(Nhân mười năm trang Bauxite Việt Nam)
Tương Lai
Thiếu không khí để thở hoặc không khí bị ô nhiễm, người ta có thể nhận ra ngay. Nhưng ngột ngạt vì thiếu thông tin hoặc thông tin bị nhiễm độc, thì không phải mọi người trong xã hội đều cảm nhận được ngay, nhất là với những xã hội mà dân trí chưa cao. Trong một thể chế toàn trị phản dân chủ, để đối phó với sự phản kháng của dân chúng thì nuôi dưỡng sự nô dịch, nuôi dưỡng sự tàn nhẫn, và tệ hại thâm hiểm hơn, là nuôi dưỡng sự ngu dốt nhằm biến quần chúng nhân dân thành một bầy cừu để cái quyền uy mà chúng tiếm đoạt được dễ dẫn dắt. Ấy vậy mà, càng hiểu biết, con người càng tự do, đó chính là ngọn lửa chân lý được Voltaire thổi bùng lên mở đầu cho “thời đại ánh sáng”.
Che giấu sự thật là một đòi hỏi sống còn của bộ máy quyền lực lấy sự lừa bịp và dối trá làm cứu cánh để duy trì bộ máy cai trị không có được sự hậu thuẫn của dân, đặc biệt là của trí thức và tuổi trẻ. Càng đánh mất lòng tin của dân thì lại càng phải nói dối. Và càng nói dối thì lại càng làm ruỗng nát niềm tin của dân. Cái vòng luẩn quẩn đó đang đẩy tới sự ngột ngạt trong đời sống tinh thần của xã hội, băng hoại đạo lý, sụp đổ nền tảng hình thành nhân cách. Đúng là “thiên nhiên chỉ tạo ra những động vật ngu xuẩn, xã hội mới tạo ra con người ngu xuẩn”!
Luận đề chí lý ấy của Honoré de Balzac, tác giả của Tấn trò đời (La Comédie humaine) đã giúp mổ xẻ cái tấn trò đời đang diễn ra trước mắt ta, xung quanh ta, khuynh loát mọi lĩnh vực của đời sống. Trong tính cập nhật của thực trạng ta đang sống, tôi muốn hiểu khái niệm “xã hội” trong luận đề của nhà văn hiện thực lớn người Pháp theo một nghĩa hẹp hơn, đó là môi trường sống bị nhào nặn theo một mô hình mà thế lực thống trị cần để duy trì quyền lực gắn liền với lợi ích của một “giai cấp mới” đang thao túng mọi mặt của đời sống con người. Chúng cần duy trì sự ngu dốt để dễ dàng tuân phục cây gậy chỉ huy mà bài “Ông Tổng không tiền ông tổng tễnh” của “Mênh mông thế sự” số 66 tôi đã dẫn ra: “Một xã hội của bầy cừu đương nhiên phải dung dưỡng một nhà nước của loài sói, và ngược lại, chính nhà nước sói cần phải có xã hội cừu mới tồn tại nổi”.
Cái “tấn trò đời” với những cừu và sói mà ta đang nhức nhối chứng kiến phải chăng là hiện thực sống động đã nảy nòi ra những nhân vật kệch cỡm và tởm lợm với vô vàn những diện mạo đang quay cuồng trong những vở diễn bi hài triền miên. Riêng vở bi hài vừa hạ màn để chuẩn bị cho những vở diễn mới đang cận kề cũng đủ nói lên nhiều điều về “môi trường sống” của chúng ta.
Một môi trường nhiễu loạn trong những cuộc chiến quyền lực, thanh toán đối thủ, tranh quyền đoạt vị nối tiếp không dứt. Triền miên những cuộc đốt lò để củi khô củi tươi được chọn lựa ném vào cho những toan tính trước mắt, nhằm hướng tới một mục tiêu lâu hơn một nhiệm kỳ. Những toan tính ấy chẳng đính dáng gì nhiều với tấm áo khoác ngoài lòe loẹt của chống tham nhũng. Và tại sao phải thế, là nhằm dễ khuyến mại cho người nhẹ dạ cả tin vốn quá phẫn nộ về cái tệ quan tham! Cái tệ ấy không mới, có chăng chỉ “hiện đại hóa” nó lên cái điều mà Nguyễn Công Trứ giận quá đã văng ra
“Đù mẹ nhân tình đã biết rồi,
Lạt như nước ốc bạc như vôi
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường, nước chảy xuôi”
Vì vậy cái trò tung hứng đang diễn ra với những lời rao giảng đạo đức mùi mẫn của cái gương mặt luôn làm ra vẻ cao đạo, được những lời có cánh của những bồi bút tụng ca ngập tràn trên trang báo chính thống mà “quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu, tới hay lui cũng chừng ấy mặt người” phơi ra! Khi dẻo miệng tụng ca cuộc đốt lò đang được tiếp tục họ không biết được rằng
“Sự đời tráo trở giống bàn tay
Hãy xem gương trước to tày liếp,
Mà biết lòng người mỏng tựa mây.
Tiếng bấc tiếng chì nghe đã chán
Mấy điều cạnh khóe nói thêm gay
Ở ăn hãy tưởng về sau với
Giời hãy còn cao đất hãy dày!”
Cần nhớ rằng khi viết những câu thơ ấy, cụ Hy Văn, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, đã có một bề dày sự nghiệp kinh bang tế thế “tài kinh luân xoay dọc xoay ngang” mà một đời người khó có được. Thế mà mở đầu “Bài ca ngất ngưởng” ông đã viết “Vũ trụ nội mạc phi phận sự, Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng”! Liệu đây có phải là cái lồng mà ngài tổng chủ Nguyễn Phú Trọng đòi phải nhốt quyền lực vào đó, để cho riêng ngài, người từng ra chỉ dụ “lãnh đạo phải không là người giàu tham vọng quyền lực” được tự mình ngất ngưởng trên hai cái ngai cao nhất mà rồi hụt hơi suýt toi mạng. Bởi lẽ, “đằng sau những mưu đồ lớn luôn ẩn chứa những tội ác lớn”. Ngài “tổng chủ” đã không hiểu nổi rằng, “khi luật pháp trở nên bạo ngược, đạo đức bị buông thả, và ngược lại”!
Khi nêu lên hai mệnh đề mang tính cảnh báo ấy, tác giả của “Tấn trò đời” đã giúp xã hội nhận ra cái bản lai diện mục của cái đám quen rao giảng đạo đức và tung hứng nịnh bợ bằng những luận điệu quen thuộc cũ mèm đang chiếm lĩnh những trang “siêu báo chính thống” hiện nay.
Giáo sư Đỗ Đức Hiểu viết: “Jean-Paul Sartre hỏi: Cuộc đời, cái ấy, nó là cái gì? Và ông [Balzac] trả lời: Là con số cộng những ngày, những tháng, những năm: Thứ hai, thứ ba, thứ tư… Tháng tư, tháng năm, tháng sáu… 1924, 1925, 1920… cái ấy, gọi là sống. Như một nhà luyện đan, Balzac biến những “hiện đại” hàng ngày, chán ngắt, vụn vặt, nhàm chán, thành một kho vàng, – kho vàng Tấn trò đời, thơ ca và kỳ ảo” (1). Ước gì chúng ta có một ngòi bút hiện thực kỳ ảo như Balzac để miêu tả cái “tấn trò đời” đang phủ vây quanh ta.
Khó quá, vì với Balzac thì “tiểu thuyết” là “tiểu thuyết tuyệt đối, tức là nó biểu hiện tất cả sức mạnh sáng tạo của ông, tất cả cái “lực” của ý thức và tâm linh, của khoa học và tôn giáo, từ cấu trúc truyện và thời – không gian (chronotope), đến cấu trúc nhân vật, tất cả phối âm, tương ứng với nhau thành một dàn nhạc hoàn chỉnh” như giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã chỉ ra rất sâu sắc.
Bỗng bồi hồi nhớ lại người bạn vong niên mà tôi rất mực quý mến và kính trọng thỉnh thoảng được hầu chuyện ông, vì một thời gian dài ông cặm cụi ngồi viết trên một cái bàn gỗ ọp ẹp trong gian nhà cũng ọp ẹp như vậy cách gian phòng chín mét vuông tôi ở chỉ mấy bước chân. Càng khó hơn nữa vì, theo Đỗ Đức Hiểu, “tiểu thuyết thường là sự tiếp diễn những ngẫu nhiên; nó đưa người đọc từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”.
Vậy thì, “Cái chung nhất, mẫu số chung, là cái gì? Có phải là sự xuất hiện cái tôi trăm sắc ngàn hương, cái “đa ngã”? Cái thế giới này cũng nhốn nháo, xáo động, sụp đổ, trỗi dậy, đắm chìm, im lặng, dìu dặt, bụi đời, sâu thẳm, ma quái, đau khổ…, ở những ngõ hẻm, quán cà phê, ngã ba đường, hòn đảo xa…, chẳng khác gì “thế giới nhân gian” của Balzac, có điều nó nằm ở “bên trong” con người hiện đại, – đó là cái tôi, cái tôi xã hội, cái tôi tâm linh, cái tôi độc thoại, cái tôi đối thoại, cái tôi cô đơn, cái tôi lạc loài, cái tôi niệm Phật, cái tôi chủ thể…” (2). Làm sao thấy được cái “nằm ở “bên trong” con người hiện đại – đó là cái tôi” mà ngòi bút viết tiểu thuyết cần có?
Trong thực trạng nhiễu nhương này tôi muốn viết thêm rằng một nhà báo đích thực cũng rất cần và phải có “cái tôi xã hội” đó. “Báo chí tự do, dĩ nhiên, có thể tốt cũng có thể xấu, nhưng hầu như chắc chắn nếu không có tự do, báo chí chỉ có thể là xấu”, đó là sự khẳng định tuyệt đối đúng của Albert Camus.
Lời khẳng định ấy rọi chiếu vào sự tối tăm ngột ngạt của một xã hội đang chịu sự thao túng của thể chế toàn trị phản dân chủ như một đám mây đen kịt đang vần vũ trên bầu trời báo hiệu một cơn giông. Chính trong bối cảnh ấy mà tôi cố gắng viết ra đôi dòng nhân mười năm trang Bauxite Việt Nam góp mặt trên diễn đàn của “xã hội dân sự” với tư cách một tiếng nói phản biện nhằm dân chủ hóa đất nước theo lời mời của anh Hoàng Dũng, người bạn thân quý của tôi.
Trong suy nghĩ của tôi, một tiếng nói phản biện mà tôi mong ước phải là tiếng nói trung thực và tỉnh táo giữa sự xô bồ, náo loạn trong buổi u u minh minh vào lúc tranh tối tranh sáng này, nhằm góp phần nuôi dưỡng khát vọng và nỗ lực vượt lên chính mình giữa một xã hội nhiễu loạn đầy rẫy sự phi lý mà Camus từng can đảm mổ xẻ và chiến đấu để vượt qua. Tiếng nói phản biện đang cần như một không gian ngột ngạt cần không khí để thở, còn xã hội thì ngột ngạt vì thiếu thông tin như đã viết trên dòng đầu của bài này khi mà chỉ báo rõ nhất của dân chủ là thông tin được hay không được lưu thông tự do trong xã hội.
Chỉ cần nêu lên một con số là hiểu ra ngay điều ấy: Trong bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF, Việt Nam hiện đứng thứ 176 trong danh sách 180 nước được xếp hạng! Thực trạng ấy cho thấy, những trang phản biện đưa những thông tin đang bị bưng bít hoặc được đẽo gọt sao cho vừa lòng với một nhóm quyền lực đang khuynh loát mọi hoạt động xã hội, đặc biệt là đang kiểm soát chặt chẽ đời sống tinh thần của con người, trước hết là một bộ phận trong tầng lớp trí thức và lớp trẻ có lương tri không chịu ngoan ngoãn cúi đầu tuân phục bạo quyền và sự lừa bịp là một đòi hỏi mãnh liệt của đời sống con người trong xã hội. Và vì vậy, một bộ phận trong nhóm quyền lực chóp bu quyết phải dập tắt. Chẳng lạ khi Nguyễn Phú Trọng đã nói toẹt ra trong cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 24.11.2018 “nếu cậy mình thế này thế nọ, là công thần rồi phê phán hết cả, thì chế độ này sẽ ra sao? Chính trị suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế” đó sao.
Mọi kẻ độc tài muốn duy trì quyền lực mà chúng cưỡng chiếm được đều khao khát bóp chết sự phản kháng từ trong trứng. Mà thông thường, kẻ châm ngòi cho sự phản kháng là trí thức. Bởi lẽ người ta gọi người trí thức là người biết và dám “phê phán không xót thương tất cả những gì hiện hữu. Không xót thương theo nghĩa là sự phê phán đó sẽ không lùi bước trước những kết luận của chính nó. Và theo nghĩa là nó cũng không sợ đụng chạm với bất cứ thứ quyền lực hiện tồn nào”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là ý của Marx.
Tôi thì có thể nhớ nhầm, nhưng ông Trọng thì quyết không nhớ tuy có thể ông có đọc và hiểu được câu này (điều này thì tôi vẫn lấy làm ngờ, nhưng cứ cho là thế đi) mặc dù ông rất kiên trì chủ nghĩa Mác Lê, xem đó là bùa hộ mệnh để ông giữ cái ghế quyền lực đang rệu rã. Ông chỉ chọn những tư tưởng sai lầm của Marx, đặc biệt là những sai lầm đó đã được làm đậm nét thêm qua lăng kính độc tài của Staline rồi khi chuyển sang phương Đông với Mao từng duy trì quan điểm “trí thức là cục phân” và “chính quyền đẻ ra từ họng súng” thì mới thích hợp với cái mô hình toàn trị phản dân chủ đang ngự trị ở nước ta hôm nay.
Và nếu quyền lực đẻ ra sở hữu, có quyền sẽ có tiền, một khi quyền lực gắn liền với lợi ích thì quyền lực gọi thêm quyền lực, mà quyền lực tuyệt đối thì cũng dẫn đến sự tham nhũng tuyệt đối. Cơn khát ấy là triền miên không sao dứt được, dù cho có phải giải khát bằng thuốc độc trong quá trình sản sinh ra một giai cấp mới. Giai cấp mới ấy, như tác giả của cuốn sách cùng tên, Milovan Djilas, đã rành rọt chỉ ra: “Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển… khi bộ mặt của nó càng thể hiện rõ, thì vai trò của đảng ngày càng giảm đi. Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng cũng như của bộ máy nhà nước…đối với những người cầm đầu giai cấp mới, đảng đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người vẫn còn tin vào lý tưởng ra”! Và rồi để duy trì vai trò quyền uy của mình, một quyền uy đã bị suy sụp, mất lòng tin của dân, không tìm được sự hậu thuẫn của dân, nên buộc phải dùng bạo lực để trấn áp và dối trá để lừa mị dân.
Điều này chẳng có gì ngạc nhiên, khỏi phải dẫn giải nhiều, chỉ cần đưa ra một dẫn chứng điển hình về cái gọi là “Thuyết nói dối lớn” của Hitler, một dẫn chứng điển hình, cũng là bài học đau đớn cho dân tộc Đức và cho cả nhân loại. Với Hitler, lời nói dối như thế nào không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao để người ta sẽ tin vào điều đó. Bằng cách kiên trì thực hiện theo phương châm “Mọi lời nói dối dù lớn hay nhỏ, sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho tới khi mọi người tin điều đó”. Thậm chí Goebbels còn đi xa hơn nữa khi tuyên bố rằng “một lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lý”! Chẳng những thế viên Bộ trưởng Tuyên truyền, cánh tay phải của Hitler còn tin chắc rằng “Những lời dối trá cực kỳ hoang đường thường vẫn mang đến hiệu quả cao, ngay cả sau khi nó bị phanh phui”.
Vì rằng, lời nói dối có thể chạy quanh thế giới trước khi sự thật kịp đi giày! Mà mọi thể chế độc tài có thể làm được điều đó vì, như Voltaire đã từng chua chát và xót xa cảnh báo: “Rất khó để giải phóng những kẻ dốt nát ra khỏi thứ xiềng xích mà họ tôn thờ”. Chính đây là lý do quan trọng nhất của sự ra đời và phát triển của mạng lưới thông tin trên các diễn đàn của “xã hội dân sự”. Có tiếng vang mạnh mẽ nhất là trang web của “Anh Ba Sàm” Nguyễn Hữu Vinh với tên gọi là “Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ” ra đời ngày 9.9.2007 với mục tiêu: “Khai dân trí, đồng thời tận dụng tối đa các tiện ích của Internet để mang tri thức đến cho mọi người”. Bên cạnh đó là các trang “Việt sử ký” hay “Chép sử Việt” được nhiều người tìm đọc. Ảnh hưởng của trang “anhbasam” rất lớn trong bối cảnh thông tin bị bưng bít, bị bẻ queo hoặc bị xuyên tạc. Chỉ nêu một ví dụ: Vào năm 2009 và tiếp đó, điều cấm kỵ không được nói đến là sự kiện Hoàng Sa và Trường Sa, với việc nêu tên kẻ xâm lược là Trung Quốc, thì trang này đã đưa những tin liên quan trực tiếp đến những điều cấm kỵ này.
Vì thế, điều không lạ là Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, người trực tiếp quản lý trang “anhbasam” từ năm 2014 đã bị bắt và bị kết án 5 năm tù giam! Phải dập tắt ngay những tiếng nói phản biện, phải dằn mặt một trang tin có dấu ấn “khai dân trí” rất rõ ràng đã công khai tuyên ngôn! Công chúng có quyền trông đợi tiếng nói trung thực và dũng cảm của những người vừa mãn hạn tù vì sự dấn thân cho lý tưởng cao đẹp của họ.
Và cùng với trang web “Anh Ba Sàm”, một số trang web khác đã đồng hành cùng với “Anh Ba Sàm”, trong đó Bauxite Việt Nam, một tiếng nói phản biện nhằm dân chủ hóa đất nước là một trang nổi bật thu hút sự quan tâm theo dõi và hưởng ứng của đông đảo người hâm mộ và cộng tác viên trong và ngoài nước. Tôi hân hạnh được là một trong số đó với việc đọc và thỉnh thoảng mạnh dạn góp một tiếng nói. Trân trọng cám ơn Bauxite Việt Nam đã dành cho tôi sự đóng góp nhỏ nhoi với việc đăng những bài “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” còn nhiều khiếm khuyết.
Với “Bauxite Việt Nam”, tôi có hai người bạn thân, Phạm Toàn và Hoàng Dũng. Là một lão làng trong nghề cầm bút đã cập kề tuổi 90, Phạm Toàn vẫn trẻ trung với sự bền bỉ, năng nổ và duyên dáng trong mạnh mẽ, quyết liệt bằng bút pháp rất quen thuộc mà tôi từng biết non nửa thế kỷ trước đây. Thời Người sông mê với Châu Diên nhà văn, và thời “Công nghệ dạy văn” với Phạm Toàn, nhà giáo sát cánh với Hồ Ngọc Đại, cùng là bạn của chúng tôi. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh hôm anh đến thăm để tặng tập sách của nhóm “Cánh Buồm” và một bài viết về Viện IDS trong đó có tôi với nhan đề “Một nhà thơ không đến được vườn thơ IDS” bằng cái nhìn “duy cảm” của một cây bút giàu trí tưởng tượng đẫm chất lãng mạn: “Cuộc thuyết trình đẫm chất Thơ của anh Tương Lai? Giáo sư xã hội học Tương Lai báo cáo về những điều tai nghe mắt thấy ở nông thôn, những cuộc “điều tra” hoàn toàn không khô khan số liệu, mà ngùn ngụt cảm tình và dạt dào cảm xúc. Báo cáo của một nhà khoa học mà như của một nhà thơ lã chã nước mắt trước nỗi đau người dân quê hiện đại. Nó gợi cho ta vạt áo đẫm lệ của quan Tư mã áo xanh nào đó trên đất Giang Châu trong bài thơ Tì bà hành”. Đúng là Phạm Toàn lãng mạn trong sự thăng hoa với cái nhìn của nhà nghiên cứu giáo dục.
Và Hoàng Dũng, với sức làm việc khủng khiếp, hừng hực như xông trận khiến tôi nhiều lần phát hoảng về sự năng nổ, tinh thần trách nhiệm và sự nghiêm cẩn trong ngôn từ của một nhà ngôn ngữ học. Tôi nhiều lúc sững sờ vì con mắt tinh đời đã phát hiện ra ngay những nhầm lẫn về tri thức, sai sót về ngôn từ, về lỗi đánh máy trong bài viết của tôi gửi đến mà tôi đã soi đi soi lại bài viết nhưng không nhận ra. “Tay này đọc vào lúc nào, sửa vào lúc nào mà nhanh và tinh thế nhỉ”? Tôi vẫn thường tự hỏi và vẫn chưa tìm được câu trả lời cho mình. Tôi biết và quen anh là qua Cao Xuân Hạo, bạn tôi. Hạo nói “Mình sẽ giới thiệu cho cậu một người đồng hương rất lạ và hết sức thú vị mà hắn lại rất muốn gặp cậu”.
Khâm phục sức làm việc, thuyết phục bởi sự dấn thân, biết ơn vì anh sẵn sàng cứu nguy cho sự dốt nát về máy vi tính để rất kịp thời và không nề hà giúp tôi khắc phục mà kịp “Mênh mông thế sự”. Tôi hiểu và kính trọng sự xả thân của Hoàng Dũng cho công việc anh đang vô tư gánh vác. Nhận cho ra ảnh hưởng và sức lan tỏa có ý nghĩa khai phóng của việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà Hoàng Dũng và các bạn anh đang làm e không dễ. Bởi lẽ, có một sự thật thường bị bỏ qua là con người biết nhiều hơn những gì mình hiểu. Thông tin là cần thiết như không khí cần để thở cho con người đang lâm vào nguy cơ chết ngạt. Nhưng chớ có quên lời nhắc nhở rất sâu sắc của Einstein “Thông tin không phải là kiến thức” (Information is not knowledge).
Để biến thông tin thành kiến thức cho đông đảo người nhận thông tin từ các trang web, là chuyện không dễ dàng chút nào. Nhưng đấy lại là đòi hỏi của sự nâng cao dân trí mà Bauxite Việt Nam cũng như vài trang Web chiếm lĩnh được sự quan tâm của người đọc. Bớt đi những hằn học chửi rủa có thể là do thiếu sự kiềm chế, nhưng cũng có thể là do muốn nổi trội trong sự chú ý của đôi mắt công chúng, mà vì thế sức cảm hóa và thuyết phục không cao. Có khi là ngược lại. Liệu đây có phải là điều cần rút kinh nghiệm chăng? Điều này sẽ làm cho Bauxite Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu đề ra.
Đừng quên rằng công chúng rất tinh tường trong sự cảm thụ và thẩm định. Họ từng bước rồi sẽ nhận ra khá chính xác ai là ai. Cẩn trọng và thật trách nhiệm trong việc đưa tin trên mạng là một việc không hề dễ dàng. Làm vừa lòng mọi người rất khó, nhưng có lẽ đó không phải là đích đến của người đưa tin! Thói thường thuốc đắng dã tật nhưng người ta lại hay thích bọc đường. Càng tệ hơn khi nói vậy chứ không phải vậy. Chẳng thế mà Khổng Tử đòi hỏi “tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi”, trước hết phải làm điều mình nói sau đó mới nói ra.
Nhưng nói thế nào để người nghe tự chiêm nghiệm, để rồi biến những chiêm nghiệm đó thành sự hiểu biết của chính mình, chứ không phải là nói để ve vuốt thói quen dễ dãi, lười biếng của ai đó. Đấy mới là cái mà chúng ta hướng tới.
Tôi thấm thía điều này trong cái nghiệp cầm bút của mình. Càng thấm thía hơn khi nhớ đến lời tự bạch của Albert Camus “Những người hy sinh cho lý tưởng, bạn ơi, phải chọn giữa bị lãng quên, bị nhạo báng hoặc bị lợi dụng. Còn để được hiểu ư? – Không bao giờ”.
Vì vậy, để kết thúc bài viết này, xin được nói rằng khi không có hy vọng, bổn phận ta là phải sáng tạo ra nó.
Ngày 10. 5. 2019
T. L.
Chú thích:
(1) Đỗ Đức Hiểu, “Tản mạn Balzac”. Sông Hương, số 123, tháng 5, 1999.
(2) Đỗ Đức Hiểu, bđd.
Tác giả gửi BVN