Trung Khang, RFA
Ảnh minh họa: Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam được cho là một dự án trọng điểm lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới. Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam chạy dọc theo phía Đông của Việt Nam sát với biển Đông kéo dài từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, có chiều dài 2.109 km. RFA Edited
Ngày 19 tháng 6 năm 2019, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh, của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, những người dân tham dự đã bày tỏ lo lắng với các Đại biểu Quốc hội trong việc chọn nhà thầu Trung Quốc làm dự án cao tốc Bắc Nam. Theo họ thì chọn lựa đó có thể dẫn đến nguy cơ về mặt an ninh.
Khi đó, Đại biểu Quốc hội, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã trấn an người dân và cho rằng ‘không cần lo lắng’. Ông Nhân khẳng định: “Trách nhiệm của Quốc hội là giám sát chặt chẽ công trình này. Đây là lợi ích quốc gia, cử tri không cần lo lắng không đảm bảo cái này hay cái kia”.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này hôm 20/6/2019, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định:
Nếu để Trung Quốc làm thì khả năng sẽ đội vốn lên cao và khả năng lộ bí mật quốc phòng. Tất cả những vấn đề đó theo tôi không nên nói một cách dễ dàng và đơn giản là ‘người dân không phải lo’.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
“Theo tôi, tôi vẫn tiếp tục rất lo lắng, bởi vì như Trung Quốc làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội thì cho đến nay đã nâng giá đến 500%, đã hoãn 7, 8 lần và đến nay vẫn chưa sử dụng được. Hơn nữa, đường cao tốc Bắc Nam là con đường có tính chất chiến lược và có đi qua nhiều vị trí mẫn cảm với công cuộc phòng thủ của Việt Nam. Cho nên nếu để Trung Quốc làm thì khả năng sẽ đội vốn lên cao và khả năng lộ bí mật quốc phòng. Tất cả những vấn đề đó theo tôi không nên nói một cách dễ dàng và đơn giản là ‘người dân không phải lo’”.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam được cho là một dự án trọng điểm lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới. Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam chạy dọc theo phía Đông của Việt Nam sát với biển Đông kéo dài từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, có chiều dài 2.109 km. Đây được xem là dự án chiến lược không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn liên quan đến an ninh quốc phòng.
Kỹ sư xây dựng cầu đường Trần Bang từ Sài Gòn, hôm 20/6 đưa ra nhận định:
“Ông Nhân nói như thế là khinh dân. Ông cho rằng những việc dự án, chọn chủ đầu tư, chất lượng… mọi thứ đã có Quốc hội bàn bạc, người dân không phải lo lắng, nói như vậy là khinh dân, không khác gì Trung Quốc lập trại ở Tây Tạng để tẩy não tư tưởng, con người trở thành như robot sinh học. Biến người dân thành công cụ, còn đảng điều khiển hết”.
Theo nhà báo tự do Đàm Ngọc Tuyên ở Sài Gòn, chuyện này không chỉ người dân bình thường quan tâm mà hầu hết mọi tầng lớp nhân dân đều quan tâm khi giao thầu cao tốc Bắc – Nam cho Trung Quốc. Theo ông, người dân buộc phải lo lắng vì hầu như tất cả các dự án có liên quan đến Trung Quốc thì chẳng đâu là đâu:
“Từ bauxite, đường sắt trên cao, cái nào cũng bê bối… Ông Nhân là người trong Bộ Chính trị, với cương vị Bí thư của thành phố mà nói như vậy khi tiếp xúc cử tri thì trên quan điểm của mình, mình nói thẳng, như ngày xưa người ta gọi là Việt gian. Về nguyên tắc, khi đứng trước cử tri phải trả lời thấu đáo, chứ không nói như vậy được”.
Theo thông tin Bộ Giao thông – Vận tải công bố ngày 3/6/2019, Cao tốc Bắc – Nam bao gồm 11 dự án, trong đó có 3 dự án là đầu tư công và 8 dự án còn lại sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Đường bộ cao tốc dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân vừa trấn an người dân ‘không cần lo lắng’ trong việc chọn nhà thầu Trung Quốc làm dự án cao tốc Bắc Nam có thể gây ra vấn đề về mặt an ninh. Courtesy Zing / RFA Edited
Tổng mức đầu tư cho 11 dự án đường cao tốc Bắc – Nam là 118.000 tỷ đồng. Trong đó phần vốn Nhà nước Việt Nam tham gia là 55.000 tỷ đồng cho ba dự án đầu tư công, nhà nước cũng sẽ hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng.
Cũng theo Bộ Giao thông – Vận tải, 8 dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam sau khi áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế đã được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia bao gồm 24 nhà đầu tư Việt Nam, 6 nhà thầu Trung Quốc, 2 nhà đầu tư Nhật Bản, 1 của Pháp và 1 từ Hàn Quốc.
Khi trả lời Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam – VietnamFinance hôm 17/6/2019, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng Việt Nam có thể áp dụng giải pháp: để các nhà thầu Trung Quốc xây dựng và mời tư vấn Nhật Bản giám sát. Theo ông Du, khả năng Nhật và Trung Quốc bắt tay với nhau là rất thấp vì đang là đối thủ cạnh tranh một mất một còn.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cũng nhận định: ‘Khi đó, Trung Quốc có khả năng xây đường chi phí thấp và chất lượng cao và Nhật Bản giám sát thì con muỗi cũng không thể chui lọt. Việt Nam sẽ là ngư ông đắc lợi’.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh vẫn cho rằng như vậy là mạo hiểm:
“Để cho Nhật Bản giám sát cũng là một ý tưởng hay nhưng theo tôi cũng là mạo hiểm, bởi vì Trung Quốc có rất nhiều các thủ thuật mà tôi không muốn nêu lên để che mắt hay qua mặt các người giám sát đó. Những người giám sát thì chỉ giám sát xây dựng có đúng kỹ thuật không. Còn những việc bên ngoài việc xây dựng như quan tâm vị trí chiến lược, thì có lẽ công ty giám sát Nhật Bản sẽ không có chức năng đó. Và có lẽ họ không thể dẹp bỏ các lo lắng mà người Việt Nam luôn lo lắng đối với các ý đồ chiến lược của Trung Quốc”.
Trở lại với lời trấn an của Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân rằng người dân ‘không cần lo lắng’, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, công dân yêu nước có quyền lo lắng vận mệnh của đất nước, và có quyền phát biểu có ý kiến, còn ý kiến đó đúng sai như thế nào thì nên có cuộc trao đổi hội thảo và trao đổi thẳng thắng với người dân. Theo ông, đấy là cách tốt nhất để chúng ta có thể đi đến sự thống nhất và làm sáng tỏ các vấn đề người dân đang quan tâm.
Ông Trần Bang nhận định:
“Tổ chức gặp cử tri giống như ban phát tư tưởng, người dân cứ nghe rồi về làm theo. Ông Nhân nói nhiều câu tôi thấy quá tầm thường, không nghĩ đấy là một ông giáo sư, tiến sĩ. Như chuyện ông hứa với Bộ Chính trị sẽ không cho biểu tình, rồi ông nói trong thành phố có 600 ngòi nổ biểu tình. Trong khi biểu tình là quyền công dân, quyền con người. Là người học ở nước ngoài mà ông Nhân không hiểu về quyền con người và xã hội văn minh”.
Tổ chức gặp cử tri giống như ban phát tư tưởng, người dân cứ nghe rồi về làm theo. Ông Nhân nói nhiều câu tôi thấy quá tầm thường, không nghĩ đấy là một ông giáo sư, tiến sĩ.
Kỹ sư Trần Bang
Hôm 20/6/2019, phóng viên Đài Á Châu Tự Do thăm dò ý kiến một số người dân qua tin nhắn, và được cho biết như sau:“Cái này ai làm tốt thì làm, nhưng Tàu có bao giờ tốt đâu, họ làm là có mục đích cả. Nhà nước là của dân chứ phải của đảng đâu mà đảng lo và quyết định. Chủ yếu người dân mình phải hiểu rõ, Trung Quốc không bao giờ tốt.”- Bạn Ngọc Hiếu.
Còn Facebooker Trần Đình Thu, một người dân đang sống tại Sài Gòn, thì cho rằng:
“Ông ấy thích thì ông ấy nói thôi, còn chúng tôi không nghe lời bất kỳ quan chức nào. Quan điểm của tôi vẫn là không chấp nhận các nhà thầu Trung Quốc hiện tại. Bởi vì chúng tôi không tin họ làm ăn đàng hoàng. Có thể sau này khi Trung Quốc thay đổi bản chất nền kinh tế đi, họ như các nước tư bản thì mình tin, nhưng đó là chuyện tương lai, còn bây giờ với Trung Quốc tôi khẳng định là không thể có các nhà thầu đúng nghĩa đâu”.
Vào chiều ngày 20/6/2019, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ trong chuyến thăm Hàn Quốc đã gặp gỡ Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Jin Hyng Chung tại Thủ đô Seoul. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các dự án hạ tầng mà tập đoàn đang triển khai tại Việt Nam thời gian qua.
Ông Vương Đình Huệ cũng cho biết Chính phủ sẽ không chỉ định thầu đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và sau này là cả dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đồng thời đề nghị Hyundai E&C tích cực chuẩn bị hồ sơ thầu để tham gia đấu thầu quốc tế, trước mắt là các gói thầu sắp tới của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
T.K.