BÁO CHÍ KHÔNG NÊN LÀM CHUYỆN TÀO LAO
Trước hết phải hiểu tào lao là gì? Vì sao tôi gọi là tào lao? Tào lao tức là tào lao bắt xế. Vậy mà báo chí lại dám làm, càng ngày càng có rất nhiều tờ báo làm chuyện tào lao, nhất là từ đầu năm đến nay, tôi thấy đã đến lúc cần phải báo động về tính chất tào lao của báo chí.
Đừng tưởng tôi nói chuyện tào lao. Tôi xin ví dụ: Hôm đầu tháng 5 vừa qua, ở Nông Sơn xảy ra vụ chìm đò chết 18 học sinh, dĩ nhiên là chuyện không ai muốn. Lẽ ra, báo chí chỉ làm cái việc dơ tin, thậm chí cũng không cần dơ tin. Đằng này các báo lại viết bài lê thê để thương vay khóc mướn. Đã thế, nhiều báo lại đứng ra kêu gọi bạn đọc góp tiền để mua năm bảy chiếc tàu đò an toàn thay cho đò cũ, không những thế, một tờ báo còn đứng ra vận động hàng tỷ đồng để xây dựng chiếc cầu cho Nông Sơn. Ai bảo các anh làm việc ấy? Cái việc mà hoàn toàn không phải của các anh. Ai cho phép các anh chơi trội như thế? Các anh có biết mỗi năm nhân dân đã tốn bao nhiêu tiền để trả lương cho bộ máy của ngành giao thông vận tải từ Trung ương đến địa phương không? Trên có Bộ, dưới có Sở, dưới nữa có phòng. Bên cạnh đó còn có Ủy ban Quốc gia về an toàn giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy. Bộ máy của ngành Giao thông vận tải nước ta đã có một hệ thống hoàn chỉnh như thế, mỗi năm có hàng trăm dự án xây dựng cầu đường hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, hà tất gì bọn nhà báo các anh phải đi quyên góp tiền dân để mua sắm tàu đò và xây cầu như thế. Các anh đã làm một việc xúc phạm nghiêm trọng đến ngành Giao thông vận tải nước nhà, các anh đã làm một việc hết sức tào lao cần phải nghiêm túc kiểm điểm để khắc phục, sửa chữa.
Một việc tào lao thứ hai mà dưới góc độ của Hội Tâm thần, chúng tôi thấy rằng không thể nào tha thứ được. Ấy là, trong mấy tháng gần đây, cánh nhà báo các anh cố tình đi bươi móc trong khắp hang cùng ngỏ hẻm những học sinh nghèo hiếu học, những học sinh trúng tuyển hai ba trường đại học mà không có tiền để đến trường, những học sinh giỏi vì nghèo phải bỏ học để đi làm oshin, các anh kể lể dài dòng rồi bày trò vận động tiền bạc cho mỗi đứa hàng chục triệu đồng để đưa chúng đến trường, có những đứa nhận được quá nhiều tiền, xài không hết phải nhường cho những đứa khác cùng cảnh ngộ. Các anh có biết rằng các anh làm như thế là một hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến Hội Khuyến học đáng kính của chúng ta? Các anh làm như trên đời này không có Hội Khuyến học nên các anh tự tung tự tác, tự hô hào nhân nghĩa. Cánh nhà báo các anh có mắt mà như đui, có tai mà như điếc nên không nghe, không thấy rằng đầu năm học nào mà Hội Khuyến học của chúng ta không có thư ngỏ trên tivi, thậm chí in hàng ngàn, hàng triệu bản, vô phong bì rất trang trọng gởi đến từng doanh nghiệp, từng nhà hảo tâm để kêu gọi, vận động tiền bạc và thu về hàng tỷ tỷ đồng để chăm lo cho con em nghèo hiếu học.
Vậy thì mắc mớ gì cánh nhà báo các anh phải làm cái chuyện tào lao như thế? Ai cho phép các anh can thiệp thô bạo vào công việc của Hội Khuyến học như thế? Các anh có biết hậu quả của việc các anh làm rùm beng trên báo chí vừa qua hay không? Thứ nhất, các anh đã phỉ báng vào Hội Khuyến học đáng kính của chúng ta; thứ hai, các anh làm cho Hội mất hết uy tín, năm sau làm sao đi vận động tiền bạc để lo lắng cho học sinh nghèo; thứ ba, các anh đã làm cho quỹ khuyến học năm nay bị tồn đọng không biết chi vào đâu.
Thế đấy, các anh rất đáng liệt vào tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Dưới góc độ của Hội Tâm thần, chúng tôi xin gởi đến các anh lời khuyên: Phàm sinh ra trên cõi đời này, điều tối thiểu cũng nên biết mình là ai, đang ở đâu và đang làm gì. Cũng như Hội Tâm thần chúng tôi không bao giờ dám xúc phạm đến Hội bạn.
Cảm ơn!
VÕ TÍ NHÔ
Tốt nghiệp trường mẫu giáo dân lập (hệ tại chức)
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành lâm thời
Hội Tâm thần ấp Xẻo Lá
PHẢI XỬ LÝ NGHIÊM CÁC NHÀ BÁO
Tôi hoàn toàn đồng ý với bảng tham lựng của Hội Tâm thần ấp Xẻo Lá. Nhưng đó là bảng tham lựng cũ mà quý Hội phát biểu trước… cổng Đại hội Nhà báo cách đây bốn năm. Nay, trước vỉa hè (có người gọi là trước thềm) Đại hội nhà báo lần thứ… (thứ mấy tôi quên rồi), Hội Tâm thần Cầu Thị Nghè chúng tôi xin đóng góp thêm một số vấn đề xung quanh cái sự tào lao của báo chí như sau.
Báo chí là một nghề làm ra tờ báo để bán báo, bán quảng cáo lấy tiền. Nhà nước ta cũng có sai lầm rằng thì là xem báo chí như một công cụ (từ điển tiếng Việt gọi công cụ là đồ dùng như dao, búa, cuốc, xẻng, chày đâm tiêu, v.v.). Thay vì bắt bọn nhà báo phải nộp thuế thì ngược lại, chúng ta lấy tiền thuế của dân đưa cho họ làm báo, thậm chí lấy tiền của dân đưa cho người này làm báo rồi lấy tiền của dân đưa cho kẻ khác mua báo. Chính vì vậy mà bọn nhà báo cứ ra oai, tự xem mình là công cụ của quyền lực, nghĩa là tự xem mình là dao, là búa, muốn đâm ai thì đâm, muốn lụi ai thì lụi. Con cưng là con hư cho nên khó dạy.
Như đã nói, báo chí là một nghề làm ra tờ báo để bán báo, bán quảng cáo lấy tiền. Nhiều tờ báo đã hiểu rõ điều này nên họ chuyên đi khai thác những vết sẹo ở chỗ kín của các người mẫu, diễn viên, ca sĩ, những cuộc tình không có đoạn kết giữa các đại gia và những người nổi tiếng, dù chỉ viết tắt là cô L hoặc ông C nào đó, nhưng báo bán đắt như tôm tươi. Làm báo như thế mới gọi là làm báo. Ai bảo các nhà báo đi làm từ thiện, đi xóa đói giảm nghèo, đi cứu trợ thiên tai lũ lụt… Đây là việc làm chẳng những sai chức năng, tôn chỉ mục đích của báo giới mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến công tác độc quyền của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội từ thiện. Cũng may là họ không kiện các anh ra Tòa về tội cố ý làm trái…
Một hành vi hết sức vô lý, đáng lên án, đáng trừng trị nghiêm khắc nữa là báo chí vác bút đi chống tham nhũng! Để bảo vệ tài sản, tiền bạc của nhân dân, các anh thừa biết nhân dân ta đã chi mỗi năm hàng chục chục tỷ đồng để trả lương cho các hệ thống cơ quan pháp luật, từ thanh tra, điều tra, viện kiểm sát, tòa án… và gần đây nuôi thêm một bộ máy phòng chống tham nhũng, nghĩa là vừa phòng và vừa chống, vậy thì còn cửa nào cho các anh vác bút đi chống? Còn tham nhũng đâu để các anh chống? Đúng là tào lao! Tôi xin đơn cử như cái vụ Pờ-mu 18, các anh la ầm lên rằng thì là một vụ tham nhũng lớn nhất từ trước tới nay. Láo! Cuối cùng rằng thì là ông Nguyễn Việt Tiến bị bắt lầm, phải trả tự do và phục hồi những gì đã mất. Còn ông Bùi Tiến Dũng thì chỉ phải tội đánh bạc để mua vui với số tiền cỏn con một triệu đô-la, một triệu đô-la ấy chẳng qua chỉ là số tiền lẻ mà ông dành dụm, nuôi heo đất trong cuộc hành trình mưu sinh đầy gian khó, lén lút, không dám công khai. Người giàu đôi khi cũng có cái khổ riêng của họ. Vậy thì chứng cứ nào để các anh gọi là tham nhũng và vác bút lao vào chống tham nhũng như điên.
Các ngươi sẽ bị bắt.
Thật đau xót biết nhường nào!
Bắt hai người cũng chưa đủ! Phải trừng trị tất cả bọn nhà báo có máu chống tham nhũng. Nếu là Tổng biên tập, Tổng thư ký tòa soạn thì cách chức hoặc điều đi làm công tác khác, hoặc ở lại làm chuyên viên cấp cao, giữ nguyên lương cho mày sáng mắt ra!
Tôi nghĩ báo chí từ nay phải được chấn chỉnh, phải được cải tổ, phải được định hướng. Không nên xem chúng nó là công cụ nữa, mà phải khoanh vùng, phải vẽ vòng cho chúng đứng, không được phạm vạch. Thằng nào ngấp nghé phạm vạch thì thổi còi, thằng nào cố ý phạm vạch thì khẻ chân bằng roi mây, roi tre hoặc nếu cần thì roi điện. Phải nghiêm trị như vậy chúng nó mới ngán.
Làm báo ở nước ta phải tự biết thân phận mình, phải biết cái gì được quyền thông tin và cái gì nhạy cảm, không được thông tin hoặc chưa đến lúc phải thông tin, hoặc thông tin vào thời điểm nào cho có lợi.
Một chiếc xe cán con chó. Cán tại đâu, lúc mấy giờ, ai chứng kiến, xe gì, mang biển số mấy, tài xế tên gì, con chó chết ấy được quán nhậu nào mua lại, giá bao nhiêu, chủ quán mua về nấu những món gì? Thậm chí bán được bao nhiêu đĩa, bán cho ai, có ai nhậu xong rồi quậy không? Phải làm một loạt điều tra nhiều kỳ, kịp thời và liên tục, trung thực và chính xác. Một con chuột lẻn vào gầm giường cắn rách chiếc quần lót của một hoa hậu. Con chuột ấy là loại chuột gì, từ đâu đến? Tại sao cô hoa hậu kia bỏ rơi chiếc quần lót dưới gầm giường? Vô tình hay cố ý? Chiếc quần lót ấy do đại gia nào tặng, hiệu gì, màu gì, hoa văn như thế nào, mua ở đâu, thời điểm nào, giá bao nhiêu? Đó là những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội mà báo chí cần phải lên tiếng, phải can thiệp, phải điều tra làm rõ trước bàn dân thiên hạ. Thế mới gọi là làm báo.
Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải lập một dự án, nghiên cứu để sản xuất ra các hệ thống phần mềm viết báo, bán lại cho các tờ báo (ép chúng phải mua với giá cao) để chúng căn cứ vào đó mà làm, không phạm vạch (nên nhớ, vạch đây chính là luật, tất nhiên là luật không thành văn). Mỗi hệ thống phần mềm áp dụng cho một tờ báo để tránh tình trạng sai lệch hoặc xa rời tôn chỉ mục đích, một vấn đề khá lộn xộn đến mức khó quản lý như hiện nay, nếu không nói là đang trong tình trạng báo động. Tôi xin gợi ý một vài ý tưởng cho việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng phần mềm viết báo như sau: Ví dụ: Ông A đến thăm làng cá bè ở Châu Đốc. Chúng ta chỉ cần nhấp chuột vào chữ ông A và chữ Châu Đốc, sau đó điền tên ông A là ai, ngày tháng, đoàn đi gồm những ai, địa phương có ai đón tiếp. Cuối cùng chỉ cần enter thì sẽ có một bản tin hoàn chỉnh. Nội dung tin đã cài sẵn: Ông A phát biểu ý kiến chỉ đạo rằng: Cá là một trong những loại thực phẩm có giá trị kinh tế cao, chính quyền địa phương phải khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con nuôi cá và bán cá… Xin nêu thêm một ví dụ khác: Ông A đến dự lễ khánh thành nhà máy điện. Chỉ cần nhấp chuột vào chữ ông A và chữ Điện, làm tiếp các động tác như ví dụ một, chúng ta sẽ có: Điện là nguồn năng lượng quan trọng và cần thiết trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước…
Tôi nghĩ, sản xuất các hệ thống phần mềm viết báo trong thời điểm này là một vấn đề vô cùng cấp bách, nó là giải pháp hữu hiệu nhất để lập lại trật tự trên lĩnh vực báo chí trong điều kiện toàn cầu hóa thông tin hiện nay, khi chúng ta gia nhập WTO. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức tế nhị và vô cùng nhạy cảm. Trong quá trình thực thi dự án, phải tuyệt đối bí mật, nếu không khéo, bọn nhà báo sẽ khai thác và la ầm lên như đề án 112 vừa qua thì VÔ PHƯƠNG TRỪNG TRỊ VÀ QUẢN LÝ BÁO CHÍ.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã theo dõi tham lựng của chúng tôi!
Lễ phép kính chào!
HỘI TÂM THẦN CẦU THỊ NGHÈ
V. Đ. D.
Nguồn: http://dacdanhmientay.multiply.com/journal/item/190/190