An Viên
Ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố “về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng – một Giáo sư trong lĩnh vực xây dựng đảng đã quên rằng, Đông Đức (Cộng sản) sụp đổ, không phải vì bức tường, mà vì nước cộng sản này đã “cải tổ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế”.
Bức tường Berline sụp đổ năm 1989.
“VN: Liệu Đại hội Đảng 13 sẽ có khác biệt?”, bài viết của PGS. TS. Phạm Quý Thọ (nguyên Chủ nhiệm khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển).
Có hai quan điểm của PGS.TS Phạm Quý Thọ, mà tác giả bài viết (An Viên) cho rằng đáng lưu tâm.
Một là, ‘lồng thể chế’ để nhốt quyền lực chưa rõ hình hài. Cuộc chiến này phụ thuộc vào gương sáng của lãnh đạo và sự tập trung quyền lực tuyệt đối.
Hai là, đổi mới chế độ chính trị sẽ là tất yếu nhưng không phải ở Đại hội 13 tới đây, nhưng mỗi sự thay đổi đột phá, tiến bộ theo hướng dân chủ đáp ứng đòi hỏi của nhân dân đều được ghi nhận.
Cũng như quan điểm của PGS.TS Phạm Quý Thọ, tôi cho rằng, hiện thực của cái “lồng thể chế” là chưa rõ hình hài, thậm chí, nó đã chính thức bị ép chết non từ thời điểm ĐCSVN ra Quy định 102 về cấm những gì mà Đảng viên không được làm, trong đó có hai yếu tố là thể chế xã hội dân sự và tam quyền phân lập. Cái nhìn của ông Tổng Bí thư, dù có kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch nước, hay thậm chí ông từng gợi mở về một cái “lồng” để “nhốt quyền lực”, thì cái lồng đó (hay tư duy về quản lý) của ông Trọng vẫn là tư duy trong đảng, kỷ luật trong đảng và luật pháp trong đảng. Và hệ tư duy kiểu này được thiết lập trên cơ sở quy tụ quyền lực càng nhiều càng tốt hơn, để sử dụng nó như yếu tố nhằm xử lý tốt các vấn đề nằm trong tổ chức, từ đó quyền lực càng tuyệt đối, thì càng được coi là quyết định sống còn đến khâu “xử lý, kỷ luật, đốt lò”. Chính điều này đã khiến cái “lồng lập pháp” (hay lồng thể chế) bị bóp chết, thay vào đó là cái “lồng kỷ luật đảng” được thành hình, mà “lồng kỷ luật đảng” chưa bao giờ được xem là đủ rộng về phạm vi, và đủ mạnh để quản lý các vấn đề phát sinh như “lồng cơ chế”.
“Lồng của ông Nguyễn Phú Trọng” sau một thời gian tiến hành đốt lò đã hình thành một quy trình phụ thuộc như TS Phạm Quý Thọ chỉ ra, đó là “phụ thuộc vào gương sáng, và sự tập trung quyền lực tuyệt đối”. Nó đồng thời cho thấy rằng, cả hai yếu tố trên sẽ không duy trì lâu dài các thành quả của cuộc chiến đốt lò, hay nói đúng hơn, đốt lò chắc chắn mang tính giai đoạn, và mầm mống tham nhũng sẽ nổi lên lại sau ĐH 13 với phạm vi lớn hơn, tính phức tạp và tinh vi cao hơn.
Thứ hai, đổi mới chính trị là tất yếu, nhưng chính xác nó là tiến trình, xuất phát cơ bản từ “đòi hỏi của nhân dân”. Nếu không phải là từ ĐH 13 như TS Thọ nhận định, thì nó buộc phải là ĐH 14. Cơ sở để nhận định như thế xuất phát từ tính hữu hạn trong chiến dịch đốt lò, và qua một nhiệm kỳ mới, tính chất “kỷ luật đảng” được thiết lập từ thời ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị đẩy nhanh hao mòn, xuất phát từ chính những lợi ích nhóm len lỏi trở lại, tinh vi và đối phó với các quy định trong đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng sẽ ngăn chặn được tham nhũng và sự thoái hóa – biến chất trong đảng. Cao hơn nữa, yếu tố “tấm gương sáng” dường như là một câu trả lời khó cho đội ngũ kế cận vào ĐH 14, khi mà ông Nguyễn Phú Trọng có thể đã mất đi, và không còn điều hướng được đội ngũ của mình, và trên gương mặt chính trị có thể tiệm cận vào đội hình Bộ Chính trị, vẫn chưa thấy ai đủ sáng và đủ gương mẫu.
Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, những thành phần từng được coi là “sáng, trẻ, gương mẫu”, từng đạt vị trí ủy viên Bộ Chính trị trong kỳ ĐH trước thì giờ đây lại là những kẻ phạm tội, có sân sau… Vấn đề của cơ chế hiện tại chính là không ai đủ sáng, chỉ có quyền lực có đủ tuyệt đối đến mức chưa đủ để lột trần vai diễn chính trị và những sai phạm liên quan hay không. Ngoài ra, yêu cầu và đòi hỏi của người dân tiếp tục gia tăng dựa trên nhận thức quyền, và những trò phi lý mang tính áp đặt từ chủ trương – chính sách nhà nước (thuế phí) đang làm gia tăng khoảng cách niềm tin của người dân đối với đảng cầm quyền cũng như tiếp tục tạo áp lực lớn trong đòi hỏi cải tổ toàn diện hệ thống chính trị của quốc gia.
Khi ông Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề, “vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào?…”. Thực chất, đây là câu hỏi gợi mở mà chính bản thân ông Trọng còn không thể hình dung, và sẽ rất khó hình dung khi mà các lực cản mạnh nhất liên quan đến “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”, “san sẻ lợi ích chính trị tư” vẫn đã và đang tồn tại như một căn cốt nằm trong cơ chế. Và chính bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, như cách ông biểu hiện từ khi nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư hiện nay, là ông thiếu cái gọi là “cảm quan chính trị”, ông không hiểu được bản chất nền kinh tế trong nước liên đới trực tiếp đến khả năng cải tổ chính trị, và ngược lại, cải tổ chính trị giúp thúc đẩy thịnh vượng kinh tế.
Thiếu “cảm quan chính trị” khiến ông Trọng vẫn đặt bản thân ông vào trong sự dè dặt, ngay cả khi đề cập đối “đổi mới chính trị, cải tổ chính trị”. Và thiếu yếu tố trên cũng khiến ông Trọng đưa tư duy chính trị của mình vào trong một khuôn khổ rất chật hẹp, với quan điểm bày biện rằng, chỉ cần phát động phong trào chống tham nhũng thì đó chính là đổi mới chính trị. Đặt trong bối cảnh quốc tế hiện tại – nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, thiếu “cảm quan chính trị” có thể khiến ông Nguyễn Phú Trọng tạo nên niềm tin giữa chừng, nhưng không ngăn nổi tiến trình tồi tệ hóa của thể chế, đánh mất đi cơ hội để cải tổ chính trị, và tạo ra một vết nứt cho sự sụp đổ của thể chế trong tương lai.
Hãy nhớ, ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố “về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng – một Giáo sư trong lĩnh vực xây dựng đảng đã quên rằng, Đông Đức (Cộng sản) sụp đổ, không phải vì bức tường, mà vì nước cộng sản này đã “cải tổ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế”.
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã “cải tổ qua vụ việc chính trị” dưới hình thức “chiến dịch đốt lò”, tương tự như giai đoạn cuối cùng của Đông Đức. Do vậy, dù làm tốt vai trò “chống tham nhũng” trong giai đoạn tuyệt đối hóa cầm quyền, nhưng ông Tổng Bí thư Trọng không phải là nhân tố giải quyết tốt các yếu tố mang tính lâu dài của quốc gia, dân tộc, ông chưa bước qua được yếu tố “khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng” về cải tổ chính trị toàn diện để thúc đẩy sự cầm quyền chính đảng và nền kinh tế quốc gia đi lên.
A.V.
VNTB gửi BVN