Bauxite Việt Nam (BVN): Thưa TS Nguyễn Thành Sơn, 10 năm trước, vào giữa tháng 5.2009, trang mạng Bauxite Việt Nam đã ra đời và hoạt động với mục tiêu quan trọng lúc bấy giờ là phản biện việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên do TKV thừa lệnh Bộ Công Thương tiến hành, từ kết quả việc ký kết giữa ông Tổng bí thư ĐCSVN lúc ấy là Nông Đức Mạnh với hai Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Một công việc mà hầu hết giới nhân sĩ trí thức trong ngoài nước đều coi là mạo hiểm, không đem lại bất kỳ lợi ích gì mà hậu quả thì vô cùng lớn và lâu dài, về rất nhiều phương diện. Chúng tôi nhớ ngay trong những ngày đầu tiên, TS đã nhập cuộc với trang mạng chúng tôi, bằng kiến thức chuyên môn của mình lên tiếng cảnh báo bằng những bài phân tích sâu và gần như toàn diện về triển vọng lợi bất cập hại của việc này. Giờ đây ông có thể tóm tắt cho độc giả nhớ lại một vài điểm về những gì ngay từ đầu ông đã dự đoán là bất cập trong quy trình công nghệ khai thác quặng bauxite mà TKV tiến hành ở Tây Nguyên hay không?
Nguyễn Thành Sơn (NTS): Bauxite Tây Nguyên đã bị “cài” vào thông cáo chung giữa 2 quốc gia nhân chuyến thăm TQ của TBT ĐCS VN chỉ như “tình cờ” với vài câu chữ tưởng như “vô thưởng vô phạt” về “hợp tác khai thác bauxite trên Tây nguyên của VN” ban đầu không ai nhận ra và tôi không cho đó là “chủ trương lớn của Đảng”. Cái gọi là “chủ trương lớn của đảng” là do những kẻ muốn núp danh đảng để làm bậy. Đảng ta là một đảng cộng sản, theo chủ nghĩa Mác – Lênin (được coi là một chủ nghĩa khoa học) thì không bao giờ có những “chủ trương lớn” nhưng lại phản khoa học xét cả về quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử như vậy.
Tôi xin trả lời thẳng vào câu hỏi về những bất cập (thực ra là những sai lầm) trong việc triển khai 2 dự án bauxite trên Tây Nguyên mà cách đây 10 năm, không chỉ riêng tôi, mà tất cả các cán bộ KHKT – những người có trách nhiệm và có hiểu biết – đã chỉ ra và ngày càng thể hiện rõ nét. Đó là:
1/ Sai lầm trong việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc: Sai lầm này bắt nguồn từ sự vi phạm Luật đấu thầu một cách có hệ thống từ Chính phủ (cho phép lách Luật) đến Bộ Công Thương (tham mưu việc lách Luật) và TKV (đề xuất việc lách Luật). Đúng ra là họ đã “ngồi xổm” lên cả Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu. Kết quả của việc “lách luật” là một nhà thầu hoàn toàn không có kinh nghiệm đã được lựa chọn để triển khai cả hai dự án mang tính “thử nghiệm”. Nhà thầu được lựa chọn chỉ có kinh nghiệm với quặng bauxite hình thành trong đá gốc, trong khi bauxite Tây Nguyên của VN được hình thành trong lớp vỏ phong hóa. Bauxite dạng đá gốc có hàm lượng Al2O3 cao hơn, có module silic thấp hơn, dễ “xơi” hơn, còn bauxite vỏ phong hóa có hàm lượng Al2O3 thấp hơn, có module silic cao hơn, khó chế biến hơn.
2/ Sai lầm thứ hai là vi phạm ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu trong Thông báo số 245 là “chỉ triển khai thử nghiệm”:
(i) Đã gọi là “thử nghiệm” thì không nên và không cần làm qui mô quá lớn. Mỗi dự án alumina (nhôm oxit) có công suất tới 650.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư tới 15.088 tỷ đồng (dự án Tân Rai) và 15.859 tỷ đồng (dự án Nhân Cơ) thì không phải là để thử nghiệm, mà là để “tiêu tiền”;
(ii) Đã gọi là thử nghiệm thì không nên thử nghiệm cả 2 dự án với duy nhất 1 nhà thầu (không có kinh nghiệm) và duy nhất 1 sơ đồ công nghệ (núp danh “Bayer”);
(iii) Đã “thử nghiệm” thì phải biết rút kinh nghiệm, nhưng thực tế cho thấy, dự án sau (Nhân Cơ) có tổng mức đầu tư còn cao hơn dự án trước (Tân Rai), trong khi lẽ ra, vốn đầu tư của dự án Nhân Cơ phải thấp hơn của Tân Rai ít nhất là 15-25% (vì 1 nhà thầu “xơi” luôn cả 2 dự án giống hệt nhau thì không tốn chi phí thiết kế, giảm được chi phí quản lý, giảm được chi phí cung cấp thiết bị, tăng được tính kinh tế của qui mô v.v.).
3/ Sai lầm thứ 3 là chọn phương án kỹ thuật (thiết bị) của TQ để triển khai công nghệ Bayer. Trên thế giới, hầu hết (tới 95-98%) các dự án alumina từ đông sang tây, từ cổ chí kim, từ các nước G7 đến các nước “có khát vọng vươn lên” đều phải dùng công nghệ Bayer. Vấn đề khác nhau là ở chỗ sử dụng thiết bị nào để triển khai công nghệ đó? Giống như chế tạo cái xe đạp thì đều phải có khung, vành, đĩa, xích líp…, nhưng những thứ đó làm bằng gì? Bằng thép hay bằng gỗ? Hay nấu cơm thì ai cũng phải cho gạo vào nồi rồi đun lên. Vấn đề là tỷ lệ nước/gạo là bao nhiêu? Đun ở nhiệt độ bao nhiêu? Đun trong bao lâu?… “Công nghệ Bayer” của nhà thầu TQ cũng giống như “công nghệ chế tạo xe đạp” và “công nghệ nấu cơm” – ai cũng biết. Vậy mà TKV cứ sử dụng cái gọi là “công nghệ Bayer” để lòe những người không hiểu biết.
4/ Sai lầm lớn thứ 4 là thải bùn đỏ bằng công nghệ “ướt” lạc hậu, rẻ tiền hơn công nghệ “khô”, nhưng nguy hiểm hơn rất nhiều so với công nghệ “khô”. Vì vấn đề môi trường, cả thế giới đã phải chuyển từ “ướt” sang “khô”. Khi xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari, Bộ Công Thương đã sang “nghiên cứu khảo sát”, đã biết Hungari cũng sẽ phải bỏ thêm ra 5 triệu USD để chuyển từ “ướt” sang “khô”. Nhưng sau khi “tiêu tiền chùa” về, Bộ CT vẫn cứ phê duyệt cho TKV làm theo công nghệ “ướt” (chỉ đổi tên gọi là “chồng lớp khô”, còn bản chất vẫn là “ướt”).
5/ Sai lầm thứ 5 là trong mỗi dự án alumina xây dựng trên Tây Nguyên lại kèm theo một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than Quảng Ninh. Như vậy phải đưa ngược than từ biển lên núi để phát điện, và để cấp nước tuần hoàn cho nhà máy nhiệt điện thì phải tiêu hao rất nhiều nước vốn đang ngày càng khan hiếm trên Tây Nguyên! Trong khi trên Tây Nguyên có sẵn các nguồn thủy điện. Còn, trong điều kiện ở Tây Nguyên, việc cung cấp nhiệt (hơi nóng) để triển khai công nghệ Bayer có thể làm bằng nhiều cách khác hiệu quả hơn so với cách làm của nhà thầu TQ.
6/ Sai lầm thứ 6 là lựa chọn sản phẩm trong chuỗi sản phẩm: Sản phẩm alumina (nhôm ôxit) của cả hai dự án đều phải xuất khẩu, vì nhu cầu trong nước về alumina rất thấp. Thực chất, về mặt kỹ thuật, trong ngành công nghiệp nhôm, alumina chỉ là ôxit của nhôm – tức chỉ là nguyên liệu thô để luyện ra nhôm kim loại, và nhôm kim loại cũng chỉ là sản phẩm trung gian để đúc ra các hợp kim của nhôm. Lẽ ra, thay vì đầu tư qui mô lớn nhưng chỉ để làm ra sản phẩm cuối cùng là alumina, nên đầu tư qui mô nhỏ để làm ra đến sản phẩm cuối cùng là các hợp kim của nhôm. Đối tác Pechiney – công ty nhôm nổi tiếng của Pháp – đã từng khuyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt như vậy. Cả hai dự án alumina của TKV và dự án luyện nhôm của Trần Hồng Quân ở Tây Nguyên đều chỉ làm ra cái mà nền kinh tế Việt Nam không thể sử dụng, và chỉ đóng vai trò “chân gỗ” cho việc phát triển công nghiệp xây dựng, chế tạo ô tô hay đóng tàu của các nước khác.
7/ Sai lầm thứ bảy là giao cho TKV thực hiện chức năng chủ đầu tư mà không kiểm tra năng lực của TKV về con người cũng như về trình độ hay sự hiểu biết về công nghệ. Còn khi được giao, TKV lại tự cho mình là tài giỏi, cái gì cũng làm được nên cứ nhận bừa. Có lần anh Nguyễn Chân – nguyên Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than – hỏi: Tại sao TKV lại cứ nhắm mắt triển khai bauxite? Anh Đoàn Văn Kiển – khi đó là Tổng giám đốc của TKV – đã trả lời: “Em không làm thì thằng khác nó làm” (nguyên văn). Các cán bộ “chủ chốt” về bauxite của TKV là những người chỉ quen làm than. Có người từng là Giám đốc mỏ than ở Quảng Ninh, nhưng bị Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu cách chức thì lại được đề bạt lên chức cao hơn – Phó TGĐ “phụ trách bauxite” của TKV!
BVN: Vậy qua theo dõi của ông, trên thực tế trong 10 năm qua, Tập đoàn TKV đã tiến hành cái quy trình công nghệ khai thác bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ cụ thể như thế nào? Có gì khớp và không khớp so với những cảnh báo nhiều mặt mà ông đã đề xuất? Họ có rút được ít nhiều kinh nghiệm để giảm bớt hậu quả nặng nề hay không, hay trên từng chặng đường lại phát sinh thêm những vấn đề khác – những mối đe dọa trong kỹ thuật phải gánh thêm mà không lường tính trước?
NTS: Có thể nói tóm tắt và dễ hiểu là, tất cả những cảnh báo mà các nhà khoa học đã chỉ ra cho TKV và Bộ Công Thương về những bất cập công nghệ – kỹ thuật – môi trường – xã hội của cả hai dự án bauxite Tây Nguyên đều như “nước đổ đầu vịt”.
Hậu quả hiện nay là, mức tiêu hao quặng bauxite đầu vào và tiêu hao nhiệt để sản xuất ra 1 tấn alumina trên Tây Nguyên bằng công nghệ “Bayer” của TKV rất lớn. Đây là hậu quả truyền kiếp, không thể khắc phục được và có ảnh hưởng rất quyết định đến hiệu quả sử dụng tài nguyên bauxite. Bình quân trên thế giới, người ta chỉ cần dùng 2 tấn quặng để sản xuất ra 1 tấn alumina, còn công nghệ “Bayer” của TQ thì cần đến hơn 2,7 tấn. Tiêu hao nhiệt bình quân trên thế giới chỉ có 9 đơn vị (qui đổi), còn công nghệ “Bayer” của TKV trên Tây Nguyên cần tới 13 đơn vị!
Còn nhiều hậu họa thì khó lường, vì đến nay TKV vẫn “ếch ngồi đáy giếng”. Một nhà máy sản xuất alumina như Tân Rai hay Nhân Cơ, thực chất là một nhà máy hóa chất, các qui trình chế biến bauxite thành alumina là những qui trình hóa học, được triển khai ở nhiệt độ cao và có áp suất, dựa chủ yếu vào việc sử dụng xút ăn da làm chất gây phản ứng, đòi hỏi các thiết bị công nghệ phải có độ bền hóa học cao và phải được chế tạo theo đúng tiêu chuẩn. Mới đưa vào hoạt động, có thể chưa có sự cố gì lớn (nhỏ thì đã xảy ra rất nhiều như báo chí đã đưa), nhưng sau một thời gian vận hành và nếu vận hành không đúng, chắc chắn sẽ xảy ra.
BVN: Nhiều nhà khoa học đã từng chỉ ra nguy cơ phá hoại môi trường nghiêm trọng trong công việc khai thác bauxite, ở Tân Rai, Nhân Cơ đã xảy ra tình trạng đó hay chưa? Nếu chưa xảy ra thì với tình trạng khai thác như hiện nay có ẩn chứa nguy cơ gì khiến cộng đồng dân cư tại chỗ và các vùng khác phải lo lắng hay không?
NTS: Thực tế 10 năm qua đã và đang cho thấy, nguy cơ phá hoại môi trường vẫn là nghiêm trọng nhất. Cả hai dự án đều thải ra một lượng rất lớn chất thải rắn dưới dạng chất thải bùn đỏ (của nhà máy alumina) và chất thải quặng đuôi lỏng (của nhà máy tuyển bauxite).
Để làm ra 1 tấn sản phẩm xuất khẩu, trên Tây Nguyên, ở độ cao 800 – 1000 mét so với mực nước biển, sẽ phải lưu lại 4,5 – 5 tấn chất thải rắn, trong đó có tới 1/3 là bùn đỏ độc hại. Diện tích chiếm đất để xây dựng các bãi thải này đang ngày một lớn và chi phí để xây dựng các hồ thải bùn này đang ngày một tăng (vì, hết diện tích ở gần, ngày càng phải thải đi xa hơn, thải lên cao hơn). Trong đó, bùn đỏ độc hại cần được thải vào các hồ chứa xây dựng đúng kỹ thuật, có chi phí cao và không quá xa nhà máy alumina. Còn chất thải quặng đuôi của nhà máy tuyển cũng được thải ra theo qui trình lỏng (ướt) thì bắt buộc phải thải vào các bãi thải nằm giữa các sườn đồi tự nhiên gần nhà máy và phải xây đập chắn. Nguy cơ chiếm đất và nguy cơ vỡ đập của cả hai loại bãi thải này đang rất lớn cả ở Tân Rai cũng như ở Nhân Cơ. Với cung cách quản lý truyền thống “theo nhiệm kỳ” và “chạy theo thành tích” từ trước tới nay, các hồ thải bùn đỏ và thải quặng đuôi trên Tây Nguyên ngày càng là những “quả bom bẩn” đối với cộng đồng dân cư tại chỗ như đã được các nhà khoa học cảnh báo 10 năm trước.
Ngoài ra, các cam kết của TKV về “qui trình khai thác theo kiểu cuốn chiếu” và “làm đến đâu, hoàn thổ đến đó” đến nay vẫn chỉ là “hứa”. Thực tế, khai thác không theo qui trình “cuốn chiếu” mà đất đá thì “tiện đâu đổ đấy”, quặng thì chỗ nào ngon là xúc. Còn việc hoàn thổ trong điều kiện địa hình kiểu “bát úp” trên Tây Nguyên thì chỉ nói cho vui thôi. Thổ nhưỡng có giá trị của vùng đất bazan là không thể phục hồi. Môi trường đất bị xâm hại là không thể đảo ngược.
BVN: Từ trữ lượng mỏ quặng bauxite ở Tây Nguyên mà chúng ta xác định được, từ đặc điểm riêng của loại quặng bauxite của nước ta, từ quy trình công nghệ khai thác mà TKV cho áp dụng ở hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ trong mười năm lại đây, theo ông triển vọng lâu dài của việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên là như thế nào? Việc đó có đem về cho nền kinh tế của đất nước những khoản thu nhập đáng kể và ngày càng có chiều hướng tăng lên, đáng cho chúng ta hy sinh cả một thảm thực vật rừng phong phú của mảnh đất Tây Nguyên do việc khai thác bauxite làm hỏng, và chưa thể nào khôi phục lại? Và rộng hơn thế nữa là cái giá phải trả do việc khai thác này làm đảo lộn, làm phôi pha đi cả một nền văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở đây?
NTS: Ngay từ đầu, và cho đến bây giờ, tôi và các nhà khoa học khác đều tập trung phản đối CÁCH LÀM của Bộ Công Thương và của TKV, chứ không phản đối “chủ trương lớn của Đảng” liên quan đến hai dự án bauxite thử nghiệm trên Tây Nguyên.
Chúng tôi phản đối về những vấn đề cụ thể, như phản đối CÁCH chọn nhà thầu, phản đối CÁCH làm của nhà thầu Trung Quốc; phản đối CÁCH Bộ Công Thương và TKV triển khai công nghệ Bayer, v.v.
Nói tóm lại, chúng tôi phản đối cách khai thác/chế biến bauxite trên Tây Nguyên như đang được triển khai. Vì triển khai không đúng cách, cả hai dự án chẳng mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế mà lẽ ra phải rất lớn. Anh Yến – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng khi đó (tôi không nhớ họ) khẳng định là nếu cho triển khai, mỗi năm Tân Rai sẽ nộp cho ngân sách của Lâm Đồng hơn 2.000 tỷ. Điều đó lẽ ra không phải là “ngoa”, nếu chúng ta triển khai đúng cách, chọn nhà thầu đúng cách, chọn công nghệ đúng cách, khai thác bauxite đúng cách, chế biến alumina đúng cách, tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường đúng cách, v.v. Rất tiếc là cách làm của Bộ Công Thương và TKV quá sai, nên cái giá phải trả của chúng ta quá lớn cả về môi trường, cả về kinh tế.
Môi trường thiên nhiên thì ai cũng nhận ra ngay cả trên Google Maps. Còn môi trường xã hội, môi trường văn hóa có quán tính rất lớn (ít nhạy cảm hơn) nên không dễ nhận ra, nhưng lại “ngấm” rất sâu. Cả hai dự án bauxte này tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào dân tộc rất ít (vì nó đòi hỏi mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao), nhưng lại mang lại lợi nhuận chủ yếu cho người Kinh (vì được TKV hạch toán tập trung ở Hà Nội). Nhà văn hóa Nguyên Ngọc đã nói không hề sai, đại ý là, hai dự án bauxite của TKV sẽ góp phần gây ra cuộc “tàn sát” Tây Nguyên lần thứ hai, và lần này còn nguy hại hơn lần trước. Tôi hiểu “lần trước” mà nhà văn hóa Nguyên Ngọc nhắc đến không phải là chính sách của người Pháp hay người Mỹ, mà cũng là “chủ trương lớn” của đảng ta thôi.
Ngoài ra, bài toán kinh tế về “chi phí cơ hội” của việc bỏ ra 32.000 tỷ đồng (đầu tư cho 2 dự án) chẳng ai tính đến. Nếu trong 10 năm qua, hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông được đầu tư thêm 32.000 tỷ đồng vào các công trình khác và bằng cách làm khác thì chắc chắn hiệu quả mang lại cho ngân sách lớn hơn nhiều. Ngoài ra, TKV và Bộ Công Thương còn cố tình “lờ” đi việc lấy hơn 7.000 tỷ đồng tiền lãi từ xuất khẩu than ở Quảng Ninh để làm “vốn tự có” trên Tây Nguyên, mà cho đến bây giờ vẫn chưa hoàn trả lại cho thợ mỏ. Trong khi ngành than và thợ mỏ ở Quảng Ninh còn đang thiếu vốn để duy trì sản xuất, duy trì việc cấp than cho điện.
Còn về triển vọng, tôi vẫn luôn khẳng định: khai khoáng nói chung, khai thác than, bauxite hay titan nói riêng là không thể lỗ. Về nguyên lý, các sản phẩm của ngành khai khoáng như than, alumina hay titan có lợi thế hơn rất nhiều so với các sản phẩm của ngành công nghiệp khác như xi măng, sắt thép, dệt may, hay da giày… Vì trong giá thành sản phẩm (chi phí đầu vào) của ngành khai khoáng không có khoản mục “nguyên liệu chính” (thường chiếm tỷ trọng 30-70% trong giá thành các sản phẩm của các ngành chế biến). Dân gian thường ví “đào mỏ” là cách làm giàu dễ nhất. Còn ở góc độ quản lý nhà nước, nếu chúng ta cứ lấy tiêu chí “tăng trưởng” để “chém gió” như trên nghị trường QH, thì khoáng sản (đặc biệt là than, dầu mỏ, khí đốt) là “cứu cánh” để đạt bằng được chỉ tiêu tăng trưởng GDP (như thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm).
Còn về lâu dài, có lần tôi đã viết, nhôm là nhiên liệu động cơ của tương lai, có thể thay thế xăng dầu và sạch hơn xăng dầu. Tôi không loại trừ khả năng xuất hiện những chiếc ô tô chạy bằng nhôm trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
BVN: Xin cảm ơn TS Nguyễn Thành Sơn về những câu trả lời sâu sắc của ông đóng góp vào dịp kỷ niệm 10 năm tồn tại của trang mạng BVN.
N.T.S. – BVN