Xin cảm ơn Quốc hội!

ĐBQH nghiên cứu tài liệu lần cuối trước khi bấm nút biểu quyết về dự án đường sắt cao tốc

ĐBQH nghiên cứu tài liệu lần cuối trước khi bấm nút biểu quyết về dự án đường sắt cao tốc

Đây là lần thứ ba tôi viết bài này, vì hai lần trước vừa mới bắt đầu thì… mất điện!

Tôi theo dõi thường xuyên mọi diễn biến của các kỳ họp của Quốc hội. Trong kỳ họp vừa rồi, sau khi có kết quả “bấm nút” của các Đại Biểu Quốc Hội (ĐBQH) ở phiên họp cuối cùng, tôi đã sung sướng đến mức gần như trào nước mắt. Chưa bao giờ tôi có cảm giác đó trong hàng chục lần theo dõi các kỳ họp Quốc hội trước đây. Bởi, lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến ĐBQH đã nghe dân, đã vượt qua chính mình khi nghĩ suy về vận mệnh của giang sơn, Tổ quốc; đã bất chấp ai đó, bất chấp lợi ích nhóm của những người cho rằng “không thể không làm đường sắt cao tốc” để trung thực, minh bạch trong cách nghĩ mới mẻ là thực sự vì dân, do dân và của dân…

208 ĐBQH (trong tổng số 427 có mặt) đã không đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc xây dựng đường sắt cao tốc. Với tỷ lệ 208 không đồng ý/185 đồng ý/34 không biểu quyết, Quốc hội đã bác dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là niềm vui lớn đến tột cùng của tôi và tôi rất tin rằng đó cũng là hạnh phúc của hàng triệu triệu người Việt Nam yêu nước.

Tôi hình dung sự vật vã, trăn trở của các Đại biểu. Ai cũng biết rõ trong thời kỹ thuật số, Đại biểu nào không đồng ý (phiếu trắng hay phiếu phủ quyết cũng vậy thôi), đều sẽ bị để ý vì đã không “chấp hành” cái gọi là “nghị quyết bất thành văn” của một nhóm người luôn thậm xưng là đại diện cho hơn 3 triệu đảng viên; thậm chí tự xem là có quyền thay mặt cho 90 triệu con người (!). Trước khi Quốc hội “bấm nút”, được nghe ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói như ra lệnh cho Quốc hội rằng phải làm ĐSCT, tôi đã buồn hết biết. Cách nói ấy là kiểu lập lờ rằng con người “không thể không ăn” như một nhà báo nào đó đã ví von. Nó là tai họa của hàng chục năm nay, vì đã biến Quốc hội thành phương tiện – nơi hợp thức hóa vô số việc làm sai trái phục vụ cho những ý đồ đen tối của lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền lực của những Người Đại Biểu Nhân Dân chân chính.

Lần đầu tiên người dân cả nước được vỡ òa trong niềm hạnh phúc tột cùng của sự thật. Khó có thể diễn tả niềm biết ơn của một công dân đối với quyết định sáng suốt, dũng cảm của các Đại biểu. Xin nhấn mạnh rằng, tôi tin là ngay cả một số người dù bấm nút thuận, nhưng trong họ cũng day dứt ngập tràn vì chưa đủ dũng khí để chống lại cái sai, để thắng được nỗi sợ sự trả thù của cái muôn hình từ quyền lực.

Ngày 19.6 sẽ đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như là một ngày trọng đại. Hàng năm, tôi sẽ tự mình kỷ niệm Ngày của niềm tin trở lại; Ngày của ánh sáng cuối đường hầm tăm tối và dốt nát, tham lam và thiển cận; Ngày của sự thức tỉnh lương tri; Ngày mà mỗi Đại biểu Quốc hội hiểu rõ chân lý giản dị “quân tử cậy mình mà thành, tiểu nhân cậy người mới thành”; Ngày của sự chiến thắng phi thường của Dư luận và Sự thật, vì suốt 65 năm qua, chưa bao giờ người dân được chứng kiến một lần Quốc hội nghe theo và bảo vệ quyền lợi của dân.

Tôi hình dung và dường như đã thấy tận mắt sự thay đổi của một cách nghĩ để dẫn đến cách hành động hoàn toàn mới mẻ. Ngày 19.6 là bước đi đầu tiên của sự thật và chân lý trên mặt trăng của hàng chục năm tuân thủ mù lòa.

Rất mong Quốc hội phát huy tinh thần ấy một cách mạnh mẽ hơn nữa vì hàng triệu người còn đói khổ, hàng triệu mảnh đời đang lầm lũi, khó khăn.

Còn gì hạnh phúc hơn khi dân tộc Việt Nam được ngẩng cao đầu tự tin trong thế giới liên tục đua tranh? Muốn được như thế và để xứng đáng như thế, người Việt Nam phải thay đổi. Nói đến cụm từ “người Việt Nam” chỉ là cách nói chung chung thôi chứ thực ra, chỉ có sự thay đổi từ quyền lực cao nhất mới thay đổi được đất nước. Người dân cần Quốc hội tiếp tục chứng tỏ sức mạnh thật sự của mình theo tinh thần 19.6. Đó là quyền lực mà 90 triệu con người đã gửi gắm và mong đợi.

Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn là tên một bộ phim rất hay thời bao cấp. Con đường đấu tranh để có một Chính phủ thực sự của dân, do dân và vì dân còn gian nan lắm. Lời tuyên bố của Abraham Lincoln từ cách đây hàng trăm năm (tại Nghĩa trang Quốc gia Gettysburg, ngày 19.9.1863) rằng “chính phủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” sẽ tồn tại mãi mãi trên trái đất này không chỉ là lời kêu gọi mà còn là lời thề của mỗi con người khi khẳng định, đoan quyết lý do họ có mặt trên trái đất này!

Một lần nữa xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Đại Biểu Quốc Hội đã phủ quyết dự án tức cười nhất trong lịch sử đương đại của dân tộc Việt Nam là dự án ĐSCT, hay còn gọi là sự kiếm chác với tốc độ cao tốc (!).

HVT

Huế, 21.6.2010

HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in quốc hội, xây dựng. Bookmark the permalink.