Minh Quân
Ngay sau khi Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ kết thúc vào tháng 5 năm 2019, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bới những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự. Nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An là một trong những vụ bị bắt giam mới nhất.
Nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh
Cũng trong tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Phúc đã vội vã đi Na Uy và Thụy Điển để vận động cho EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam).
Trước đó một tháng, Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm Cộng hòa Czech và Romania, hai nước thành viên của EU.
Tuy chỉ là một quốc gia nhỏ trong khối EU, nhưng Romania lại đóng vai trò khá quan trọng vì hiện thời đang là chủ tịch luân phiên của EU. Dựa vào ‘mối quan hệ truyền thống các nước xã hội chủ nghĩa anh em’ trước đây, hẳn chính thể cộng sản ở Việt Nam đang hy vọng có thể thuyết phục được Romania gật đầu cho EVFTA dễ dàng hơn là các nước Tây Âu đang căng thẳng với Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Ngay trước chuyến đi trên của Nguyễn Xuân Phúc là chuyến đi Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA của Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội Việt Nam.
Hai chuyến đi liên tiếp trong một thời gian ngắn của hai nhân vật còn lại trong ‘tam trụ’ đã phản ánh nhu cầu ‘mót’ EVFTA của chế độ độc đảng đến mức nào.
Sau tháng 2 năm 2019 khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền của Hà Nội, EVFTA vẫn bị treo ở đó mà chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy EVFTA ‘sẽ được ký kết và phê chuẩn vào cuối tháng Sáu’ như một số nguồn tin của đảng và ‘thân đảng’ khấp khởi trước đó.
Vào lúc này, có thể những người Âu châu đã đã rút ra được bài học xương máu như người Mỹ trong các cuộc đàm phán nhân quyền bất tận và vô nghĩa với Việt Nam: chính sách ‘đổi tù nhân lương tâm lấy lợi ích thương mại’ của Việt Nam là cực kỳ ‘xuyên suốt’ cho đến khi nào chính thể này còn chưa bị đẩy vào chân tường.
Không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vào thời gian này vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.
Sát ngày 3 tháng Tư năm 2019 kỷ niệm ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’, công an Việt Nam lại bắt bớ hàng loạt người dân và quy cho họ ‘âm mưu lật đổ chính quyền’. Chưa kể nhiều người bất đồng chính kiến đã bị công an bắt cóc từ ngày quốc kháng 2/9 năm 2018 mà cho tới nay vẫn chưa được trả tự do.
Cũng sát ngày 30/4 năm 2019, Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư thành ủy TP.HCM – đã công khai ‘hứa với Bộ Chính trị sẽ không để xảy ra biểu tình tại TP.HCM’ – một loại cam kết mà cho thấy não trạng và hành xử của đảng cầm quyền trước sau như một vẫn chỉ là tiếp tục ém nhẹm quyền biểu tình của người dân – đã được hiến định trong hiến pháp 1992, và câu giờ càng lâu càng tốt việc ban hành Luật Biểu tình – cũng là một trong những đòi hỏi về pháp luật nhân quyền của Nghị viện châu Âu trong bản nghị quyết nhân quyền được cơ quan này nêu ra vào giữa tháng 11 năm 2018.
Nhiều khả năng phía Na Uy và Thụy Điển đã chỉ hứa hẹn chung chung ‘ủng hộ Việt Nam tham gia vào EVFTA’, nhưng không có bất kỳ văn bản cam kết nào về việc này, cũng không khẳng định bất kỳ mốc thời gian cụ thể nào để ‘tiến tới ký kết EVFTA’.
M.Q.
VNTB gửi BVN