Đại biểu của ai và Quốc hội vì ai?

Lê Xuân Thọ

Trước khi bước vào kỳ họp Quốc hội lần này, tôi và có lẽ đại đa số chúng ta không trông mong nhiều ở Đại biểu sau những kỳ họp Quốc hội trước. Song, với những gì diễn ra vừa rồi, không ngờ “chất lượng” của Đại biểu xuống thấp trầm trọng như vậy.

Cả những vị cầm trịch họp Quốc hội, hay chịu trách nhiệm giải trình những vấn đề “nóng” trước Quốc hội, cũng chỉ mang lại cái lắc đầu ngao ngán cho cử tri!

Lần giở lại, và bắt đầu bằng câu chuyện tăng giá điện. Khi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đọc thơ, nói không ngờ hình thái thời tiết năm nay có nhiều biến đổi, làm cho Chính phủ không tài nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5. Vậy thì, làm sao chắc chắn Việt Nam sẽ hoá rồng vào năm 2045?

Đến Luật phòng chống tác hại rượu bia, trong đó có vấn đề “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đại Biểu Dương Trung Quốc lại đứng giữa nghị trường phất cao ngọn cờ bảo vệ ngành bia rượu. Ở lần lấy ý kiến đại biểu về luật này vào chiều ngày 3.6, chỉ có 214 đại biểu đồng ý, 212 đại biểu không đồng ý và 15 đại biểu không có ý kiến.

Với kết quả không quá bán, luật không được thông qua. Uớc gì quốc hội công khai danh tính đại biểu trong việc lấy ý kiến, để dân biết đâu là đại biểu của dân và đâu là đại biểu của bia rượu.

Đau đớn hơn, khi ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký quốc hội, nói không thể lobby gần 500 đại biểu. Khi dân thừa hiểu, doanh nghiệp bia rượu chỉ cần lobby khoảng 220 đại biểu là đủ.

Vừa mới đây, là đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, cho rằng cần xem xét thu khoản “phí chia tay” 3 – 5USD đối với công dân cho mỗi lần xuất cảnh. Với đề xuất muốn hút máu dân của ông Hưng, tôi chắc chắn một điều rằng ông không đại diện cho dân!

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/06/H3-15.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Lê Xuân Thọ

Trước đó nữa, vào ngày 4.6, lúc Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân về vụ phân bón Thuận Phong, qua hai khóa Quốc hội, đã nhiều lần đặt câu hỏi, nhưng đến nay chưa xử lý, thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ngắt lời tướng Tô Lâm.

Ở vụ phân bón Thuận Phong, nhiều quan chức cao nhất và các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ đã khẳng định, vụ này đủ dấu hiệu truy cứu trách nhiệm về hành vi “sản xuất, buôn bán phân bón giả”, nhưng cù nhầy mấy năm nay vẫn chưa khởi tố vụ án hình sự.

Vậy mà, với tư cách Chủ tịch Quốc hội, bà Ngân đã ngắt lời tướng Lâm, không cho tướng Lâm nói về vụ Thuận Phong. Như thế thì, Quốc hội có còn vì dân?

Và, dù biết là dư thừa, nhưng vẫn phải hỏi điều chua chát, là Đại biểu của ai và Quốc hội vì ai?

L.X.T.

Nguồn: FB Lê Xuân Thọ

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.