Nguyễn Trung
1.
Đấy là nhận xét của tôi, đứng tại góc độ nhìn nhận một Việt Nam với Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thế giới hôm nay sẽ được gì, mất gì? Sẽ mạnh lên hay yếu đi?
Đơn giản vì thế giới hôm nay nói chung, và nhất là (a) xu thế trên thế giới muốn có một Việt Nam mạnh đứng vững trên đôi chân của mình mà hòa bình và sự phát triển của thế giới hôm nay đang cần, hoặc là (b) xu thế muốn có một Việt Nam tiếp tục suy yếu để khai thác tốt hơn nữa sự lệ thuộc của nước này cho khát vọng giấc mộng Trung Hoa…, các xu thế khác (c) …, (d) …, (e) … vân vân…, tất cả những xu thế này trên thế giới không quan tâm đến mức mất ăn mất ngủ chuyện ai ở ai đi của Đại hội XII.
Các xu thế này trên thế giới quan tâm nhiều hơn đến chuyện ai ở ai đi đã được định hình tại Đại hội XII như vậy hứa hẹn sẽ dẫn tới một Việt Nam nào trong thế giới hôm nay và những năm tới? Sẽ có lợi hay bất lợi cho ai? Với một Việt Nam sau Đại hội XII như thế sẽ có những hệ quả gì trên bàn cờ khu vực, bàn cờ quốc tế…?
Nhận xét của tôi “Đại hội XII là một thất bại chung của Việt Nam” còn xuất phát từ góc nhìn Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, được tạo thành bởi 2 yếu tố quyết định. Đó là (a) thế giới đã sang trang, hiện nay đang đi vào một thời kỳ có nhiều vấn đề quyết liệt nhất kể từ chiến tranh lạnh I (xảy ra sau chiến tranh thế giới II; hiện nay là chiến tranh lạnh II); và (b) sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta cũng phải sang trang, bởi vì giai đoạn phát triển đầu tiên sau 40 năm độc lập thống nhất đã hoàn tất (thật ra giai đoạn này đã kết thúc cách đây khoảng 10 năm rồi), ngày nay nước ta bắt buộc phải tìm đường trở thành một nước phát triển.
Tại bước ngoặt này, thách thức đối với nước ta quyết liệt chưa từng có, nhất là (1) vấn đề phát triển tự thân của đất nước ta và (2) vấn đề Trung Quốc bành trướng. Song cơ hội lớn cũng chưa từng có: Ngoại trừ Trung Quốc, hầu như cả thế giới mong muốn và hậu thuẫn một Việt Nam trở thành nước phát triển!
Vì thế, phải đưa đất nước sang trang tại bước ngoặt lịch sử này là đòi hỏi chính trị có ý nghĩa sống còn đối với đất nước.
Song tại Đại hội XII – trong Báo cáo chính trị cũng như trong Nghị quyết của Đại hội đã được thông qua, trong bố trí đội ngũ lãnh đạo cho nhiệm kỳ khóa XII… đòi hỏi chính trị hàng đầu này coi như không tồn tại.
Giải quyết câu chuyện ai ở ai đi và phải duy trì bằng được nguyên trạng của chế độ chính trị hiện nay là công việc chủ yếu của Đại hội – từ khâu chuẩn bị đến tiến hành Đại hội.
Trong khi đó toàn bộ những thách thức hiểm nghèo đất nước đang phải đối mặt trên mọi phương diên đối nội cũng như đối ngoại, những vấn đề quốc kế dân sinh sống còn của thời kỳ sang trang… chỉ được Báo cáo Chính trị và Nghị quyết Đại hội XII đáp ứng bằng những quan điểm – thực ra chỉ là những khẩu hiệu, đã được nhắc đi nhắc lại mòn cả chữ trong các Đại hội kể từ Đại hội VII đến nay, với kết quả đạt được là thực trạng đất nước hôm nay.
Những quan điểm hay khẩu hiệu đó mấy chục năm qua đại thể là: kiên trì giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, kiên quyết chống 4 nguy cơ, quyết xây dựng đất nước giầu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh… Đại hội XII thay đổi một số ngôn từ, song cũng chỉ dừng lại như một khẩu hiệu, tuyệt nhiên không có lấy một quyết sách nào mới cho nhiệm vụ đưa đất nước bước sang một trang phát triển mới và thích nghi được bối cảnh quốc tế hôm nay.
Hãy thử đặt ra vài câu hỏi:
– Kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa từ 40 năm nay, đất nước ta hôm nay ra sao?
– Phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại bằng cách nào? “Sớm” là bao giờ?, “cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại” nghĩa là gì?, 30 năm đổi mới vừa qua đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đã làm được gì?, cái giá đã phải trả đến nay?
– Rồi đây nước ta sẽ là nước công nghiệp gì? – nếu như 70 – 80% xuất khẩu hiện nay là nhờ vào FDI, với nền kinh tế hiện nay lắp ráp và gia công là chủ yếu, lao động cơ bắp và công nghệ thấp đang là các yếu tố sản xuất quyết định, sẽ còn phải tiếp tục dựa vào nhiều hơn nữa loại FDI đáng sợ này để có thêm công ăn việc làm, nhiều vùng chiến lược của đất nước ngày càng bị các yếu tố nước ngoài chi phối nghiêm trọng, nhiều đơn vị kinh tế quan trọng đã bị nước ngoài mua đứt hoặc chịu sự chi phối của vốn ngoại…
– Không thể nhắm mắt trước sự thật tổng quát: Về nhiều mặt, sau 30 năm công nghiệp hóa hiện đại hóa, hôm nay chúng ta đang là một nước đi làm thuê, đất nước ta đang là một đất nước cho thuê… Chưa nói tới sức ép của hàng loạt các vấn đề kinh tế vỹ mô khác đang vô cùng nóng bỏng – nổi lên là: những mối nguy hàng ngày trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, là câu hỏi vỡ đầu của doanh nghiệp mọi loại hình sở hữu: Làm thế nào có sản phẩm mới để có thể tồn tại trong cạnh tranh hôm nay? Làm sao sớm tạo ra được một nền nông nghiệp mới phù hợp?…
– Sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như thế nào với thể chế chính trị toàn trị hiện có và sẽ còn được củng cố hơn nữa theo nghị quyết của Đại hội XII và đội ngũ lãnh đạo mới có quá đông thành viên từ công an và quân đội?
– Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới, sự hội nhập hiện nay của Việt Nam vào kinh tế toàn cầu được tiến hành trong bối cảnh của trật tự thế giới thế kỷ 21: cạnh tranh và đấu tranh với nhau rất quyết liệt giữa các nền kinh tế và các thế lực; trong khi đó thế giới ngày càng nhiều vấn đề kinh tế, chính trị và quân sự rất nhạy cảm (ví dụ: chỉ riêng một vấn đề di tản từ Bắc Phi vào châu Âu đủ làm cho EU chao đảo, rạn nứt! Cứ cái đà như ba thập kỷ vừa qua, Trung Quốc bá chiếm Biển Đông hình như sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian? Vân vân).
Thực tế khách quan này đặt ra đòi hỏi sống còn cho Việt Nam: phải sớm tạo ra cho mình một nền kinh tế dựa trên lao động ngày càng nhiều hàm lượng chất xám, phát huy tối đa tiềm năng con người, đất nước phải được vận hành bởi một thể chế chính trị kiến tạo ra được sự phát triển mới này, phải lựa chọn được một quốc sách đối ngoại phù hợp… Đại hội XII đã ý thức được những đòi hỏi sống còn này? Đã đề ra được những đối sách gì cho đất nước?
– Nói rốt ráo, đất nước đã bỏ lỡ 40 năm rồi. Sự thật của cuộc sống trong thế giới hôm nay nghiêm khắc đến mức đòi hỏi Việt Nam phải sớm trở thành một dân tộc khác giác ngộ được đầy đủ chính bản thân mình, để tự đứng lên là chính mình. Việt Nam phải sớm tạo ra cho mình một nền kinh tế khác, phải xây cho mình một thể chế chính trị khác, để sớm dựng lên một quốc gia Việt Nam khác. Đấy là con đường Việt Nam thoát khỏi thực trạng èo uột và lệ thuộc hiện nay, giành lấy sự tôn trọng và sự hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, và nhất là để có thể trở thành một láng giềng bình đẳng và được tôn trọng của Trung Quốc. Chẳng lẽ những đòi hỏi sống còn này của đất nước không đáng để Đại hội XII quan tâm?