“Có lẽ không bàn về tại sao và vì ai mà có một dự án khổng lồ 56 tỷ đô la, bằng 2/3 GDP của VN, gần gấp 3 dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Slovakia vượt qua Italia cũng khó như dự án ĐSCT 56 tỷ đô la lại được trình một lần nữa ra Quốc hội Việt Nam. Những người viết dự án khi đó đã về hưu, hay không trúng trong đại hội tới. Có thể cử tri lại có dịp xem lại IQ của mình và cả của ứng viên, nhất là sự liên quan giữa IQ và tàu cao tốc”.
Không phải thế đâu thưa anh Hiệu Minh. Một bạn đọc, một nhà nghiên cứu có uy tín vừa gọi điện nhắc chúng tôi phải tiếp tục truy kích đến nơi đến chốn đích danh những kẻ nào trong bộ máy nhà nước Việt Nam hôm nay để xuất Dự án tàu cao tốc, những kẻ đó lấy cơ sở đâu mà dám đẻ ra một cái dự án phải nói là quái gở vay đến 56 tỷ đô la Mỹ như vậy, trong một bối cảnh rất nhiều chuyện dầu sôi lửa bỏng chưa hề được giải quyết ổn thỏa? Chẳng hạn Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan nếu không nói là rồi sẽ nhận lấy cái “dớp” của Nhà máy Dung Quất, vì không nghe kiến nghị tâm huyết của hàng trăm trí thức đầu ngành và hàng mấy ngàn người Việt có lương tâm trong nước và trên thế giới liên tiếp gửi lên các cấp chính quyền kể từ tháng Tư năm 2009. Hay thực trạng bán rừng ồ ạt ở 18 tỉnh cũng đang là một vấn nạn điên đầu cho toàn dân tộc trước an nguy cận kề cả ngoài biển Đông lẫn trên vùng núi như một gọng kìm hai bề kẹp vào cổ họng nước ta. Hay nữa, những chuyện mở rộng Thủ đô, dời Trung tâm hành chính lên Ba Vì, vạch trục Thăng Long… tạo ra những cơn sốt đất ảo làm cho những cá nhân nào đó bán trôi quỹ đất dự trữ của chúng để trở thành triệu triệu phú đô la Mỹ, sống hả hê trên sự lụn bại khốn khổ của người dân khắp mọi vùng miền… Những bọn người mưu mô bày ra loại dự án hão huyền này muốn nhắm tới điều gì, chẳng phải là cốt kiếm chác trục lợi trắng trợn đấy hay sao? Nguy hại thay chúng lại ở trong thành phần Chính phủ, một Chính phủ tự gọi là “của dân do dân vì dân”, thế thì nếu không vạch cho ra khuôn mặt thật của những tên A tên B tên C bày mưu tính kế kiểu ấy liệu Chính phủ có còn uy tín hay không?
Anh Hiệu Minh cũng quá lạc quan khi nói “Slovakia vượt qua Italia cũng khó như dự án ĐSCT 56 tỷ đô la lại được trình một lần nữa ra Quốc hội Việt Nam”. Tôi xin đoan rằng không chóng thì chầy cái việc “chỉnh sửa”, “hoàn thiện” Dự Án Đại Ngu Ngốc Thế Kỷ kia – ngu ngốc là nói về phía dự án đó đem lại cho dân chúng: nó tất yếu dìm dân chúng xuống bùn đen, còn nói về phía dự án đó đem lợi ích đến cho cái bọn vẽ vời ra nó thì không ngu ngốc chút nào đâu, nó sẽ đưa bọn họ lên thiên đường cả đấy – lại sẽ sớm được “bổ sung đầy đủ”, “lập luận chặt chẽ”, “có giám định kỹ lưỡng” và lại được trình ra Quốc hội nay mai thôi. Bởi anh nghĩ, cái Chính phủ này còn việc gì để làm nữa đâu khi mà thực tiễn cho thấy chỉ tính từ năm 2009 đến nay họ toàn làm những việc trời ơi đất hỡi khiến ai cũng lo lắng – những việc như bán rừng ồ ạt, cho đào bới quặng thô lên ở những địa phương dò thấy quặng rồi đem bán tháo sang Trung Quốc (thậm chí mỏ vàng Na Rì là của một ông cực to trong bộ máy quyền lực hàng ngày chuyển quặng vàng ùn ùn qua bên kia biên giới, hay hoạt động đào vét than ở Quảng Ninh, ở Mạo Khê đến cùng kiệt để bán cho nhanh đến nỗi sắp tới lại phải làm chuyện trớ trêu là nhập than đắt hơn gấp nhiều lần), ép dân phải bán rẻ đi những ruộng đồng màu mỡ mà đi tha phương cầu thực để cho các “nhóm lợi ích” của họ chiếm đoạt, lập dự án chia lô đất đai làm nơi vui chơi giải trí, hoặc xây sân golf cho những kẻ lắm tiền ngày ngày đến chơi nhởi tiêu tiền và làm nhiều trò ma quỷ, đẩy đạo đức xã hội xuống bờ vực nữa kia. Anh không nhớ câu “Nhất dạ sinh bá kế” hay sao? Tôi dám cuộc với anh những kẻ nào đã nghĩ ra được một mưu kế quỷ quyệt như cái dự án trình Quốc hội vừa rồi mà không/chưa bị loại bỏ thì sẽ có “bá kế” nữa sẽ đưa ra trình Quốc hội tới đây, không kế này thì kế khác. Trong bụng chúng không thiếu gì kế mà quan thầy chúng bên cạnh nách cũng không thiếu gì kế để xúi bẩy chúng nhằm đưa dân chúng nước ta xuống hố thẳm cho lũ quan thầy đó dễ bề “ra giá” trong việc lấn chiếm biên giới, biển đảo. Anh cứ nhớ lại xem, một người như ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kiến thức được mấy hột mà nghênh ngang lên diễn đàn ăn nói như cha mẹ của Quốc hội không bằng, bất chấp tư cách của ông ta là gì. Lẽ ra những người như thế phải về từ lâu, về để học lại cung cách làm đại biểu Quốc hội là thế nào, làm thành viên Chính phủ là thế nào, đại biểu cho dân thì phải làm những loại việc gì, phải phát ngôn những điều gì thay mặt được cho đa số dân chúng, giơ bàn tay lên cũng giơ theo cách ra sao cho phải phép giữa Quốc hội, chứ có đâu dùng những lời võ đoán dự kiến hão về mức thu nhập bình quân đầu người ba, bốn chục năm sau để ép người ta phải bỏ phiếu cho một cái dự án vớ vẩn của hôm nay. Những kẻ chưa hiểu đến phép logic trong suy luận vậy mà cũng đòi làm PTT và lên diễn đàn nói như ra lệnh cho Quốc hội, tức là ra lệnh cho toàn dân ư?
Nói chừng đó chắc anh đã thấy chỗ vô phúc của dân chúng nước ta rồi chứ anh. Cho nên chúng tôi nghĩ, đây đúng là một thắng lợi bước đầu của những người đại diện cho dân, bước đầu thôi, và muốn có những bước đi xa hơn thì chúng ta còn phải kiên trì góp phần nâng cao quan trí nước ta, kiên trì lên tiếng để diễn đàn của dư luận ngày một dân chủ hơn, có tiếng nói đối thoại nhiều chiều, xây dựng dần bản lĩnh cho các vị đại biểu Quốc hội và cho chính người dân chúng ta, để tất cả không lại quay trở về điểm xuất phát. Đó là một việc mà mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trong đó đặc biệt quan trọng là tầng lớp trí thức, phải gắng hết sức mình.
Nguyễn Huệ Chi
Trận đấu loại vòng chung kết World Cup đang tiến vào giai đoạn quyết liệt. Trên sân bóng chỉ có câu hỏi “Yea/Nay – Yes/No – tồn tại hay không tồn tại”. Sân cỏ Nam Phi có một logic toán học hết sức rõ ràng: hoặc vào tiếp vòng hai hoặc xách va li về nước.
Trong tiếng Anh cổ, từ Yea – là Yes, và Nea/Nay là No. Quốc hội “Nay” là Quốc hội “bác” Chính phủ. Một sinh hoạt thường lệ của xã hội lành mạnh.
Khi bắt đầu entry thì kết quả hiệp 1 trên sân đã là 1:0 nghiêng về Paraguay trong cuộc chiến “Yes or No” với Slovakia.
Khi trái bóng World Cup bắt đầu lăn thì tại hội trường Quốc hội Việt nam đang có một trận đấu khác không kém phần gay cấn: Đường sắt cao tốc (ĐSCT).
Tin cho hay, Quốc hội đã không thông qua Dự án ĐSCT. Theo một nghĩa nào đó, Quốc hội “bác” dự án của Chính phủ.
Cử tri VN đã quen với một Quốc hội có thông lệ từ mấy thập kỷ “Chính phủ trình thì QH sẽ thông qua” vì đồng thuận. Nhưng Quốc hội nay đã nói “Nay – không”.
Có lẽ không bàn về tại sao và vì ai mà có một dự án khổng lồ 56 tỷ đô la, bằng 2/3 GDP của VN, gần gấp 3 dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Cũng khỏi bàn đến những mỹ từ trống rỗng của quyết tâm chính trị như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi tắt đón đầu, biểu tượng văn minh, nàng tiên ngủ, rồi cha mẹ nên cố vay xây cho con cháu nhà 5 tầng, dư xi măng sắt thép thì nên đầu tư hàng tỷ đô la để cho khỏi phí, để nhằm thuyết minh cho dự án này.
Đỉnh điểm của sự tranh cãi khi một vị đại biểu Hà Nam cho rằng “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc”. Quả thật, liên tưởng IQ đến ĐSCT chưa từng có trong lịch sử phát triển của nhân loại.
ĐSCT là dự án kinh tế, vai trò chính trị rất ít. Thời đại hội nhập, không thể lầm lẫn giữa kinh tế và chính trị. Lấy quyết tâm chính trị để thuyết phục mục tiêu kinh tế là không nên. Thời đại làm cái gì cũng bằng quyết tâm, duy ý chí đã qua rồi.
Tiêu 56 tỷ đô la cần IQ của các nhà bác học, hoàn toàn không thể dựa trên thống kê IQ hay sự lầm lẫn giữa đường sắt cao tốc và tàu điện tốc hành của một số đại biểu được phía bạn cho đi thử.
Thấy Quốc hội “bác” dự án ĐSCT của Chính phủ, nhiều bạn rất mừng, email hỏi sao HM chẳng viết gì mà toàn bình luận về bóng đá.
Thú thật, HM chẳng mừng mà cũng chẳng buồn. Với vai trò của Quốc hội đại diện cho dân, các nhà lập pháp có trách nhiệm với vận mệnh quốc gia thì phải biết nói “Yes – đồng ý” và “No – không đồng ý”. Nếu chỉ biết đồng thuận, biết mỗi nút “Yes” nằm chỗ nào trên bàn trước mặt trong phòng họp, có lẽ không nên ứng cử vào một nơi quyền lực của đất nước.
Đôi lúc có thời gian, tôi xem tivi về họp Quốc hội Hoa Kỳ để hoàn thiện tiếng Anh. Khỏi phải nói về những tranh luận dữ dội khi bàn về những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia như chiến tranh Iraq, Afghanistan hay kể cả cải tổ y tế gần đây.
Đó là những quyết định liên quan đến hàng ngàn tỷ đô la, sinh mệnh của hàng chục ngàn người. Các nghị viên không thể lấy quyết tâm duy ý chí để bấm nút. Mới có chuyện các dự thảo bên Nhà Trắng (Chính phủ) đưa sang Capitol Hill (Quốc hội) có kết quả phần trăm “Yea”, hay “Nea – Nay” lúc cao lúc thấp, khá rõ ràng.
Việc Quốc hội bác bỏ hay đồng ý một dự thảo của Chính phủ là một sinh hoạt rất bình thường trong nghị trường. Nếu sự đồng thuận luôn quá cao thì ý kiến trái chiều bị khỏa lấp và đó là điều đáng lo hơn là đáng mừng. Check and Balance hết sức quan trọng.
Đang viết thì thấy số 16 của Paraguay sút tung lưới đội Slovakia. 2-0. Dân Paraguay trên sân cởi trần hò hét dù Nam Phi đang là mùa Đông giá lạnh. Câu trả lời No cho Slovakia đã rõ.
Quay lại chuyện “Yea or Nay” của Quốc hội.
Xem lại lịch sử 60 năm của Quốc hội VN từ năm1946 đến nay. Khóa đầu (1946-1960) có 403 đại biểu có lượng Trí thức 61% và Nông dân 22%. Đại biểu từ 26 đến 40 tuổi: 70%, từ 41 đến 50 tuổi: 18%, từ 51 đến 70 tuổi: 0,5%.
Khóa 1960-1964, thành phân Công nhân: 13,8% , Nông dân: 12,9%, Trí thức : 28,4%. Đảng viên chiếm tới 82,3% trong Quốc hội. Tỷ lệ công nông trí được phân phối khá đều trong nhiều nhiệm kỳ của Quốc hội.
Nhưng từ khóa 1997 tới nay không còn thống kê về thành phần công nhân, nông dân, trí thức nữa. Cũng không thấy nói về độ tuổi. Khóa 1997-2002 có nhắc đến đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 18.6 %.
Năm 1946 có tới 70% đại biểu dưới 40 tuổi và 61% là trí thức. Đương nhiên Quốc hội hiện nay thì phải hầu hết là trí thức nhưng không biết độ tuổi là bao nhiêu.
Không hiểu số phần trăm trí thức hay phần trăm đại biểu trẻ trong Quốc hội có liên quan đến những “Yea – Nea” hay không. Mong bạn đọc góp ý.
Viết đến đây thì tiếng còi kết thúc. Các cầu thủ Paraguay có 4 điểm và sẽ ở lại Nam Phi. Trận tới Slovakia phải thắng Italia.
Slovakia vượt qua Italia cũng khó như dự án ĐSCT 56 tỷ đô la lại được trình một lần nữa ra Quốc hội Việt Nam. Những người viết dự án khi đó đã về hưu, hay không trúng trong đại hội tới. Có thể cử tri lại có dịp xem lại IQ của mình và cả của ứng viên, nhất là sự liên quan giữa IQ và tàu cao tốc.
Trên sân cỏ, trái bóng tròn lăn về đâu do mũi giày, sức đá của cầu thủ, sức gió trên sân và kể cả âm hưởng của hàng vạn cổ động viên. Mọi sự bất ngờ có thể xẩy ra.
Nhưng trên nghị trường khó mà có điều bất ngờ khi một dự án đầy ngờ vực 56 tỷ đô la được trình ra với những “tưởng” đồng thuận theo thói quen.
Xin các vị thảo dự án tương lai nhớ rằng, Quốc hội ngày nay có thể nói “Nay” (No – Không). Và nghị trường đã mang hơi thở của sân cỏ Nam Phi. Có “Nay”, có “Yea”, ở lại hay về. Không có chỗ cho phiếu I dont know (không biết quyết thế nào), được chăng hay chớ.
Đội Italia và New Zealand đã ra sân. Quốc ca cất lên. Lại một trận cầu khác mà chỉ có hai từ “Yea” hay “Nay” hoặc cho đội này hay đội kia.
Nếu những cuộc đối đầu trên sân cỏ và trong nghị trường cùng quyết liệt như nhau thì bóng đá là cống hiến cho khán giả và quốc hội quyết… vì dân.
Chúc các bạn vui cuối tuần. Entry này thay cho Nước Mỹ tuần qua – số 15. He he.
H. M.
20-06-2010.
Nguồn: http://hieuminh.org/2010/06/20/san-co-nam-phi-va-nghi-truong-qh/