạy Tiếng Việt theo “CÁCH” KHOA HỌC.
Triết lý của Phạm Toàn: Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thế hệ trẻ. Các giáo viên và cha mẹ học sinh là những người theo sát từng bước trưởng thành của con trẻ, đã gửi trọn niềm tin ở Thầy Toàn. Còn trẻ em, qua mỗi bài học lại tích lũy được những điều mới lạ, bổ ích, lý thú, để phát triển thêm từng bước. Phát triển là hạnh phúc của trẻ em mỗi ngày đến trường. Nhìn tấm hình lũ trẻ sau giờ học xúm vào ôm vai, bá cổ Thầy Toàn, biết anh hạnh phúc nhường nào!
4. Nếu hạnh phúc gắn liền với Tự do thì Phạm Toàn đã có hạnh phúc. Phạm Toàn đã vượt qua được nhiều định kiến, ràng buộc để tự do suy nghĩ, tự do yêu thích, tự do chọn lựa, tự do hành động, dám sống chân thật đúng với bản tính của mình. Trong một thể chế kiểm duyệt mọi thứ, nhưng Phạm Toàn vẫn thực hiện được “quyền ta ta cứ làm” (chữ của Nguyễn Quang A), và Phạm Toàn đã làm được phần lớn những gì anh tha thiết, trong tầm tay của mình. Thời buổi này, mấy ai đã có được hạnh phúc này, như Phạm Toàn!
5. Phạm Toàn là người đa tài. Lắm tài thường nhiều tật. “Lang bang, phóng túng là bản chất của sáng tạo” (câu của François Mitterrand, cố Tổng thống Pháp), Phạm Toàn đã sống như vậy. Nhưng Gia đình, những người thân yêu dường như đều vượt qua mọi thị phi, thấu hiểu anh, chấp nhận cá tính của Phạm Toàn trong niềm yêu thương sâu thẳm, lớn lao… Phạm Toàn đang được bao bọc bởi tình yêu vô hạn của anh em, con cháu trong một gia đình lớn và đông đảo bạn bè quý mến. Vậy hạnh phúc nào bằng!
Phạm Toàn ơi, khi tôi đọc cho Anh nghe, “duyệt” bài viết này, Anh đã gật đầu, nắm chặt tay tôi, mỉm cười, mãn nguyện.
Hôm nay, những người thân yêu của gia đình và bạn bè có mặt đông đủ ở đây tiễn Anh ra đi. Hãy mang niềm hạnh phúc trần gian, mà Anh đã chắt chịu cả một đời, với bao nỗ lực phi thường mới có được, tiếp tục cuộc phiêu du trong thế giới vô hình.
Mọi người vẫn luôn nhớ đến Anh!
Vĩnh biệt Anh!
28/6/2019
M.V.T.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=725636024563667&id=100013518285955