Với nhiều tầng lớp nhân dân, ngày 19.06.2010 là một ngày lịch sử. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chính thức bấm nút bác bỏ một siêu dự án gây nhiều lo ngại trên phạm vi toàn xã hội của Chính phủ.
Tin vui lan đi nhanh chóng khắp cả nước.
Niềm vui, sự tin tưởng lạc quan từ mọi tầng lớp nhân dân hướng đến sự lãnh đạo của Đảng, sự sáng suốt và quả cảm của Quốc hội.
Trong giờ khắc vui sướng, tin tưởng ấy, chắc chắn hàng triệu người dân Việt Nam đã nghĩ đến những ĐBQH tiêu biểu như Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Thuận, Dương Trung Quốc và rất nhiều những đại biểu chân chính khác của Quốc hội, đã dũng cảm đứng về phía nhân dân, bấm nút bác bỏ dự án ĐSCT của Chính phủ.
Nhiều người dân và độc giả đọc báo cũng nhớ đến các nhà khoa học, nhà tri thức như Lê Đăng Doanh, Trần Văn Thọ, Trần Đình Bá, Vũ Minh Khương v.v. và biết bao những nhà khoa học, nhà trí thức khác, với những nghiên cứu, những ý kiến tâm huyết sâu sắc, công phu và vô cùng thuyết phục được viết và đăng không mệt mỏi trên hầu hết các báo…
Và một lần nữa, trong niềm vui lớn này, chúng ta khẳng định công đầu của báo chí đã luôn cố gắng không ngưng nghỉ, đầy trách nhiệm và dũng khí khi liên tục đăng tải những ý kiến xác đáng, chân thành, thẳng thắn và thuyết phục của nhân dân, làm nhịp cầu nối quan trọng giữa nhân dân và các nhà hoạt động chuyên môn, hoạt động chính trị, các đại biểu của dân để dẫn đến quyết định sáng suốt và kịp thời của Quốc hội.
Thành công chung đó, có thể xem như một món quà lớn mà Báo chí dành tặng cho Nhân dân nhân ngày kỷ niệm năm nay của mình – 21.06. 2010.
Từ những cảm xúc tràn đầy ấy, xin được mạnh dạn viết ra đây một vài dòng suy nghĩ nhân sự kiện lịch sử này.
Báo chí Cách mạng Việt nam có lẽ chưa bao giờ có vị thế cao như hiện nay trong xã hội.
Các sự kiện dồn dập gần đây cho thấy, là nhịp cầu kết nối hầu hết toàn bộ mọi nguồn thông tin của tất cả các lĩnh vực trong đời sống, báo chí thực sự là diễn đàn, là tai mắt, là tiếng nói của nhân dân, góp phần to lớn thực hiện nhiệm vụ vận hành, thúc đẩy đất nước phát triển.
Qua báo chí, mọi tầng lớp, mọi đối tượng xã hội được chắp nối ý tưởng cùng nhau, sát cánh bên nhau, chia sẻ những khó khăn vật chất, tinh thần, nối dài ý chí, nguyện vọng và trí tuệ tạo thành những lực lượng xã hội đáng kể, có sức mạnh và vai trò không thể phủ nhận thể hiện trong hầu hết những sự kiện trọng đại của đất nước.
Trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển biến phức tạp hiện nay, vai trò của báo chí ngày càng thể hiện sâu sắc và mạnh mẽ. Vai trò đó, có thể kể đến qua việc phân tích một vài khía cạnh sau đây:
Đồng thuận xã hội và mối quan hệ với lợi ích nhóm
Từ hệ thống chính trị hiện hành, chúng ta đã quen tai khi nghe đến cụm từ “đồng thuận xã hội” của một vài vị lãnh đạo khi nói về một chủ trương nào đó được đưa ra một cách vội vã, sơ sài và những hiệu quả dường như mới chỉ phục vụ một số nhóm lợi ích nào đó chứ chưa phục vụ cho lợi ích chung của toàn xã hội.
Ấy thế mà từ vị trí của mình, các nhà lãnh đạo đó lại luôn luôn rao giảng về sự đồng thuận một cách rất tự nhiên, như thể đó là một mệnh lệnh buộc toàn bộ xã hội phải thực hiện trong sự đồng thuận tuyệt đối.
“ Đấu tranh là động lực của phát triển”, nguyên lý cốt lõi trong ý thức hệ CNXH được Marx gửi gắm lại cho giai cấp vô sản toàn thế giới dường như bây giờ lại trở nên xa lạ ở một đất nước XHCN đang mở cửa hội nhập như nước ta, và nhất là với các nhà lãnh đạo của hệ thống chính trị XHCN đó?
Đấu tranh mang lại sự đồng thuận thể hiện qua những kết quả đúng đắn và phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.
Bài học về Đại hội VI của Đảng và 20 năm đổi mới vừa qua hiểu theo một cách khác chính là biết coi trọng, thúc đẩy và tôn vinh sự đấu tranh để tiếp cận và giành lấy chân lý, giải phóng con người, giải phóng sức lao động, sức sáng tạo của nhân dân ra khỏi gông cùm của chân lý tuyệt đối từ lãnh đạo, ra khỏi những nguyên tắc, lập trường tư tưởng khô cứng giáo điều, coi thường, phớt lờ các quy luật khách quan của xã hội.
Một xã hội mở, hội nhập thế giới một cách hoàn chỉnh, với đầy đủ tính chất của một thực thể sống, tồn tại, vận động và phát triển khách quan, hoàn toàn không có tính chất tuyến tính và đồng dạng tuyệt đối như bản chất của chế độ chính trị và hệ thống công quyền đơn nhất, một chiều mà bản thân nó đang vận hành bằng những nguyên tắc khô cứng, khuôn sáo và giáo điều từ trên xuống.
Bởi vậy, sẽ không bao giờ có chuyện những chiến lược, những quyết sách chỉ có lợi cho một vài người hay nhóm người lại có thể có được sự đồng thuận của toàn xã hội, và càng không thể, khi chỉ thực hiện việc tưởng như cố đồng thuận bằng một vài lời rao giảng, chỉ đạo hòng làm át đi tiếng nói của dư luận xã hội như nhiều khi đã xảy ra với các “quyết sách lớn” khác.
Do đó, lối áp đặt “cơ học” thuần túy, với cách tư duy siêu hình, máy móc và sai lầm căn bản trong nhiều vị trí lãnh đạo hiện nay, hơn bao giờ hết, cần phải sớm được chấn chỉnh, sửa đổi và dẹp bỏ.
Dư luận xã hội đang đặt câu hỏi: Có vẻ như sự áp đặt “cơ học” và những khẩu hiệu đồng thuận “vô nguyên tắc” như đã nói ở trên, là nơi trú ngụ lý tưởng cho các nhóm lợi ích khiến chúng ngang nhiên xuất hiện ngày càng nhiều, càng lớn và thậm chí trở đã thành các nhóm siêu lợi ích?
Và thật nguy hại khi chúng còn hiện hữu ngay trong lời phát ngôn trước quần chúng nhân dân, trước cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, của một vài người trên cương vị lãnh đạo rất cao mà người ta trước kia không thể ngờ tới thì nay đã là chuyện có thể đoán trước và hoàn toàn dễ hiểu.
Có lẽ, chúng ta buộc phải thừa nhận, cái gọi là lợi ích nhóm đó không chỉ là “nhóm” mà nó thực sự đã là một Lực lượng xã hội.
Ở các quốc gia tham nhũng vào bậc nhất trên thế giới, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân của khu vực siêu quyền lực lớn đến nỗi chúng ta có thể ví chúng như căn bệnh ung thư, mà về mặt bản chất, hệ thống các tế bào ung thư đó nuốt chửng hầu như gần hết nguồn dinh dưỡng của cơ thể người bệnh, làm cho người bệnh kiệt quệ và chết dần trong sự đau đớn khủng khiếp.
Rõ ràng, cách nhóm lợi ích đó – lực lượng xã hội được ví như hệ thống các tế bào ung thư, trước khi được phát hiện và kết luận là quá muộn – là lực lượng xã hội cần phải đánh đổ.
Chúng ta buộc phải nhận thức thấu đáo về chúng và đánh đổ chúng, trước khi chúng tước đoạt không chỉ phần lớn của cải vật chất trong xã hội, mà cả quyền lực chính trị của nhân dân, nằm phía sau sự thao túng mọi mặt trên cơ sở đã nắm đa số tư liệu sản xuất trong xã hội bao gồm đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, lợi dụng vỏ bọc hoàn hảo là sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể…
“Cuộc đấu tranh giai cấp mới” này về bản chất không nằm ngoài những gì mà Đảng và những Bậc lão thành kỳ cựu, khai quốc công thần của Đảng cảnh báo: “Chệch hướng Xã hội chủ nghĩa, quay lại Chủ nghĩa tư bản hoang dã thế kỷ XVIII, XIX dưới sự tiếp tay của tha hóa quyền lực, tha hóa nhân tố lãnh đạo”.
Còn Marx vĩ đại của chúng ta đã nói gì ?
“Đánh đổ một lực lượng xã hội, không gì khác, phải là chính bằng một lực lượng xã hội khác…”.
Vậy lực lượng xã hội cần này ở đâu? Gồm những gì? Ai tập hợp?
Báo chí trong vai trò hạt nhân đoàn kết xã hội
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Với báo chí, chúng ta hiểu lời dạy này của Người như thế nào?
Trước những chuyển biến lớn, xã hội luôn có những dự cảm thiên tài của mình. Những dự cảm đó đồng dạng và có tính chất tương tự cao độ, rõ nét trong đại bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là trong đội ngũ ưu tú dẫn đầu, mà bản thân bộ phận này hầu hết là những người không tham gia sâu vào hệ thống công quyền và bộ máy chính trị và nhất là những lợi ích bất hợp pháp của nó.
Họ là những nhà trí trức, nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà hoạt động xã hội, những người làm công tác chuyên môn trong tất cả các cách ngành, các lĩnh vực, không phân biệt độ tuổi, tôn giáo, nghề nghiệp.
Họ nhạy bén với những thay đổi của xã hội còn bởi một lẽ khác: Họ cũng chính là bà con, người thân thích của đại bộ phận quần chúng nhân dân lao động nghèo khổ, đối tượng “chịu nhiều thiệt thòi, điêu đứng nhất” trước những chính sách sai lầm vô tình hay chủ ý của các nhà hoạch định và đội ngũ thực hiện.
Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay họ còn nhạy bén hơn nữa khi họ là đối tượng chính tiếp xúc với những tiến bộ to lớn của nhân loại, chứng kiến và cảm thụ sự vượt trội của thế giới bên ngoài khi so sánh với những hạn chế, bất cập và đau khổ còn rất rất nhiều trên đất nước của họ, trong cuộc sống của những người lao động khốn khổ là bà con ruột thịt của họ.
Trước mỗi một vấn đề lớn của đất nước, những dự cảm đó lớn dần lên và trở thành những ý kiến chính thức được tiếp nhận từ vô số những nguồn khác nhau trong khắp các tầng lớp, các đối tượng nhân dân trên phạm vi toàn xã hội.
Vượt lên trên sự truyền đạt bằng lời nói, bằng trao đổi và tranh luận trực tiếp ở mọi nơi, mọi thời điểm của xã hội, bằng cách này hay cách khác, con đường này hay con đường khác, tri thức của nhân dân được lĩnh hội và tập hợp lại bởi các nhà trí thức, các nhà chuyên môn, các nhà hoạt động xã hội, và các cá nhân tâm huyết – yêu nước thương dân, không chỉ bằng tri thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn chuyên ngành của họ.
Dù trực tiếp hay gián tiếp, đa phần nguồn tri thức xã hội này được chuyển tới báo chí qua nhiều con đường và cách thức khác nhau, dưới những tình cảm và thái độ khác nhau mà những tình cảm và thái độ chỉ là hình thức, còn bản chất và giá trị tri thức mới là nội dung của những ý kiến ấy.
Là hạt nhân đoàn kết xã hội, và với chức năng tiếp thu những hiểu hiện của xã hội dưới mọi hình thức và trạng thái thể hiện, báo chí không cần thiết làm công việc phê phán dư luận nhân dân phải thể hiện thế nào là đúng mực.
Ý chí xã hội cần được báo chí truyền tải chính là toàn bộ những phản ánh tích cực trở lại của đại bộ phận nhân dân, thể hiện qua các mong muốn, nguyện vọng, các ý kiến đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ và xây dựng pháp luật, luân lý cuộc sống, tham gia góp ý cho các chính sách của nhà nước.
Những yếu tố này biểu hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, từ phản ánh hết sức giản đơn, mộc mạc, cho đến những phản biện mạnh mẽ, sâu sắc, thậm chí gay gắt. Mà đa phần, nơi mà những ý kiến này đặt vào đó chính là những hành vi chưa đúng, chưa tốt của chính quyền, hoặc của các bộ phận xã hội khác.
Nhiệm vụ báo chí, không chỉ là phản ánh nguyên trạng và chân thực nhất những phản ứng của xã hội, mà còn phải biết chắt lọc, phát triển và tiếp tục truyền bá những tri thức của xã hội đó lên các tầng cao hơn, ở phạm vi rộng hơn cho mọi đối tượng xã hội khác, mà trong đó, hệ thống chính trị chỉ là một đối tượng.
Về bản chất, đó chính là quá trình đoàn kết và chuyển hóa dư luận xã hội, ý chí xã hội, tri thức xã hội dưới hình thức biểu hiện rời rạc trở thành lực lượng xã hội đồng nhất, mạnh mẽ và có sự kết tinh cao, phong phú, sâu sắc và toàn diện.
Lực lượng trí tuệ xã hội này từ chỗ là các quyết tâm, các nhận thức và tâm huyết được đoàn kết và tập hợp bởi báo chí sẽ chuyển hóa và hấp thụ ngược trở lại xã hội trên cả phương diện chủ động lẫn thụ động, với quy mô rộng khắp và sau đó dần chuyển thành lực lượng xã hội về mặt con người.
Do vậy, báo chí, chính là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, hình thành nên lực lượng xã hội tiến bộ trước mỗi một sự kiện lớn có tính chất trọng đại của đất nước theo hình thức:
Đoàn kết nhận thức – Đoàn kết ý chí – Đoàn kết con người – Đoàn kết lực lượng xã hội.
Vũ khí của lực lượng xã hội này chính là tri thức khoa học, nền tảng pháp luật và luân lý, đạo đức xã hội. Không gian để nhân dân, và các tầng lớp tri thức tiến bộ, lực lượng xã hội tiến bộ tiến hành xây dựng thế trận của mình chính là không gian báo chí, truyền thông đại chúng, internet v.v.
Đây là điểm tựa, là lực lượng xã hội to lớn tiếp sức cho phần tích cực còn lại trong hệ thống chính trị để tự thân nó, cũng đóng vai trò đối trọng, đề kháng trước những tấn công của các nhóm lợi ích và các lực lượng xã hội xấu có sự tiếp tay của yếu tố lãnh đạo tha hóa, biến chất.
Quyết định sáng suốt, kịp thời có tính chất lịch sử của Quốc hội vừa qua là một minh chứng rõ rệt cho khẳng định này.
Báo chí với các nhà lãnh đạo
Các nhà lãnh đạo chân chính sẽ luôn biết cách chân thành với báo chí.
Họ không coi báo chí là kẻ phá bĩnh đáng ghét, mà ngược lại, với họ báo chí là những người đồng đội trung thành, thẳng thắn và hữu ích cho công việc của chính họ: Xây dựng và phát triển xã hội.
Báo chí giúp cho họ nhìn cách nhìn khác so với những gì mà đội ngũ tham mưu, trợ lý trùng trùng điệp điệp của mình báo cáo và đề xuất.
Bí thư Thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị là một nhà lãnh đạo được nhiều người dân yêu quý, kính trọng qua sự kiện ông lỡ lời khi nói về sự “ỷ lại” của nhân dân vào Nhà nước trong đợt lũ lịch sử năm 2008.
Ông xin lỗi báo chí và nhân dân ngay lập tức, sau khi nhờ báo chí, ông hiểu ra rằng mình đã quá “cả tin“ trước những gì thư ký, trợ lý và cấp dưới báo cáo lại…
Qua đó chúng ta thấy, ông là một nhà lãnh đạo thẳng thắn, chân thành, một người Bạn thực sự của báo chí. Và chắc chắn trong hệ thống chính trị hiện nay, báo chí còn có không ít những nhà lãnh đạo, những người bạn như thế.
Thông qua hoạt động của mình, báo chí cần chủ động tìm đến các nhà lãnh đạo đó, làm bạn với họ, giúp cho họ đối thoại với nhân dân và trí thức, tìm ra cách thức giải quyết các vấn đề của xã hội ở trạng thái chân thực, khách quan và bản chất nhất của sự đồng thuận.
Thông qua phản ảnh của báo chí, các nhà lãnh đạo cũng sẽ biết được các ý kiến tham mưu của đội ngũ trợ lý có chất lượng ra sao, các cơ quan thừa hành của mình làm việc như thế nào.
Họ có thương dân không? Có kính trọng nhân dân không? Có đúng là đầy tớ của nhân dân không? Họ có xứng đáng đi những chiếc xe đắt tiền, ngồi những phòng làm việc sang trọng từ tiền thuế mồ hôi xương máu của nhân dân hay không?
Và từ đó các nhà lãnh đạo sẽ biết cách để thực hiện công tác lãnh đạo của mình sao cho hiệu quả, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước được tốt nhất.
Có nhiều người, khi đứng trước những dự án, những quyết định kỳ quặc, của các nhà lãnh đạo khiến cả xã hội bàng hoàng, lo ngại và phản đối, họ đặt câu hỏi: Không hiểu thế giới quan và nhận thức và quan điểm giai cấp, quan điểm chính trị của các nhà lãnh đạo được hình thành từ đâu?
Xin được tạm trả lời ở đây như sau:
Những nền tảng căn bản hình thành nên tố chất của các nhà lãnh đạo là được hình thành liên tục trong quá trình giáo dục, học tập và rèn luyện qua môi trường đào tạo, làm việc và thăng tiến trước đây của họ.
Đó là nền tảng cơ sở.
Nhưng còn để vận hành xã hội trong công việc hàng ngày, họ cần gì?
Đứng trước mỗi chiến lược, mỗi quyết sách lớn của xã hội, của đất nước, họ cần lập trường giai cấp, cần nhận thức chính trị phù hợp và những tri thức căn bản để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, mà nội dung chính của việc lãnh đạo này là cùng với đội ngũ của mình trình bày các chiến lược, kế hoạch với xã hội một cách minh bạch nhất, trung thực nhất, cũng như đưa ra các quyết định cuối cùng chuẩn xác nhất cho các chiến lược ấy, sau khi đã tiếp thu nghiêm túc những phản hồi của xã hội.
Xét cho cùng, lập trường giai cấp, nhận thức chính trị và tri thức cụ thể của các nhà lãnh đạo cùng thái độ của họ trong cả quá trình tại nhiệm và nhất là trước các chiến lược lớn liên quan đến triệu triệu sinh mạng người dân không chỉ phụ thuộc vào tố chất của riêng họ hoặc các ý kiến tham mưu của các cơ quan thuộc cấp mà còn được bổ sung, bồi đắp và đối chứng thông qua một nguồn vô cùng quan trọng khác đó là ý chí và tri thức xã hội mà được kết tinh, chuyển hóa từ báo chí tới họ hàng ngày, hàng giờ.
Qua không gian báo chí, các nhà lãnh đạo có thể đắm mình suy ngẫm và hoàn thiện những quyết sách của mình bằng việc tiếp thu tri thức xã hội, ý chí và nguyện vọng xã hội dưới các dạng khác nhau đã được hun đúc và kết tinh một cách phong phú, bản chất, tự nhiên và chân thực nhất.
Những yếu tố này trở thành chất liệu cực kỳ quan trọng cho tư duy của các nhà lãnh đạo, nhất là ở góc độ bổ sung những khiếm khuyết mà đội ngũ trợ lý tham mưu trùng trùng điệp điệp đặt trong các tác động phức tạp của lợi ích bên trong, bên ngoài hệ thống, trong sự ngột ngạt của các quy định chính trị và thể chế không dễ gì có thể thoát ra để có thể nhìn nhận toàn diện và chân thực.
Từ những chất liệu quý báu đó, các nhận thức và quan điểm chính trị của các nhà lãnh đạo được bổ khuyết, hoàn thiện và chuyển hóa vào các chiến lược, sách lược, vào các sinh hoạt chính trị trong thể chế và hệ thống cũng như công tác lãnh đạo điều hành hàng ngày.
Tất cả những điều đó góp phần quan trọng, tác động to lớn tới chính sách, các định chế luật pháp, dẫn hướng và chi phối sự vận hành xã hội.
Vậy báo chí hiện nay cần những gì?
Trong bối cảnh đất nước phải gồng mình vượt qua những trở ngại và thách thức nội tại to lớn để phát triển hội nhập với thế giới như hiện nay, góp sức mình vào công cuộc vĩ đại và đầy gian nan đó, báo chí cần những gì? Xin tạm đặt ra đây một vài yếu tố căn bản.
Thứ nhất, đó là Bản lĩnh tri thức để tiếp thu, khái quát phát triển và truyền tải hữu hiệu nguồn tri thức xã hội vô cùng dồi dào, phong phú một cách đầy đủ nhất, trung thực nhất. Để xứng đáng là lực lượng tiên phong của nhân dân, đi đầu trong cuộc chiến đấu chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng, tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi cho xã hội.
Thứ hai, đó là Bản lĩnh nghề nghiệp để tự bảo vệ mình trước những khó khăn, đe dọa và vững bước trên con đường của mình, với sứ mệnh cao cả là mặt trận vô cùng quan trọng của nhân dân trong việc tham gia xây dựng xã hội, làm chủ xã hội.
Thứ ba, đó là Bản lĩnh đạo đức để tự loại bỏ và đấu tranh với chính những tồn tại của mình, để có sức đề kháng chống lại những lợi ích luôn tác động, lôi cuốn hòng mua chuộc đạo đức tác nghiệp chân chính.
Thứ tư, đó là Bản lĩnh giai cấp để bảo vệ vững chắc đặc tính cách mạng của mình, thực sự là chỗ dựa tin cậy của đại bộ phận quần chúng nhân dân lao động, đấu tranh cho quyền lợi của họ trước những xâm lấn không ngừng của các lực lượng xã hội tiêu cực khác, bảo vệ sự trong sạch của Đảng, bảo vệ nhân dân, xây dựng xã hội.
Một số tờ báo là tấm gương điển hình cần nhân rộng
Mới chỉ vẻn vẹn trong vài năm gần đây, nhiều tờ báo, đặc biệt là báo điện tử đã có sự phát triển vượt bậc, có uy tín rộng khắp trong xã hội và có hàng chục triệu lượt người truy cập hàng ngày.
Trên những diễn đàn quan trọng của các tờ báo đó, có thể thấy sự tiến bộ vượt bậc cả về lượng và về chất. Điều này được biểu hiện rõ rệt nhất ở các vấn đề chính trị, kinh tế, thời sự vĩ mô có chất lượng vượt trội, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các chính trị gia, các nhà quản lý, hoạt động xã hội trong và ngoài nước giàu uy tín.
Đặc biệt, có những báo còn thể hiện được tầm vóc đáng nể khi thu hút được cả các nhà lãnh đạo là nguyên thủ quốc gia, các học giả uy tín tầm cỡ thế giới tham gia vào thảo luận các vấn đề của mình đề xuất.
Trước mỗi vấn đề lớn của xã hội, báo chí nói chung và các tờ báo tiên phong đó nói riêng đã đoàn kết hữu hiệu và tập hợp quanh mình một dư luận mạnh mẽ của nhân nhân ở khắp mọi tầng lớp, giai cấp và đối tượng không phân biệt tuổi tác, trình độ hay tôn giáo, và từ đó xác lập được một lực lựợng xã hội có uy tín và tầm ảnh hưởng to lớn ở các phương diện khác nhau: Dư luận – Nhận thức – Hành động.
Lực lượng xã hội này đã góp phần không nhỏ vào việc phản biện, đóng góp tri thức xã hội và nhà nước tạo sự đồng thuận và hiệu quả to lớn trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp, nhiều hạn chế của các cơ quan nhà nước.
Chính lực lượng xã hội này, ở một góc độ khác lại là lực lượng vô hình bảo vệ hữu hiệu các nhà báo, các cơ quan báo chí trước những thăng trầm, sóng gió của cuộc đấu tranh khốc liệt nhằm xây dựng xã hội tốt đẹp, tiến bộ hơn.
Đoàn kết chân thành, tận tụy với ý chí – nguyện vọng tha thiết, mạnh mẽ của nhân dân.
Đoàn kết nguồn tri thức to lớn và khát vọng mãnh liệt từ xã hội chính là con đường dẫn đến thành công, đại thành công theo tư tưởng Bác Hồ đã dạy.
Trong từng trường hợp của mình, các tờ báo có vai trò tiên phong hiện nay có sách lược đúng đắn và căn bản đã thực hiện thắng lợi những sách lược ấy.
Nhân dân kỳ vọng vào những pháo đài vững chãi đó và mong ước nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ có nhiều pháo đài kiên cố, vững chắc hơn nữa đóng vai trò hạt nhân tiêu biểu cho sức mạnh và đóng góp của báo chí trên con đường chấn hưng dân tộc, phát triển đất nước dân chủ, văn minh, giàu mạnh và không ngừng phát triển.
Nhân dân sẽ song hành và sát cánh cùng báo chí.
Quần chúng sẽ bảo vệ báo chí.
Báo chí cách mạng Việt nam, vững bước tiến lên!
PQP
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập